(Baothanhhoa.vn) - Cùng với sự phát triển của công nghệ số, các nền tảng xã hội đã trở thành công cụ hữu ích, phương tiện kết nối không giới hạn của người sản xuất, kinh doanh với người tiêu dùng. Tận dụng tính năng này, nhiều tổ chức, cá nhân đã khai thác, sử dụng các tài khoản cá nhân để thực hiện livestream (phát trực tiếp) bán hàng trên nền tảng số, nhất là trên facebook, tiktok hay instagram...

Nở rộ hình thức livestream bán hàng

Cùng với sự phát triển của công nghệ số, các nền tảng xã hội đã trở thành công cụ hữu ích, phương tiện kết nối không giới hạn của người sản xuất, kinh doanh với người tiêu dùng. Tận dụng tính năng này, nhiều tổ chức, cá nhân đã khai thác, sử dụng các tài khoản cá nhân để thực hiện livestream (phát trực tiếp) bán hàng trên nền tảng số, nhất là trên facebook, tiktok hay instagram...

Nở rộ hình thức livestream bán hàngMột buổi livestream bán hàng của chị Lê Thiều Thùy Linh, phường Đông Hải (TP Thanh Hóa).

Không mất quá nhiều kinh phí để mở cửa hàng kinh doanh quần áo trẻ em, chị Lê Thiều Thùy Linh, phường Đông Hải (TP Thanh Hóa) đã tận dụng những ưu việt của công nghệ số và các tính năng của điện thoại thông minh để tổ chức những phiên bán hàng trực tiếp. Điều đáng chú ý là mỗi phiên bán hàng có thể tiêu thụ hàng chục thậm chí hàng trăm sản phẩm. Chị Thùy Linh cho biết: "Thời gian gần đây việc bán hàng qua mạng internet nhất là livestream trở thành kênh thương mại hữu hiệu. Không chỉ giúp người bán chủ động về thời gian, địa điểm mà còn có thể tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn. Do đó, mặc dù kinh doanh quần áo trẻ em không phải là công việc chính của tôi, song để tăng thêm thu nhập tôi đã nhập hàng, sử dụng các livestream và nền tảng số để phát triển nghề tay trái. Để thu hút được khán giả xem, mua hàng ngoài việc hàng hóa bảo đảm chất lượng, người bán hàng cần chú trọng xây dựng kênh, tạo uy tín và hình ảnh với khách hàng. Ngoài ra, để buổi livestream đạt hiệu quả thì người live phải ăn nói lưu loát, có khả năng thuyết phục, tư vấn chính xác cho người tiêu dùng”.

Là quản lý cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản, đặc sản tại phường Phú Sơn (TP Thanh Hóa), gần 1 năm nay, chị Thanh Tịnh cũng tìm đến hình thức livestream để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tăng doanh thu và lợi nhuận. Chúng tôi đến cửa hàng khi phiên bán hàng của chị vừa kết thúc, chị Tịnh cho biết: Live giúp việc bán hàng trở nên số hóa và mở rộng hơn so với hình thức bán hàng truyền thống. Việc livestream có nhiều ưu điểm như: Giúp tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn; không bị giới hạn bởi địa điểm, khoảng cách địa lý và thời gian; tiết kiệm được rất nhiều chi phí như: thuê mặt bằng, nhân công, chi phí bán hàng từ đó giá thành sản phẩm giảm, cả người mua và người bán đều có lợi. Nhờ việc livestream mà cửa hàng có nhiều khách hàng hơn, sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trên khắp các tỉnh thành phố trong cả nước, thậm chí gửi ra nước ngoài. Cao điểm, có ngày cửa hàng có cả trăm đơn hàng - đây là điều mà kinh doanh truyền thống khó có thể làm được.

Khảo sát trên facebook, tiktok, shopee... nhận thấy, quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng... là những mặt hàng được nhiều người lựa chọn livestream bán hàng nhất. Trong đó, nhiều cửa hàng, chuỗi cửa hàng nổi tiếng như Yody, TokyoLife cũng sử dụng livestream như một cách quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu của mình. Theo chia sẻ của một số kênh, người bán hàng trực tiếp thì để thu hút được nhiều người xem, mua và chia sẻ không chỉ cần sản phẩm tốt, người live cuốn hút mà còn cần chọn thời điểm “vàng” để live. Thông thường, trên nền tảng xã hội, các khung từ 6-8 giờ, 11-13 giờ, 19-21 giờ, 22-0 giờ là thời điểm livestream bán hàng hoạt động mạnh nhất, số lượng người xem đông nhất.

Theo một thống kê xã hội mới đây, trung bình mỗi ngày, Việt Nam có khoảng 70 đến 80 nghìn phiên livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Trong livestream, người bán có thể trực tiếp giải đáp thắc mắc của khách hàng, không bị giới hạn về khoảng cách, nên có thể mở rộng nhóm khách hàng tiềm năng. Người mua cũng có thể quan sát, theo dõi sản phẩm ở trạng thái “động”, chân thực hơn. Tuy nhiên, bán hàng online đòi hỏi người bán phải đặc biệt chú trọng vào chất lượng sản phẩm để duy trì niềm tin với người tiêu dùng. Chị Hoàng Anh, phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa), cho biết, thông qua các livestream khách hàng có thể lựa chọn, tìm kiếm được nhiều mặt hàng phù hợp với giá cả hợp lý. Bởi lẽ không tốn quá nhiều chi phí cho kinh doanh, người bán đã đưa ra mức giá hợp lý thì các nền tảng mạng xã hội như tiktok, shopee... đều có các hình thức trợ giá, hỗ trợ vận chuyển cho khách hàng. Ngoài ra, chính sách đổi trả hàng cũng được các shop, người live chú trọng. Điều quan trọng để trở thành người mua hàng qua livestream thông thái chính là lựa chọn được kênh, người bán uy tín.

Bên cạnh những ưu điểm, hình thức bán hàng livestream cũng tiềm ẩn những tồn tại, mặt trái cần được kiểm soát chặt chẽ. Nhiều loại hàng hóa kém chất lượng cũng dễ dàng được bán qua kênh này. Một số người bán hàng cũng thổi phồng công năng hàng hóa, hoặc quảng bá một sản phẩm nhưng gửi bán một sản phẩm khác chất lượng kém. Chưa kể, nhiều hoạt động bán hàng qua mạng Internet hiện nay đều không khai doanh thu trung thực để tránh nghĩa vụ nộp thuế...

Nhận thức rõ thực trạng, thách thức và tiềm năng mở rộng của loại livestream bán hàng, bên cạnh việc theo dõi sát diễn biến giá cả, hàng hóa trên thị trường, tăng cường công tác trinh sát, nắm bắt nguồn tin, xây dựng phương án kiểm tra tại các địa bàn, thị trường kinh doanh thương mại truyền thống thì Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa cũng đẩy mạnh các hoạt động quản lý kinh doanh qua các nền tảng số. Theo đó, đơn vị đã tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh tại các kho hàng, chuỗi cửa hàng kinh doanh theo hệ thống, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn có sử dụng các trang thương mại điện tử (TMĐT), ứng dụng TMĐT, các trang mạng xã hội để kinh doanh, đặc biệt là livestream trên mạng facebook, giao dịch thông qua các ứng dụng trên điện thoại như zalo, viber... và giao trách nhiệm cụ thể cho từng kiểm soát viên phụ trách địa bàn nhằm kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại.

Bài và ảnh: Lê Thanh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]