(Baothanhhoa.vn) - Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo điều kiện để người khuyết tật (NKT) được học nghề, có việc làm; mở ra hy vọng về một cuộc sống ổn định, giảm bớt sự phụ thuộc cho gia đình và xã hội, giúp NKT tự tin hòa nhập cộng đồng.

Nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18-4): Thắp lên hy vọng để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo điều kiện để người khuyết tật (NKT) được học nghề, có việc làm; mở ra hy vọng về một cuộc sống ổn định, giảm bớt sự phụ thuộc cho gia đình và xã hội, giúp NKT tự tin hòa nhập cộng đồng.

Nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18-4): Thắp lên hy vọng để người khuyết tật hòa nhập cộng đồngHội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam hỗ trợ bò, bê sinh sản cho người khuyết tật trên địa bàn huyện Như Xuân.

Khơi dậy ý chí vươn lên

Là đối tượng khuyết tật vận động, đời sống gia đình khó khăn, năm 2020, anh Nguyễn Văn Thuận, xã Hóa Quỳ (Như Xuân) được Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi (BTNKT&TMC) Việt Nam hỗ trợ 1 con bò sinh sản trị giá trên 10 triệu đồng. Nhờ nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc tốt nên bò của gia đình anh Thuận sinh trưởng thêm được 3 con bê (mỗi con bán được 7 triệu đồng). Từ số tiền này, anh đã đầu tư mua thêm 1 con trâu, vừa lấy sức kéo, vừa sinh sản. Nhờ chính sách hỗ trợ thiết thực của Nhà nước trong phát triển chăn nuôi trâu, bò đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp gia đình anh Thuận thoát nghèo.

Làm nón lá đã khó, làm nón từ đôi tay tật nguyền lại càng khó khăn hơn, nhưng với sự kiên trì, nghị lực vươn lên, chị Lê Thị Lài, làng Thành Liên và chị Nguyễn Thị Thắng, làng Yên Trung, xã Trường Sơn (Nông Cống) đã có thêm thu nhập từ nghề này. Chị Thắng chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, tôi được hỗ trợ tham gia lớp học nghề khâu nón lá. Ban đầu, công việc không hề dễ dàng khiến không ít lần tôi nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Không ít lần tôi đi nhặt những chiếc nón lá đã rách nát, những cây kim đã bị gãy ngọn, sau đó mang về tập khâu. Tay run rẩy cầm kim còn không chặt, đâm vào tay chảy máu là chuyện bình thường. Nhưng làm nhiều, cố gắng nhiều sẽ thành thói quen và kỹ năng. May nón lá cũng phải cần đến chữ “nhẫn” mới thành công được". Chính sự nỗ lực, cố gắng của các chị nên đã được đền đáp xứng đáng, đến nay chị Thắng, chị Lai đều có thu nhập từ 2 đến 2,5 triệu đồng/tháng từ nghề khâu nón.

Từ khi sinh ra, may mắn đã không mỉm cười với chị Nguyễn Thị Hằng, xã Quý Lộc (Yên Định), chị không thể nói năng như người bình thường. Vì khiếm khuyết ấy mà chị Hằng luôn sống khép mình. Trong tư tưởng chị cho rằng mình là “người ăn bám”. Và, để thay đổi điều đó, chị Hằng đã vượt qua mọi rào cản để tham gia các lớp học nghề do địa phương tổ chức. Năm 2015, chị xin vào làm nhân viên một công ty may tư nhân đóng trên địa bàn huyện Yên Định và được phân công vào tổ hoàn thành, chuyên gấp xếp áo quần. Với sự cẩn thận, nhanh nhẹn, khéo léo, chị Hằng làm việc rất hiệu quả nên thu nhập của chị luôn nằm ở tốp đầu trong tổ. Chị Hằng chia sẻ: “Trước đây, tôi vẫn cho rằng mình là người bất hạnh. Song, từ lúc đi làm, tôi nhận ra bản thân mình may mắn hơn rất nhiều người. Vì thế, tôi luôn nỗ lực gấp đôi trong công việc và cuộc sống”.

Qua câu chuyện của những mảnh đời kém may mắn, có thể thấy công tác đào tạo nghề, tạo việc làm đóng vai trò rất quan trọng, giúp NKT vượt lên số phận, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Nhờ có nghề mà nhiều NKT không chỉ nuôi sống bản thân mà còn lo được cho gia đình, giúp đỡ mọi người. Họ đã trở thành nguồn cảm hứng, mục tiêu phấn đấu của những người đồng cảnh ngộ.

Trao niềm tin cho người khuyết tật

Theo số liệu thống kê, hiện toàn tỉnh có gần 220 nghìn NKT, với phương châm xã hội hóa công tác chăm sóc và trợ giúp NKT, hội BTNKT&TMC các cấp trên địa bàn tỉnh phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia công tác từ thiện, nhân đạo. Cụ thể, trong 5 năm (2017-2022), toàn tỉnh đã vận động được hơn 82,47 tỷ đồng (bằng tiền và hiện vật quy ra tiền) ủng hộ quỹ NKT. Từ nguồn quỹ trên, các cấp hội trong tỉnh đã có những hoạt động ý nghĩa nhằm thắp lên niềm tin hy vọng cho NKT, như: khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí, phẫu thuật tim bẩm sinh, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, thay thủy tinh thể; cấp xe lăn, xe lắc; xây mới và sửa chữa nhà tình thương, nhà đại đoàn kết… Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và lòng nhân ái của những người hảo tâm, cộng đồng xã hội chính là niềm động viên, an ủi, khuyến khích NKT vượt qua mặc cảm, tự ti, vơi bớt đi một phần tủi phận, giảm bớt đi một phần gánh nặng, khó khăn trong cuộc sống. Đến nay, 100% NKT trên địa bàn tỉnh được hưởng trợ cấp xã hội. Vào các ngày lễ, tết, nhất là dịp Tết Nguyên đán, Ngày Quốc tế NKT (3-12) và Ngày NKT Việt Nam (18-4) hàng năm, NKT đều được các tổ chức xã hội và cá nhân các nhà hảo tâm đến thăm hỏi và tặng quà.

Ngoài các hoạt động kể trên, xác định tầm quan trọng của công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT, hàng năm Hội BTNKT&TMC tỉnh đã tập trung khảo sát nhu cầu học nghề của NKT và đã chọn những nghề phù hợp với dạng tật của NKT. Trên cơ sở đó, Hội BTNKT&TMC tỉnh xây dựng kế hoạch, báo cáo các cấp thẩm quyền và vận động các công ty, doanh nghiệp, HTX, làng nghề truyền thống tại các địa phương mở các lớp dạy nghề cho NKT theo phương pháp cầm tay chỉ việc. Những học viên sau khi kết thúc khóa học đều được bố trí việc làm và được tạo điều kiện tiêu thụ những sản phẩm do họ làm ra. Đặc biệt, xác định chương trình dạy nghề cho NKT phải đảm bảo được 3 mục tiêu đó là “có nghề, có việc làm, có thu nhập”, Thường trực Tỉnh hội đã phối hợp với các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, cơ sở dạy nghề tổ chức dạy nghề cho 2.924 NKT, các nghề chủ yếu, gồm: may công nghiệp, may dân dụng, điện dân dụng, chế biến cói, mây tre đan, may nón lá, làm chổi đót, chế tác tranh gạo rang, làm hoa bất tử, nuôi ong mật…; tư vấn và bố trí việc làm cho 3.700 NKT. Ngoài ra, hưởng ứng phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội, Tỉnh hội đã triển khai các hoạt động sinh kế cho NKT và gia đình có NKT, cụ thể: chương trình bò vàng sinh kế hỗ trợ 320 con bò giống sinh sản; hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn, dê và gia súc; phát động phong trào khởi nghiệp cho NKT; phối hợp tổ chức VCCI và Hội Doanh nghiệp trẻ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý và phát triển nghề nghiệp… Một số huyện đã chủ động, sáng tạo, có cách làm mang lại hiệu quả cho NKT và gia đình NKT như các huyện Nông Cống, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Quan Hóa, Bá Thước, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn, TP Sầm Sơn, TP Thanh Hóa...

Bảo vệ, chăm sóc và tạo điều kiện cho NKT vươn lên trong cuộc sống là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho NKT chưa thực sự hiệu quả, tỷ lệ NKT thất nghiệp vẫn còn cao… Đây chính là những “rào cản” làm hạn chế khả năng cũng như sự hòa nhập cộng đồng của NKT. Để giúp NKT vượt qua mặc cảm, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng, thiết nghĩ, các cấp, ngành, đơn vị liên quan cần có nhiều cơ chế, chính sách ý nghĩa, thiết thực hơn tạo điều kiện cho NKT học nghề; tiếp sức cho NKT có ý tưởng mở cơ sở sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, cần phát huy cao hơn nữa vai trò của hội, đoàn thể, tổ chức, cá nhân trong cung cấp thông tin nghề nghiệp cho NKT; hỗ trợ người sử dụng lao động nhận NKT vào làm việc... Bên cạnh sự đồng hành của Nhà nước, các cấp chính quyền thì bản thân NKT cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết; chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường lao động để nắm bắt cơ hội việc làm, ổn định cuộc sống cho bản thân và gia đình.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]