(Baothanhhoa.vn) - Từ những mảnh đất khô cằn, manh mún, nhỏ lẻ trước đây, trên dải đất vùng cao Mường Lát đã hiện hữu một màu xanh của bạt ngàn quế, sắn... đem đến hy vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong tương lai.

Để Mường Lát sớm thoát khỏi huyện nghèo

Từ những mảnh đất khô cằn, manh mún, nhỏ lẻ trước đây, trên dải đất vùng cao Mường Lát đã hiện hữu một màu xanh của bạt ngàn quế, sắn... đem đến hy vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong tương lai.

Để Mường Lát sớm thoát khỏi huyện nghèoĐồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 1729 cùng cán bộ, chiến sĩ biên phòng và người dân tham gia trồng cây trên địa bàn xã Trung Lý, Mường Lát. Ảnh: Quốc Hương

Manh nha những mô hình sản xuất tập trung

Trung tuần tháng 4, băng qua những con đường ngoằn nghèo, uốn lượn chúng tôi đến “cổng trời” Mường Lát khi cơn mưa phùn giăng kín khiến bầu trời lúc chìm lấp trong mây, lúc mập mờ trong sương núi. Vượt qua “cổng trời” khoảng 15km, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển huyện Mường Lát (Ban Chỉ đạo 1729) của Tỉnh ủy do đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 1729 của Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã đến được xã Trung Lý. Tại đây, đoàn đến thăm, khảo sát mô hình trồng quế ở bản Khằm 2 hiện có khoảng 20 hộ tham gia, với diện tích 20 ha. Chủ tịch UBND xã Ngân Văn Lon cho biết: Dù cây quế mới được đưa vào trồng thử nghiệm nhưng đã phát triển khá tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Thời gian tới địa phương đang khuyến khích bà con tiếp tục nhân rộng diện tích trồng quế nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập.

Rời Trung Lý, đoàn đến thăm, khảo sát mô hình trồng sắn và trao tặng con giống (gà, dê) cho các hộ gia đình ở xã Mường Lý; thăm, khảo sát vùng trồng quế và khu tái định cư tại bản Ón, xã Tam Chung. Tại đây, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vận động Nhân dân thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với Mường Lát là tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, đốt rừng để làm nương rẫy. Cùng với đó, việc phát triển rừng cần tập trung vào những loại cây đã được xác định trong Nghị quyết số 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cây bản địa, cây có giá trị kinh tế như trẩu, quế... Bảo vệ vững chắc diện tích đất trồng lúa nước và mở rộng diện tích nếu có; đồng thời đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất, đưa giống mới vào sản xuất; kết hợp sản xuất các loại cây lương thực khác trên địa bàn như ngô, sắn... để đảm bảo anh ninh lương thực tại chỗ trên địa bàn.

Theo báo cáo của huyện Mường Lát, năm 2022 huyện trồng được 1.212 ha sắn, năng suất đạt 141 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 17.000 tấn. Năm 2023, huyện dự kiến trồng khoảng 1.000 ha sắn, sản lượng ước đạt khoảng 16.000 tấn... Đặc biệt, trên địa bàn hiện đã có Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh cam kết thu mua cho người dân. Đây là cơ hội để huyện mở rộng diện tích trồng sắn gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm.

Từ thực tế trên, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu huyện Mường Lát phải tập trung để phát triển vùng trồng sắn với diện tích khoảng 2.500 ha trở lên theo hướng tập trung quy mô lớn, gắn với đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất và liên kết chế biến, bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, phải xây dựng được sự gắn bó giữa ba nhà, gồm: Nhà nước, nhà nông và doanh nghiệp. Trong đó, Nhà nước, mà trực tiếp là cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện phải xác định rõ diện tích, vị trí vùng nguyên liệu sắn, có quy hoạch cụ thể, rõ ràng để các xã, thôn, bản chỉ đạo, hướng dẫn người dân trồng; theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn người dân thực hiện đúng nguyên tắc hợp đồng ký kết với doanh nghiệp. Đối với người nông dân, cần nhận thức rõ lợi ích của trồng cây sắn trên địa bàn khi đây là loại cây phát triển tốt ở vùng đất này, có năng suất, có đầu ra ổn định, thu nhập cũng khá so với loại cây trồng khác. Đồng thời phải trồng sắn theo quy hoạch đất đai và cây trồng đã được xã, huyện thông báo. Thực hiện nghiêm túc hợp đồng trồng sắn đã ký với doanh nghiệp; trong đó điều quan trọng nhất là cam kết thực hiện đúng hợp đồng bán sắn cho doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, phải có chính sách cam kết về giá, bao tiêu sản phẩm và hỗ trợ người dân trong việc trồng và chăm sóc sắn.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định: Có doanh nghiệp đồng hành cùng huyện, cùng bà con nông dân trồng sắn là cơ hội tốt để Mường Lát chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất gắn với chế biến, ổn định đầu ra của sản phẩm và là điều kiện để phát triển nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, gắn với chế biến... Do đó, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Lát cần tập trung chỉ đạo bằng được nhiệm vụ này.

Đối với các loại cây trồng như quế, trẩu và một số loại cây trồng khác, huyện Mường Lát phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện về sự phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, giá trị kinh tế để có kế hoạch phát triển sản xuất phù hợp.

Nghị quyết hợp lòng dân

Ngày 29-9-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ký ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu chung là tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu; đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, trọng tâm là phấn đấu đến năm 2030 huyện Mường Lát thoát khỏi huyện nghèo.

Để Mường Lát sớm thoát khỏi huyện nghèoĐồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 1729 cùng các thành viên đi thăm, khảo sát thực địa một số mô hình sản xuất nông nghiệp và trao tặng con giống cho các hộ gia đình ở xã Mường Lý.

Nhưng phát triển theo hướng nào cho đúng, trúng, phù hợp với thực tiễn, hợp với lòng dân, để người dân tham gia và có lãi là bài toán không hề dễ dàng. Bởi trên thực tế, Mường Lát là huyện miền núi cao, địa hình phức tạp, chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, nhiều nơi đất đai bạc màu. Trước đây đã từng có nhiều mô hình được xây dựng nhưng không duy trì được, mà nguyên nhân chủ yếu là do tính nhỏ lẻ, manh mún, chưa áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất, chưa chú ý đến khâu tiêu thụ. Ngoài ra, cũng do tư duy, tập quán sản xuất của người dân ở đây còn lạc hậu, chậm đổi mới. Để nghị quyết đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả, Ban Chỉ đạo 1729 của Tỉnh ủy đã được thành lập do đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng ban chỉ đạo.

Từ khi được thành lập đến nay, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, ban chỉ đạo đã xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết, xây dựng kế hoạch triển khai nghị quyết và xây dựng các cơ chế, chính sách để trình HĐND tỉnh thông qua, tạo điều kiện cho Mường Lát có thêm các nguồn lực và điều kiện phát triển. Cùng với đó, ban chỉ đạo đã xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; giao các ngành liên quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình tham mưu hình thức và mức hỗ trợ trên từng lĩnh vực, đảm bảo đúng, trúng và phát huy hiệu quả, vừa có tính chất hỗ trợ vừa khơi dậy được tinh thần tự lực, tự cường của đảng bộ, chính quyền và đặc biệt là Nhân dân các dân tộc huyện Mường Lát.

Đồng thời, các cấp, ngành trên địa bàn huyện Mường Lát đã tích cực vào cuộc triển khai để đưa nghị quyết thấm sâu vào cuộc sống. Bí thư Huyện ủy Mường Lát Hà Văn Ca chia sẻ: Xác định được hướng đi đúng, trúng trên tinh thần của Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thời gian qua các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, chuyển biến hành vi của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhằm tập trung phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp, gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, huyện cũng xác định khâu “đột phá” để thực hiện nghị quyết thành công chính là thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Do đó, huyện đã phân công cán bộ phải gần dân, sát dân, đồng hành với người dân để tập trung chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung, chất lượng, phù hợp với điều kiện, tiềm năng, lợi thế của từng xã, thị trấn.

Tin rằng, với sự chỉ đạo sát sao của ban chỉ đạo cùng sự nỗ lực của các cấp, ngành trên địa bàn huyện Mường Lát, Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ thực sự thấm sâu vào đời sống, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, để từ đó sớm hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 huyện Mường Lát thoát khỏi huyện nghèo.

Bài và ảnh: Quốc Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]