(Baothanhhoa.vn) - Lâu nay khi nhắc đến chuyện khởi nghiệp, chúng ta chỉ nghĩ đến thanh niên - những con người có nhiều ý tưởng, tràn đầy năng lượng và sự đam mê. Tuy nhiên, những ông ngoại, ông nội doanh nhân trong bài viết sẽ khiến nhiều người ngỡ ngàng, thán phục vì tinh thần quyết tâm “gừng càng già càng cay” của mình.

Khởi nghiệp ở người “có tuổi”: Gừng càng già càng cay

Lâu nay khi nhắc đến chuyện khởi nghiệp, chúng ta chỉ nghĩ đến thanh niên - những con người có nhiều ý tưởng, tràn đầy năng lượng và sự đam mê. Tuy nhiên, những ông ngoại, ông nội doanh nhân trong bài viết sẽ khiến nhiều người ngỡ ngàng, thán phục vì tinh thần quyết tâm “gừng càng già càng cay” của mình.

Khởi nghiệp ở người “có tuổi”: Gừng càng già càng cayÔng Lê Văn Hoàn và mô hình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo của mình.

Năm 2023, khi đã bước sang tuổi 52, ông Lê Văn Hoàn, sinh năm 1971, ở thôn Xa Vệ, xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa) thành lập HTX sản xuất thương mại nông nghiệp Trường Xuân, chuyên kinh doanh dịch vụ cơ giới hóa đồng bộ nông nghiệp, trồng, chế biến một số sản phẩm nông nghiệp truyền thống, nông nghiệp công nghệ cao. Trước đó, năm 2019, ông Hoàn trở về quê hương sau hàng chục năm bôn ba và quyết định khởi nghiệp với nấm đông trùng hạ thảo. Dồn tất cả số vốn tích lũy suốt nhiều năm lăn lộn mưu sinh nơi đất khách, ông đầu tư xây dựng phòng nuôi cấy vô trùng và mua máy móc (tủ cấy vi sinh, lò hấp, máy sấy) phục vụ việc sản xuất nấm đông trùng hạ thảo. Đây được xem là một quyết định khá mạo hiểm đối với người đàn ông bước sang tuổi ngũ tuần này. Bởi điều đó đồng nghĩa với việc ông đang đặt cược toàn bộ khoản tiền “dưỡng già” của hai vợ chồng. Song, với sự quyết đoán của mình, người cựu chiến binh ấy vẫn mạnh dạn theo đuổi đam mê và tin rằng mình sẽ thành công.

Khởi nghiệp ở tuổi 50, ngoài lợi thế về vốn liếng, thì “tài sản giá trị” nhất mà ông Hoàn có chính là kinh nghiệm. Những trải nghiệm sau 3 năm làm việc cho một cơ sở nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo có liên kết với Đại học Đà Lạt đã giúp ông Hoàn rất nhiều trên con đường khởi nghiệp và xây dựng uy tín. “Mỗi lứa nấm từ khi bắt đầu nuôi cấy đến khi “thu hoạch” kéo dài khoảng 6 tháng, trong điều kiện phòng nuôi cấy đảm bảo tiêu chuẩn. Tỷ lệ thành công của mỗi "lứa” nấm ước đạt khoảng 85 - 90%... Về mặt kỹ thuật nuôi trồng, vì đã có sẵn kinh nghiệm nên tôi khá tự tin. Vì thế khi khởi nghiệp tôi chỉ cần tập trung vào khâu tìm kiếm, mở rộng mạng lưới khách hàng, chứ không còn mất thời gian vào việc hoàn thiện chất lượng cho sản phẩm nữa”, ông Hoàn bộc bạch.

Khởi nghiệp ở người “có tuổi”: Gừng càng già càng cayKhông chỉ làm kinh tế giỏi, cựu chiến binh Lê Văn Hoàn còn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương.

Những thất bại, va vấp khi còn trẻ đã giúp ông Hoàn đưa ra nhiều quyết định đúng đắn, ít rủi ro hơn khi khởi nghiệp. Theo lời ông Hoàn, cách đây tầm 5 - 7 năm, nấm đông trùng hạ thảo vẫn được ví là “thần dược”, cũng bởi lúc bấy giờ những mô hình nuôi cấy trong cả nước có rất ít nên giá thành đắt đỏ, chỉ người giàu mới có điều kiện sử dụng. Về quê một thời gian, mô hình đi vào ổn định thì dịch COVID-19 bùng phát. Nấm đông trùng hạ thảo với giá trị dinh dưỡng cao lại càng có giá trị, cung không đủ cầu.

Vài năm trở lại đây, nấm đông trùng hạ thảo được nhiều cơ sở nuôi cấy thành công, đồng nghĩa với sự cạnh tranh cũng lớn hơn. Vì thế, ông mở rộng kinh doanh sang mảng dược liệu. Nhập lá tràm tự nhiên từ tỉnh Thừa Thiên Huế, ông đầu tư máy móc sản xuất tinh dầu tràm nguyên chất, đây là hướng đi mới ở địa phương. Được biết, cả 2 sản phẩm: nấm đông trùng hạ thảo và tinh dầu tràm nguyên chất do ông Lê Văn Hoàn sản xuất đều đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để được công nhận là sản phẩm OCOP của huyện Hoằng Hóa.

Khởi nghiệp ở người “có tuổi”: Gừng càng già càng cayDầu tràm nguyên chất do ông Hoàn chưng cất, đóng gói.

Chưa dừng lại, trên khu đất rộng trên 1.000m2, ông Hoàn sản xuất mạ khay. Ngoài ra, HTX sản xuất thương mại nông nghiệp Trường Xuân cũng đầu tư thêm các loại máy nông nghiệp như: máy cày, máy cấy... sẵn sàng phục vụ bà con. Không chỉ dùng kinh nghiệm của bản thân để đưa ra thị trường các dịch vụ, sản phẩm cần thiết, ông Hoàn còn nhạy bén tìm hiểu thị trường, kết hợp với người có chuyên môn mày mò thêm công thức chế biến các sản phẩm khác từ dược liệu. Ông Hoàn chia sẻ: “Tôi đang nghiên cứu và chuẩn bị đưa ra thị trường sản phẩm dầu gội đầu, xịt dưỡng tóc từ các dược liệu tự nhiên. Sản phẩm đã và đang được nhiều đối tượng dùng thử nghiệm, khi có đủ kết quả và giấy tờ cần thiết, chúng tôi sẽ triển khai những kế hoạch quảng bá”.

Sau một thời gian ngắn khởi nghiệp, ông Hoàn gặt hái được những thành quả khá khả quan. Doanh thu mỗi năm, gia đình thu về khoảng 200 - 300 triệu đồng/năm. Số tiền này được “quay vòng” để đầu tư, nâng cấp nhà xưởng hiện đại hơn. Từ số vốn đầu tư hơn 500 triệu ban đầu, cơ sở sản xuất của ông đã có quy mô đầu tư lên đến hơn 2 tỷ đồng.

Ở bên kia Quốc lộ 1A, vùng đất Tiên Sơn xưa kia nay thuộc xã Hà Lĩnh (Hà Trung) cũng có một “ông già gân” như vậy. Đúng vào giai đoạn bùng phát dịch COVID-19 (10/2020), Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng do ông Nguyễn Hữu Lựu, sinh năm 1976, làm giám đốc đã khởi công xây dựng nhà máy xay chế biến lúa gạo có diện tích 7.700m2 tại xã Hà Long (Hà Trung) với kinh phí 20 tỷ đồng. Nhà máy có dây chuyền xay xát hiện đại RS25P với công suất gần 10.000 tấn/năm; dây chuyền hoàn toàn tự động và bán tự động, từ khâu sấy lúa tươi, bảo quản, chế biến đến đóng gói thành phẩm. “Gần 2 năm nhà máy đi vào hoạt động đã tăng sản lượng gạo lên gấp 3 - 4 lần so với trước kia. Điều này giúp công ty đẩy mạnh sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm tốt hơn”.

Khởi nghiệp ở người “có tuổi”: Gừng càng già càng cayÔng Lựu giới thiệu cơ sở chế biến mới đi vào hoạt động với các lãnh đạo địa phương đến tham quan.

Trở về câu chuyện cách đây khoảng chục năm, khi đó ông Lựu ngót 40 tuổi, trong một chuyến buôn nông sản đã lỗ nặng vì hàng hóa bị chê kém chất lượng. Nguyên nhân là do cơ sở chế biến, bảo quản chưa phát triển, khiến nông sản thường xuyên bị hư hỏng, mất giá. Nhận thấy, làm nông nghiệp rủi ro nhiều mà lãi lời ít, nếu không liên kết và gắn bó chặt chẽ với người nông dân thì chắc chắn thất bại..., ông Lựu đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, đứng ra liên kết với bà con nông dân cải tạo đồng đất quê hương, mở rộng, phát triển vùng chuyên canh lớn, lấy cây lúa là cây trồng chủ đạo. Mục tiêu của ông ban đầu là khôi phục bằng được giống lúa nếp cái hoa vàng trên đất quê hương - giống nếp được lưu giữ và phát triển từ thời xa xưa, thường được dùng để tiến vua, nấu xôi, làm các loại bánh. Sau nhiều năm cố gắng, năm 2009, giống nếp cái hoa vàng đặc sản tại xã Hà Long được khôi phục.

Đầu năm 2010, ông quyết định thành lập Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng, tiếp tục xây dựng thương hiệu, bảo hộ độc quyền nhãn hiệu sản phẩm gạo nếp hạt cau Tiên Sơn Hà Lĩnh và nay sản phẩm đã đạt OCOP 4 sao, diện tích cũng được mở rộng lên 150 ha. Cùng với đó, công ty cho ra đời sản phẩm gạo Tiên Sơn số 3, sản phẩm đạt tiêu chuẩn HACCP về kiểm soát an toàn thực phẩm và OCOP 3 sao. Ngoài ra, ông Lựu còn đưa nhiều giống lúa chất lượng cao vào gieo trồng trên đồng đất Hà Trung, như lúa ST24, ST25, Séng Cù. Đến nay, vùng nguyên liệu phục vụ chế biến gạo của Công ty Lựu Sướng lên tới gần 700 ha; trong đó, huyện Hà Trung có 400 ha, tập trung nhiều ở các xã: Hà Long, Hà Vinh, Hà Giang... “Khó nhất và việc thay đổi nhận thức của người nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa lớn, có giá trị. Những ngày đầu, đa số nông dân không hiểu thế nào là sản phẩm OCOP hay VietGAP nên không dám tham gia mô hình trình diễn vì sợ mất vốn, tốn sức. Nhưng, mình biết nếu làm nông nghiệp mà không tạo ra chất lượng sản phẩm tốt, đảm bảo vệ sinh thực phẩm thì lúa gạo quê hương mình vẫn muôn đời mang tiếng xấu. Bởi vậy, khó mấy cũng phải tìm cách đổi nhận thức canh tác cho bà con”, ông Lựu chia sẻ.

Khởi nghiệp ở người “có tuổi”: Gừng càng già càng cayCác sản phẩm của công ty.

Sau hơn 20 năm gắn bó với người nông dân, ông Lựu tự hào, sản phẩm gạo của mình đã có mặt tại các nhà hàng, khách sạn lớn trong và ngoài tỉnh và được người dân ưa chuộng. Tổng doanh thu hằng năm của công ty đạt trên 70 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 70 lao động thời vụ tại địa phương, với mức thu nhập bình quân 70 - 75 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, mỗi năm, Công ty TNHH Lựu Sướng còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức các dịch vụ hỗ trợ, cung ứng vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật chậm trả cho nông dân với số tiền từ 1,5 đến 2,5 tỷ đồng; liên kết với các đơn vị tổ chức mở 15 - 20 lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất... cho nông dân. Ngoài đồng hành cùng bà con nông dân, từ những năm đầu thành lập công ty cho đến nay, ông Lựu còn kết hợp kinh doanh vật liệu xây dựng và vận tải đường bộ.

Với những thành tích đã đạt được, năm 2022, ông Nguyễn Hữu Lựu là 1 trong 100 nông dân điển hình cả nước được bình chọn nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. Năm 2023, ông là một trong những cá nhân điển hình tiên tiến của tỉnh Thanh Hóa được lựa chọn tham dự hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc. Đây là động lực để ông tiếp tục nỗ lực, phấn đấu xây dựng doanh nghiệp lớn mạnh, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới.

Khởi nghiệp ở người “có tuổi”: Gừng càng già càng cayVới những thành tích đã đạt được, năm 2022, ông Nguyễn Hữu Lựu là 1 trong 100 nông dân điển hình cả nước được bình chọn nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

Sự thành công của những người đàn ông đã bước sang bên kia dốc của cuộc đời, chính là sự khẳng định cho việc, chẳng bao giờ là quá muộn để mỗi người tự thực hiện ước mơ của mình. Bởi cho dù tuổi cao, nhưng chỉ cần tự tin vào ý tưởng, kinh nghiệm, kỹ năng của mình, ai cũng có cơ hội để hướng đến thành công.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]