(Baothanhhoa.vn) - Trong 7 trận thiên tai diễn ra trên địa bàn huyện Nga Sơn trong năm 2022 thì cơn bão số 4 đổ bộ vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 gây thiệt hại nghiêm trọng nhất. Đợt mưa bão kéo dài 3 ngày lên tới 430mm, làm cho gần 600 ha lúa sắp đến kỳ thu hoạch và hơn 110 ha rau màu bị hư hại.

Nga Sơn chủ động phương án phòng, chống thiên tai

Trong 7 trận thiên tai diễn ra trên địa bàn huyện Nga Sơn trong năm 2022 thì cơn bão số 4 đổ bộ vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 gây thiệt hại nghiêm trọng nhất. Đợt mưa bão kéo dài 3 ngày lên tới 430mm, làm cho gần 600 ha lúa sắp đến kỳ thu hoạch và hơn 110 ha rau màu bị hư hại.

Nga Sơn chủ động phương án phòng, chống thiên taiĐò ngang qua sông Lèn từ xã Nga Thủy (Nga Sơn) sang xã Đa Lộc (Hậu Lộc) cần được triển khai giải pháp bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ.

Là địa phương có diện tích ao đầm nuôi trồng thủy sản lớn trong tỉnh nên toàn huyện đã có gần 500 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, tràn, thiệt hại khoảng 41 tỷ đồng. Các xã vùng biển như Nga Thái, Nga Phú, Nga Điền không tiêu được nước qua các cống dưới đê do lũ từ tỉnh Ninh Bình và Vách Bắc đổ về sông Càn làm nước sông cao hơn nước trong đồng, gây ngập lụt kéo dài.

Để nhìn lại những nhiệm vụ đã triển khai của năm trước nhằm đúc rút kinh nghiệm, từ tháng 6-2023 khi mùa mưa bão năm nay chưa bắt đầu, huyện Nga Sơn đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (PCTT, TKCN & PTDS) năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Hội nghị đã chỉ rõ 7 nhóm hạn chế liên quan đến xây dựng phương án và kế hoạch, công tác chuẩn bị vật tư dự trữ, rà soát các công trình nhà cửa xuống cấp và phương án di dời dân, việc khơi thông dòng chảy các công trình thủy lợi và phát quang cây cối triền đê, công tác tuyên truyền pháp luật về PCTT... Từ đó, huyện đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ và các giải pháp chủ động PCTT, TKCN năm 2023.

Đầu tiên là kiện toàn lại Ban Chỉ huy PCTT, TKCN & PTDS huyện, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên cụ thể, giao việc kiểm tra, đôn đốc cho từng lãnh đạo huyện. Công tác chuẩn bị vật tư dự trữ cho nhiệm vụ PCTT năm 2023 được coi trọng, đến nay toàn huyện đã có hơn 3.800m3 đất, hơn 1.000m3 đá hộc và đá dăm, hàng trăm m3 cát, gần 10.000 bao tải, hơn 22.000 cọc tre... Huyện cũng tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật hộ đê, kè cống, xây dựng phương án khắc phục hậu quả do thiên tai cho các cán bộ liên quan từ cấp huyện đến xã và lực lượng hộ đê ở các xã.

Các công trình thủy lợi nội đồng trên địa bàn và hệ thống kênh tiêu cũng được kiểm tra, huy động lực lượng ra quân nạo vét, khơi thông dòng chảy với tổng số hàng nghìn m3 bùn đất, bèo, cây dây leo và rác các loại. Lực lượng liên quan cùng các xã đã tổ chức phát quang hành lang các tuyến đê tả sông Lèn, đê hữu sông Hoạt, đê tả và hữu sông Càn với tổng chiều dài hơn 60 km. Một thách thức mới với công trình PCTT huyện Nga Sơn gần đây là những ngày giữa tháng 8, tại vị trí K6+570 - K6+690 trên đê tả sông Càn thuộc xã Nga Điền xảy ra sự cố sạt, nứt mặt, thân đê và mái đê phía sông. Trong đó, đoạn mặt đê từ K6+570 - K6+600m xuất hiện vết nứt dài khoảng 30m, rộng 1,5cm và cách mép đê phía sông khoảng 1,5m. Đoạn mái đê phía sông từ K6+600 - K6+690m bị sạt trượt dài khoảng 90m. Ngay khi phát hiện sự cố, huyện đã chủ động khắc phục tạm thời, che phủ bạt; cử lực lượng cấm các phương tiện đi vào khu vực đê nứt và đã báo cáo ngay với tỉnh. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã về kiểm tra, chỉ đạo triển khai các giải pháp khắc phục triệt để.

Với những nhiệm vụ quan trọng khác, từng đơn vị trong huyện cũng đang chủ động triển khai các phần việc được giao. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện xây dựng phương án trọng điểm PCTT các tuyến đê. Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện lên phương án và chịu trách nhiệm đảm bảo về dự trữ nhiên liệu, hàng hóa nhu yếu phẩm trong khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời, tham mưu kế hoạch dự phòng huy động phương tiện vận tải đường bộ phù hợp với địa hình khi xảy ra thiên tai để kịp thời đáp ứng yêu cầu sơ tán dân cư, lực lượng cứu nạn, cứu hộ, cứu trợ...

Chi nhánh Thủy lợi Nga Sơn xây dựng kế hoạch và tổ chức tu sửa cống tiêu, bảo dưỡng, thay thế phần cơ điện các trạm bơm để kịp thời phục vụ tiêu úng. Trạm Biên phòng Hói Đào xây dựng và tổ chức thực hiện phương án quản lý, kiểm soát, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển về nơi tránh, trú bão an toàn. Đồng thời, thực hiện các biện pháp bảo vệ tài sản tại các khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão; kiểm soát hoạt động của các chòi canh thủy sản, hải sản khu vực bãi bồi ven biển khi có thiên tai nguy hiểm.

Các xã có đê trên địa bàn cũng được giao và hoàn thành việc xây dựng phương án hộ đê, kè, cống trên toàn tuyến và phương án trọng tuyến của đơn vị mình. Đồng thời, kiện toàn đội tuần tra canh gác đê, kè, cống, lực lượng xung kích năm 2023 để phát hiện và xử lý những sự cố đê ngay từ giờ đầu. Huyện cùng các xã ven sông, ven biển cũng hoàn thành phương án sơ tán dân, các biện pháp cứu nạn, nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho Nhân dân.

Ban Chỉ huy PCTT, TKCN & PTDS huyện Nga Sơn cũng duy trì chế độ thường trực 24/24 giờ trong ngày, phấn đấu thực hiện tốt nhất các giải pháp ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại khi có thiên tai.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]