(Baothanhhoa.vn) - Nằm sâu trong con ngõ nhỏ thuộc phường Trường Thi (TP Thanh Hóa), đền thờ thành hoàng làng và phủ Bà (người dân thường gọi là phủ Bà Hạc Long) được biết đến là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng độc đáo, ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nét đẹp di tích đền thành hoàng làng và phủ Bà Hạc Long trong lòng phố

Nằm sâu trong con ngõ nhỏ thuộc phường Trường Thi (TP Thanh Hóa), đền thờ thành hoàng làng và phủ Bà (người dân thường gọi là phủ Bà Hạc Long) được biết đến là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng độc đáo, ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng.

Nét đẹp di tích đền thành hoàng làng và phủ Bà Hạc Long trong lòng phố

Nét trầm mặc, linh thiêng của phủ Bà Hạc Long trong lòng TP Thanh Hóa.

Phủ Bà Hạc Long tọa lạc trên địa danh xưa có tên làng Hương Thọ, tổng Thọ Hạc, sau đổi tên là xóm Nhất (phường Trường Thi), vốn là cụm di tích bao gồm đền thờ thành hoàng làng và phủ mẫu (phủ Bà).

Về ngôi đền thờ, tự xưa đến nay, tín ngưỡng thờ cúng thành hoàng làng rất phổ biến, được xem là nét đẹp văn hóa truyền thống. Theo cuốn sách “Cơ sở văn hóa Việt Nam" của GS Trần Quốc Vượng (chủ biên), “thành hoàng được phụng thờ ở các làng quê là một dòng chảy khác của tín ngưỡng thờ thành hoàng làng. Với người dân ở cộng đồng làng, xã, vị thành hoàng làng được coi như một vị thánh. Mỗi làng quê có một vị thánh của mình: “Trống làng nào làng ấy đánh, thành làng nào làng ấy thờ”. Thành hoàng làng là nhân vật trung tâm của một sinh hoạt văn hóa mà dân các làng cũng như các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian gọi là lễ hội. Đối với người dân, “thành hoàng là chỗ dựa tinh thần, nơi gửi gắm niềm tin cho họ, giúp họ vượt qua những khó khăn của cuộc sống đầy sóng gió”. Với tất cả lòng thành kính, biết ơn vị thành hoàng làng - người đã có công khai phá đất đai để lập nên ấp Đồng Trại, làng Hương Thọ, tổng Thọ Hạc, người dân nơi đây đã chung tay góp sức xây dựng nên đền thờ thành hoàng.

Theo các cụ cao niên trong làng, vị thành hoàng được thờ trong đền là danh tướng Nguyễn Chích (còn gọi là Lê Chích). Trong phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XV, Nguyễn Chích được xem là nhân vật tiêu biểu, điển hình, một vị tướng tài ba xuất thân từ tầng lớp nông dân. Sinh ra trong thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan, đứng trước thảm cảnh nước mất nhà tan, mang trong mình khát khao đấu tranh, Nguyễn Chích đã đứng lên chiêu mộ, tập hợp Nhân dân lập các căn cứ chống giặc, gọi là căn cứ Hoàng Nghiêu (núi Hoàng, núi Nghiêu). Căn cứ này có vách núi dựng đứng và sông Hoàng chảy qua là chiến hào tự nhiên, thuận lợi cho việc phòng thủ lẫn tiến công. Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa trên đất Lam Sơn đã mời Nguyễn Chích cùng hợp lực đánh kẻ thù chung. Với tài năng, khí phách, bản lĩnh, Nguyễn Chích đã lập được nhiều công lớn, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi lên ngôi vua, lập ra nhà Hậu Lê. Năm 1429, Nguyễn Chích được phong tước Đình thượng hầu, ban cho quốc tính, từ đó ông được gọi là Lê Chích.

Đền thờ thành hoàng có kết cấu theo hình chữ Đinh, bao gồm tiền đường và gian chính tẩm. Đền qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Kiến trúc theo kiểu truyền thống, chồng rường kẻ bẩy. Các đường nét hoa văn trang trí được chạm khắc tỉ mỉ, tinh tế theo các chủ đề: tứ linh (long - ly - quy - phụng), hoa lá cách điệu vừa tạo cảm giác linh thiêng vừa gần gũi. Trên xà thượng, xà hạ của đền có treo bức đại tự “Long chính đức”. Trong đền có các câu đối ca ngợi cảnh sắc thiên nhiên, truyền thống của vùng đất này. Ngoài ra, đền còn có một số hiện vật bằng đá như: voi, nghê, ngựa đá...

Đền thờ thành hoàng không chỉ có kiến trúc độc đáo, nơi sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng mà nơi đây còn là địa điểm di tích cách mạng. Những sự kiện lịch sử diễn ra tại đây đã góp phần làm phong phú thêm lịch sử đấu tranh cách mạng của Nhân dân TP Thanh Hóa. Nằm sâu trong con ngõ nhỏ, trước đền có một cây đa cổ thụ xum xuê, thân cây hai người ôm không xuể. Chính ở gốc đa này đã ghi nhiều kỷ niệm trong những thời kỳ kháng chiến. Năm 1940, chiến khu Ngọc Trạo bị càn quét, các chiến sĩ cách mạng phải phân tán đi các nơi hoạt động bí mật. Lúc bấy giờ, xóm Nhất có 3 người tham gia hoạt động cách mạng. Dựa theo địa thế, tình hình thực tiễn đã dựa vào gốc đa đào hầm trú ngụ, liên lạc với tổ chức, cất giấu tài liệu tuyên truyền cách mạng.

Trước ngày khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra trên địa bàn thị xã Thanh Hóa, cũng tại gốc đa ấy, lực lượng tự vệ đã tập trung để phân công bảo vệ vòng ngoài cho lực lượng cách mạng hội họp. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đây là nơi tập trung luyện tập của dân quân tự vệ địa phương. Đây cũng là nơi dự trữ lương thực, đạn dược cho trận địa Hàm Rồng - Nam Ngạn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nằm sát bên đền thờ thành hoàng là phủ Bà, từng có quy mô khá lớn. Tuy nhiên, trải qua biến thiên thời gian, dòng chảy lịch sử, từng có giai đoạn, phủ Bà bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại nền móng, một số chân đá tảng... Nhân dân trong làng lưu giữ được một số pho tượng mẫu bằng gỗ sơn son thiếp vàng cùng long ngai, long cung. Tín ngưỡng thờ mẫu là một hiện tượng văn hóa dân gian tổng thể. Gắn bó với tín ngưỡng thờ mẫu là hệ thống các huyền thoại, thần tích, các bài văn chầu, các truyện thơ nôm, các bài giáng bút, các câu đối, đại tự. Nhân vật của tín ngưỡng thờ mẫu được phụng thờ ở các di tích mà dân gian gọi là phủ, đền, điện. Không nằm ngoài đặc trưng ấy, phủ Bà là nơi thờ “Đào Hoa công chúa”. Tương truyền, bà là người theo hầu Liễu Hạnh công chúa. Các vua triều Nguyễn đều có sắc phong.

Hằng năm, tại di tích diễn ra hai ngày hội lớn, đó là: ngày giỗ thành hoàng (12 tháng giêng âm lịch) và ngày giỗ mẫu (mùng 2-3 âm lịch). Vào ngày giỗ mẫu, Nhân dân tổ chức rước kiệu, tế lễ và một số sinh hoạt văn hóa, văn nghệ.

Trầm mặc giữa lòng phố, đền thành hoàng làng và phủ Bà là di tích lịch sử - văn hóa độc đáo, một địa chỉ sinh hoạt tín ngưỡng thu hút đông đảo người dân TP Thanh Hóa và một số vùng lân cận. Dẫu qua bao thăng trầm, biến ảo, ngôi đền thành hoàng làng và phủ Bà vẫn bền bỉ sức sống, trở thành biểu tượng đẹp cho mạch nguồn văn hóa, truyền thống lịch sử, cách mạng đáng tự hào của đất và người nơi đây.

Bài và ảnh: Thảo Linh


Bài và ảnh: Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]