(Baothanhhoa.vn) - Làng Cự Nham, xã Quảng Nham (Quảng Xương) còn được biết đến với tên gọi cổ là kẻ Mom, được bồi lắng bởi cát biển và sông Yên với địa thế trong sông ngoài biển mà theo cách nói của người dân địa phương thì “giống cù lao mà không phải cù lao, như làng đảo mà không phải làng đảo”. Trong vất vả cuộc sống mưu sinh nơi sóng nước, người Cự Nham bao đời đã sáng tạo nên một kho tàng văn hóa dân gian gắn liền với không gian văn hóa tâm linh của làng: hát giao duyên cửa đình.

Hát giao duyên cửa đình làng Cự Nham

Làng Cự Nham, xã Quảng Nham (Quảng Xương) còn được biết đến với tên gọi cổ là kẻ Mom, được bồi lắng bởi cát biển và sông Yên với địa thế trong sông ngoài biển mà theo cách nói của người dân địa phương thì “giống cù lao mà không phải cù lao, như làng đảo mà không phải làng đảo”. Trong vất vả cuộc sống mưu sinh nơi sóng nước, người Cự Nham bao đời đã sáng tạo nên một kho tàng văn hóa dân gian gắn liền với không gian văn hóa tâm linh của làng: hát giao duyên cửa đình.

Hát giao duyên cửa đình làng Cự Nham

Là nét đẹp văn hóa lâu đời, nhưng ngày nay ở làng Cự Nham người biết hát giao duyên cửa đình không nhiều, chủ yếu là một số bậc cao niên.

Làng Mom tự hình quả bầu/ Đền trên, đình dưới sông sâu trước làng” - vừa gặp chúng tôi, bác Trần Nhân Tâm - bậc cao niên trong làng đồng thời là Phó trưởng Ban Quản lý di tích đền Phúc và bia Tây Sơn đã cất giọng giới thiệu. Chỉ hai câu ca ngắn gọn mà như đã bao quát hết cả làng biển. Vừa nói, bác vừa dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng di tích: Là bia Tây Sơn được dựng lên từ thời vua Quang Trung Nguyễn Huệ vẫn đang được lưu giữ đến ngày nay; đình đền Phúc sau thời gian tôn tạo trên nền móng di tích cũ đến nay đã cơ bản hoàn thành. Và cách di tích chỉ khoảng 50m là con sông Yên...

Như hầu hết các làng ven biển, làng Mom từ xa xưa đã có đền thờ Tứ vị Thánh nương (đền Mom) là điểm tựa tâm linh cho người dân đi biển. Đến thời Tây Sơn, vua Quang Trung tiến quân ra Bắc đánh dẹp quân Thanh xâm lược, khi qua làng Mom đã lên đền thắp hương cầu xin thần linh phù trợ. Thắng trận trở về, vua Quang Trung đã cho phép người dân đổi tên thành đền Phúc. Đồng thời, cho xây dựng ngôi đình làng ở phía dưới đền, khắc văn bia “Phúc đình bi ký”. Cũng từ đây, đình, đền Phúc và bia Tây Sơn trở thành một quần thể di tích đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần người dân làng biển Cự Nham.

Lại nói, quân Tây Sơn thắng trận trở về, qua làng Cự Nham đã được người dân mở hội, cùng nhau tổ chức hát ăn mừng ở đền Phúc. Bác Trần Nhân Tâm cho biết thêm: “Người Cự Nham vẫn kể lại, khi vua Quang Trung hành quân ra Bắc đánh dẹp giặc Thanh, sau khi giặc tan, đội quân thủy, bộ của nhà Tây Sơn hợp quân mừng thắng trận ở làng Mom, đêm đêm tiếng hát mừng chiến thắng vang khắp làng. Nhịp trống quân chắp cánh cho lời ca mộc mạc, nghĩa tình của nghệ nhân tài tử và người dân, múa hát say sưa, thắm thiết lòng người. Sau đó, quân và dân cùng nhau sáng tạo nên nhiều làn (trò) hát mới như: hát làm quen, hát mơ, hát nghề, hát tình yêu đôi lứa, hát hứa, hát thề, hát chào bạn ra về, hát hiểu, hát khuyên, hát trách, hát khi... Đáng nói, sau khi quân Tây Sơn rời đi, người dân Cự Nham vẫn “lưu giữ” và truyền cho đời sau các trò hát. Cả 9 “trổ trò” (làn điệu hát) ở Cự Nham đều bắt đầu từ thời Quang Trung, về sau được người dân địa phương gọi chung là hát giao duyên cửa đình.

Sau khi vua Quang Trung qua đời, để tưởng nhớ người anh hùng “áo vải cờ đào”, hàng năm vào mỗi dịp Tết Nguyên đán (từ mùng 2 đến mùng 6 tết) người dân Cự Nham lại tổ chức lễ hội ngay tại khu vực di tích đình, đền Phúc và bia Tây Sơn và chính hội là ngày mùng 5 tết. Sau các nghi lễ tế vua Quang Trung diễn ra thành kính là phần hội sôi động thu hút đông đảo người dân khắp vùng cùng tìm về tham gia. Trên sân đình tổ chức đánh cờ người; dưới bến sông Yên bơi chèo. Và buổi tối hát giao duyên. Mỗi cuộc hát giao duyên có thể ngắn, dài tùy vào “tài năng” của các bên, cuộc hát vẫn thường chỉ kết thúc khi đã “phân định” thắng thua. Thông thường, đại diện cho mỗi bên sẽ là các “nam thanh nữ tú” song phía sau đó là các bậc cao niên “nhắc bài”. Bởi thế, hát giao duyên cửa đình còn được xem như cuộc “đua tài” của cả tập thể.

Mở đầu là “hát giáo trò” với những lời ca mời gọi chân tình: “Cự Nham mở hội vui thay/ Thi văn thi võ lại bày cờ tiên/ Sân đình nhạc múa đôi bên/ Dưới sân bơi trải, sau đền chọi trâu” hay “Hôm nay làng có lời mời/ Cửa đình hát ví mọi người nghe chung/ Quan viên hai họ vui lòng/ Hát mà lệch núi, nghiêng sông cũng đành”.

Rồi thì “hát làm quen” giữa đôi bên nam nữ đưa mọi người đến gần nhau. Khi bên “Nam” cất lời: “Thiên duyên trời định xoay vần/ Thị thành về với biển xanh tự tình/ Học đòi theo nghiệp sử kinh/ Ơn trời được mối chuyện mình chuyện ta/ Ngày vui xin có lời hoa/ Chúc mừng quan lão trẻ già cùng vui”; thì bên “Nữ” cũng dịu dàng ý nhị: “Đến đây đủ cả ngọt bùi/ Mời chàng hát gọi đông vui bạn vàng/ Người ta buôn vạn, bán ngàn/ Em đây buôn cá cơ hàn vẫn tươi/ Thực tình nho sĩ chớ cười/ Em buôn cả giấy cho người viết thơ”...

Và cả “hát mơ, hát nghề” với những bài ca mang cung bậc cảm xúc riêng của người nghệ nhân trong thăng hoa sáng tạo. Và có lẽ, cũng chỉ người nghệ nhân làng biển mới thấu hiểu ý từ gửi gắm trong từng câu chữ: “Trông ra ngoài bể mù mù/ Thấy anh câu đục, câu đù mà thương/ Câu nào cho bằng câu vương/ Không mồi mà cá mêm xương đầy bè”. Đáp lời cô gái, chàng trai cất tiếng: “Cha chài mẹ lưới con câu/ Chàng rể đi gõ, nàng dâu kéo rùng/ Ngư dân gió mát trăng trong/ Vui câu hát ví say lòng giao duyên”.

Đến khi cuộc vui sắp tàn, hai bên nam nữ lại cùng nhau ý nhị “hát chào bạn ra về”: “Mặt rõ mặt tay cầm tay/ Càng yêu vì nết, càng say vì tình/ Chào hai họ, chào ta mình/ Hẹn mai mốt lại hát tình giao duyên”.

Vốn xuất phát từ những lời ăn tiếng nói hàng ngày nhưng đã được người nghệ nhân xưa tinh tế “gọt giũa” để tạo nên những câu hát, lời ca đối đáp giao duyên vô cùng say đắm mà vẫn mộc mạc, dễ nghe, dễ nhớ. Có lẽ bởi vậy mà những bài ca trong hát giao duyên cửa đình làng Cự Nham cứ được lưu truyền, tiếp nối bởi những thế hệ người dân địa phương.

Tuy nhiên, biến động lịch sử, chiến tranh... khiến cho nét đẹp hát giao duyên cửa đình làng Cự Nham đang dần mai một. Bác Trần Nhân Tâm chia sẻ nỗi niềm: “Nhiều năm qua, lễ hội vẫn diễn ra song hát giao duyên cửa đình ít được tổ chức, có chăng chỉ các bậc cao niên ngồi cùng nhau hát dăm câu để “nhớ người - nhớ nghề”, còn thế hệ trẻ ngày nay hầu như rất ít người biết hát. Suốt 17 năm qua, tôi và các cụ trong làng đã cùng nhau sưu tầm được 222 bài ca của hát giao duyên cửa đình làng Cự Nham. Và năm 2012 đã nỗ lực thành lập câu lạc bộ hát giao duyên xã Cự Nham với mong muốn khôi phục lại các làn điệu, tổ chức truyền dạy cho các thế hệ trong làng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do dẫn đến những mục tiêu đề ra chưa được thực hiện. Để việc lưu giữ, truyền dạy nét đẹp hát giao duyên cửa đình làng Cự Nham có thể được làm tốt, chúng tôi mong mỏi có sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương và ngành chuyên môn. Còn nếu không, khi những người “biết hát” trong làng không còn, việc thất truyền một nét đẹp văn hóa là điều rất dễ xảy ra”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc


Bài và ảnh: Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]