(Baothanhhoa.vn) - Sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 314 sản phẩm được công nhận với hơn 200 chủ thể tham gia. Các sản phẩm OCOP cơ bản đã phát huy được lợi thế vùng miền, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Việc không ngừng cải thiện chất lượng, uy tín sản phẩm, đáp ứng về quy mô và đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sẽ là giải pháp để tiếp tục nâng tầm thương hiệu, tạo cơ hội cho các sản phẩm OCOP vươn xa trên thị trường.

“Mở đường” nâng tầm thương hiệu các sản phẩm OCOP

Sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 314 sản phẩm được công nhận với hơn 200 chủ thể tham gia. Các sản phẩm OCOP cơ bản đã phát huy được lợi thế vùng miền, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Việc không ngừng cải thiện chất lượng, uy tín sản phẩm, đáp ứng về quy mô và đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sẽ là giải pháp để tiếp tục nâng tầm thương hiệu, tạo cơ hội cho các sản phẩm OCOP vươn xa trên thị trường.

“Mở đường” nâng tầm thương hiệu các sản phẩm OCOPChăm sóc dưa Kim Hoàng hậu 2T Farm - sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao tại xã Minh Sơn (Triệu Sơn).

Là một trong những HTX tiên phong trong chương trình xây dựng sản phẩm OCOP, hiện các sản phẩm của HTX Nông sản hữu cơ Trúc Phượng, xã Yên Thọ (Như Thanh) đều đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, như: nấm bào ngư xám, mộc nhĩ, linh chi đỏ, trà túi lọc linh chi. Anh Lê Đình Trúc, giám đốc HTX chia sẻ: Sau khi hoàn thiện các tiêu chuẩn hàng hóa để đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm đã nhận được sự tin tưởng của khách hàng với lượng tiêu thụ tăng lên từ 30 - 50%. Một số đối tác trong và ngoài tỉnh đã đến tham quan cơ sở sản xuất và đặt vấn đề ký kết đơn hàng với số lượng lớn. Tuy nhiên, do diện tích nhà xưởng hiện đang khá chật hẹp nên HTX chưa thể đáp ứng yêu cầu của đối tác cũng như bảo đảm điều kiện để nâng sao sản phẩm.

Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Thanh, cho biết: Quá trình triển khai Chương trình OCOP thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh những hạn chế từ nội tại chủ thể sản xuất như việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật chưa đồng bộ, chất lượng mẫu mã một số sản phẩm chưa đồng đều thì công tác dự báo, thông tin, quy hoạch, quản lý quy hoạch trong phát triển nông sản hàng hóa cũng chưa kịp thời, dẫn đến chủ thể thiếu chủ động trong xây dựng kế hoạch sản xuất cho hiệu quả. Bên cạnh đó, do phần lớn chủ thể OCOP là các HTX, hộ gia đình nên chuyên môn về việc xây dựng, phát triển, quản lý thương hiệu sản phẩm chưa cao.

Cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng thì hình thức và mẫu mã sản phẩm cũng là một yếu tố quan trọng góp phần định hình thương hiệu trong lòng người tiêu dùng. Thực tế, sau khi tham gia Chương trình OCOP, nhiều chủ thể đã chú trọng đầu tư nguồn kinh phí xứng đáng cho việc thiết kế, in bao bì, nhãn mác với các thông tin rõ ràng về cơ sở sản xuất từ tên cơ sở, địa chỉ, điện thoại, website và email với hình thức thẩm mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng khi tra cứu thông tin sản phẩm. Đây cũng là cơ hội để quảng bá sản phẩm một cách hữu hiệu. Điển hình như nhiều sản phẩm: Siro bổ dưỡng sâm Báo Triso (Triệu Sơn), mật ong của HTX mật ong Hưởng Hoa (Thạch Thành), tinh dầu ngải cứu HERBAL FARM của Công ty CP Đông Nam dược miền Trung, xã Đồng Lương (Lang Chánh)... đều đạt sản lượng tiêu thụ tăng cao khi các chủ thể có sự chú trọng đến việc đáp ứng nhu cầu thông tin và mẫu mã sản phẩm. Tuy nhiên, một số chủ thể lại chưa chú trọng đúng mức vấn đề này và chỉ đầu tư dán nhãn khi phân phối tại các kênh hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích. Không ít sản phẩm OCOP tiêu thụ qua các kênh truyền thống còn được xuất bán “thô”.

Để khắc phục những hạn chế trong quản lý, phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP, bản thân các chủ thể cần không ngừng đầu tư vào giá trị cốt lõi là chất lượng của sản phẩm. Cùng với đó, chú trọng đúng mức tới vấn đề xây dựng nhãn hiệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ thông qua các chứng nhận nhãn hiệu tập thể; đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, tạo sự lan tỏa thương hiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng. Thực tế, với sự chủ động “nhập cuộc” của một số chủ thể trong nâng cao uy tín, chất lượng như đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ hiện đại, cải tiến mẫu mã sản phẩm và xây dựng website, bộ nhận diện thương hiệu riêng, cập nhật thông tin, giới thiệu và bán sản phẩm qua các sàn, trang mạng xã hội như Voso.vn, Lazada.vn, Shoppee.vn; Facebook, TikTok, Zalo,... đã giúp thương hiệu lan tỏa mạnh mẽ, nhận được phản hồi tích cực của khách hàng. Sự định hướng, hỗ trợ trong công tác quy hoạch, tạo thuận lợi trong chuỗi liên kết “4 nhà” và kết nối các chương trình xúc tiến, giới thiệu sản phẩm của các cơ quan Nhà nước cũng là một giải pháp hỗ trợ quan trọng giúp chủ thể OCOP "sống khỏe” sau chứng nhận.

Bài và ảnh: Tùng Lâm



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]