(Baothanhhoa.vn) - Phát triển nhà ở xã hội là hoạt động có ý nghĩa nhân văn rất lớn trong việc giúp đỡ các gia đình có thu nhập thấp có thể có được một căn nhà để “an cư, lạc nghiệp”. Tại Thanh Hóa, phát triển nhà ở xã hội là một lĩnh vực được tỉnh quan tâm khi trên địa bàn tỉnh, số lượng căn hộ nhà ở xã hội đã hoàn thành đứng thứ 6 cả nước; số căn hộ đang triển khai đứng thứ 10 cả nước. Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội hiện nay còn nảy sinh không ít rắc rối, đòi hỏi sự quan tâm giải quyết kịp thời để tháo gỡ vướng mắc, “thúc” tiến độ các dự án.

Mở cánh cửa “an cư” cho người thu nhập thấp (Bài 1): “Thúc” tiến độ các dự án nhà ở xã hội

Phát triển nhà ở xã hội là hoạt động có ý nghĩa nhân văn rất lớn trong việc giúp đỡ các gia đình có thu nhập thấp có thể có được một căn nhà để “an cư, lạc nghiệp”. Tại Thanh Hóa, phát triển nhà ở xã hội là một lĩnh vực được tỉnh quan tâm khi trên địa bàn tỉnh, số lượng căn hộ nhà ở xã hội đã hoàn thành đứng thứ 6 cả nước; số căn hộ đang triển khai đứng thứ 10 cả nước. Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai các dự án nhà ở xã hội hiện nay còn nảy sinh không ít rắc rối, đòi hỏi sự quan tâm giải quyết kịp thời để tháo gỡ vướng mắc, “thúc” tiến độ các dự án.

Mở cánh cửa “an cư” cho người thu nhập thấp (Bài 1): “Thúc” tiến độ các dự án nhà ở xã hộiNhà ở xã hội tại phố Bào Ngoại, phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) do Công ty CP Xây dựng - Phát triển nhà 379 làm chủ đầu tư. Ảnh: Việt Hương

6/18 dự án chậm tiến độ

Trên địa bàn tỉnh hiện có 18 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã và đang đầu tư xây dựng, trong đó có 17 dự án tại TP Thanh Hóa, 1 dự án tại huyện Hoằng Hóa. Trong số đó, có 12 dự án bảo đảm tiến độ, đã đưa vào sử dụng một phần hoặc toàn bộ dự án; 6 dự án chậm tiến độ.

Quảng Thành là phường nằm ven trung tâm TP Thanh Hóa. Với nhiều lợi thế về quỹ đất, đây là khu vực được quy hoạch thực hiện nhiều dự án nhà ở xã hội, trong đó có 3 dự án đã và đang triển khai xây dựng gồm: nhà ở xã hội Khu dân cư Tân Thành ECO2, Khu nhà ở xã hội AMC I và nhà ở xã hội tại phường Quảng Thành. Trong số 3 dự án nêu trên, có 2 dự án nằm trong danh sách các dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ do Sở Xây dựng rà soát, báo cáo.

Đơn cử, dự án Khu nhà ở xã hội AMC I là dự án nhiều năm liền “đắp chiếu”. Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2014, chủ đầu tư là Công ty CP Phát triển AMC Toàn Cầu với dự kiến cung cấp 900 căn hộ cho người thu nhập thấp. Đến năm 2020, dự án được UBND tỉnh gia hạn thời gian thực hiện. Tuy nhiên, sau khi chính thức khởi công vào tháng 1-2021, đến nay Khu nhà ở xã hội AMC I mới chỉ xây được phần tầng hầm nhưng lại không đúng giấy phép xây dựng. Bên trong bức tường tôn bao quanh khu đất hầu hết vẫn chỉ là cỏ dại mọc um tùm. Được biết, chủ đầu tư hiện đang đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Nằm cách vị trí đất của dự án Khu nhà ở xã hội AMC I một con đường lớn, dự án nhà ở xã hội tại phường Quảng Thành với quy mô 960 căn hộ cũng là dự án được điểm tên chậm tiến độ. Ban đầu, dự án này có tên là dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tại phường Quảng Thành, được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng Hợp Lực làm chủ đầu tư từ năm 2016. Năm 2017, dự án được điều chỉnh chủ trương đầu tư. Theo đó, dự án có tên nhà ở xã hội tại phường Quảng Thành, được xây dựng trên diện tích 24.693 m2 (giảm gần 1.000 m2 so với ban đầu). Dự kiến dự án sẽ được thực hiện trong 4 năm kể từ ngày được điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Song đến nay, trên đất thực hiện dự án mới chỉ xây dựng được 1 trong tổng số 3 tòa nhà ở xã hội!

Tại phường Đông Hương, nhiều dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được triển khai, trong số đó dự án nhà ở xã hội tại phố Bào Ngoại thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng trong diện được mua nhà ở xã hội bởi nằm ở vị trí trung tâm của thành phố với nhiều tiện ích nổi bật. Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2018, Công ty CP Xây dựng - Phát triển nhà 379 làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 389,9 tỷ đồng. Năm 2022, khi dự án đang xây dựng dang dở, Thanh tra tỉnh vào cuộc thanh tra toàn bộ dự án và kết luận việc chấp hành quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý nhà ở xã hội của chủ đầu tư có nhiều khuyết điểm và vi phạm. Đầu năm 2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định xử phạt hành chính 80 triệu đồng đối với Công ty CP Xây dựng - Phát triển nhà 379, với lý do đưa công trình vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy. Hiện nay, dự án đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, một trong những vướng mắc hiện nay của dự án liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Tổng diện tích GPMB theo quy hoạch là 10.847 m2, nhưng đến nay, TP Thanh Hóa mới chỉ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư với diện tích 8.945,1 m2. Diện tích còn lại chưa GPMB là 1.901,9 m2 (gồm một phần diện tích nhà để xe và 12 lô đất khu Liền kề 4) liên quan đến đất thổ cư của 15 hộ dân với dự kiến nguồn vốn thực hiện GPMB là 18,5 tỷ đồng.

Dự án nhà ở xã hội tại phường Quảng Thắng cũng nằm trong danh sách chậm tiến độ liên quan đến GPMB và quy hoạch. Dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2019 do Công ty TNHH thương mại du lịch xây dựng An Phú làm chủ đầu tư, với quy mô 300 căn hộ. Diện tích GPMB đến nay vẫn chưa thể hoàn thành 100% liên quan đến 447 m2 đất của hệ thống điện 35kV lộ 377E9.27 chưa được di dời. Lý do đơn vị thực hiện GPMB đưa ra đó là công trình điện chạy qua mặt bằng có kết cấu là đường dây nổi trên không và cột điện nên căn cứ theo khoản 2 Điều 89 Luật Đất đai thì sẽ được đền bù bằng tiền hoặc công trình có quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương. Trong khi đó, theo quy hoạch chi tiết 1/500 dự án nhà ở xã hội tại phường Quảng Thắng, đường dây được quy hoạch hạ ngầm.

Chỉ đạo tháo gỡ từng khó khăn, vướng mắc

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân chậm tiến độ các dự án nhà ở xã hội do công tác GPMB dự án chậm (chủ yếu do công tác GPMB khó khăn, phức tạp liên quan đến các thủ tục, khu đất GPMB có nhiều mồ mả, khó khăn trong việc di chuyển đường điện, bố trí quỹ đất tái định cư). Bên cạnh đó, việc chậm tiến độ các dự án xuất phát từ nguyên nhân chủ quan từ các chủ đầu tư, như: Chủ đầu tư chậm triển khai đầu tư xây dựng đối với phần diện tích đất đã được giao, khả năng quản lý việc đầu tư xây dựng cho các dự án chưa khoa học. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, các chủ đầu tư phải thực hiện rà soát, bổ sung hồ sơ về đầu tư xây dựng, đất đai. Hơn nữa, thị trường bất động sản từ giữa năm 2022 trở lại đây trầm lắng, có dấu hiệu đi xuống, nhu cầu mua nhà của người dân giảm, dẫn đến việc tập trung vốn của chủ đầu tư đối với dự án nhà ở giảm. Giá vật liệu xây dựng có thời điểm diễn biến bất thường theo hướng tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện dự án.

Để “thúc” tiến độ các dự án, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án nhà ở xã hội. Chủ đầu tư các dự án đã được giao đất nhưng chậm tiến độ phải có văn bản trình cấp có thẩm quyền cho phép gia hạn thời gian thực hiện dự án hoặc điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án; khẩn trương tập trung nhân lực, vật lực để đầu tư xây dựng dự án hoàn thành theo quy định... Đối với các dự án chưa được giao đất, yêu cầu các chủ đầu tư phối hợp với UBND TP Thanh Hóa hoàn thành công tác GPMB dự án, hoàn thành các thủ tục giao đất, đầu tư xây dựng theo quy định.

Riêng đối với vướng mắc liên quan đến công tác GPMB 2 dự án: nhà ở xã hội tại phố Bào Ngoại, phường Đông Hương và nhà ở xã hội tại phường Quảng Thắng, UBND tỉnh yêu cầu UBND TP Thanh Hóa tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành công tác GPMB. Theo báo cáo của UBND TP Thanh Hóa, đối với nhà ở xã hội tại phố Bào Ngoại, phường Đông Hương, khó khăn trong công tác GPMB hiện nay là do dự án chưa được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận gia hạn tiến độ thực hiện dự án; diện tích còn lại chưa được HĐND tỉnh phê duyệt danh mục các công trình phải thu hồi đất; chưa được UBND tỉnh cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của TP Thanh Hóa. UBND TP Thanh Hóa cam kết, sau khi các thủ tục liên quan được hoàn tất, thành phố sẽ ưu tiên tập trung GPMB đối với 4 hộ dân (với diện tích 690 m2) để xây dựng khu vực nhà để xe, thời gian thực hiện xong trước ngày 31-12-2023. Đối với phần diện tích còn lại liên quan tới 11 hộ, thành phố sẽ thực hiện xong trước ngày 30-6-2024.

Đối với dự án nhà ở xã hội tại phường Quảng Thắng, UBND thành phố đã có Văn bản số 3681/UBND-BDA ngày 20-6-2023 báo cáo UBND tỉnh để xin ý kiến thực hiện phương án di chuyển hệ thống điện 35kV và đã được UBND tỉnh thống nhất. Theo đó, giao UBND TP Thanh Hóa làm việc với Công ty Điện lực Thanh Hóa để thống nhất phương án di chuyển và hoàn trả công trình điện theo phương án ngầm hóa; đồng thời làm việc với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại phường Quảng Thắng để thống nhất nguồn kinh phí phát sinh do hạ ngầm công trình điện và thay đổi tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn. Hiện tại, UBND thành phố đang khẩn trương làm việc với các đơn vị để báo cáo UBND tỉnh xem xét thống nhất, sớm tổ chức di chuyển đường điện ra khỏi mặt bằng.

Nhóm PV Bạn đọc - TL

Bài 2: Thủ tục rườm rà, doanh nghiệp "kêu khó" với nhà ở xã hội.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]