(Baothanhhoa.vn) - "Sống xanh” không còn là khái niệm mới mẻ mà đã lan tỏa mạnh mẽ, trở thành lối sống tích cực, được nhiều người hưởng ứng. Cùng với mô hình “Nhà sạch - vườn mẫu”, “Nhà sạch - vườn đẹp”, ở các vùng quê người dân còn chú trọng phân loại rác thải tại nhà, góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.

Lan tỏa lối “sống xanh”

"Sống xanh” không còn là khái niệm mới mẻ mà đã lan tỏa mạnh mẽ, trở thành lối sống tích cực, được nhiều người hưởng ứng. Cùng với mô hình “Nhà sạch - vườn mẫu”, “Nhà sạch - vườn đẹp”, ở các vùng quê người dân còn chú trọng phân loại rác thải tại nhà, góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.

Lan tỏa lối “sống xanh” ở các vùng quêKhông gian sống xanh ở thôn Nghè Tiên, xã Đông Khê (Đông Sơn).

Sau nhiều năm sinh sống tại châu Âu, vợ chồng anh Trần Văn Thảo - Nguyễn Thị Hoan ở thôn Én Giang, xã Quảng Hợp (Quảng Xương) trở về quê hương để phát triển kinh tế. Đầu năm 2019, gia đình anh đấu thầu gần 2 ha đất tại địa phương để xây dựng mô hình trang trại tuần hoàn không rác thải. Ban đầu, dù gặp nhiều khó khăn, song với sự cố gắng, nỗ lực, trang trại Thảo Hoan đã ra đời và đi vào hoạt động. Trên diện tích đã được quy hoạch, gia đình anh Thảo, chị Hoan đã đầu tư hàng tỉ đồng để xây dựng 8.000m2 nhà lưới trồng rau và hoa quả. Để tự túc nguồn phân bón cho cây trồng, gia đình anh chị đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại để nuôi lợn, gà và đào ao thả cá. Phần lớn thức ăn cho gà, lợn, cá là các phụ phẩm rau, củ, quả trong vườn. Chất thải của vật nuôi được đẩy xuống hệ thống bể kiên cố, trộn thêm các loại men vi sinh. Phân hoai mục trở thành nguồn dinh dưỡng hữu cơ cho cây trồng trong trang trại.

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh trang trại, chị Nguyễn Thị Hoan phấn khởi nói: “Dù là trang trại tổng hợp chăn nuôi lợn, gà, nhưng với phương pháp tuần hoàn không rác thải nên hầu như không gây mùi hôi thối. Đặc biệt, bằng việc sử dụng các loại phân hữu cơ cho cây trồng, tận dụng các phụ - phế phẩm từ sản xuất nông nghiệp mà chi phí giảm trên 50% so với sử dụng các loại phân bón hóa học. Cũng từ mô hình của chúng tôi, nhiều hộ trên địa bàn xã đã dần chuyển hình thức chăn nuôi truyền thống sang phương pháp tuần hoàn không rác thải, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường”.

Tại huyện Đông Sơn, năm 2019 Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện bắt đầu triển khai mô hình “Nhà sạch - vườn mẫu” gắn với phân loại rác thải tại nhà, với 10 hộ thí điểm tại xã Đông Khê. Tiêu chí của mô hình là sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ; vườn mẫu có sử dụng hệ thống tưới tiêu và áp dụng một trong các ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; sản phẩm từ vườn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có hàng rào xanh, bố trí chuồng trại chăn nuôi hợp lý...

Từ thành công của 10 hộ thí điểm ban đầu, Hội LHPN huyện Đông Sơn đã nhân rộng ra các xã, thị trấn và được cấp ủy các cấp quan tâm. Đến nay, toàn huyện có tới 2.500 hộ được gắn biển “Nhà sạch - vườn mẫu”; 100% xã, thị trấn có thùng rác xanh. Hội LHPN huyện còn tích cực triển khai mô hình “Ngôi nhà xanh” thu gom phế liệu đến tất cả các chi hội cơ sở. Hiện toàn huyện đã có 156 mô hình “Ngôi nhà xanh”, 2 đến 4 tuần sẽ thu gom phế liệu một lần, số tiền thu được sẽ dành cho các hoạt động từ thiện.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Sơn Lê Thị Vui cho biết: Quá trình thực hiện phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình ban đầu gặp nhiều khó khăn, song nhờ tích cực tuyên truyền, vận động nên người dân đã hưởng ứng và tích cực tham gia. Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, mô hình “Nhà sạch - vườn mẫu” gắn với phân loại rác thải tại nhà đã phát triển rộng khắp ở các thôn, khu phố trên địa bàn huyện. Tất cả rác thải sinh hoạt đều được người dân phân loại ngay tại nhà, rác vô cơ được thu gom tới nơi quy định để xử lý. Các mô hình “Nhà sạch - vườn mẫu”, “Ngôi nhà xanh” sẽ được phát huy và nhân rộng hơn nữa trong thời gian tới, để mỗi địa phương trên địa bàn huyện đều trở thành vùng quê văn minh, xanh, sạch, đẹp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Với mục tiêu gìn giữ môi trường sống xanh - sạch - đẹp, ngày càng có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực bảo vệ môi trường ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh; nhiều mô hình hay đã được triển khai. Các mô hình này đã và đang góp phần làm thay đổi thói quen, nhận thức của đông đảo người dân về các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, lan tỏa lối “sống xanh” trong cộng đồng.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]