(Baothanhhoa.vn) - Khi đánh giá về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thống tướng Westmoreland, nguyên Tổng chỉ huy quân viễn chinh Mỹ trên chiến trường Đông Dương, cho rằng: “Mọi đức tính tạo thành một thống lĩnh quân sự lớn, như sự quyết đoán, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung trí tuệ và hành động, trí thông minh, tất cả đều có ở tướng Giáp - một thống soái vĩ đại”!

Kỷ niệm 112 năm ngày sinh Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Người chuyển dịch dòng chảy lịch sử trong thế kỷ XX”

Khi đánh giá về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thống tướng Westmoreland, nguyên Tổng chỉ huy quân viễn chinh Mỹ trên chiến trường Đông Dương, cho rằng: “Mọi đức tính tạo thành một thống lĩnh quân sự lớn, như sự quyết đoán, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung trí tuệ và hành động, trí thông minh, tất cả đều có ở tướng Giáp - một thống soái vĩ đại”!

Kỷ niệm 112 năm ngày sinh Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Người chuyển dịch dòng chảy lịch sử trong thế kỷ XX”Tại Tổng Hành dinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương theo dõi, nắm bắt từng bước diễn biến rất nhanh của các mặt trận. Ảnh: tư liệu

Vào một ngày mùa thu tháng Tám năm 1911, tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, cậu bé có “đôi mắt thông minh nhất mà tôi từng thấy” (Oriana Fallaci - nữ ký giả phương Tây) đã ra đời. Và ít ai ngờ rằng, cậu bé ấy rồi sẽ trở thành một con người vĩ đại và là “Người chuyển dịch dòng chảy lịch sử trong thế kỷ XX” (Peter Macdonald - Đại tướng, Sử gia Anh).

Được dưỡng nuôi trong “vành nôi” yêu nước và cách mạng của gia đình, quê hương, từ rất sớm, Võ Nguyên Giáp đã có lòng yêu nước nồng nàn và nung nấu tinh thần quyết tâm giải phóng dân tộc. Năm 14 tuổi, đồng chí đã giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng, nhất là các phong trào bãi khóa tại Trường Quốc học Huế. Năm 1927, đồng chí gia nhập Đảng Tân Việt cách mạng - một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1936, đồng chí tham gia phong trào dân chủ của Đảng ở Hà Nội và là biên tập viên các báo của Đảng như: “Tiếng nói của chúng ta”, “Tiến lên”, “Thời báo”...

Bước ngoặt lớn đánh dấu bước chuyển trên con đường hoạt động cách mạng của chàng trai trẻ Võ Nguyên Giáp là vào đầu những năm 40 của thế kỷ XX, đồng chí được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh dìu dắt. Đồng chí đã tích cực tham gia xây dựng cơ sở, mở lớp huấn luyện quân sự tại căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng. Đặc biệt, tháng 12-1944, đồng chí được lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tổ chức tiền thân của quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí được Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh giao giữ nhiều trọng trách, cương vị quan trọng như Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, thành viên Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, thành viên Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Tư lệnh Việt Nam giải phóng quân. Ở cương vị nào, đồng chí cũng có nhiều đóng góp quan trọng trong các quyết sách chiến lược của Đảng; nổi bật trong đó có việc chỉ đạo các lực lượng vũ trang, cùng toàn thể dân tộc Việt Nam làm nên thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử.

Bước vào giai đoạn 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao trọng trách trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng. Trong đó có chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ chiến thắng lẫy lừng, đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (ngày 20-7-1954) về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Trong công cuộc xây dựng XHCN ở miền Bắc và đẩy mạnh cách mạng dân tộc, dân chủ Nhân dân ở miền Nam, đồng chí tiếp tục nhận nhiệm vụ và lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ xâm lược, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, đã giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Tài năng xuất chúng của Đại tướng đã được Thượng tướng Trần Văn Trà lúc sinh thời từng khẳng định: “Nhiều ý kiến có tầm nhìn xa trông rộng, sắc sảo và độc đáo của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ về chiến lược quân sự và về chiến thuật quân sự cần được giới sử học nghiên cứu thật công khai, thật công phu, thật công bằng và thật công tâm. Về phần mình, suốt hai cuộc kháng chiến, tôi chưa hề thấy Bí thư Quân ủy Trung ương kiêm Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp mắc một sai lầm nào về chiến lược và chiến thuật quân sự; tôi chỉ thấy anh Văn đi những nước cờ bậc thầy vây hãm và tiến công quân địch”. Hay nói như học giả Encyclopedia Britannica, thì “Nhà lãnh đạo quân sự và chính trị Việt Nam, người đã hoàn thiện cách đánh du kích cũng như chiến lược và chiến thuật chiến tranh quy ước đã dẫn dắt Việt Minh giành chiến thắng trước quân Pháp (và dẫn đến sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân Pháp tại Đông Nam Á) và sau đó là dẫn đến thắng lợi trước Mỹ”.

Khẳng định công lao to lớn của Đại tướng trong hai cuộc kháng chiến, trong diễn văn trình bày tại lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-1911 - 25-8-2021), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Đồng chí Võ Nguyên Giáp là vị tướng tài ba, người cầm quân rất cẩn trọng, luôn so sánh tương quan lực lượng đôi bên, chủ động buộc đối phương phải đánh theo cách đánh của ta, dẫn đến thất bại hoàn toàn. Điển hình là quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của Đại tướng nhưng hoàn toàn đúng đắn, góp phần giảm thiểu hy sinh xương máu của bộ đội, của Nhân dân. Đại tướng cũng chính là người đã phê chuẩn đề nghị thành lập cánh quân phía Đông và ra mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa”, đưa toàn quân xốc tới, mãnh liệt tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”.

Non sông thu về một mối, cả nước đi lên CNXH, trên cương vị là Bí thư Quân ủy Trung ương (đến năm 1977), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (đến năm 1980), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ (từ tháng 1-1980 đến tháng 4-1981), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (từ tháng 5-1981 đến tháng 12-1986), Đại tướng đã cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN và tiến hành công cuộc đổi mới đất nước. Trải qua hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng luôn nêu cao tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, tuyệt đối trung thành, suốt đời tận tụy hy sinh, một lòng, một dạ phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Đó cũng là lẽ sống mà suốt đời Đại tướng luôn tâm niệm và thực hành: “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”. Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng đã thể hiện một cách cao đẹp nhất lời răn dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: làm cách mạng là phải “Dĩ công vi thượng”, nghĩa là đặt lợi ích Tổ quốc lên trên hết, lợi ích Nhân dân lên trước hết!

Tướng Marcel Bigeard, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, cựu Thiếu tá tham chiến ở mặt trận Điện Biên Phủ, thành viên Học viện Quân sự Quốc phòng Pháp, khi đánh giá về Đại tướng đã cho rằng: “Ông Giáp đã chỉ huy quân đội Việt Nam chiến đấu giành thắng lợi trong một thời gian đặc biệt lâu dài suốt 30 năm, một kỳ tích chưa từng thấy! Vâng, không phải hiện nay mà muôn đời sau, tôi tin rằng cuộc đời và sự nghiệp đầy huyền thoại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi là tấm gương, là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam”. Với tài năng, trí tuệ và những phẩm chất cao quý của người cầm quân vĩ đại “Trí - Tín - Dũng - Nhân - Liêm - Trung”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành một vị tướng huyền thoại, một thiên tài quân sự được nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách, học giả, nhà sử học, nhà báo, nhà văn và đông đảo Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới ngưỡng mộ và kính trọng.

Cuốn “Đại bách khoa toàn thư Pháp” (xuất bản năm 1987) đã viết về Đại tướng: “Là người tổ chức quân đội Nhân dân Việt Nam, ông Võ Nguyên Giáp đã thực hiện thành công một sự tổng hợp độc đáo các học thuyết quân sự mác-xít kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc và vận dụng khôn khéo vào những điều kiện của một quốc gia tương đối hẹp. Trong con người ông Giáp, nhà chính trị đi trước nhà quân sự. Tư tưởng và hành động của ông không chỉ thu hẹp trong phạm vi nguyên tắc thuần túy quân sự mà dựa vững chắc vào tiền đề chính trị là sự tham gia đông đảo của quần chúng Nhân dân vào nỗ lực kháng chiến, một điều không thể thiếu của chiến tranh du kích. Võ Nguyên Giáp luôn luôn là một ví dụ về cách sử dụng tư tưởng quân sự để đạt những mục đích chính trị, chứ không đơn thuần là một vị tướng chỉ có vai trò quan trọng trong chiến đấu ở một thời kỳ ngắn của lịch sử. Ông Giáp đã chứng minh một cách rõ ràng tính thực tế và những phương thức cụ thể để cho những phong trào kháng chiến trông bề ngoài có vẻ là yếu kém mà vẫn có thể thắng các “đại cường quốc” có sức mạnh áp đảo”.

Con người “khi còn tại thế đã là huyền thoại và khi tạ thế thì trở thành bất tử”. Đó là Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. “Một danh tướng vĩ đại, một tài năng kiệt xuất, nhà chính trị, quân sự lỗi lạc của dân tộc Việt Nam, người vâng mệnh Đảng và Bác Hồ lãnh trách nhiệm cầm quân từ lúc sinh thành “Đội quân thơ ấu”, qua Cách mạng Tháng Tám, đến cuộc trường chinh đánh bại 10 đại tướng của hai đế quốc to là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”. Dân tộc ta, Nhân dân ta mãi mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng. Và hơn hết, mỗi người dân Việt Nam càng yêu mến và kính trọng Đại tướng ở nhân cách cao đẹp và một tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực. Chúng ta yêu quý Đại tướng ở sự liêm khiết, giản dị, khoan dung, nhân hậu, sống chí nghĩa chí tình, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào mình... Đó là tấm gương đạo đức ngời sáng, để mỗi con người nhỏ bé chúng ta khi soi mình vào đều có thể rút ra một bài học lớn.

Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]