(Baothanhhoa.vn) - Trên cơ sở nhận biết thấu đáo những thuận lợi và khó khăn trong Kỳ họp lần thứ 35 Ủy ban Di sản thế giới (UBDSTG), đoàn Việt Nam xác định quyết tâm và phương châm hành động là: kiên định với mục tiêu bảo vệ Di sản Thành Nhà Hồ trở thành di sản văn hóa thế giới; linh hoạt, mềm dẻo, “tùy cơ ứng biến” trong gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, thảo luận, vận động đề cử và bảo vệ hồ sơ Di sản Thành Nhà Hồ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kỷ niệm 10 năm Thành Nhà Hồ trở thành Di sản văn hóa thế giới: Những kỷ niệm không thể nào quên...

Trên cơ sở nhận biết thấu đáo những thuận lợi và khó khăn trong Kỳ họp lần thứ 35 Ủy ban Di sản thế giới (UBDSTG), đoàn Việt Nam xác định quyết tâm và phương châm hành động là: kiên định với mục tiêu bảo vệ Di sản Thành Nhà Hồ trở thành di sản văn hóa thế giới; linh hoạt, mềm dẻo, “tùy cơ ứng biến” trong gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, thảo luận, vận động đề cử và bảo vệ hồ sơ Di sản Thành Nhà Hồ.

Kỷ niệm 10 năm Thành Nhà Hồ trở thành Di sản văn hóa thế giới: Những kỷ niệm không thể nào quên...

Đoàn ngoại giao của 21 quốc gia Thường trực Ủy ban Di sản thế giới đến thăm Thành Nhà Hồ vào đầu năm Tân Mão 2011. Ảnh tư liệu của Lê Dung

Được sự đồng ý của lãnh đạo tỉnh, đoàn công tác của tỉnh do tôi làm trưởng đoàn, tham dự Kỳ họp lần thứ 35 UBDSTG tại thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp, từ ngày 19-6 đến 29-6-2011. Với hành trang và tâm thế vững vàng, sau khi đến Paris, đoàn công tác Việt Nam (gồm đại diện lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, làm trưởng đoàn; Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại sứ, trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO và Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp) đã hội ý ngay để bàn thảo và thống nhất kế hoạch vận động đề cử và bảo vệ hồ sơ Di sản Thành Nhà Hồ.

Trong Kỳ họp lần thứ 35 này, khó khăn đối với Di sản Thành Nhà Hồ là hồ sơ đã được cơ quan tư vấn của UBDSTG là ICOMOS đánh giá loại D. Mặc dù chúng ta đã có sự chuẩn bị kỹ càng và chất lượng thư giải trình hồ sơ di sản theo các khuyến nghị của ICOMOS, song để bảo vệ thành công một di sản từ loại D lên loại I, là một thử thách lớn, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực của nhiều phía. Hơn thế nữa, trong bài phát biểu của mình tại phiên khai mạc kỳ họp, bà Bukova, Tổng Giám đốc UNESCO, nhấn mạnh: Các di sản cần phải tuân theo các tiêu chí nghiêm ngặt và thể hiện được giá trị nổi bật toàn cầu. Không có trường hợp nào được đi tắt, ngoại lệ. Theo đó, các nước phát triển, đi đầu là Thụy Sĩ, đã phát biểu theo quan điểm của bà Tổng giám đốc ở mức độ cứng rắn hơn: Vấn đề của các di sản là giá trị nổi bật toàn cầu và không có gì khác nữa. Như vậy là, khuyến cáo của Hội đồng chấp hành UNESCO tại kỳ họp tháng 5-2011 về việc “không được chính trị hóa di sản thế giới” đã chính thức được đưa ra trong kỳ họp này. Đây là trở lực lớn trong vận động đề cử và bảo vệ hồ sơ di sản đối với các nước đang phát triển có di sản đề cử được đánh giá loại D như nước ta. Bên cạnh những khó khăn thì đoàn Việt Nam rất tự tin bởi hồ sơ Di sản Thành Nhà Hồ đã được bổ sung, hoàn thiện với chất lượng cao. Đồng thời, trước thềm Kỳ họp 35 UBDSTG, sự vận động ngoại giao tích cực của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đối với các nước trong UBDSTG, nhằm tạo sự ủng hộ hồ sơ Di sản Thành Nhà Hồ đã có tín hiệu tốt đẹp. Đặc biệt là thư của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm gửi 21 nước thành viên UBDSTG, trong đó nhiều nước đã dành sự ủng hộ nhiệt tình cho Việt Nam.

Nhớ lại những ngày đoàn Việt Nam thực hiện kế hoạch vận động các nước thành viên UBDSTG ủng hộ hồ sơ Di sản Thành Nhà Hồ tại Kỳ họp lần thứ 35, tôi không thể nào quên 2 sự kiện. Đó là việc gặp gỡ, tiếp xúc với phái đoàn Campuchia và Thái Lan trong bối cảnh hai nước đang có xung đột, tranh chấp ngôi đền Preah Vihear - di sản văn hóa thế giới, nằm ở biên giới của hai nước. Sáng 22-6-2011, Phó Thủ tướng Son An, Trưởng phái đoàn Campuchia hẹn gặp đoàn ta. Trong khi chờ đợi gặp đoàn Campuchia thì bất ngờ đoàn ta lại gặp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Thái Lan, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Thái Lan. Ông Bộ trưởng chào đoàn Việt Nam, đồng thời chủ động nói Thái Lan ủng hộ Việt Nam. Tôi cảm ơn và phóng viên Thái Lan ghi nhanh hình ảnh này. Trước tình thế đó, chúng tôi buộc phải hẹn gặp đoàn Campuchia ở một địa điểm khác, để tránh sự gặp gỡ cùng lúc hai đoàn. Tại cuộc gặp với đoàn Campuchia, đúng như dự đoán của chúng tôi, Phó Thủ tướng Son An trao đổi việc Thái Lan bắn phá đền Preah Vihear và nhiều nước đã ký tên, lên án hành động của Thái Lan, nhưng chưa thấy động thái của Việt Nam. Chúng ta phải nói rõ: Vấn đề này đã được UBDSTG công nhận đền Preah Vihear thuộc chủ quyền của Campuchia trong các kỳ họp lần trước, Việt Nam đồng thuận theo nghị quyết của UBDSTG.

Sự kiện thứ hai là việc gặp gỡ, vận động bà Đại sứ Trung Quốc bên cạnh UNESCO. Ngay từ cuộc họp Hội đồng chấp hành UNESCO (tháng 5-2011, tại Paris), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và đoàn Thanh Hóa đã đôi, ba lần gặp gỡ, trao đổi và đề nghị bà Đại sứ Trung Quốc ủng hộ hồ sơ Thành Nhà Hồ. Bởi chúng ta cần có sự đồng thuận từ các nước có nhiều di sản thế giới, trong đó Trung Quốc là một nước lớn có nhiều di sản văn hóa, di sản thiên nhiên thế giới và có tầm ảnh hưởng không nhỏ trong UBDSTG. Vì vậy, tại kỳ họp này, chúng tôi đã mời Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp gặp gỡ, trao đổi với bà Đại sứ Trung Quốc bên cạnh UNESCO. Vốn dĩ hai người đã nhiều năm cùng làm việc ở trụ sở UNESCO, nên việc gặp gỡ, trao đổi khá thoải mái. Tuy nhiên, kết quả cuộc gặp không như mong muốn của chúng ta. Phía Trung Quốc không ủng hộ, nhưng cũng không phản đối, nghĩa là trong phiên thảo luận về hồ sơ Thành Nhà Hồ, đoàn Trung Quốc sẽ không có ý kiến. Chúng tôi nghĩ rằng, được như vậy cũng là quý lắm rồi, đúng như cha ông ta hay nói: “Nhất thì ừ, Nhì thì làm thinh”.

Từ ngày 24-6-2021, kỳ họp bắt đầu xét các hồ sơ đề cử. Theo dõi tình hình, diễn biến của kỳ họp và từ kinh nghiệm của những người làm công tác ngoại giao văn hóa, sáng 27-6-2011, sau khi chứng kiến việc xét và công nhận hồ sơ di sản của một số nước đang phát triển ở châu Mỹ, châu Phi, anh chị em trong đoàn thống nhất đề nghị với chủ tọa phiên họp (bà Đại sứ Barbados, Phó Chủ tịch UBDSTG) cho phép xem xét hồ sơ Di sản Thành Nhà Hồ vào cuối phiên họp, bắt đầu từ 12h27, (giờ Paris). Mặc dù đã chuẩn bị tâm thế vững vàng cho việc bảo vệ hồ sơ Di sản Thành Nhà Hồ, song bước vào “trận đấu một mất, một còn” này, tâm trạng của các thành viên trong đoàn hết sức lo lắng và căng thẳng. Trong khi, trưởng phái đoàn các nước Pháp, Ai Cập, Nigeria, Brasil, Nga phát biểu đồng thuận rất cao với hồ sơ di sản và giải trình các khuyến nghị của ICOMOS của Việt Nam; thì trưởng phái đoàn của các nước Thụy Sĩ, Estonia, Úc vẫn giữ quan điểm cứng rắn, họ cho rằng: Giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Thành Nhà Hồ chưa có sức thuyết phục và không đồng thuận với hồ sơ đề cử.

Trong bối cảnh đó, ông Trưởng đoàn Ai Cập - một nhà khoa học về di sản có uy tín trên thế giới, người đã từng nói với chúng tôi lúc nào cũng ủng hộ Việt Nam, đã xin phép chủ tọa phiên họp được phát biểu lần thứ 2. Ông nói rất ngắn gọn, đại ý: Tôi là nhà khoa học khảo cổ học, đã nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực này và đã đi rất nhiều nước trên thế giới. Tôi đã nghiên cứu rất kỹ hồ sơ Di sản Thành Nhà Hồ, Việt Nam và so sánh với những thành cổ được công nhận là di sản văn hóa thế giới ở đất nước chúng tôi (Ai Cập) thì thấy rằng, Thành Nhà Hồ không chỉ là tòa thành tiêu biểu ở khu vực Đông Nam Á mà hoàn toàn xứng đáng là di sản văn hóa thế giới. Nếu các bạn có dịp đến Việt Nam, thăm Thành Nhà Hồ cũng sẽ có ý kiến như tôi. Sau phát biểu của ông, cả hội trường xao động lên đôi chút, rồi lặng đi trong giây phút và bà chủ tọa phiên họp tuyên bố kết thúc phần tranh luận và chuyển sang phần thông qua dự thảo nghị quyết do Nga đề xuất và đã có 14/21 nước thành viên UBDSTG ủng hộ.

Đoàn Việt Nam như trút đi được sự đè nén trong tâm can và thở phào nhẹ nhõm. Đối với tôi, phát biểu của ông Trưởng đoàn Ai Cập ví như cơn mưa đầu mùa hạ tưới mát cho đất đai đang khô hạn. Trong tôi dâng trào cảm xúc và niềm vui khôn tả. Bước sang phần thông qua dự thảo nghị quyết ghi danh Thành Nhà Hồ vào danh sách di sản thế giới, đoàn Việt Nam, ai ai cũng hồi hộp, chăm chú theo dõi từng hàng chữ của dự thảo nghị quyết được chạy trên màn hình lớn trong hội trường. Thời gian như chậm lại, mỗi khi các hàng chữ không chuyển động, nhất là khi ông trưởng đoàn Nigeria - người trước đó đã phát biểu ủng hộ hồ sơ Thành Nhà Hồ, lại tiếp tục có ý kiến đề nghị chủ tọa phiên họp chỉnh sửa một cụm từ trong dự thảo nghị quyết, nhằm nhấn mạnh hơn giá trị nổi bật toàn cầu của Thành Nhà Hồ. Không khí như ngưng thở, bởi rất ngại xảy ra việc có ý kiến tranh luận. Rất may cho chúng ta, sau ý kiến nêu trên, bà Đại sứ Barbados đã giải thích làm rõ cụm từ nêu trong dự thảo nghị quyết không làm giảm đi giá trị nổi bật toàn cầu của di sản và hỏi đại biểu Nigeria có trao đổi gì thêm không? Ông trưởng đoàn Nigeria như bừng tỉnh và cảm ơn bà chủ tọa phiên họp. Tôi và anh chị em trong đoàn đều lặng đi và cầu mong cho phút giây này nhanh qua. Vào thời khắc đó, trong tôi thầm nhắc tới và tin rằng anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng, liệt sĩ sẽ phù hộ độ trì cho nghị quyết nhanh được thông qua. Và thế rồi giờ phút đó đã đến: Vào lúc 13h (giờ Paris) tức là 18h (giờ Việt Nam) ngày 27-6-2011, bà Đại sứ Barbados, chủ tọa phiên họp UBDSTG đã “gõ búa” đồng thuận thông qua nghị quyết ghi Thành Nhà Hồ vào danh sách di sản thế giới.

Thật vinh hạnh và tự hào, vui sướng và vô cùng xúc động. Chúng tôi reo lên và ôm nhau thật chặt. Niềm vui vỡ òa bởi những giọt nước mắt tuôn trào trên khuôn mặt của các thành viên đoàn Việt Nam. Những lời chúc mừng, những cái bắt tay nồng nhiệt của phái đoàn các nước tham dự kỳ họp để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc, mãi không thể nào quên.

Vương Văn Việt

Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng hồ sơ Di sản Thành Nhà Hồ


Vương Văn Việt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

1 bình luận

 Nguyễn Quang Nhiên - 08:07 25/11/21

 Trả lời

Tự hào xứ Thanh địa linh nhân kiệt và nước Việt thân yêu, hãy làm hết sức mình để bảo vệ di sản quý giá của cha ông ta để lại.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]