(Baothanhhoa.vn) - Năm 2023, ngành chăn nuôi Thanh Hóa phấn đấu nâng cao giá trị sản xuất, không để xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm, 100% gia súc, gia cầm thuộc diện được tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh... Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm 2023, ngành chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn do giá cả thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá lợn hơi, gà, trứng... có xu hướng giảm, khiến người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với thua lỗ và xoay xở để vượt qua “bão giá”.

Ngành chăn nuôi vượt khó trong “cơn bão giá”

Năm 2023, ngành chăn nuôi Thanh Hóa phấn đấu nâng cao giá trị sản xuất, không để xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm, 100% gia súc, gia cầm thuộc diện được tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh... Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm 2023, ngành chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn do giá cả thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá lợn hơi, gà, trứng... có xu hướng giảm, khiến người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với thua lỗ và xoay xở để vượt qua “bão giá”.

Ngành chăn nuôi vượt khó trong “cơn bão giá”Cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại thị trấn Yên Cát (Như Xuân).

Tại tổ dân phố Phong Lượng, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương), chúng tôi tìm đến gia đình bà Đào Thị Hoa, một trong những trang trại có quy mô sản xuất lớn tại khu chăn nuôi tập trung của xã. Bà Hoa cho biết: “Những ngày qua, đàn lợn xuất chuồng của gia đình tôi phải bán với giá thấp là 47.000 đồng/kg và tới nay vẫn chưa có dấu hiệu tăng về giá cũ. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng trung bình từ 10 đến 15% và hiện dao động từ 380.000 đến 500.000 đồng/bao 25 kg và chưa có xu hướng giảm cùng các loại chi phí chăm sóc, tiêm vắc-xin... khiến gia đình tôi đang phải gánh lỗ trung bình từ 500.000 đồng đến 700.000 đồng/con có cân nặng tiêu chuẩn (khoảng 1,2 tạ - PV) để xuất chuồng”. Trước thực trạng đó, hiện bà Hoa đã phải giảm số lượng đàn lợn nuôi.

Áp lực từ giá thức ăn chăn nuôi cao, bên cạnh những hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn đang tiếp tục đầu tư cầm chừng để duy trì sản xuất thì có không ít những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã phải bỏ trống chuồng do không còn đủ vốn. Ông Lê Trọng Hòa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa, cho biết: Nguyên nhân khiến giá lợn hơi đang sụt giảm là do nguồn cung thị trường lớn, trong khi sức tiêu thụ chậm, dẫn tới dư thừa. Mặt khác, giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã không có dấu hiệu giảm khiến cho ngành chăn nuôi gặp khó khăn hơn bao giờ hết. Đối với chi phí sản xuất bị “đội” lên như hiện nay, thì giá lợn hơi phải đạt 65.000 đồng/kg trở lên thì người chăn nuôi mới có lãi.

Không chỉ đối với chăn nuôi lợn, các trang trại chăn nuôi gia cầm suốt thời gian qua cũng lao đao do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá trứng, gà, vịt... giảm nhẹ do nguồn cung của các trang trại trong dịp tết vẫn dồi dào, trong khi nhu cầu tiêu dùng trứng của người dân giảm, tạo ra nguồn cung vượt cầu.

Khảo sát tại các đại lý thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cho thấy, hơn hai năm qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, duy trì ở mức cao và đến nay vẫn chưa có lần nào giảm giá. Chị Lê Thị Duyên, chủ cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại thị trấn Yên Cát (Như Xuân) cho biết: “Hiện nay, trong nước vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đang phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, trong khi đó, giá cả các loại nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương, lúa mì... đang ở mức cao. Chúng tôi phải điều chỉnh tăng giá bán, tuy nhiên, chỉ tăng giá nhẹ, chấp nhận lợi nhuận ít để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi. Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao dẫn đến các trang trại, gia trại phải điều chỉnh số lượng đàn, do vậy lượng tiêu thụ sản phẩm của cửa hàng tôi bị giảm đi khoảng 50% so với trước đây”.

Trước thực trạng trên, ngành chăn nuôi dự đoán giá lợn hơi chưa thể tăng cao trở lại, giá thức ăn chăn nuôi cũng chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Vì vậy, trước khó khăn “kép” mà người chăn nuôi đang phải đối mặt, các địa phương cần hướng dẫn người dân sử dụng cám gạo, ngô, sắn... bảo quản rơm, ủ rơm, ủ xanh các loại cây làm thức ăn cho gia súc, để tận dụng hết các phụ phẩm nông sản tại chỗ, giảm tỉ lệ sử dụng thức ăn công nghiệp. Tăng cường cập nhật thông tin cho người dân về tình hình chăn nuôi và thị trường các sản phẩm chăn nuôi, trên cơ sở quy hoạch các vùng chăn nuôi, khuyến khích người dân phát triển các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn gắn với bảo vệ môi trường, tiêu thụ sản phẩm. Từng bước hình thành mối liên kết giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các giải pháp để duy trì sản xuất, hạn chế rủi ro, dựa trên điều kiện sản xuất của hộ để đầu tư duy trì sản xuất, không nên tái đàn, tăng đàn ồ ạt, tuy nhiên vẫn phải chú trọng các công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Chủ động liên kết với cơ sở chăn nuôi có uy tín, các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thương lái, cung vượt quá cầu dẫn tới bị ép giá, lỗ vốn. Đi đôi với đó, các đơn vị sản xuất, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi cần thực hiện công khai niêm yết giá và cam kết bảo đảm chất lượng sản phẩm để giữ chữ “tín” đối với người chăn nuôi.

Bài và ảnh: Lê Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]