(Baothanhhoa.vn) - Để nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chú trọng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhiều diện tích sản xuất kém hiệu quả sau thời gian “ngủ quên”, đã được người dân “đánh thức” bằng các loại cây, con phù hợp, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đánh thức đồng đất

Để nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chú trọng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhiều diện tích sản xuất kém hiệu quả sau thời gian “ngủ quên”, đã được người dân “đánh thức” bằng các loại cây, con phù hợp, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đánh thức đồng đấtDiện tích đồi trồng keo hiệu quả kinh tế thấp được chuyển đổi sang trồng xoài keo tại xã Xuân Hòa (Như Xuân).

Trước thực trạng nhiều diện tích đất đồi bị bỏ hoang hoặc trồng mía, sắn, keo... không mang lại hiệu quả kinh tế, xã Xuân Hòa (Như Xuân) đã tích cực khuyến khích, hỗ trợ người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế bằng những loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương. Trước chủ trương của huyện Như Xuân đưa giống xoài keo vào sản xuất, xã Xuân Hòa đã tập trung tuyên truyền, đưa vào trồng thử nghiệm để người dân tin tưởng. Đồng thời, ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp về việc cung ứng vật tư sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tổ chức tập huấn trồng, chăm sóc xoài keo.

Tại vùng đồi Đá Chai, ông Lê Ngọc Tân - một trong những hộ có diện tích trồng xoài keo tập trung lớn trên địa bàn xã cho biết: Vùng đất này bị bỏ hoang lâu nên việc đưa một loại cây trồng mới vào sản xuất tương đối khó, bởi cần có thời gian nghiên cứu, lựa chọn các loại cây mới phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện sản xuất... Sau khi lựa chọn cây xoài keo, tôi phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu về đặc tính, cách chăm sóc, thời gian cây cho quả... Hiện 14 ha trồng xoài keo của ông Tân đang phát triển tốt, nếu thuận lợi, sau 3 năm cây sẽ cho đợt quả đầu tiên với năng suất khoảng 30 kg/cây, nhưng vào những vụ sau có thể tăng lên 40 đến 100 kg/cây; lợi nhuận thu về từ năm thứ 6 đạt khoảng 60 triệu đồng/ha/năm”.

Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa Lê Thị Hoài cho biết: Diện tích vùng đồi bỏ hoang hoặc trồng keo, mía, sắn kém hiệu quả kinh tế đang được người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả như thanh long, bưởi, xoài keo, cam... Người dân đã được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn áp dụng quy trình trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Một số diện tích trồng xoài keo đã được ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, hứa hẹn mang lại thu nhập ổn định.

Đến khu đồng Ngâu, xã Nam Giang (Thọ Xuân), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự “lột xác” của cánh đồng chiêm trũng thường xuyên bị ngập lụt khi mùa mưa lũ về, nay đã hình thành khu nuôi trồng thủy sản tập trung và trang trại tổng hợp.

Trước khó khăn về địa hình, xã Nam Giang đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân đầu tư, biến khó khăn thành lợi thế, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, để thu hút doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, cùng với nhiều nguồn hỗ trợ, xã đã đầu tư xây dựng các công trình để phục vụ quá trình sản xuất như trạm biến áp, đường dây trung, hạ áp, đường bê tông trục chính vào khu trang trại... Đến nay, khu đồng chiêm trũng trồng lúa đã được quy hoạch, chuyển đổi 35 ha để xây dựng khu nuôi trồng thủy sản tập trung với diện tích gần 20 ha và các trang trại tổng hợp trồng cây ăn quả, chăn nuôi lợn, gia cầm... Doanh thu của mỗi trang trại đạt hàng tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 1.169 ha đất trồng kém hiệu quả sang phát triển các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn. Thực tế tại các địa phương, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng không những mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2,5 lần trở lên so với diện tích trước khi chuyển đổi mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, hạn chế được tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp do thiếu nước, bỏ vụ kéo dài. Đây chính là cơ sở để người dân thay đổi tư duy sản xuất và tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp bền vững. Bên cạnh những diện tích chuyển đổi mới hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội trong thời gian tới, hiện nay nhiều đồng đất tại các địa phương như Hoằng Hóa, Yên Định, Thiệu Hóa, Như Xuân, Thọ Xuân... đã hình thành các vùng trồng cây ăn quả, cá - lúa, rau an toàn, khoai tây, khu chăn nuôi tập trung; người dân đã chú trọng ứng dụng khoa học - kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được doanh nghiệp liên kết, bao tiêu sản phẩm.

Thời gian tới, để những đồng đất không “ngủ quên” ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế như lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao; rau an toàn; cây ăn quả... Bên cạnh đó, tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ mới, đưa các quy trình sản xuất tiên tiến áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP vào sản xuất, chế biến nông, lâm và thủy sản; từ đó, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, HTX vào cùng tham gia sản xuất, hình thành chuỗi liên kết, tạo ra nguồn hàng hóa cung ứng cho thị trường.

Bài và ảnh: Lê Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]