(Baothanhhoa.vn) - Từ lâu, cây sắn được xác định là một trong những cây trồng hàng hóa chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, những năm gần đây vì nhiều nguyên nhân nên giá trị sản xuất của cây sắn không được như kỳ vọng. Do đó, vấn đề phát triển bền vững các vùng nguyên liệu sắn phục vụ chế biến, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập của người dân đã và đang là bài toán đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của ngành nông nghiệp và các địa phương.

Nâng cao chất lượng cho vùng nguyên liệu sắn

Từ lâu, cây sắn được xác định là một trong những cây trồng hàng hóa chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, những năm gần đây vì nhiều nguyên nhân nên giá trị sản xuất của cây sắn không được như kỳ vọng. Do đó, vấn đề phát triển bền vững các vùng nguyên liệu sắn phục vụ chế biến, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập của người dân đã và đang là bài toán đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của ngành nông nghiệp và các địa phương.

Phát triển bền vững vùng nguyên liệu sắnCán bộ xã Xuân Cao (Thường Xuân) kiểm tra tình hình phát triển của diện tích sắn nguyên liệu.

Khu vực trung du và miền núi Thanh Hóa được xác định có khí hậu, thổ nhưỡng và trình độ sản xuất của người dân phù hợp để phát triển cây sắn. Do đó, các địa phương đã tập trung khuyến khích, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích sắn làm nguyên liệu chế biến. Hằng năm, toàn tỉnh phát triển được từ 13.000 - 15.000 ha sắn, với tổng sản lượng khoảng 200.000 tấn làm nguyên liệu phục vụ 5 nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh. Là một trong những vùng nguyên liệu sắn lớn của tỉnh, hằng năm huyện Thường Xuân trồng được khoảng 1.100 ha sắn nguyên liệu. Trước đây, người dân trong huyện trồng sắn theo hình thức tự phát, thiếu chăm sóc và trồng ở những diện tích tận dụng, trồng trên độ dốc lớn nên hiệu quả kinh tế không cao, khiến cây sắn trở nên “lép vế” so với những cây trồng khác. Những năm gần đây, khi sản phẩm sắn nguyên liệu có thị trường tiêu thụ ổn định từ các nhà máy chế biến, UBND huyện Thường Xuân đã phối hợp với doanh nghiệp chuyển giao kỹ thuật thâm canh mới, hướng dẫn người dân tham gia xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu sắn bền vững. Đồng thời, tìm kiếm đưa nguồn giống sắn mới có sức chống chịu sâu bệnh tốt, hàm lượng tinh bột cao vào sản xuất. Gắn bó với cây sắn hàng chục năm nhưng sau khi kết thúc vụ sắn 2022-2023, bà Ngân Thị Phượng ở thôn Quyết Thắng 1, xã Xuân Cao cho biết, những năm trước đây với diện tích 3 ha trồng sắn, mỗi vụ thu được khoảng 60 tấn củ, doanh thu gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên, từ vụ sắn trước đã xuất hiện tình trạng khảm lá, năng suất giảm sút, bởi vậy hiệu quả kinh tế từ cây sắn chưa được như kỳ vọng.

Được biết, niên vụ 2023-2024 huyện Thường Xuân có 1.068 ha sắn nguyên liệu, giảm 16,7% so với cùng kỳ. Nhiều diện tích sản xuất sắn đã được người dân thay thế bằng các cây trồng khác hoặc trồng xen canh. Mặc dù có diện tích sản xuất lớn, song hiệu quả kinh tế không cao. Nguyên nhân là do diện tích canh tác sắn chủ yếu có độ dốc cao, canh tác nhiều năm đất bị xói mòn, rửa trôi mạnh, dẫn đến đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng, sắn sinh trưởng, phát triển chậm, năng suất giảm dần. Bên cạnh đó, dù các nhà máy chế biến tinh bột sắn vẫn thu mua, bao tiêu sản phẩm nhưng chưa có sự ràng buộc, cam kết về giá. Ngoài ra, hiện nay, do canh tác lâu năm, cây sắn đã bị nhiễm nhiều loại bệnh, nhất là bệnh khảm lá, làm cho năng suất giảm, hiệu quả kinh tế thấp, nên người dân đã chuyển một phần diện tích đất canh tác sắn sang trồng cây lâm nghiệp khác...

Hướng tới phát triển bền vững diện tích sắn nguyên liệu, bảo đảm nguồn nguyên liệu cho hoạt động chế biến, thời gian qua đã có một số nhà máy chế biến tinh bột sắn chủ động đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, như: Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh (Ngọc Lặc) đã đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người dân các huyện: Ngọc Lặc, Thường Xuân, Thọ Xuân; Công ty TNHH Chế biến nông - lâm sản xuất khẩu Như Xuân đầu tư ứng trước vật tư, phân bón, công chăm sóc, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người dân; đồng thời ký hợp đồng bao tiêu sắn tươi theo hướng điều chỉnh giá thị trường, hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp... Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thì tại các vùng trồng sắn trên địa bàn tỉnh trình độ sản xuất của người dân còn lạc hậu, nên phát triển sản xuất manh mún, chưa áp dụng các kỹ thuật sản xuất mới nên năng suất, sản lượng còn hạn chế. Bên cạnh đó, vài năm trở lại đây trên nhiều diện tích trồng sắn nguyên liệu xuất hiện bệnh khảm lá vi-rút hại sắn, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng khiến người dân càng không mặn mà với loại cây trồng này.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, niên vụ 2023-2024 toàn tỉnh có hơn 11.000 ha sắn nguyên liệu. Tuy nhiên, có khoảng 965 ha sắn nguyên liệu bị nhiễm vi-rút bệnh khảm lá sắn. Bệnh đang gây hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng tại các huyện Thường Xuân, Ngọc Lặc, Như Xuân, Như Thanh, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Bá Thước. Mặc dù Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp phòng trừ, khắc phục, song diện tích nhiễm bệnh vẫn có xu hướng tăng cao.

Do đó, ngành nông nghiệp đã và đang hướng dẫn các địa phương thường xuyên kiểm tra theo dõi sự phát triển của cây sắn để có biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hiệu quả; thực hiện tiêu hủy đối với diện tích sắn nhiễm bệnh nặng và tìm kiếm đưa những giống sắn mới có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt vào sản xuất ở những vụ tiếp theo. Đồng thời, để phát triển cây sắn nguyên liệu theo hướng bền vững, cần có sự hỗ trợ tích cực, sự quan tâm của chính quyền các địa phương và sự chủ động của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh sắn. Thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người trồng sắn đầu tư thâm canh tăng năng suất và duy trì, phát triển tốt việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất sắn nguyên liệu cho người dân.

Bài và ảnh: Lê Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]