(Baothanhhoa.vn) - Năm đầu tiên cây sắn được đưa vào trồng đại trà ở huyện vùng biên Mường Lát, cũng là vụ đầu tiên bà con nơi đây đón nhận niềm vui, khi cây sắn cho sản lượng, giá trị cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác. 

Khi cây sắn ở vùng biên được mùa

Năm đầu tiên cây sắn được đưa vào trồng đại trà ở huyện vùng biên Mường Lát, cũng là vụ đầu tiên bà con nơi đây đón nhận niềm vui, khi cây sắn cho sản lượng, giá trị cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác.

Khi cây sắn ở vùng biên được mùa

Sắn sau khi thu hoạch được công ty thu mua ngay tại ruộng.

Theo chân cán bộ xã Mường Lý, ngược đồi sắn rộng cả trăm héc ta của địa phương, trước mắt chúng tôi là không khí lao động tất bật, hối hả của người nông dân khi những bụi sắn được nhổ lên cho rất nhiều củ to.

Hạ gùi sắn, tranh thủ nghỉ ngơi, anh Ngân Văn Thao, ở bản Nàng 1, xã Mường Lý nói: “Mệt nhưng phấn khởi. Sắn được mùa, được giá, Tết này xem như bà con dân bản ấm cái bụng!”.

Khi cây sắn ở vùng biên được mùa

Bà con đóng sắn vào bao tải chờ vận chuyển

Cùng chung niềm vui được mùa, được giá sắn, anh Mua Seo Lăng, ở bản Xa Lung, xã Mường Lý, bộc bạch: “Cây sắn vốn lâu nay được bà con trồng, đánh giá là hợp thổ nhưỡng, cho sản lượng, năng suất cao. Tuy nhiên, chưa trở thành cây hàng hóa do không có đầu ra. Nay, có công ty bao tiêu, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ giống, phân bón... bà con tin tưởng đây sẽ là cây thoát nghèo”.

Ông Hà Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mường Lý, cho biết: Mường Lý là một trong những xã có diện tích sắn lớn nhất nhì của huyện Mường Lát với gần 1.000 ha. Sắn được bà con xuống giống trồng từ tháng 2, tháng 3 và thu hoạch vào khoảng tháng 10, 11 âm lịch.

Khi cây sắn ở vùng biên được mùa

Sắn được vận chuyển xuống chân đồi để nhập cho công ty

Trung bình 1ha sắn sẽ cho sản lượng khoảng 18 - 20 tấn. Với giá công ty nhập từ 2.100 đến 2.600 đồng/kg, đây được xem là loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao so với nhiều loại cây trồng khác.

Theo ông Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát, vụ sắn năm 2023 toàn huyện Mường Lát có gần 3.000 ha đất trồng sắn. Chủ yếu được trồng tại các xã Trung Lý, Mường Lý, Tam Chung... và trồng xen canh với đất rừng sản xuất.

Khi cây sắn ở vùng biên được mùa

Hợp thổ nhưỡng, củ sắn to, dài...

Trước đó, các Đồn biên phòng Tam Chung, Pù Nhi, Trung Lý phối hợp với Công ty CP sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh (có địa chỉ tại huyện Ngọc Lặc) ký kết chương trình phối hợp triển khai mô hình trồng “cây sắn năng suất cao” trên địa bàn các xã biên giới huyện Mường Lát. Đây được xem là bước tiến mới, đồng thời cũng là lời giải cho bài toán “trồng cây gì?” ở huyện vùng biên, gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm.

Khi cây sắn ở vùng biên được mùa

Sắn được vận chuyển lên xe xuôi bản

Để hình thành vùng trồng sắn tập trung, phía Công ty CP sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh đầu tư giống sắn, phân bón và phối hợp cùng lực lượng biên phòng hướng dẫn Nhân dân địa phương kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc sắn đạt hiệu quả cao nhất; ký hợp đồng thu mua và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng được cho là phù hợp với cây sắn khi sản lượng, năng suất vụ năm 2023 khá cao. Đây dự kiến sẽ là cây trồng chủ lực trong thời gian tới cho bà con huyện vùng biên Mường Lát, là cơ sở để nâng cao đời sống, giúp bà con vươn lên thoát nghèo.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng lưu ý, khuyến cáo bà con, không vì lợi nhuận ban đầu mà chuyển đổi cây trồng ồ ạt, nghiêm cấm tình trạng phá rừng để trồng sắn. Theo dõi trồng và phát triển cây sắn theo lộ trình ký kết, bao tiêu với phía công ty.

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]