(Baothanhhoa.vn) - Từ miền núi rừng Bá Thước, Thiếu tá Nguyễn Thị Loan (nghệ danh Tố Loan) đã vượt qua biết bao gian nan, nhọc nhằn để về với phố, nỗ lực theo đuổi niềm đam mê âm nhạc. Cũng bởi âm nhạc đã chắp cánh ước mơ, bắc nhịp cầu đưa chị đến với màu xanh áo lính biên phòng. Với tất cả niềm say mê, lòng biết ơn, hơn 20 năm qua, chị vẫn cùng màu xanh áo lính ấy cất vang lời ca, tiếng hát. Tiếng hát của chị không chỉ là niềm vui tinh thần cho đồng bào, chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo mà cũng là “vũ khí” sắc bén trên mặt trận văn hóa tư tưởng...

“Họa mi” biên phòng Thanh Hóa

Từ miền núi rừng Bá Thước, Thiếu tá Nguyễn Thị Loan (nghệ danh Tố Loan) đã vượt qua biết bao gian nan, nhọc nhằn để về với phố, nỗ lực theo đuổi niềm đam mê âm nhạc. Cũng bởi âm nhạc đã chắp cánh ước mơ, bắc nhịp cầu đưa chị đến với màu xanh áo lính biên phòng. Với tất cả niềm say mê, lòng biết ơn, hơn 20 năm qua, chị vẫn cùng màu xanh áo lính ấy cất vang lời ca, tiếng hát. Tiếng hát của chị không chỉ là niềm vui tinh thần cho đồng bào, chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo mà cũng là “vũ khí” sắc bén trên mặt trận văn hóa tư tưởng...

“Họa mi” biên phòng Thanh Hóa

Thiếu tá Nguyễn Thị Loan (nghệ danh Tố Loan) giao lưu cùng các chiến sĩ mới tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa.

Từ giảng đường thương mến...

Tố Loan sinh ra và lớn lên ở huyện vùng cao Bá Thước, trong một gia đình nghèo, đông con. Tuy nhiên, so với 6 anh chị em trong nhà, ngay từ nhỏ, Tố Loan đã bộc lộ năng khiếu nghệ thuật. Chị hát hay, múa đẹp, thường được lựa chọn vào đội văn nghệ của xã, huyện tham gia chương trình văn hóa nghệ thuật, hội thi, hội diễn. Khi biết hoàn cảnh của chị, các thầy cô động viên, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Bá Thước quan tâm, định hướng, giúp đỡ chị dự thi vào lớp năng khiếu của Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Thanh Hóa (nay là Trường Đại học Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa).

Ngày ấy, cô gái Bá Thước xuống thành phố theo đuổi ước mơ cuộc đời mình chỉ với vỏn vẹn 200 nghìn đồng để chi phí sinh hoạt, ăn uống. Chị Tố Loan kể: Số tiền ấy là tất cả tấm lòng của bố mẹ dành cho con. Không ai có quyền lựa chọn nơi mình sinh ra hay đấng sinh thành của mình. Nhưng suốt đời này, chị vẫn mãi trân trọng, hạnh phúc, tự hào khi được sống trong tình yêu thương của cha mẹ. Và đó cũng chính là nguồn động lực to lớn giúp chị càng thêm quyết tâm rèn luyện, đạt kết quả thi thật tốt.

Ngày chị bước vào phòng thi, đứng trước hội đồng chấm thi, chị đã tự tin trình diễn hai ca khúc nổi tiếng là “Hà Nội đêm trở gió” của nhạc sĩ Trọng Đài và “Thăm bến Nhà Rồng” của nhạc sĩ Trần Hoàn. Giọng hát trong trẻo, mượt mà cùng phong thái trình diễn tự tin, ngoại hình xinh xắn, “sáng sân khấu” của Tố Loan đã “chinh phục” được hội đồng chấm thi lúc bấy giờ, đạt số điểm xuất sắc, được nhận học bổng ngay từ khi mới vào trường. Chị Tố Loan cho biết: “Khi xem phần dự thi của mình, một số người trong hội đồng chấm thi cảm thấy rất quen mặt. Sau này theo học tại trường, có dịp trò chuyện, các thầy cô mới nhận ra mình từng là gương mặt giành giải Nhất tại cuộc thi Giọng hát hay 8 huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa”.

Dưới mái Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chị Tố Loan may mắn được là sinh viên trong lớp do Nhà giáo Ưu tú, nghệ sĩ Hoàng Hiền chủ nhiệm và cô Trần Thanh Huyền quý mến, tận tâm chỉ bảo, ân cần chăm sóc. Đặc biệt, với chị Tố Loan, cô Trần Thanh Huyền như một người chị, người mẹ thứ hai. Những ngày tháng khó khăn, thiếu thốn, chia nhau với bạn cùng phòng suất cơm đạm bạc, cô Huyền luôn là người vỗ về, an ủi; từng bộ quần áo mới đi thi, viên thuốc khi ốm cũng là cô mang đến cho chị. Ngay cả khi phải nằm viện vì mắc bệnh hiểm nghèo, những ngày cuối đời ngồi trên chiếc xe lăn, cô Huyền vẫn ân cần chỉ bảo cho chị từng lời ca, tiếng hát, như: “Gió chuyển mùa” - nhạc sĩ Thuận Yến, thơ Kim Quy, “Miền xa thẳm” - nhạc sĩ Đức Thịnh... Những bài hát này đã giúp chị Loan tỏa sáng, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả, giành giải cao trong các cuộc thi, hội diễn.

Để đáp lại tấm lòng yêu thương, sự kỳ vọng của các thầy cô, trong quá trình học tập, chị Loan không ngại thử sức mình ở các cuộc giao lưu văn nghệ, cuộc thi giọng hát hay, tiếng hát học sinh, sinh viên ở trường, toàn quốc, trên sóng truyền hình và thường giành được giải cao. Năm 2000, chị Loan giành được Huy chương Vàng cuộc thi Tiếng hát học sinh - sinh viên toàn quốc. Tinh thần, thái độ nghiêm túc học hỏi, không ngừng nỗ lực cùng sự quan tâm, dạy dỗ nhiệt tình của các thầy cô trong trường, chị Loan dần trưởng thành hơn, luôn là hạt nhân tiêu biểu trong đội văn nghệ xung kích của trường. Thiếu tá Loan chia sẻ: “Có lẽ, trong suốt cuộc đời mình, tôi vẫn mãi khắc ghi ân tình của các cô và những hồi ức, kỷ niệm thời thanh xuân tươi đẹp tại đây. Ngôi trường ấy chính là cái nôi nuôi dưỡng, chắp cánh cho niềm đam mê của tôi được bay cao, vươn xa”.

... đến màu xanh áo lính biên phòng

Với Thiếu tá Loan, hành trình bước chân vào đời lính, khoác lên mình chiếc áo gắn quân hàm xanh là cả câu chuyện dài với đầy đủ thăng trầm và thăng hoa, niềm vui và nước mắt. Là sinh viên ưu tú của trường, chị Tố Loan từng được định hướng ở lại trường làm giảng viên. Có thời điểm, chị đã quyết tâm ôn thi vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Thời điểm đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa cần tuyển 2 người cho đội văn hóa tuyên truyền nên có liên hệ với Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Thanh Hóa giới thiệu. Chị Loan là một trong số những người “trong tầm ngắm”. Chị trăn trở, suy nghĩ: “Nếu bây giờ có thi đậu Nhạc viện Hà Nội thì bản thân mình cũng chẳng lo nổi tiền theo học. Mà khi ấy, cứ nghĩ đến cơ hội được khoác trên mình bộ quân phục màu áo xanh biên phòng lại thấy xao xuyến, thích thú đến thế. Người miền rừng, ai cũng mang trong lòng niềm yêu mến, cảm phục người chiến sĩ biên phòng”.

Năm 1998, chị Loan nhập ngũ, trải qua khóa huấn luyện trước khi nhận công tác tại phòng chính trị, đội tuyên truyền văn hóa của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa. Khi khoác lên mình màu xanh áo lính biên phòng, chị hăng hái, năng nổ tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ. Thiếu tá Loan cùng với những đồng nghiệp của mình không quản khó khăn, vất vả mang lời ca, tiếng hát của mình phục vụ cán bộ, chiến sĩ, đồng bào trên tuyến biên giới, hải đảo. Thiếu tá Loan kể lại: "Trước đây, việc đi lại, kết nối với các huyện miền núi đâu có dễ dàng như bây giờ, nhất là tại các địa bàn mà biên phòng đóng quân lại càng khó khăn hơn nhiều, đoàn văn công của chúng tôi chủ yếu đi xe u-oát hoặc phải viện nhờ đến xe cứu thương. Mấy chiếc xe cũ ì ạch leo dốc, nhiều khi chết máy giữa đường lầy lội. Anh em lại ùa xuống đường, lấy dây thừng buộc nối xe nọ vào xe kia, xe đi được kéo lê chiếc xe hỏng, cả đoàn gò lưng ra đẩy ở phía sau... Chúng tôi vẫn thường nói vui với nhau là “những chuyến đi bão táp”.

Vất vả, nhọc nhằn, gian nan là thế nhưng đoàn văn nghệ vẫn cứ hăng hái, nhiệt tình đi khắp các tuyến biên giới, hải đảo để được trao gửi tình yêu thương, lời tri ân, cổ vũ, động viên đến các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và phục vụ bà con dân bản. Trong mỗi buổi biểu diễn, Thiếu tá Loan và đồng nghiệp hát những bài ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước, ơn Đảng - ơn Bác Hồ... Cùng với đó, đoàn luôn lồng ghép các vở kịch ngắn có nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nêu cao tinh thần chung tay góp sức bảo vệ trật tự xã hội, an ninh biên giới. Thiếu tá Loan tâm sự: “Đi nhiều mới thấm thía cuộc sống còn nhiều thiếu khó của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa. Họ khao khát được tham gia những hoạt động văn hóa - nghệ thuật”. Nhiều bản, làng còn chưa có điện, chưa có ti vi, mỗi khi thấy đoàn văn công lên biểu diễn là háo hức chờ đợi. Khi loa thông báo lịch diễn, các em nhỏ đã mang chiếu ra sân trải sẵn, cứ loanh quanh ở đó mãi không chịu rời. Những đêm lưu diễn cũng chẳng thể bày biện được nhiều, sân khấu thiết kế đơn sơ, mộc mạc mà ấm áp tình quân - dân. Đoàn say mê biểu diễn trong tiếng vỗ tay ào ạt của bà con dân bản. Lúc chia tay còn bịn rịn chẳng muốn rời, bà con yêu quý nên có gì cũng mang ra cho. Củ sắn, măng rừng,... mang theo tấm lòng của bà con dân bản về xuôi.

Sau những chuyến đi đó, chị cùng đồng đội tham gia những cuộc thi lớn do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Quân khu 4 tổ chức; các cuộc thi cấp khu vực, toàn quốc... và giành giải thưởng cao như: Huy chương Vàng trong cuộc thi “Liên hoan đội tuyên truyền văn hóa tuyến biên giới, biển đảo khu vực phía Bắc” năm 2016 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên tổ chức với bài hát “Miền xa thẳm”; Huy chương Bạc tại Hội diễn đội tuyên truyền văn hóa tiêu biểu tuyến biên giới, biển đảo năm 2018, với bài hát “Từ trên đỉnh núi”... Năm 2019, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, “đóng băng” các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, chị Loan lập kênh YouTube mang tên “Họa mi biên phòng” chia sẻ các sản phẩm âm nhạc chất lượng để có điều kiện giao lưu với khán giả, động viên các chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch... Đến nay, kênh YouTube của chị Loan nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo khán giả, đạt hơn 2.000 người đăng ký.

Từ những ngày mới chập chững bước chân vào ngành, đến nay, chị Loan đã có 24 năm gắn bó với ngành; nhiều năm liền được trao tặng bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương, danh hiệu của Bộ Tư lệnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa, các cấp, các ngành của tỉnh... Thiếu tá Loan vẫn giữ trọn tình yêu, niềm đam mê với âm nhạc, với màu xanh áo lính. Thiếu tá Loan bộc bạch: “Nếu được sinh ra lần nữa, tôi vẫn muốn được làm bộ đội, vẫn mong mỏi được mang lời ca, tiếng hát của mình phục vụ cán bộ, chiến sĩ, bà con dân bản”. Sân khấu của chị có thể không lộng lẫy ánh đèn, lấp lánh hào quang nhưng chẳng bao giờ vơi cạn tình cảm yêu thương nồng ấm, tình quân - dân thắm thiết.

Bài và ảnh: Thảo Linh


Bài và ảnh: Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]