(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), cấp ủy, chính quyền huyện Hậu Lộc đã tập trung tuyên truyền để cán bộ và Nhân dân trên địa bàn nhận thức rõ cơ chế vận hành của chương trình XDNTM là “dân làm, dân hưởng thụ, lấy sức dân để lo cho dân”. Các cấp ủy đảng, chính quyền đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn chỉ đạo và hỗ trợ triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, ban chỉ đạo XDNTM huyện luôn sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, động viên các xã chủ động khắc phục khó khăn, huy động mọi nguồn lực XDNTM.

Hậu Lộc xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển sản xuất hiệu quả

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), cấp ủy, chính quyền huyện Hậu Lộc đã tập trung tuyên truyền để cán bộ và Nhân dân trên địa bàn nhận thức rõ cơ chế vận hành của chương trình XDNTM là “dân làm, dân hưởng thụ, lấy sức dân để lo cho dân”. Các cấp ủy đảng, chính quyền đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn chỉ đạo và hỗ trợ triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, ban chỉ đạo XDNTM huyện luôn sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, động viên các xã chủ động khắc phục khó khăn, huy động mọi nguồn lực XDNTM.

Hậu Lộc xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển sản xuất hiệu quảMô hình trồng rau cải bó xôi tại xã Phú Lộc cho hiệu quả khá cao.

Cùng với cơ chế hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, của huyện, tạo điều kiện cho các xã khắc phục khó khăn, thực hiện có hiệu quả chương trình XDNTM gắn với triển khai thực hiện đề án phát triển nông nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Cùng với đó, Huyện Hậu Lộc đã cơ cấu lại ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và triển khai thực hiện công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, xác định các lĩnh vực mũi nhọn, các sản phẩm chủ lực, có lợi thế và tiềm năng phát triển nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Trong XDNTM, việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân luôn được huyện Hậu Lộc xác định là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn. Nổi bật là huyện đã tập trung chỉ đạo áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ và cơ giới hóa trong nông nghiệp. Toàn huyện có 737 máy làm đất các loại, 115 máy gặt đập liên hợp, 34 máy gieo hạt và máy cấy... đang phát huy hiệu quả trong sản xuất. Huyện đã chuyển đổi được hơn 1.500 ha đất kém hiệu quả sang trồng, chăn nuôi các loại cây, con có giá trị kinh tế cao. Mở rộng diện tích cây có giá trị kinh tế cao như ớt xuất khẩu, ngô ngọt, dưa các loại, khoai tây, cải bó xôi... với diện tích gần 1.450 ha. Phát triển được các chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ cho 1.430 ha cây trồng hàng hóa cho giá trị kinh tế cao. Liên kết với doanh nghiệp ký hợp đồng theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm. Giá trị các loại cây trồng theo chuỗi liên kết sản xuất đạt bình quân cả năm từ 300 đến 500 triệu đồng/ha. Cá biệt có diện tích đất chuyên màu cơ cấu 4 vụ/năm cho thu nhập từ 800 đến 900 triệu đồng/ha.

Đến hết tháng 11-2022, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 47,34 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,39%. Nhờ gắn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân với XDNTM đã góp phần thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn phát triển nhanh, nổi bật nhất là hệ thống đường giao thông, trường học, các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở..., tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của dân cư nông thôn trên địa bàn huyện. Cơ cấu kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, nhất là các sản phẩm thế mạnh của huyện. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang đi đúng hướng, một số cây trồng, vật nuôi chuyển đổi có hiệu quả cao như: lúa năng suất cao, rau an toàn, gia cầm, bò thịt, ngao... Huyện cũng duy trì và phát triển được 526 trang trại và gia trại chăn nuôi, trong đó có 100 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 78 trang trại gà và lợn đã hình thành được chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm ổn định, đảm bảo an toàn thực phẩm.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, dân chủ ở cơ sở được phát huy, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển mạnh. Huyện luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Trên địa bàn không có trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự. Lực lượng công an, quân sự ngày càng được nâng cao về chất lượng và trách nhiệm, gắn bó với Nhân dân, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đội ngũ cán bộ, công chức luôn được đào tạo bồi dưỡng cập nhật kiến thức lý luận, chuyên môn và thực tiễn, hoạt động tích cực, gần dân, sát dân hơn, làm nòng cốt trong quá trình XDNTM.

Toàn huyện sau khi sáp nhập còn 21 xã thuộc diện XDNTM. Kết quả rà soát Bộ tiêu chí huyện NTM giai đoạn 2021-2025, đến nay huyện Hậu Lộc có 18/21 xã đạt chuẩn NTM. Đối với 3 xã chưa đạt chuẩn NTM (Đồng Lộc, Cầu Lộc, Phong Lộc) đã được các ngành phụ trách tiêu chí xã NTM đánh giá đạt chuẩn 19/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017-2020 quy định tại Quyết định số 1415/2017/QĐ-UBND, ngày 3-5-2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa và được đoàn thẩm định tỉnh họp, bỏ phiếu đánh giá đạt chuẩn vào ngày 5-4-2022. Tuy nhiên, đến ngày 8-4-2022 Văn phòng Điều phối NTM Trung ương có Công văn số 312/VPĐP-NV&MT yêu cầu triển khai áp dụng theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 trong xét, đánh giá và công nhận các xã đạt chuẩn NTM, vì vậy Hội đồng thẩm định tỉnh chưa họp xét, công nhận đạt chuẩn NTM cho 3 xã nêu trên.

UBND huyện Hậu Lộc đã có văn bản chỉ đạo các xã rà soát, hoàn thành 19 tiêu chí theo Quyết định số 32/2022/QĐ-UBND ngày 10-8-2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa. Đến nay, đối với 18 xã đã được công nhận còn một số chỉ tiêu, tiêu chí chưa duy trì được mức độ đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2022-2025 chủ yếu là các nội dung như quy hoạch, thủy lợi và phòng, chống thiên tai, nước sạch.

Các cơ quan, đơn vị phụ trách tiêu chí đã có kết quả thẩm tra tiêu chí đối với 3 xã Đồng Lộc, Cầu Lộc, Phong Lộc chưa đạt nội dung về nước sạch do chưa có hệ thống nước sạch tập trung. Được biết, UBND các xã Đồng Lộc, Cầu Lộc, Phong Lộc đã có tờ trình đề nghị được lắp đặt hệ thống nước sạch cho các hộ dân trên địa bàn. Trên cơ sở nhu cầu của các xã, UBND huyện đã có Tờ trình số 2396/UBND-NN, ngày 22-9-2022 đề nghị UBND tỉnh xem xét, chấp thuận cho Công ty TNHH Xây dựng thương mại Thanh Hóa được mở rộng hệ thống cung cấp nước sạch cho một số xã trên địa bàn huyện Hậu Lộc.

Đến đầu tháng 12-2022, huyện Hậu Lộc đã có 3 xã (Phú Lộc, Hoa Lộc, Hưng Lộc) được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Huyện đã hoàn thành 24 chỉ tiêu, còn 12 chỉ tiêu chưa hoàn thành thuộc 8 tiêu chí huyện NTM.

Huyện đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó huy động các nguồn lực, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu. Toàn huyện đã tập trung dồn lực để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các nghị quyết chuyên đề, nhằm cụ thể hóa các chương trình trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, tiếp tục thực hiện tốt tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với tích tụ, tập trung đất đai phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với XDNTM theo Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; ưu tiên phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, góp phần thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Trên cơ sở quy hoạch từng xã, thị trấn tập trung chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản bố trí cơ cấu hợp lý ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; xác định cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương gắn với thị trường tiêu thụ. Rà soát, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các cây trồng có giá trị kinh tế cao. Cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia súc, gia cầm, trong đó ưu tiên phát triển gia cầm. Chuyển từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi tập trung, nuôi công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho Nhân dân.

Bài và ảnh: Thu Hòa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]