(Baothanhhoa.vn) - Chiếm tới trên 70% tổng lượng khách mỗi năm, du lịch nghỉ dưỡng biển đã khẳng định được vị thế quan trọng như là động lực tăng trưởng và phát triển của toàn ngành du lịch Thanh Hóa.

Du lịch nghỉ dưỡng biển xứ Thanh: Biến tiềm năng thành động lực phát triển

Chiếm tới trên 70% tổng lượng khách mỗi năm, du lịch nghỉ dưỡng biển đã khẳng định được vị thế quan trọng như là động lực tăng trưởng và phát triển của toàn ngành du lịch Thanh Hóa.

Du lịch nghỉ dưỡng biển xứ Thanh: Biến tiềm năng thành động lực phát triểnSản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển của Sầm Sơn ngày càng thu hút du khách nhờ sự đồng bộ và hoàn thiện của hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch.

Điểm nhấn hay cũng chính là “gương mặt thương hiệu” cho du lịch nghỉ dưỡng biển xứ Thanh là Sầm Sơn. Biển Sầm Sơn là bản hòa ca đầy rung động của cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp “thủy thiên nhất sắc” (nước trời một sắc), với những bãi tắm dài, thoải, hiền hòa; đồng thời, Sầm Sơn còn là một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, có khả năng bổ trợ cho sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển. Chưa dừng lại ở đó, Sầm Sơn đã và đang có bước chuyển mình mạnh mẽ về không gian đô thị, hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch ngày càng đồng bộ, đẳng cấp và là yếu tố cơ bản tạo nên diện mạo của một đô thị nghỉ dưỡng biển hiện đại. Ngoài ra, môi trường du lịch – cả tự nhiên và văn hóa – ngày càng được cải thiện, đang góp phần tạo dựng hình ảnh điểm đến thân thiện, hấp dẫn trong mắt du khách.

Ngoài Sầm Sơn đã có hơn 100 năm khai thác, phát triển du lịch; khoảng 2 thập kỷ trở lại đây, du lịch nghỉ dưỡng biển xứ Thanh được bổ sung thêm nhiều điểm đến mới, nhiều sản phẩm hấp dẫn. Nổi bật là thị xã Nghi Sơn với Hải Hòa và Bãi Đông; Hoằng Hóa với Hải Tiến hay Quảng Xương với Tiên Trang,... Điểm nổi bật của các điểm đến này là vẻ đẹp thiên nhiên còn tương đối nguyên sơ. Đồng thời, không gian kiến trúc được quy hoạch và xây dựng tương đối bài bản (ví như Hải Tiến), cũng là một điểm cộng cho các điểm đến du lịch này, cũng như mang đến nhiều trải nghiệm khác lạ và thú vị. Đặc biệt, việc thu hút các nhà đầu tư, gắn với xây dựng và “làm mới” các sản phẩm du lịch, cũng là một nhân tố giúp các khu, điểm du lịch này ngày càng hấp dẫn du khách (ví như Nghi Sơn).

Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch biển đảo được xác định là sản phẩm chủ lực. Thanh Hóa được thiên nhiên phú cho bờ biển dài hơn 100 km và một hệ thống đảo (hòn Nẹ, hòn Mê, Nghi Sơn) giàu tiềm năng và lợi thế để khai thác, phát triển theo chiều sâu, rất phù hợp với định hướng phát triển của du lịch Việt Nam. Vấn đề là khai thác ra sao để biến tiềm năng to lớn thành lực đẩy cho du lịch cất cánh. Bởi thực tế cho thấy, dù đạt được nhiều kết quả ấn tượng về tốc độ tăng trưởng, nhất là về lượng khách du lịch, song đẳng cấp của du lịch nghỉ dưỡng biển Thanh Hóa vẫn chưa thể so sánh hay cạnh tranh được với những điểm đến nổi trội như Mỹ Khê (Đà Nẵng), An Bàng (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Nha Trang (Khánh Hòa), Mũi Né (Phan Thiết), Phú Quốc (Kiên Giang),... Ngoại trừ một “điểm nhấn” là năm 2017, Sầm Sơn được vinh danh là 1 trong 5 khu du lịch hàng đầu Việt Nam.

Bên cạnh đó là những mặt còn hạn chế của sản phẩm du lịch này, như việc thiếu đồng bộ của hạ tầng du lịch; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa hấp dẫn; chất lượng dịch vụ còn thấp; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa tạo được bước đột phá đáng kể; văn hóa du lịch vẫn là điều rất đáng để bàn. Chưa kể, tư duy làm du lịch theo kiểu “hớt phần ngọn”, chạy theo cái lợi trước mắt trước đây, ít nhiều vẫn còn để lại “di chứng” trong suy nghĩ, cách làm của người dân. Bởi vậy, cứ vào mùa “mở cửa biển” để đón làn sóng du khách về với các điểm du lịch nghỉ dưỡng biển, bên cạnh việc chỉnh trang đô thị và triển khai các phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tắm biển...; thì việc đề ra và thực hiện các quy tắc, quy định về văn hóa du lịch lại được các địa phương triển khai. Tuy nhiên, thay vì tập trung thực hiện vào các đợt cao điểm, thì văn hóa du lịch gắn với quy tắc chung cần phải được nhận thức và thực hành một cách tự nguyện, để dần trở thành nền nếp, thói quen và được thể hiện một cách tự nhiên trong đời sống, hành vi, lối ứng xử, giao tiếp của con người.

Để khắc phục những mặt còn hạn chế và đón đầu lợi thế nhằm đưa du lịch nghỉ dưỡng biển trở thành “xương sống” cho toàn ngành du lịch, vài năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nhiều dự án lớn đầu tư vào du lịch biển. Nhờ hàng chục dự án kinh doanh du lịch lớn, có tổng mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng đang được xây dựng, hoặc đã đưa vào khai thác, mà diện mạo các điểm đến, các đô thị du lịch biển đã có sự khởi sắc trông thấy. Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa cũng tập trung triển khai nhiều dự án hạ tầng du lịch, nhất là giao thông kết nối các điểm đến; trong đó phải kể đến các tuyến giao thông trọng điểm như dự án đường bộ ven biển qua địa phận tỉnh Thanh Hóa (tiểu dự án 4 đoạn từ Đại lộ Nam Sông Mã TP Sầm Sơn đến cầu Ghép huyện Quảng Xương); dự án nâng cấp, cải tạo đường từ Quốc lộ 1A đi qua Khu du lịch Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa...

Đặc biệt, với mục tiêu xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cũng như xác định du lịch là một chương trình kinh tế trọng tâm, có thể nói, Thanh Hóa đã và đang cho thấy quyết tâm khai thác và phát triển du lịch theo chiều sâu, nhằm biến tiềm năng thành lợi thế phát triển. Trong đó, chú trọng xây dựng thương hiệu cho du lịch biển Thanh Hóa, với những đặc trưng riêng có và hấp dẫn, mà Sầm Sơn tiếp tục là điểm nhấn. Đồng thời, từng bước tháo “tử huyệt mùa vụ” của du lịch biển, gắn với đa dạng hóa các sản phẩm theo tiêu chí “4 mùa” và kết nối với các điểm đến trong tỉnh để giữ chân du khách. Ngoài ra, hướng đến khai thác và phát triển du lịch biển một cách bền vững gắn với bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái, nguồn nước, không khí, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhất là hạn chế những tác động tiêu cực của con người có thể khiến cho biển trở thành đối tượng dễ bị tổn thương. Và, suy cho cùng thì mọi mục tiêu sẽ khó có thể trở thành hiện thực nếu không có quyết tâm lớn, tầm nhìn rộng mở, giải pháp khả thi và tinh thần cộng đồng trách nhiệm của các bên liên quan. Đây cũng là yêu cầu, cũng đồng thời là trách nhiệm đang đặt ra cho cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân các địa phương đang sở hữu lợi thế phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]