(Baothanhhoa.vn) - Trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu dài trên mảnh đất xứ Thanh, đồng bào dân tộc Thái đã tạo dựng cho mình một nền văn hóa đặc sắc. Để rồi, khi những giá trị văn hóa ấy được giữ gìn và phát huy không chỉ giúp cho đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng ngày một phong phú, đa dạng, mà còn góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bàn sắc dân tộc.

Đồng bào dân tộc Thái giữ gìn bản sắc văn hóa

Trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu dài trên mảnh đất xứ Thanh, đồng bào dân tộc Thái đã tạo dựng cho mình một nền văn hóa đặc sắc. Để rồi, khi những giá trị văn hóa ấy được giữ gìn và phát huy không chỉ giúp cho đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng ngày một phong phú, đa dạng, mà còn góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bàn sắc dân tộc.

Đồng bào dân tộc Thái giữ gìn bản sắc văn hóa

Đồng bào dân tộc Thái, xã Lâm Phú (Lang Chánh) quan tâm giữ gìn nghề dệt thổ cẩm.

Trong cuốn sách Các dân tộc ở Thanh Hóa của Nhà xuất bản Thanh Hóa đã khái quát: Xét về mặt lịch sử, người Thái ở Thanh Hóa được hình thành và phát triển từ một nhóm Tày cổ bản địa, trải qua nhiều biến cố lịch sử, được bổ sung thêm một bộ phận từ nhiều địa phương phía Bắc vào, đồng thời, tiếp cận với người Mường, người Kinh, Khơ Mú xung quanh và giữ mối liên hệ thường xuyên, mật thiết với khối đồng tộc Tây Bắc, Thượng Lào, Nghệ An. Do vậy, về huyết thống và văn hóa có sự hòa đồng của nhiều yếu tố, từ đó tạo nên một bản sắc riêng vừa mang đặc trưng Thanh Hóa, vừa phản ánh tính chất chung của cộng đồng Thái (Việt Nam) và sự tiếp nhận giao lưu với cư dân Việt - Mường. Theo số liệu thống kê, đồng bào Thái ở Thanh Hóa hiện nay có khoảng 223.316 người chiếm khoảng 35,6% dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Trong đó, Táy đăm (Thái đen), Táy dọ (Thái trắng) là 2 ngành chính, cư trú tập trung ở các huyện Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát. Từ xa xưa đồng bào dân tộc Thái đã sáng tạo ra một kho tàng văn học dân gian phong phú với nhiều nét tinh hoa. Đó là cả một hệ thống những thần thoại, truyền thuyết, văn học dân gian kể về các địa danh linh thiêng, kỳ bí, về thuở khai thiên, lập địa, sinh ra loài người. Có thể kể đến như, truyện thơ Khăm Panh, Tư Mã Hai Đào, khặp vào Pha Dua, Xống chụ xôn xao - Tiễn dặn người yêu, Xi Thuần...

Sự phong phú trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Thái còn thể hiện qua hàng trăm các lễ hội lớn nhỏ gắn với các nghi lễ về nông nghiệp, thờ thần thành hoàng làng, thờ các nhân vật lịch sử, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, tham quan vãn cảnh... vẫn được người dân giữ gìn và phát huy. Đó là, lễ hội kin chiêng boọc mạy, hát múa ăn mừng dưới cây bông, một nét đẹp văn hóa tinh thần độc đáo từ ngàn đời nay của cộng đồng người Thái ở làng Roọc Răm, xã Xuân Phúc (Như Thanh). Thông qua lễ hội, toàn bộ đời sống của bản, của mường cổ được tái hiện lại bao gồm văn hóa sản xuất, văn hóa ứng xử tín ngưỡng, hay kho tàng tri thức dân gian...; đến lễ hội Nàng Han, một lễ hội truyền thống của đồng bào 16 xứ Thái mường Chiềng Ván xưa (nay thuộc thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân). Việc tổ chức lễ hội hàng năm, là dịp để đồng bào Thái xã Vạn Xuân tỏ lòng biết ơn đối với Nàng Han - người con gái dân tộc Thái của bản Lùm Nưa, với lòng dũng cảm, sự mưu trí đứng lên bảo vệ quê hương và người dân vùng tổng Trịnh Vạn; hay lễ hội Mường Xia, một câu chuyện tình của chàng Lá Li và nàng Lá Nọi trên đất Mường Xia lay động lòng người... Lễ hội thường được người dân tổ chức vào ngày 15-3 (tức ngày 10-2 âm lịch) hàng năm, thu hút sự quan tâm của đông đảo bà con các dân tộc vùng cao biên giới Việt - Lào cùng du khách thập phương về trẩy hội cầu may, cầu phúc, cầu duyên... Đến với các lễ hội của đồng bào dân tộc Thái, chúng ta không chỉ được thưởng thức những món ăn truyền thống của người Thái, được tìm hiểu phong tục, tập quán của họ, mà còn được đắm mình trong các làn điệu dân ca, cùng với tiếng cồng chiêng, tiếng kèn ngân vang và các trò chơi dân gian như ném còn, nhảy sạp, kéo co, bắn nỏ...

Nếu như lễ hội đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng người Thái, thì trang phục truyền thống lại là di sản văn hóa tồn tại từ ngàn đời thông qua quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt văn hóa của họ. Cũng bởi thế, cho nên đến nay nhiều địa phương tập trung đông người Thái như xã Lũng Niêm (Bá Thước), Lâm Phú (Lang Chánh), Nam Xuân (Quan Hóa)... nghề dệt thổ cẩm vẫn được người dân giữ gìn và ngày càng phát huy.

Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái không chỉ góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh mà còn là nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong sự giao thoa văn hóa của cuộc sống hiện đại, nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái dần bị mai một. Cùng với đó, là những khó khăn trong công tác bảo tồn, chủ yếu là do điều kiện nhiều thôn, bản của đồng bào còn ở xa, giao thông đi lại khó khăn, trình độ nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, lại sống xen kẽ với các dân tộc khác... Dẫn đến, người dân chưa có ý thức lưu giữ, truyền bá văn hóa của dân tộc mình cho lớp kế tiếp, chưa nhận thức rõ tầm quan trọng về nét đẹp văn hóa trong cộng đồng dân tộc để giữ gìn, phát huy.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, những năm qua, tỉnh ta đã xây dựng nhiều kế hoạch, chương trình, dự án như “Dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa hát khặp dân tộc Thái”. Đồng thời, phối hợp với các địa phương, mở lớp tập huấn “Phục dựng, truyền dạy cách thức khặp giao duyên, khua luống, khèn bè, sáo ôi dân tộc Thái”; và mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã phối hợp với Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo “Bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”...

Tuy nhiên, để các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái trở thành tài sản và thực sự “ăn sâu, bám rễ” trong đời sống của đồng bào, có không ít ý kiến cho rằng cần hơn hết là các cấp, ngành phải tiếp tục điều chỉnh, xây dựng được một chiến lược, lộ trình phát triển rõ ràng, bài bản. Cùng với đó, là đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Thái; gắn việc phục dựng các lễ hội truyền thống, phát triển văn hóa dân tộc với phát triển du lịch...

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt


Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]