(Baothanhhoa.vn) - Xa Lung - bản người Mông, xã Mường Lý (Mường Lát) bao đời nay vẫn luẩn quẩn trong cái vòng nghèo khó. Cả bản có 60 hộ, hơn 300 nhân khẩu nhưng lại nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, phải di dời. Cũng vì chờ di dời tái định cư mà đến nay bà con Xa Lung vẫn chưa thể an cư, ước mong ngày có điện lưới quốc gia, có con đường bê tông tít tắp vẫn chưa thành hiện thực!.

Xa Lung xa ngái...

Xa Lung - bản người Mông, xã Mường Lý (Mường Lát) bao đời nay vẫn luẩn quẩn trong cái vòng nghèo khó. Cả bản có 60 hộ, hơn 300 nhân khẩu nhưng lại nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, phải di dời. Cũng vì chờ di dời tái định cư mà đến nay bà con Xa Lung vẫn chưa thể an cư, ước mong ngày có điện lưới quốc gia, có con đường bê tông tít tắp vẫn chưa thành hiện thực!.

Xa Lung xa ngái...Bữa cơm đạm bạc của gia đình Sùng A Sểnh.

Con đường ngược Xa Lung mùa này mưa liên tục. Những cơn mưa kéo dài vắt từ ngày này qua ngày khác càng khiến cho Xa Lung trở nên xa ngái. Bao đời nay, cuộc sống ở Xa Lung cứ thế tiếp diễn trong cái vòng luẩn quẩn với cây lúa, cây ngô, tự cung, tự cấp. Riêng phần bão lũ, thiên tai, với bà con, việc chẳng may bị lở đất hư cái nhà, cái chuồng trâu thì bà con cho là do con ma núi, ma rừng quở phạt. Khi có cái sóng điện thoại, có ánh sáng từ các tua bin phát điện và được cán bộ của bản tuyên truyền thì bà con mới hay, bản mình nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở. Thế là từ đó, bà con biết lo mưa bão, biết mong cầu cái sự đầu tư của Nhà nước để được di dời tái định cư.

Xế chiều, tôi ghé nhà Sùng A Sểnh, một người trẻ mới được bà con tin tưởng bầu giữ chức trưởng bản Xa Lung. Chao ôi, trước mắt tôi, căn nhà của trưởng bản A Sểnh được xếp vào diện to nhất nhì nơi đây, nhưng xem chừng chỉ như căn bếp của người Kinh miền xuôi. Căn nhà nằm chênh vênh ở sườn đồi hoang hoải, nghèo khó. Cán bộ xã gọi A Sểnh, cánh cửa mở ra lộ chút ánh sáng yếu ớt từ cái đèn trên bàn học của cậu con trai. Thứ ánh sáng được cho là đủ để cả nhà A Sểnh sinh hoạt rôm rả. Còn chúng tôi, vừa đủ để nhìn rõ mặt vị trưởng bản được cho là trẻ nhất từ trước tới nay. A Sểnh chỉ nhỉnh 30 tuổi, dáng nhỏ thó nhưng đã có tới 5 mặt con. Đứa đầu của A Sểnh năm nay vào lớp 10, đứa út vừa tròn 2 tháng tuổi. Tôi hỏi, sao trưởng bản đẻ nhiều thế? A Sểnh gãi đầu cười sằng sặc đưa ra lý do, vợ đẻ toàn con trai, vợ chồng muốn có con gái. Thế là cái sự mong muốn ấy được thỏa nguyện ở đứa thứ 5. Nhà 7 khẩu, vài sào ruộng nương, một ít đất rừng, bảo sao nhà A Sểnh vẫn nghèo.

“Cả Xa Lung đều là hộ nghèo mà, vẫn được hỗ trợ gạo từ Nhà nước. Bà con ở đây chủ yếu trồng lúa và trồng ngô để ăn thôi. Không biết bán buôn như những bản khác, mà cũng chẳng có gì để bán. Giáp hạt còn thiếu mà!” - A Sểnh “hùng biện” cho cái sự nghèo của gia đình, của bản. Không muốn xoay quanh cái nghèo nữa, A Sểnh chỉ vào cái đèn học của cậu con trai, nơi phát ra thứ ánh sáng duy nhất của căn nhà, nói: “Mùa này nắng yếu nên cái đèn tích điện cũng không sáng như thường ngày. Mà như thế cũng là tốt lắm rồi! So với cái thời đi học của A Sểnh thì chủ yếu là đèn dầu thôi, mà có phải lúc nào cũng có dầu để thắp đâu. Học chủ yếu ở trên lớp, tối về đi chơi, chơi mệt thì đi ngủ. Biết đọc, biết đếm con bò, con trâu trong chuồng là đủ rồi!”.

Để đảm bảo an toàn, từng bước ổn định đời sống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai đối với các hộ dân ở vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, hiện trên địa bàn huyện Mường Lát đã, đang chuẩn bị các bước đầu tư thực hiện triển khai 8 dự án sắp xếp, ổn định dân cư (trong đó, 7 dự án từ nguồn vốn ngân sách tỉnh; 1 dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ ngân sách Trung ương). Sau khi các dự án tái định cư hoàn thành, huyện Mường Lát sẽ không còn bản nào thiếu điện.

A Sểnh giờ là trưởng bản, là đảng viên của Xa Lung. A Sểnh tự hào khi chi bộ bản có 10 đảng viên. Mọi việc lớn, nhỏ đều được chi bộ họp, bàn rồi hướng dẫn bà con thực hiện. A Sểnh cũng tự hào khi bản có 10 người đi làm ăn xa, 1 người đi xuất khẩu lao động. Theo A Sểnh, nếu sớm được chuyển đến khu tái định cư mới “an cư, lạc nghiệp”, được Nhà nước cấp cho cái điện sáng thì bà con Xa Lung sẽ khởi sắc. Bản thân A Sểnh sẽ đầu tư mua cái máy xay xát để phục vụ bà con, không còn phải chở gạo xuống tận trung tâm xã xa xôi nữa!.

Thấy nhà A Sểnh nay có khách, vợ chồng nhà Mua Seo Lăng, Mua Seo Sềnh kế bên cũng tò mò trưng diện bộ quần áo mới tươm tất sang chơi. Seo Lăng, Seo Sềnh ngồi vào chiếu là liến thoáng một thôi hồi những câu hỏi có lẽ đã hỏi đi hỏi lại nhiều lần. Bà con khi nào được tái định cư? Mùa bão này lo cái chuồng trâu, cái nhà ở không trụ được mất! Rồi chẳng may sạt lở thì phải làm sao? Mà chuyển đến tái định cư thì nhà cũ có được tiếp tục sử dụng nữa không? Không được ở thì cũng phải cho làm cái chuồng trâu, chuồng bò chứ!...

Những câu hỏi của Seo Lăng, Seo Sềnh cũng chính là những thắc mắc, mong mỏi của trưởng bản A Sểnh. A Sểnh chỉ biết là bản ta có dự án rồi. Khu tái định cư cách chỗ ở hiện tại 2 km. Khu tái định cư khi hoàn thành sẽ có điện chiếu sáng, có con đường bê tông đẹp như nhiều bản tái định cư khác... Được chuyển đến khu tái định cư, bà con sẽ không còn nỗi lo sạt lở. Có cái điện, đời sống bà con sẽ khởi sắc. Con cái sẽ được đến học ở điểm chính thuận lợi hơn. Khi đó, sẽ có nhiều con em Xa Lung học hết các cấp học. Có cái chữ, cái bằng để đi làm ăn xa, đi xuất khẩu lao động...

Sáng hôm sau, trong buổi trao đổi với ông Hà Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mường Lý, tôi mới hay cả xã hiện còn 2 bản chưa có điện, ngoài bản Xa Lung còn bản Trung Thắng. Nhưng theo ông Tuấn, sở dĩ các bản này chưa có điện vì đây là những bản nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, đang chờ di dời tái định cư. Hiện 2 bản này đã có dự án di dời. Tôi tin, khi bà con được di dời tái định cư, có điện lưới quốc gia, đời sống của bà con sẽ khởi sắc. Chẳng đâu xa, ở bản Nàng 2, bà con mới được đóng điện cách đây hơn 1 tháng, nhưng đến nay, các hộ gia đình đã trang bị gần như đầy đủ bóng điện chiếu sáng. Nhiều gia đình còn mua sắm cả nồi cơm điện, ti vi, máy xay xát... Từ một bản chìm đắm trong bóng tối của khó khăn, của thiếu điện, giờ đây, nhà nào cũng bừng sáng, con cái không còn cảnh học dưới ánh đèn dầu. Xa Lung rồi sẽ không còn xa ngái nữa.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]