(Baothanhhoa.vn) - Tình trạng một bộ phận thanh, thiếu niên thiếu nhận thức về tác hại của ma túy, có lối sống buông thả, ăn chơi đua đòi, sa vào tệ nạn ma túy có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, việc người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp gây nên những khó khăn trong giáo dục và điều trị cai nghiện.

Cai nghiện ma túy: Còn đó nhiều khó khăn

Tình trạng một bộ phận thanh, thiếu niên thiếu nhận thức về tác hại của ma túy, có lối sống buông thả, ăn chơi đua đòi, sa vào tệ nạn ma túy có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, việc người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp gây nên những khó khăn trong giáo dục và điều trị cai nghiện.

Cai nghiện ma túy: Còn đó nhiều khó khănHọc viên học nghề may công nghiệp tại cơ sở cai nghiện số 1 Thanh Hóa.

Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 3.910 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý đã được xác định tình trạng nghiện ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021. Trong đó, số người nghiện đang sống trong cộng đồng 2.660 người; đang trong các cơ sở cai nghiện 1.065 người; đang bị giam, giữ tại trại tạm giam, nhà tạm giữ 18 người. Có 552 người sử dụng trái phép chất ma túy hiện đang được quản lý theo quyết định của chủ tịch UBND cấp xã.

Điều đáng nói là tình hình người sử dụng ma túy tổng hợp có xu hướng gia tăng, nhất là giới trẻ. Loại ma túy các đối tượng sử dụng chủ yếu là kẹo, ma túy đá và ketamin... Những loại này gây ảo giác mạnh, độ phê nhanh, kéo dài và dễ sử dụng. Các đối tượng xem việc sử dụng ma túy tổng hợp như là một “nhu cầu” phổ biến, thể hiện sự “sành điệu, đẳng cấp”. Bên cạnh đó sự xuất hiện đa dạng của các loại ma túy mới như bánh lười, trà sữa, nước vui,... nhắm đến các đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên làm phức tạp thêm tình hình người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh, gây khó khăn trong công tác cai nghiện.

Theo ông Đoàn Ngọc Loan, Trưởng Phòng Lao động - sản xuất, Cơ sở cai nghiện ma túy số 1, 6 tháng đầu năm 2023 cơ sở tiếp nhận 184 người nghiện ma túy vào cai nghiện, giải quyết hòa nhập cộng đồng cho 155 người. Hiện đang chữa bệnh, điều trị nghiện, quản lý, giáo dục, dạy nghề, tổ chức lao động trị liệu cho 758 người. Trong đó bắt buộc 753 người, tự nguyện 11 người. Qua số liệu trên cho thấy người nghiện ma túy nhiều, nhưng được chữa trị, cai nghiện tập trung tại các cơ sở cai nghiện rất ít.

Nói về những khó khăn trong công tác điều trị, cai nghiện ma túy, ông Loan cho biết: Trước đây, cơ sở có chức năng chữa trị cho 2 loại đối tượng 05 - 06 (mại dâm và ma túy) nên tuyển dụng cả lao động nữ (chiếm gần 50%) các ngành sư phạm, tâm lý xã hội và chuyên ngành khác. Nhưng nay chỉ còn đối tượng 06 (chủ yếu nam giới). Do đặc thù quản lý trực tiếp học viên là người nghiện ma túy, nhiều người có tiền án, tiền sự, có biểu hiện manh động, chống đối, không hợp tác mà còn tìm cách kích động các học viên khác bỏ trốn hoặc gây gổ đánh, chửi nhau. Nhiều học viên sử dụng ma túy tổng hợp, dạng đá trong thời gian dài đã ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, không làm chủ được hành vi, gây ảo giác, hoang tưởng, đánh quản lý, bác sĩ chữa trị. Bởi học viên thuộc đối tượng đặc thù rất khó quản lý, khó điều trị nên số cán bộ, nhân viên nữ được tuyển dụng do lịch sử để lại hiện không còn phù hợp. Số định biên viên chức, lao động hợp đồng quá mỏng (tổng số 90 người/bình quân 750 học viên), lại ít được tham gia tập huấn là những bất cập trong công tác quản lý, chữa trị, cai nghiện. Khó khăn nữa trong công tác cai nghiện là chưa có phác đồ điều trị ma túy đá, ma túy tổng hợp; số học viên mắc bệnh truyền nhiễm như HIV, lao có dấu hiệu gia tăng, họ không chịu hợp tác và rất tiêu cực nên công tác quản lý khá vất vả. Việc dạy nghề, lao động trị liệu cũng gặp khó không kém, bởi phần lớn họ mất khả năng lao động, ham chơi; đạo đức, lối sống không lành mạnh.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu trong công tác điều trị cai nghiện, do đang thi công gói sửa chữa cơ sở hạ tầng nên mùa nắng nóng vừa qua, thiếu nước, thiếu điện, phòng thì đông học viên, chật chội, ảnh hưởng đến sinh hoạt và công tác quản lý. Với gia đình có người nghiện lại thiếu hiểu biết về ma túy và các vấn đề liên quan đến công tác cai nghiện ma túy. Một số gia đình thiếu quan tâm, thậm chí bỏ rơi họ. Trong khi chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm, dẫn đến việc học viên sau cai nghiện trở về cộng đồng dễ bị cám dỗ, lôi cuốn và tái nghiện. Có học viên vào cơ sở cai nghiện tới 6 - 7 lần, có người tới 13 lần. Ví như trường hợp Lê Văn Minh, sinh năm 1976 ở huyện Hậu Lộc cai nghiện bắt buộc tới 6 lần; Nguyễn Văn Điệp, sinh năm 1982 ở TP Thanh Hóa cả cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện là 15 lần; Nguyễn Ngọc Anh, sinh năm 1989 ở huyện Quảng Xương cai nghiện bắt buộc 4 lần...

Tác hại của ma túy không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, sinh sản, hạnh phúc gia đình mà còn ảnh hưởng không còn khả năng lao động, gây bệnh truyền nhiễm, xói mòn đạo đức, lối sống lành mạnh, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội; mất an ninh trật tự xã hội...

Để giảm người nghiện ma túy, cần quyết liệt giảm cung - cầu ma túy và thực hiện cai nghiện bắt buộc. Trong giảm cung, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng công an, kiểm lâm, bộ đội biên phòng, hải quan nhằm tập trung phá án lớn. Đấu tranh không khoan nhượng đối với tội phạm mua bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Về chặn cầu, cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng ma túy. Với người sau cai nghiện cần có nghị lực, quyết tâm cao từ bỏ ma túy, làm người lương thiện. Gia đình cần chia sẻ, động viên, kèm cặp. Chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ, tạo cơ hội việc làm để người sau cai thực sự hòa nhập được cộng đồng, góp phần giảm sự quá tải so với công suất thiết kế tại các cơ sở cai nghiện ma túy.

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]