(Baothanhhoa.vn) - Có một sự thật là càng lớn tuổi, càng bận rộn, một năm trôi đi trong cảm nhận của người ta càng nhanh. Có khi chưa kịp xem ảnh chụp tết năm ngoái, chưa kịp trả lời cái chat của bạn bè trong dịp du xuân năm cũ, đã thấy thông báo lịch nghỉ tết và chuyện tàu xe đặt vé của năm mới nóng ran trên truyền thông.

Thèm một xuân thơ mộng miền thượng du

Có một sự thật là càng lớn tuổi, càng bận rộn, một năm trôi đi trong cảm nhận của người ta càng nhanh. Có khi chưa kịp xem ảnh chụp tết năm ngoái, chưa kịp trả lời cái chat của bạn bè trong dịp du xuân năm cũ, đã thấy thông báo lịch nghỉ tết và chuyện tàu xe đặt vé của năm mới nóng ran trên truyền thông.

Thèm một xuân thơ mộng miền thượng duBản làng biên giới và những người dân bình dị, hiếu khách.

Càng ở lâu chốn thị thành nhộn nhạo, ký ức về những cái tết miền thượng du càng thắm tình, càng mộng mơ... như ở cõi không có thật. Tôi đã sống với những cái tết vùng cao đẹp đắm đuối như vậy, bây giờ bà con vẫn thơ mộng thế; nhưng cái sự mai một đang sầm sập tới. Vài lần xuân sang nữa, nếu không có cách níu kéo hữu hiệu, tất cả, chắc chỉ còn trong hoài niệm.

Trên núi cao, khi gió ấm châm lửa trên cánh đào

Vâng. Khi mà cái tết “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” ở châu thổ Bắc bộ dần nhạt phai sắc màu, thậm chí có người còn táo bạo bàn đến những phương cách ăn tết Tây hoặc tết kiểu khác đi cho phong phú và tân thời. Khi mà hoa đào đi theo nhịp điệu châm lửa đỏ trên cây cành từ núi cao võng mãi xuống đồng bằng, đi đến đâu, tết theo chân nở rộn đến đó. Dường như, từ nhịp điệu mùa do thế núi sông, do đặc trưng thổ nhưỡng đó, mà: trùng hợp thay, tết vùng cao thường đến sớm hơn, với nhiều ngơ ngác hơn so với tết miền xuôi.

Từ tháng 11 âm lịch của cái mùa chờ Giêng Hai và gọi chim én về kia, khi mà người phố thị vẫn bận rộn chưa ngửng mặt lên ngẩn tò te hỏi nhau “lại sắp tết rồi ư”, thì hoa đào đã chúm chím nở ở trên các sườn núi chon von. Đơn giản là trên ấy núi đồi cao hơn, gần phương Bắc lạnh băng giá hơn, nên “gió xuân” thổi về có điều kiện thăm chỏm trước. Thổi luồn qua đại ngàn với thân cành rêu mốc, địa y phủ xanh rì và mịn mượt như lông hoang thú; qua rừng nhiệt đới ẩm tầng trên tầng dưới chằng chịt tối om; gió tươi trẻ thốc mãi theo từng đợt ngái ngủ của gió mùa, thì rồi mới tràn xuống trung du, đồng bằng. Gió ấy đi đến đâu, nó châm lửa cho hoa mùa xuân bung nở đến đó. Trong vườn hoa xuân thơ mộng kia, tình cờ có các chị hoa đào báo tết, đi kèm là các chàng nàng chim én lượn vòng. Chàng như con bướm lượn vòng mà chơi.

Tết miền thượng du bao giờ cũng đem lại một vẻ đẹp hồn nhiên, khác lạ, đến xôn xao khó tả.

Phổ biến nhất là mùa làm lễ tạ ơn thần rừng.

Có thể không hiểu ngôn ngữ của nhau, có thể chưa bao giờ giao lưu giao thoa gì với nhau - từ thượng cổ đến giờ, song, ở Tây Bắc Việt Nam, rất nhiều cộng đồng bà con có chung một tâm thức “tạ ơn thần rừng”. Tôi đã từng gặp các tộc người ở châu Phi, ở đó, mỗi phụ nữ đều trân trọng xăm trổ lên da thịt mình các hình lá cây chi chít, mỗi lá cây đều có mắt mũi với vẻ mơ màng quyến rũ như chính thịt da các nàng vậy. Họ bảo, tôi là con cháu của thần rừng, tổ tiên, cha anh tôi đều bước ra từ rừng già. Và tôi tạ ơn thần rừng mỗi ngày rồi cả cuộc đời. Rừng che chở, bao bọc mỗi phận người và tổ tiên họ nữa. Bà con rất nhiều dân tộc ở Việt Nam đều có tâm thức giữ báu vật rừng bằng tâm linh.

Mỗi dịp đầu xuân, bà con dân tộc người Pu Péo ở Phố Là, Sủng Tráng (huyện Yên Minh, địa cầu cực Bắc tỉnh Hà Giang) đều xúc động làm một cái tiệc núi đặc biệt. Đương lễ, họ giết lợn, gà, nhất là không thể thiếu một con dê đực sừng tròn, nhọn, xoắn; lông màu đen, với đôi mắt óng vàng, manly (đực tính) và tinh tướng để tế rừng. Con dê đen nhóng nhánh được dắt vào rừng, tiếng nó kêu dõng dạc đầy kiêu hãnh. Trưởng bản bế nó ra một gốc cây khổng lồ và hiến sinh tế thần rừng. Bà con lạy bốn phương tám hướng, cúng thần rừng, mong Ngài ngăn bão bùng, nắng nỏ, chặn mưa lớn và lũ lụt - đừng để thiên tai dội xuống đầu các con dân vô tội và vô cùng yêu kính Ngài, giữa bịt bùng núi cao và mây mù. Thiên nhiên rợn ngợp có thể tàn hại người ta trong một nốt nhạc, một khi thần núi rừng đã nổi giận; thiên nhiên cũng là tay nôi, là tấm áo giáp vĩ đại nhất, bao bọc con người trước mọi phong ba bão táp, nếu chúng ta biết ứng xử tử tế với Ngài.

Thường ngày, rừng đầu nguồn, rừng thiêng được người Pu Péo bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt. Cây ngã đổ trong rừng cũng tự nó ải mục và nuôi cây khác lớn lên. Ai tự ý vào rừng, xâm hại đến sự tôn nghiêm của cõi thánh thần, thì phải làm “lý”, xin thần rừng và bản làng tha thứ. Tôi từng viết trong cuốn sách của mình, rằng: tại sao người Pu Péo, một trong những dân tộc có ít người nhất trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, họ lại giữ được nhiều các lá phổi xanh - báu vật rừng nguyên sinh đẹp rờ rỡ đến thế? Là bởi vì họ giữ rừng bằng tâm linh, bằng niềm tin sâu thẳm.

Mà, ngẫm kỹ, cái cách người Pu Péo tin và đưa vào bài cúng đầu xuân bên gốc đại thụ giữa rừng cấm của họ những “tư tưởng” về vai trò của rừng, của thiên nhiên và các thiên tai thảm họa - nó rất giống tài liệu của nhân loại tiến bộ hiện nay về bảo tồn thiên nhiên, chống biến đổi khí hậu. Nó rất thức thời, nó trùng khít với nguyên lý sâu xa của mối quan hệ con người và môi trường sống cũng như với những thảm họa do cách ứng xử thiếu hiểu biết của chúng ta hôm nay. Vì sao, từ thượng cổ, mà người Pu Péo đã thức thời đến thế? Đây có lẽ vẫn sẽ là một câu hỏi còn đau đáu. Song, đau đáu hơn là: sao con cháu bây giờ không học tập kinh nghiệm của tổ tiên, của các cộng đồng thiểu số đầy minh triết ở nơi thâm sơn cùng cốc như thế?

Cuộc đời lộng gió của những người đón tết trên mây

Khi đào hoa cười với gió đông ở đầu dốc bản Pu Péo trên điệp trùng núi đá xám ngoét của biên ải Hà Giang, cũng là lúc từng đoàn con dân rừng già trải lá chuối, lá sung, lá vả ra nền cỏ mượt ven gốc cổ thụ trong rừng cấm xã Phố Là và mở một bữa tiệc núi tưng bừng. Họ uống rượu ngô và lầm rầm đọc lời thề giữ rừng. Đó là một lời thề độc, cam kết với mẹ rừng, cha núi, về việc con phải bằng mọi giá tử tế với rừng, để rừng tử tế với chúng con. Với bà con miền cực Bắc và nhiều cộng đồng khác, thì hòn đá đầu bản, miếng gỗ bậu cửa, hay cái lông mi lông mày của mỗi người, đều có một vài vị thần cai quản. Và phải cúng, lễ, van vỉ, tạ ơn, tuân thủ lời thề với đa thần, với vạn vật hữu linh để mà được yên ổn.

Thèm một xuân thơ mộng miền thượng duBản làng biên giới và những người dân bình dị, hiếu khách.

Song, với người cúng rừng và lời thề giữ rừng ở bản Pu Péo, nghi lễ chưa hồn nhiên và lạ lùng bằng Tết Cấm Bản của người Hà Nhì ở biên giới các tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Gió lành lạnh từ biên tái lùa về, quá trưa, trời ấm, gió ấm châm lửa lên muôn tán cây. Hoa đào bung sắc, mùa của dập dìu chim én lượn, mùa của đầu nhà muôn hoa khoe sắc thắm. Các thiếu nữ Hà Nhì bâng khuâng tựa cửa. Họ chưa bao giờ làm thơ, nhưng các cô nàng vẫn phăm phăm bổ củi, leo thoăn thoắt trên ngọn cây cao tìm phong lan ấy bỗng dưng có một hành vi còn thơ hơn cả thơ, mộng hơn cả mộng. Các nàng vặn cỏ mềm, tết những cái tổ chim én, treo lên hiên nhà để dụ én về làm tổ. Bâng quơ vậy, mà các khách lãng du bao năm sau vẫn nao lòng thương nhớ!

Theo tục lệ, từ thuở tổ tiên người “Hà Nhì hoa” còn quần tụ nhiều triệu người ở vùng Tây Song Bản Nạp bên kia biên giới, gần tết, mỗi gia đình, thường cắt cử một thiếu nữ dịu dàng leo lên chái nhà tết dăm bảy cái tổ chim én bằng cỏ lau. Cô bé nào dụ được nhiều én về nhất, thì sẽ được coi là tài đức vẹn toàn hơn cả. Dân tộc Hà Nhì chỉ có hơn 10 nghìn người ở cả nước Việt Nam, hầu hết họ sống ở phên giậu xa xôi. Vì ám ảnh chiến tranh, giặc dã, cướp bóc, các cuộc tranh hùng xưng bá, các bầy giặc cỏ giơ nanh múa vuốt, nên người Hà Nhì bao giờ cũng phải đề phòng cao độ với mọi rủi ro. Họ biến căn nhà của mình thành các pháo đài bất khả tấn công: bờ tường trình đất dày cả mét, mái cỏ dày ba bốn chục xăng ti. Và, lễ đón tết của họ mới là thứ hồn nhiên lạ lẫm hơn cả.

Tết Cấm Bản, hay còn gọi là Tết Cô Nhẹ Chà ở ngã ba biên giới Mường Tè, Mường Nhé, vị trí này, Việt Nam ta giáp hai nước Trung Quốc và Lào, được tổ chức rinh rượp. Tiệc núi tơi bời ba ngày ba đêm, cách không xa cột mốc ba cạnh, mỗi cạnh có Quốc huy và thông số chữ viết của một quốc gia. Cuộc sống phiêu bồng khoáng đạt của bà con bên thảo nguyên Tá Miếu, có thể khiến người ta nghĩ đến xứ Mông Cổ mơ màng. Sừng Khai dẫn tôi ra mênh mông đồng cỏ, từng đàn gia súc lớn do anh chăn thả bán hoang dã, tai mỗi con vật được thích một chữ bằng dùi nung đỏ để đánh dấu, tránh lẫn lộn khi giao lưu với đàn đại gia súc bán hoang dã của gia đình khác, quốc gia khác. Nhà Sừng Khai, lũ trâu bò được cho ăn muối để tránh việc rừng già khiến chúng quên béng nguồn gốc vật nuôi, đồng thời nung đỏ thanh sắt, hơi nhẫn tâm, viết chữ “S.K” lên tai con vật. “SK” tức là “Sừng Khai”, là Phó Chủ tịch UBND xã Sín Thầu đấy nhé.

Dứt lời, Sừng Khai tung sợi dây chão lớn, vó ngựa băng băng bỗng khựng lại, nó giật ngã một con bò khỏe hơn bò rừng. Từng súc thịt được lạng ra, Sừng Khai đẵn vầu đan một cái sọt nhỏ, gùi thịt trên lưng về đãi khách, các bộ phận còn lại, trai tráng, con cháu sẽ lên lấy sau.

Thèm một xuân thơ mộng miền thượng du

Vì hôm nay là lễ Cấm Bản, khách là giáo viên vùng cao, biên phòng đồn trú xa xôi, cả các nhà báo ở trung ương yêu mến bản Hà Nhì miền biên ải trập trùng núi. Lễ Cấm Bản, Tết Cô Nhẹ Chà của người Hà Nhì hoa ở Mường Tè, Mường Nhé, phía sau dốc đỉnh trời Tà Tổng, là một cái gì đó chắc chắn riêng có trên toàn cõi Việt Nam. Không gian mờ ảo mây núi, bà con lui cui đi chặt những cái cây gạo gai, cây bồ kết tua tủa gai, có những chiếc gai to bằng ngón chân cái, rồi dựng thành các khung vòm cổng lớn, án ngữ mọi lối đi vào mỗi bản. Mục đích là để làm cho ma tà quỷ ám nó sợ hãi, nó không dám tràn vào bản phá quấy trong ngày đại lễ sum vầy, khi mà tổ tiên, thần thánh của người Hà Nhì về “ăn” Lễ Cấm Bản. Để chắc ăn, họ hồn nhiên đẽo thêm sinh thực khí nam và nữ to đoành bằng gỗ treo lên cao, hoặc đan giỏ tre thả lộc ngộc vào đó (không hiểu sao các vật phồn thực ấy lại khiến ma quỷ sợ; hay là đem thứ đó ra để chúng mê lú đi!?); kèm thêm các loại súng ống, cung nỏ, lựu đạn, đầu chó, đầu lợn, đầu dê vừa cắt còn loang lổ tanh òm máu để dọa “kẻ xấu”, không cho chúng vào bản.

Chưa hết, để chắc ăn ma quỷ không tràn vào, bà con đóng cửa bản luôn, khi thực khách, ẩm khách đã hòm hòm. Vì thế nên gọi là lễ “Cấm Bản”, cấm ai được vào hoặc ra khỏi bản, tránh việc ma quỷ lách theo khe cửa vừa mở, đột nhập vào làm hại thần linh, tiên tổ và bản thân các con dân bản Hà Nhì. Bất cứ ai tự ý “mở” cánh cổng tưởng tượng tâm linh chui qua phom gỗ gai nhọn hoắt hăm dọa kia, sẽ đều bị phạt vạ, gọi là làm lý một con lợn 30kg. Để thầy cúng đuổi ma quỷ, đóng lại cánh cổng đầy đầu lâu gà, lợn, dê, bò, chó, súng, đạn, dao găm, cung nỏ, dương vật, âm vật kia một lần nữa. Chẳng hiểu sao cứ phải là lợn và phải là 30kg. Trong những ngày “Cấm Bản”, không ai được ra khỏi bản hoặc đi vào bản, thế nên có anh chiến sĩ biên phòng có cô giáo cắm bản bị “giam lỏng” bởi rượu, thịt, ca hát, dân vũ và sự nhiệt tình của người Hà Nhì suốt 3 ngày ròng. Một không gian thánh thiện không thể chối từ, nhưng không lẽ bỏ quên nhiệm vụ? Trước sức ép của nhiều mệnh lệnh hành chính, nhất là bảo vệ biên cương và trồng người trên núi thắm, lễ Cấm Bản gần đây cũng dần thỏa hiệp “nhẹ tay” hơn, thôi thì cán bộ đi làm nhiệm vụ, sẽ được thần linh và ma quỷ đặc cách cho.

Những thiếu nữ sắc núi hương ngàn; những tổ én mộng mơ dụ loài chim chao liệng khiêng chiếc võng thần kỳ của mùa tết biên cương; không gian tiệc núi độc bản rồi lời thề giữ rừng thiêng quý và minh triết; lại cả các phom cổng lởm chởm gai rừng và lộc ngộc toàn dương vật (“cụ ông linh-ga”) đẽo bằng gỗ, với dòng sinh khí khoái lạc (là cọng cỏ gianh hay sợi dây rừng trắng toát) phun thẳng vào... “cụ bà yoni” đắp đất te he. Tất cả, thật phồn thực, thật thơ ngộ và do thế cũng thấy đáng để cảm kích. Để nghĩ về những mùa tết độc đáo, nó truyền cảm hứng cho người ta khám phá rồi thêm thương mến các cộng đồng thiểu số đã nghìn đời gìn giữ và vun bồi sức sống cho miền cương thổ linh thiêng của Đất Mẹ.

Đỗ Doãn Hoàng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]