(Baothanhhoa.vn) - Trước hết xin được kể ở đây 2 câu chuyện: Chuyện thứ nhất: Vào một chiều cuối tuần, gia đình tôi đi ăn tối tại một nhà hàng ở TP Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lạm dụng tiếng Anh trong giao tiếp hằng ngày và biển quảng cáo

Trước hết xin được kể ở đây 2 câu chuyện: Chuyện thứ nhất: Vào một chiều cuối tuần, gia đình tôi đi ăn tối tại một nhà hàng ở TP Thanh Hóa.

Nhiều cơ sở kinh doanh trên đường Lê Hoàn sử dụng biển quảng cáo hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài.

Tại đây, chúng tôi được một nhân viên phục vụ nhanh nhẹn mở lời: “Dạ cháu chào gia đình ạ! Xin mời cả nhà “o-đờ” (ordor: gọi món), hôm nay nhà hàng của chúng cháu đang có chương trình “seo” (sale: giảm giá) với “côm-bô” (combo: kết hợp các món ăn) rất giá trị, ngoài ra nhà mình còn được “phờ-ri” (free: miễn phí) đồ tráng miệng nữa ạ!”. Bố mẹ tôi ngơ ngác và lúng túng khi nghe lời mời nửa tây nửa ta, mẹ tôi thì thầm: “Thôi con ơi, mình tìm quán ăn khác đi, nhà hàng này mẹ toàn thấy tiếng Anh, chắc phục vụ người nước ngoài, mình ăn ở đây có lẽ không hợp”.

Chuyện thứ hai: Trong một lần đi mua sắm tại cửa hàng thời trang Girl xinh trên phố Đào Duy Từ, phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa), tôi gặp hai vị khách người nước ngoài đang đứng nhìn và chỉ vào tấm biển quảng cáo nửa Việt, nửa Anh: Girl xinh của cửa hàng. Sau khi trò chuyện bằng vài câu tiếng Anh, hai vị khách phá lên cười. Qua tìm hiểu, tôi được biết những vị khách này đến từ nước Anh và họ đang cảm thấy ngạc nhiên với một tấm biển quảng cáo sai về kiến thức ngôn ngữ.

Trên đây chỉ là 2 trong nhiều tình huống thực tế diễn ra trong cuộc sống thường ngày về việc “lai hóa” tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Anh. Quá trình hội nhập, sự giao thoa văn hóa, xã hội, đòi hỏi ngôn ngữ phải có những thay đổi để đáp ứng các nhu cầu giao tiếp mới, dẫn đến sự xuất hiện những từ ngữ mới, cách diễn đạt mới được hình thành để thêm vào những khái niệm, ngữ nghĩa mà trong vốn tiếng Việt trước đấy còn thiếu vắng. Cùng với mặt tích cực ấy, mặt tiêu cực cũng biểu hiện với không ít các cách nói, cách viết “khác lạ”, nhất là trong giới trẻ. Đây là vấn đề đã thu hút sự quan tâm, trăn trở của nhiều người. Chúng ta không thể xác định được ngôn ngữ “Tây hóa” xuất hiện trong giao tiếp của người Việt từ bao giờ. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ hiện nay đang sử dụng ngôn ngữ một cách tùy tiện trong văn hóa giao tiếp, tạo lập cho mình một thứ ngôn ngữ lạ tai nhằm thể hiện đẳng cấp, sự sành điệu với phong cách ngôn ngữ cá nhân “thời đại a còng”, nhưng lại méo mó, lệch chuẩn với văn hóa ngôn từ Việt Nam. Điều đáng nói là hiện tượng này đang lây lan, phát triển mạnh trong xã hội, làm mất dần đi sự giàu đẹp, trong sáng của tiếng Việt. Ví dụ, thay vì nói lời chào, cảm ơn, xin lỗi, tạm biệt, nhiều người lại nói rằng: “Hai” (Hi) hoặc “Hê-lô” (Hello), “Thanh-kiu (Thank you), “So-ri” (sorry), “Gút-bai” (Goodbye), những từ ngữ này được lặp đi lặp lại và trở thành một thói quen. Tương tự, có một số gia đình trẻ theo trào lưu “sính ngoại” đặt tên con bằng tiếng Anh như Sony, Apple, Soll, Goll... Nếu trước đây người ta lấy nghệ danh bằng chính tên cha sinh mẹ đẻ thì bây giờ họ “chế” ra đủ loại tên như: Kenni Hoàng, Jennifer Nguyễn, Tommy Trần...

Rõ ràng việc vay mượn tiếng nước ngoài mà chủ yếu là tiếng Anh hoàn toàn không sai nếu thấy cần thiết. Ví dụ, khi một từ tiếng Việt không thể miêu tả hết nội dung, ý nghĩa mà người nói - viết muốn đề cập thì sử dụng tiếng nước ngoài để thay thế và có chú thích đi kèm bởi nó đã được quốc tế hóa, ví dụ như laptop, ekip, ôxy, cacbon... là điều có thể chấp nhận. Hoặc nếu sử dụng thì chỉ trong phạm vi hẹp như khi đi chơi hay trò chuyện vui đùa. Sai là ở chỗ, nhiều người đã sử dụng ngoại ngữ không phù hợp với ngữ cảnh và đối tượng giao tiếp.

Việc lạm dụng tiếng Anh không chỉ diễn ra trong giao tiếp hằng ngày mà trong các biển quảng cáo, điều này cũng đang diễn ra khá phổ biến. Nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ đã rời xa ngôn ngữ mẹ đẻ, thiếu tôn trọng tiếng nói, chữ viết và văn hóa dân tộc. Hậu quả là tạo nên những hình ảnh phản cảm, gây bức xúc và dư luận không tốt trong xã hội.

Tại một con phố sầm uất nằm ngay trung tâm TP Thanh Hóa, bên cạnh các cửa hàng, nhà hàng mua lại thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài thì vẫn có hàng loạt biển quảng cáo ngang nhiên vi phạm quy định của Luật Quảng cáo về biển hiệu quảng cáo có sử dụng tiếng nước ngoài. Các cửa hàng mọc lên san sát, có vô số các biển hiệu bằng tiếng Anh, hoặc nửa tiếng Việt, nửa tiếng Anh, như: Royaltea, Lelly Luxury, Beauty and Spa, Hồng Quế Plaza... Rồi đến các cửa hàng trên nhiều tuyến phố như Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ, Tống Duy Tân... cũng thấy đầy rẫy các biển quảng cáo như: Shop Men, For you Fashion, Baby House, Girl xinh... Một câu hỏi được đặt ra là, có bao nhiêu người hiểu được ý nghĩa của những tấm biển quảng cáo đó? Như vậy, thông điệp của các nhãn hàng, nhà hàng, cửa hiệu liệu đã đến được với người tiêu dùng?

PGS. TS Mai Thị Hảo Yến, Trưởng bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức, chia sẻ: Việc một số bộ phận người dân mà chủ yếu là giới trẻ sử dụng tiếng nước ngoài trong hoạt động giao tiếp, xét ở phương diện tích cực, nó tạo ra môi trường thuận lợi để kích thích mọi người học hỏi, trau dồi khả năng ngoại ngữ. Tuy nhiên, nếu những ngôn ngữ nước ngoài đó không được sử dụng phù hợp với ngữ cảnh và đối tượng giao tiếp, nó sẽ tạo phản ứng không tốt ở người nghe bởi hành vi ngôn ngữ thể hiện văn hóa ứng xử của người nói. Nếu nói với bạn bè và người hiểu ngoại ngữ thì không sao, nhưng nói với người lớn tuổi và không hiểu ngoại ngữ thì điều đó thể hiện sự không tôn trọng họ. Còn với các biển quảng cáo, việc lạm dụng tiếng nước ngoài theo kiểu “nửa vời” của một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ đã làm mất mỹ quan đô thị. Thậm chí, việc nhận thức không đúng về ngôn ngữ có thể dẫn đến viết sai, gây bức xúc trong dư luận.

Điều 18, Luật Quảng cáo, số 16/2012/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 21-6-2012, quy định: “Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ tiếng nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt”. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12-11-2013. Căn cứ vào quy định trên có thể thấy, số biển hiệu vi phạm Luật Quảng cáo trên địa bàn tỉnh là không hề ít. Tuy nhiên, tại TP Thanh Hóa, vấn đề này đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng chưa được các ngành chức năng kiểm soát, xử lý theo quy định.

Tình trạng này nếu không sớm khắc phục sẽ tạo thành “thói quen ngôn ngữ” có hại, nhất là tư duy sẽ mất đi sự rõ ràng, chính xác, khó tường minh khi diễn đạt, vì ngôn ngữ là phương tiện đắc lực nhất của tư duy. Đã đến lúc, chúng ta phải thật sự nghiêm khắc tự nhìn lại và chấn chỉnh, để gìn giữ sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ, bảo tồn văn hóa của dân tộc.


Bài và ảnh: Lê Tình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]