(Baothanhhoa.vn) - Nghĩ và đánh giá về Khuất Quang Thụy, bạn đọc thường đánh giá hành trình theo đuổi miệt mài và bền bỉ với đề tài chiến tranh. Từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên Trong cơn gió lốc (1980) đến nay, hơn 40 năm anh đã có gần chục cuốn tiểu thuyết đầy đặn và hấp dẫn về những năm tháng gắn bó và tham gia chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đối chiến cái nhìn về những người lính phía bên kia chiến tuyến

Nghĩ và đánh giá về Khuất Quang Thụy, bạn đọc thường đánh giá hành trình theo đuổi miệt mài và bền bỉ với đề tài chiến tranh. Từ cuốn tiểu thuyết đầu tiên Trong cơn gió lốc (1980) đến nay, hơn 40 năm anh đã có gần chục cuốn tiểu thuyết đầy đặn và hấp dẫn về những năm tháng gắn bó và tham gia chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đối chiến cái nhìn về những người lính phía bên kia chiến tuyến

Nếu những năm 60, 70 của thế kỷ trước, tiểu thuyết viết về chiến tranh dường như mới ở chặng ban đầu của sự phát triển với những tái hiện một chiều với mô thức quen thuộc. Bên ta - bên địch. Trong đó, bên ta đồng nghĩa với sự đẹp đẽ và ngoan cường, quân địch với sự tàn bạo và hiếu chiến. Tuy nhiên, sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều tác giả đã công bằng hơn đi vào những góc khuất của cuộc chiến. Bên cạnh vẻ kiên trung, ngời sáng của lý tưởng, đã bắt đầu xuất hiện một ít mảng màu khác, không mấy sáng tươi đẹp đẽ.

Khuất Quang Thụy đã nói: “Những nhà văn trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như chúng tôi dĩ nhiên còn lâu mới ra khỏi được “từ trường” của cuộc chiến: Gian khổ và hy sinh, vinh và nhục, tình bạn – cái cao thượng và sự thấp hèn, sự sống và cái chết... tất cả còn ám ảnh chúng tôi và sẽ được trang trải trên các trang viết. Tuy vậy, chúng tôi cũng là những người đặc biệt quan tâm đến cuộc sống ở phía sau lưng mình những năm chiến tranh và số phận của một Nhân dân, một đất nước đã bằng con đường nào để thoát ra khỏi đói nghèo và những di chứng của mấy mươi năm binh lửa. Những cái đó không chỉ là đề tài mà còn là sự khắc khoải trong mỗi trái tim người viết - chiến sĩ chúng tôi.” (Nhà văn Việt Nam hiện đại, NXB Hội Nhà văn, 1997).

Đối chiến, lần đầu được NXB Quân đội Nhân dân giới thiệu tới độc giả vào năm 2010, sau được NXB Trẻ in lại vào năm 2015. Viết về một giai đoạn quan trọng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước mà cụ thể là cuộc đối chiến giữa cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320 Quân đội Nhân dân Việt Nam với các tướng lĩnh, sĩ quan và binh lính Quân lực Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 - mà ta gọi là chiến dịch Đường 9 Nam Lào, năm 1971.

580 trang viết là sự đối đầu, giằng co giữa một trung đoàn quân chủ lực bộ đội Việt Nam với các sĩ quan thuộc sư đoàn dù, biệt động quân và bộ binh của quân đội Sài Gòn ở Quân khu 1. Mỗi bên một quyết tâm chiến lược vì những lý tưởng riêng.

Trước “Đối chiến” có lẽ chưa có cuốn tiểu thuyết nào tạo dựng một hệ thống nhân vật có thể giúp hình dung diện mạo quân đội đối phương. Đây là thời điểm người Mỹ lùi bước trước sức ép dư luận và sự chia rẽ về chiến lược trong nội bộ, nước Mỹ đã không còn tin vào khả năng quân đội Mỹ giành một thắng lợi trên thực địa ở miền Nam Việt Nam, vì thế từng bước rút lực lượng viễn chinh Mỹ về nước và triển khai đường lối chiến tranh “Thay màu da xác chết”. Đường lối đó có bước triển khai đầy tham vọng bằng chiến dịch đột kích quy mô lớn trên hướng đường số 9 - Nam Lào nhằm mục tiêu cắt đứt “Đường mòn Hồ Chí Minh” huyền thoại - một chiến dịch có ý nghĩa chiến lược đầu tiên hoàn toàn do quân đội Việt Nam Cộng hòa gánh vác, sử dụng “trực thăng vận” ở quy mô chưa từng có kể cả dưới thời lính Mỹ còn tham chiến.

Một câu nói của nhân vật thiếu tá Sơn Đường, chỉ huy đại đội thám báo lừng danh của Sư đoàn số 1 quân đội Việt Nam Cộng hòa: “Các tướng tá của ta nhiều ông bắn súng sáu chưa nên hồn, bản đồ đọc chưa thạo, nói gì chỉ huy xe tăng pháo binh. Khi lâm trận cứ loạn ù cả lên. Rời mấy ông cố vấn Mỹ ra là chẳng biết lối mô mà lần”, đã nói lên thực trạng chiến tranh - chiến trường về phía quân đội Sài Gòn vào lúc đó. Từ tướng đến lính đều không ít lần nhận ra: “Chúng ta là thiên lôi, chỉ đâu ta đánh đó”; “Nhất cử nhất động phải nghe lời cố vấn, nghe lời các sĩ quan tham mưu. Thành ra, mình bỗng dưng giống như con cọp bị bẻ hết nanh vuốt. Tóm lại là chẳng giống mình chút xíu nào”; “Ngẫm cho kỹ trong những chiến dịch thất bại của chúng ta nguyên nhân chủ yếu không chỉ là do chúng ta biết quá ít về kẻ thù mà còn do chúng ta không biết nhiều về mình, ngộ nhận về mình. Chúng ta tự cao tự đại, chúng ta ỷ vào vũ khí, khí tài hiện đại, thậm chí chúng ta còn ỷ cả vào chánh nghĩa, thứ chánh nghĩa mà chúng ta vẫn nghĩ mình đang có”. Có thể khẳng định, “Đối chiến” là cuốn tiểu thuyết mà lần đầu tiên các sĩ quan và binh sĩ Việt Nam Cộng hòa được nhìn một cách khách quan và đầy tâm trạng, khác xa với cái nhìn phiến diện đã có về kẻ địch. Chính trong những giây phút của cuộc chiến, những người lính Việt Nam cộng hòa nhận ra điều họ luôn thiếu là “Sự bình yên, thanh thản. Cái đó thiệt tình... chẳng tiền bạc nào mua được”. Bởi họ hiểu rõ hơn ai hết: Người Mỹ gây ra cuộc chiến này, chính họ leo thang nó từng ngày, đẩy nó lên tới cực điểm để đến bây giờ thì lại nói “Đó là cuộc chiến của các anh, các anh hãy tự tìm cách mà kết thúc nó”!. Khai thác và khắc họa chân dung những người lính Cụ Hồ đã khó, khắc họa được tâm lý, sự tham vọng của những người phía bên kia chiến tuyến càng khó hơn. Nhà văn Khuất Quang Thụy đã thừa nhận: Tuyến nhân vật phía quân đội Sài Gòn khiến tôi mất nhiều thời gian, tâm sức. Chỉ mong người đọc thấy nó khác với cách mà xưa nay chúng ta quen nhìn, quen viết về đối phương là được.

Không chỉ khắc họa về những người lính chiến phía Việt Nam Cộng hòa, những anh Bộ đội Cụ Hồ cũng hiện lên với đủ sắc thái. Rất đời thường, những người lính đều biết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước còn rất lâu dài, vì thế không ít những lúc họ thấy mệt mỏi chán nản. Không phải họ không yêu nước, không phải họ đã sa sút ý chí chiến đấu, mà chỉ đơn giản vì họ đã quá mệt mỏi sau hai năm chiến đấu không nghỉ trên chiến trường.

Nếu bên ta là chân dung của tiểu đoàn trưởng Kiều Bá Thịnh, đại úy Trần Quang Đôi, trung đoàn trưởng Đồng Duy Tiên, trưởng ban tác chiến Nguyễn Hải Đông, chiến sĩ trẻ Lê Văn Ngải, hay tiểu đội trưởng Duân trót dựng lên một “bóng hồng”, một người yêu trong tưởng tượng. Thì... ở bên kia chiến tuyến những hình ảnh của đại úy Huỳnh Xuân Thời quyết tâm “dù phải nhảy qua núi sông xương máu cha cũng phải sống để trở về với con, với mùa xuân của đời mình”; đại úy Ngô Thanh Vân, người vừa tốt nghiệp trường sĩ quan đặc nhiệm của lục quân Hoa Kỳ; thiếu tá Sơn Đường, đại đội trưởng đại đội trinh sát Hắc báo... Họ là những người ở hai phía đối nghịch tham gia cuộc chiến, góp phần để những người đọc có cái nhìn toàn diện về những ngày tháng ác liệt.

Một nét mới nổi bật ở “Đối chiến” mà các tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng trước đây và ngay cả những cuốn của chính Khuất Quang Thụy cũng chưa từng có, đó là ngoài “đối chiến” ở chiến trường thì bạn đọc còn thấy một sự “đối chiến” về hậu phương với những tình cảm riêng tư của người lính. Có lẽ vì thế mà tiểu thuyết “đời” hơn.

“Đối chiến” chủ yếu dẫn dắt người đọc qua những lời đối đáp, những dòng hội thoại, nhưng lại không khô khan, không lên gân. Thêm nữa, chính sự trải nghiệm của nhà văn Khuất Quang Thụy đã đưa những trang viết đụng chạm được đến tầng sâu của số phận con người, mô tả sinh động sự giằng co gay gắt giữa cái sống, cái chết trong một trận chiến ác liệt.

Hơn 10 năm kể từ lần đầu tiên “Đối chiến” ra mắt độc giả, đến nay vào những ngày tháng 4 lịch sử này, đọc lại từng trang sách, chúng ta thấy rõ bánh xe quay ngược dòng lịch sử. Chiến tranh đã đi qua, nhưng những gương mặt của cuộc chiến thì còn đọng mãi, khắc sâu, ghi dấu. Tôi nhớ Khuất Quang Thụy có những câu thơ: Tôi để ngỏ thơ tôi/ Cho người đời đến đọc. Thơ là mảnh đất anh đặt bút đầu tiên, nhưng tiểu thuyết mới chính là mạch ngầm, là vựa sâu dung chứa những cảm xúc, là vỉa quặng để Khuất Quang Thụy khai phá.

HUYỀN CHI



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]