(Baothanhhoa.vn) - Tự kỷ là hội chứng mà nhiều trẻ em ở Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung đang mắc phải, khiến nhiều gia đình rơi vào đau khổ khi phát hiện muộn. Việc phát hiện sớm, can thiệp sớm (từ 24 đến 36 tháng tuổi) rất quan trọng, nếu bỏ qua giai đoạn “vàng” sẽ khiến trẻ khó có cơ hội hòa nhập với xã hội.

Ngày Thế giới nhận thức chứng tự kỷ (2-4)

Điều trị cho trẻ tự kỷ - đừng để mất giai đoạn “vàng”

Tự kỷ là hội chứng mà nhiều trẻ em ở Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung đang mắc phải, khiến nhiều gia đình rơi vào đau khổ khi phát hiện muộn. Việc phát hiện sớm, can thiệp sớm (từ 24 đến 36 tháng tuổi) rất quan trọng, nếu bỏ qua giai đoạn “vàng” sẽ khiến trẻ khó có cơ hội hòa nhập với xã hội.

Điều trị cho trẻ tự kỷ - đừng để mất giai đoạn “vàng”Trẻ tự kỷ được can thiệp tại Trung tâm chuyên biệt Bầu Trời Xanh, phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa).

Nhẫn nại, kiên trì, đồng hành cùng trẻ

Với một đứa trẻ bình thường, biết đi, biết nói, nhận biết màu sắc, đồ vật, vui đùa, trò chuyện... là hết sức bình thường, nhưng với trẻ tự kỷ, đó là điều khó khăn, thậm chí là không thể. Trường hợp gia đình chị N.T.H. ở phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) là một minh chứng. Theo lời chị H., con trai chị chào đời như bao đứa trẻ khác, không có gì bất thường. Khi được 16 tháng tuổi, cháu có biểu hiện gọi không nghe, không giao tiếp bằng mắt, đi kiễng chân... Thời gian đầu, chị cứ nghĩ con mình chỉ chậm nói thông thường, nhưng đến năm cháu lên 3 tuổi vẫn không thấy con có tiến triển; vợ chồng chị quyết định đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám và bác sĩ kết luận cháu mắc chứng tự kỷ. Quá sốc, chị H. quyết định nghỉ việc ở một doanh nghiệp Nhà nước để tập trung điều trị cho con.

Trò chuyện cùng chúng tôi, chị H. buồn phiền cho biết: Em đã đưa cháu đến các trung tâm, thậm chí thuê cả giáo viên về nhà để can thiệp theo giờ. Mặc dù gia đình đã rất cố gắng nhưng khả năng đáp ứng của cháu không tốt, giao tiếp của cháu ngày càng mất dần. Hiện em đang gửi cháu đến Trung tâm chuyên biệt để tiếp tục can thiệp và xác định kiên trì theo cháu và cũng chỉ dám hy vọng cháu có thể tự phục vụ được bản thân.

Cũng giống trường hợp chị H., khi con được 2 tuổi, chị L.T.T. ở xã Tế Lợi (Nông Cống) thấy con nói ngọng, giao tiếp kém mới đưa đến bệnh viện để khám và phát hiện cháu mắc chứng tự kỷ. Theo chị T., khi đi khám, bác sĩ kết luận cháu không bị câm điếc, chị vẫn không tin con mình mắc chứng tự kỷ mà chỉ nghĩ cháu chậm nói nên cho đi bấm huyệt, cắt thắng lưỡi nhưng vẫn không tiến triển. Đến tuổi học mầm non, chị cho con đi học tại một lớp mầm non tư thục, nhưng cháu không giao tiếp với các bạn mà chỉ ngồi một chỗ, chơi một mình. Sau đó gia đình chị tiếp tục đưa cháu lên Bệnh viện Nhi Thanh Hóa để điều trị gần 2 năm. Hiện nay, cháu đang học lớp can thiệp sớm tại một trung tâm ở TP Thanh Hóa, gia đình chị chỉ biết hy vọng các cô giáo can thiệp về ngôn ngữ, hoạt động cho cháu tiến bộ hơn.

Cùng cảnh ngộ, chị T.T.P. ở thị xã Bỉm Sơn cũng có con gái thứ 2 mắc hội chứng tự kỷ. Nhận thấy con có những biểu hiện khác thường khi tròn 2 tuổi, chị cho con đi khám và đã bật khóc khi được chuyên gia kết luận rối loạn tâm thần ngôn ngữ (một trong những biểu hiện của hội chứng tự kỷ). Đưa con về nhà, chị và gia đình tìm mọi cách để chữa trị cho con, mong con khỏi bệnh để kịp bước vào lớp 1. “Trực tiếp chứng kiến những bài học đầu tiên của con, tôi nhận ra rằng, chữa bệnh tự kỷ cho con không giống như chữa các bệnh khác, chỉ cần tiêm hoặc uống thuốc là xong. Mà đó là cả một quá trình đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại của giáo viên. Đặc biệt, phụ huynh đừng buông tay, hãy hy vọng và thực sự kiên trì...”, chị P. chia sẻ.

Đừng bỏ qua giai đoạn “vàng”

Đa số phụ huynh khi biết con mình mắc chứng tự kỷ đều rơi vào tâm trạng đau khổ, tuyệt vọng. Do thiếu kiến thức, nhiều cha mẹ thường tự đổ lỗi cho bản thân vì không biết cách chăm sóc, nuôi dưỡng, thiếu quan tâm đến con, dẫn đến việc con bị tự kỷ. Bên cạnh đó, can thiệp tự kỷ là một quá trình lâu dài, không có hạn định về thời gian. Điều này càng khiến phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ dễ lâm vào bế tắc. Do đó, để quá trình đồng hành cùng con đạt kết quả tốt, điều quan trọng nhất đối với các bậc phụ huynh là sự quyết tâm đồng hành, kiên trì, tin tưởng, yêu thương dành cho trẻ. Phụ huynh cũng cần trang bị kiến thức cho bản thân để xác định thời gian can thiệp phù hợp nhất cho trẻ.

Bác sĩ CKI - Trần Thị Minh Anh, Phó trưởng Khoa Thần kinh - Tâm bệnh (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa), cho biết: Đối với trẻ được chẩn đoán mắc tự kỷ, can thiệp sớm khi trẻ 24 tháng tuổi (ngay sau khi phát hiện các dấu hiệu nguy cơ tự kỷ) có vai trò đặc biệt quan trọng. Việc phát hiện và can thiệp tích cực cho trẻ tự kỷ tại các cơ sở chuyên biệt có thể cải thiện nhiều kết quả về nhận thức, ngôn ngữ, tương tác xã hội, hành vi... giúp trẻ sớm đến trường hòa nhập và tham gia xã hội. Kết quả của can thiệp sớm là tiền đề và điều kiện tiên quyết đảm bảo sự thành công của giáo dục hòa nhập cho trẻ sau này. Đồng thời, can thiệp sớm sẽ quyết định liệu trẻ có thể phát huy hết tiềm năng của mình hay trẻ cần hỗ trợ của giáo dục đặc biệt suốt đời.

Rối loạn phổ tự kỷ có thể bắt đầu ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ, nhưng cũng không ít trường hợp phát triển bình thường cho đến năm 3 - 4 tuổi mới hình thành các triệu chứng. Các dấu hiệu dễ nhận biết ở trẻ mắc chứng tự kỷ là giảm tương tác xã hội; giảm giao tiếp và có những hành vi bất thường như thực hiện các hành động rập khuôn, cuốn hút quá mức với tivi, quảng cáo, đi kiễng gót, chạy vòng quanh... Khi thấy con có các dấu hiệu trên, phụ huynh nên cho con đi khám để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Hiện không có xét nghiệm y khoa hoặc xét nghiệm máu cho chứng tự kỷ, vì vậy các bác sĩ, các chuyên gia tâm lý, nhà giáo dục thường đánh giá hành vi của trẻ thông qua các bộ công cụ đã được kiểm nghiệm.

Đồng hành cùng trẻ tự kỷ

Ngày 2-4 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là ngày “Thế giới nhận thức về tự kỷ”, nhằm kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng xã hội đối với những người không may mắc phải hội chứng tự kỷ. Theo Tổ chức Y tế thế giới, ước tính trên toàn cầu, cứ 160 người thì có 1 người tự kỷ.

Mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ, song thực tế cho thấy, số lượng trẻ mắc hội chứng tự kỷ ngày càng gia tăng. Nhận thức của gia đình, cộng đồng và xã hội về căn bệnh này đã có chuyển biến tích cực, tạo điều kiện cho trẻ tự kỷ trong việc tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế, giáo dục và các chính sách an sinh xã hội. Bệnh viện Nhi Thanh Hóa là bệnh viện đầu ngành về chẩn đoán, điều trị nhi khoa tại Thanh Hóa. Từ năm 2009 bệnh viện đã thành lập Khoa Thần kinh - Tâm bệnh, trong đó đơn nguyên tâm bệnh trực tiếp tiến hành khám và điều trị cho nhóm bệnh nhi rối loạn phổ tự kỷ. Bệnh viện mỗi ngày đón 10 - 30 trẻ đến khám, với các biểu hiện sớm của rối loạn phổ tự kỷ.

Thấu hiểu và đồng cảm với các phụ huynh có con mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, hiện trên địa bàn toàn tỉnh, nhiều trung tâm can thiệp sớm cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ đã đi vào hoạt động. Trung tâm chuyên biệt Bầu Trời Xanh được thành lập năm 2014 với 20 giáo viên, với mục đích hỗ trợ can thiệp sớm, giáo dục hòa nhập hỗ trợ cho nhóm trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, tự kỷ, tăng động, khó khăn về học, down; Trung tâm Hậu Lộc Xanh được thành lập với 8 giáo viên và nhân viên dạy, chăm sóc, hỗ trợ trẻ rối loạn phổ tự kỷ, trẻ mắc chứng down, trẻ khuyết tật trí tuệ, chậm nói, tăng động, giảm chú ý; Câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ Thanh Hóa (trực thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa và Mạng lưới tự kỷ Việt Nam), được thành lập năm 2015 bao gồm các gia đình có con tự kỷ và những người quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ trẻ tự kỷ. Đây là tổ chức được mở ra để kết nối các gia đình có con mắc chứng tự kỷ, với mong muốn sẻ chia kinh nghiệm, phương pháp dạy trẻ...

Hành trình can thiệp cho trẻ tự kỷ đầy vất vả, gian nan và không xác định được điểm dừng. Vì vậy, để một đứa trẻ tự kỷ được phát hiện sớm, can thiệp sớm, có cơ hội hòa nhập xã hội thì rất cần sự chung tay giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu thiếu một trong ba yếu tố này thì trẻ tự kỷ sẽ mất đi cơ hội được can thiệp sớm - giai đoạn “vàng” giúp trẻ tiến bộ và hòa nhập xã hội.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]