(Baothanhhoa.vn) - Nếu định hướng, mục tiêu của Nghị quyết 12 là “xương sống”, thì cách thức triển khai là những “tế bào” mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo, mà nhờ đó tạo nên “trái ngọt”. Để rồi, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, bài học được rút ra không chỉ là khơi dậy sức dân, mà còn là năng lực của đội ngũ cán bộ trong thực thi nhiệm vụ.

“Cuộc cách mạng” mở đường - Từ một nghị quyết “vượt trước” (Bài cuối): Không chỉ những “con đường 12”...

Nếu định hướng, mục tiêu của Nghị quyết 12 là “xương sống”, thì cách thức triển khai là những “tế bào” mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo, mà nhờ đó tạo nên “trái ngọt”. Để rồi, “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, bài học được rút ra không chỉ là khơi dậy sức dân, mà còn là năng lực của đội ngũ cán bộ trong thực thi nhiệm vụ.

“Cuộc cách mạng” mở đường - Từ một nghị quyết “vượt trước” (Bài cuối): Không chỉ những “con đường 12”...Đời sống của người dân được nâng cao từ việc mở đường giao thông.

“Phép thử” cán bộ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Tinh thần trách nhiệm là: Nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng, làm tròn nhiệm vụ. Tách rời chính sách ra một đường, nhiệm vụ ra một đường là sai lầm. Tách rời chính sách và nhiệm vụ ra một đường, và đường lối quần chúng ra một đường cũng là sai lầm. Tinh thần trách nhiệm là gắn liền chính sách và đường lối quần chúng, để làm trọn nhiệm vụ”. Việc thực hiện Nghị quyết 12-NQ/HU về hiến đất mở rộng đường giao thông ở Triệu Sơn cũng vậy. Trách nhiệm của đội ngũ cán bộ là rất lớn, rất quan trọng, đó là “nắm vững chính sách” và “đi đúng đường lối quần chúng”.

Sự ra đời của những “con đường 12” trước hết là nhờ những tấm gương hiến đất điển hình. Song, phía sau họ càng cần nhắc đến những cán bộ tâm huyết, trách nhiệm vì công việc chung, vì lợi ích cộng đồng.

Những ngày làm đường nắng như đổ lửa, người dân thôn 5, xã Thọ Tiến đã quá quen thuộc với hình ảnh vị Bí thư Đảng ủy xã xắn tay cùng người dân phá tường rào, chặt cây, rồi thì tay bay, tay cuốc xây tường, đổ bê tông... không nề hà bất kỳ việc gì. Ông Trịnh Văn Hà, người dân trong thôn chia sẻ. “Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thị Thanh rất nhiệt tình. Mỗi khi xuống dân đều “thủ sẵn” 6 - 7 cái bay để xây cùng mọi người. Ai làm gì chị làm nấy, ai thiếu dụng cụ lao động là bí thư sẵn sàng cung cấp”.

Thuấn nhuần phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, Bí thư Đảng ủy xã Thọ Tiến, Nguyễn Thị Thanh, chia sẻ: “Cán bộ phải làm thế nào cho người dân hiểu được tinh thần, nội dung và mục đích của Nghị quyết 12-NQ/HU. Rằng, cái đích cuối cùng của nghị quyết này là hướng đến người dân, về lâu dài là mang lại lợi ích thiết thực và bền vững cho Nhân dân. Muốn vậy, bản thân cán bộ phải đi trước, làm trước để dân tin; phải miệng nói tay làm và luôn đồng hành cùng bà con, không ngại khó, ngại khổ”.

“Cuộc cách mạng” mở đường - Từ một nghị quyết “vượt trước” (Bài cuối): Không chỉ những “con đường 12”...Bí thư Đảng ủy xã Thọ Tiến, Nguyễn Thị Thanh đồng hành cùng người dân trong thực hiện Nghị quyết 12.

Nói là làm, hình ảnh Bí thư Đảng ủy xã cầm bay trát tường thành thạo cùng người dân đã tạo nên một không khí gần gũi, đoàn kết, thân tình mà không phải nơi nào cũng làm được. Trong quá trình lao động ấy, họ cùng chung sức, đồng lòng hướng đến một mục đích chung là vì sự giàu đẹp của quê hương. Nhờ đó mà phong trào hiến đất mở đường của Thọ Tiến đã lên rất nhanh sau 1 năm phát động, với 6/6 thôn và 439 hộ tham gia. Tổng diện tích đất đã hiến là 13.000m2, giúp mở rộng được 12 km đường (gồm đường xã rộng từ 11m trở lên, đường thôn rộng từ 6,5m trở lên, đường ngõ xóm rộng từ 4,5m trở lên).

Không bắt tay ngay vào triển khai Nghị quyết 12 như một số xã, mà Dân Quyền lại chậm hơn 1 nhịp để “khoan thư sức dân”, do vừa cán đích NTM. Đồng chí Nguyễn Đức Vân, Bí thư Đảng ủy xã, cho hay: Cuối tháng 10-2022, Ban vận động hiến đất mở rộng đường xã Dân Quyền mới bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ. Việc chậm hơn so với một số địa phương cũng là nhằm chuẩn bị tốt nhất cả về tư tưởng và vật lực trong cán bộ, Nhân dân. Theo đó, trước hết cán bộ nắm chắc, thậm chí là phải nhuần nhuyễn tinh thần, nội dung Nghị quyết 12-NQ/HU; đồng thời, phải “thuộc bài” khi tuyên truyền, vận động, thuyết phục Nhân dân. Tiếp đó, xã tiến hành khảo sát thực tế, song song với việc học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác. Từ đó, xác định những khâu dễ, địa bàn dễ làm trước và chọn Thôn 1 làm điểm để rút kinh nghiệm và tạo sự lan tỏa.

Trong quá trình triển khai thực hiện, cán bộ xã thường xuyên xuống dân để nhận diện sớm những khó khăn, bất cập và kịp thời tháo gỡ, rút kinh nghiệm. Với cách làm linh hoạt, sáng tạo, sát thực tế, việc hiến đất mở rộng đường tại Thôn 1 đã nhận được sự đồng thuận cao của đông đảo Nhân dân. Nhân lúc phong trào đang lên, hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, cấp ủy, chính quyền xã Dân Quyền đã phát động phong trào trong toàn xã: nhà nhà tham gia hiến đất; nhà nào khó khăn thì huy động lực lượng trong thôn hỗ trợ phá dỡ; nơi nào có điều kiện thì hoàn thiện mặt đường, rãnh thoát nước, làm tường rào trước; nơi nào chưa có điều kiện thì cứ hiến đất lấy mặt bằng, trồng cây hai bên đường tạo cảnh quan, chờ khi có kinh phí sẽ hoàn thiện mặt đường sau...

Nhờ cách làm đó mà sau gần 1 năm triển khai, Dân Quyền đã mở rộng được 18 km đường. Đồng thời, được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu phong trào hiến đất toàn huyện và được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện biểu dương, khen thưởng tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 12-NQ/HU.

Khi mới triển khai thực hiện, Nghị quyết 12-NQ/HU không tránh khỏi những hoài nghi, lo lắng do Triệu Sơn vừa dồn lực để về đích NTM sớm hơn thời hạn. Song, trong khó khăn biết tìm “lối đi” thay vì “lối thoát”, thì khó đến mấy cũng sẽ có cách tháo gỡ. Ngoài cái được là trên 350 km đường/tổng diện tích 350.000m2 đất đã được Nhân dân tự nguyện hiến; thì cái “được” quan trọng hơn nữa được cán bộ. Khi “lửa thử vàng gian nan thử sức”, trong đánh giá cán bộ không tiêu chí, tiêu chuẩn nào “chuẩn” hơn là giao việc và đánh giá dựa trên chất lượng, hiệu quả công việc trong thực tiễn.

Cái được của Triệu Sơn trong công tác cán bộ khi triển khai Nghị quyết 12-NQ/HU là cán bộ được thường xuyên xuống với dân, được lắng nghe dân, được giải quyết những thắc mắc của dân; đổi lại, được dân tin tưởng, dân đồng thuận hiến đất mở đường. Bởi thực tế, cán bộ - nhất là cán bộ cấp cơ sở là đội ngũ gần dân nhất, song không phải ở đâu và lúc nào cũng gần dân, sát dân, nghe dân nói, nắm bắt vấn đề bức xúc trong dân.

Chưa kể, lâu nay trong nhiều công việc, người ta vẫn hay “hô khẩu hiệu”: “huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị”. Tuy nhiên, trong không ít việc thì vẫn “mạnh ai nấy làm”, thậm chí “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”; hoặc thiếu sự phân công, phối hợp, trách nhiệm cụ thể giữa các cấp, các ngành. Do đó, với việc thực hiện Nghị quyết 12-NQ/HU đòi hỏi cán bộ, từ thường trực cấp huyện xuống đến cấp xã phải tham gia vào ban chỉ đạo các cấp. Đồng thời, các ban, ngành, đoàn thể phải tham gia vào các tổ giúp việc, các ban vận động hiến đất, nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Đồng chí Lê Văn Tuấn, Bí thư Huyện ủy, cho biết: Nghị quyết 12-NQ/HU có thể xem là “thước đo” để đánh giá chính xác tâm và tầm của đội ngũ cán bộ. Sau những băn khoăn, khó khăn ban đầu, quá trình triển khai thực hiện nghị quyết càng về sau càng cho thấy khả năng và sự “phân hóa” năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ trên địa bàn. Đây cũng chính là cơ sở để Ban Thường vụ Huyện ủy đánh giá lại công tác cán bộ và có sự sắp xếp, điều động, luân chuyển phù hợp với năng lực, trình độ cán bộ, cũng như sát với yêu cầu thực tế. Từ đó, đưa công tác cán bộ nói chung, đánh giá cán bộ nói riêng, đi vào thực chất và hiệu quả hơn.

Lấy sức dân làm lợi cho dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đề cao, coi trọng vai trò của Nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng. Người khẳng định: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Thấm nhuần tư tưởng của Người về vận dụng sức dân trong công cuộc xây dựng quê hương giàu đẹp, trước hết và trên hết phải là tôn trọng dân, dựa vào dân, bao nhiêu lợi ích đều thuộc về Nhân dân.

“Cuộc cách mạng” mở đường - Từ một nghị quyết “vượt trước” (Bài cuối): Không chỉ những “con đường 12”...

Đời sống của người dân được nâng cao từ việc mở đường giao thông.

Thời buổi “tấc đất tấc vàng”, nhưng nhiều hộ dân, thậm chí có cả hộ khó khăn, hộ nghèo vẫn tích cực hiến đất mở đường. Không chỉ hiến đất, hiến cây cối, công trình kiến trúc, họ còn tự nguyện bỏ tiền để hoàn thiện lại mặt bằng, công trình, xây tường rào, rồi trồng cây, trồng hoa làm đẹp cho con đường. Ông Trần Trung Kiên, thôn Tiến Thành, xã Hợp Lý, chia sẻ: “Nghị quyết 12-NQ/HU là cơ hội để mở rộng đường “vượt chuẩn”. Vậy nên, dù có chịu thiệt hơn chút nhưng con cháu mình được hưởng lợi lâu dài thì tôi thấy cũng đáng. Nhà tôi đã phá dỡ 17m tường, hiến gần 30m2 đất cho thôn mở đường”.

Vừa nói bác Kiên vừa chỉ vào dãy tường rào mới xây trong niềm vui khó giấu. Ông tâm sự thêm: “Vì xem đây là cơ hội để thôn có con đường mới, nên tất cả các hộ sống dọc hai bên đường đều đồng thuận hiến đất và đều thống nhất lùi vào 1,2m. Nhiều hộ đã phá dỡ cả nhà mới xây để nhường đất mở đường. Nhờ đó mà ngõ xóm đã rộng tới 6,5m”.

Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 12, nhiều con đường rộng rãi, rợp bóng cây xanh đã nên hình hài. Song vẫn còn nhiều con đường đang dở dang, chờ kinh phí để hoàn thiện. Điều này cũng là một thực tế, bởi cấp ủy, chính quyền huyện Triệu Sơn xác định: làm trước ở những nơi có điều kiện và làm sau ở những nơi người dân còn khó khăn; đồng thời, vừa làm vừa “khoan thư sức dân”, nhằm không làm gia tăng gánh nặng cho dân khi phải vừa hiến đất, xây dựng lại tường rào, công trình kiến trúc, lại vừa phải hoàn thiện mặt đường. Để không ảnh hưởng đến “căn cơ” trong dân, huyện Triệu Sơn đang tích cực huy động các nguồn lực từ bên ngoài, từ con em xa quê vào công cuộc mở đường. Điển hình như xã Thọ Tiến đã huy động một doanh nghiệp hỗ trợ tới 70% giá trị sơn tường rào cho bà con; xã Khuyến Nông kêu gọi được 1,1 tỷ đồng, hay xã Xuân Thọ kêu gọi con em xa quê hỗ trợ gần 47 tỷ đồng để làm đường, xây trường học...

Câu hỏi đặt ra cho Triệu Sơn từ khi manh nha xây dựng Nghị quyết 12-NQ/HU - và phải trả lời cho bằng được, đó là: Người dân được hưởng lợi ích gì khi thực hiện Nghị quyết 12-NQ/HU? Đồng thời, cái đích cuối cùng Triệu Sơn hướng đến là gì? Chỉ khi trả lời được hai câu hỏi này thì Nghị quyết 12-NQ/HU mới thực sự có ý nghĩa, có giá trị, có sức sống và mới có cơ sở để đi vào cuộc sống.

Mục tiêu cuối cùng Triệu Sơn hướng đến là đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH và sớm trở thành đô thị vào năm 2030. Chính vì lẽ đó, việc Nghị quyết 12-NQ/HU ra đời được ví như “đòn bẩy” để thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Và rồi, khi đường đã mở, kinh tế - xã hội phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của Nhân dân được nâng lên, thì đó cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi “Người dân Triệu Sơn được hưởng lợi ích gì khi thực hiện Nghị quyết 12-NQ/HU”. Đồng chí Lê Tiến Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Triệu Sơn, cho rằng: Nghị quyết 12-NQ/HU được triển khai trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, khi người dân thực sự thấy được cái lợi của việc mở rộng đường đối với gia đình và cộng đồng. Do đó, ở đây tuyệt đối không có sự ép buộc, hay dùng pháp luật để cưỡng chế mà đúng với tinh thần “Lấy dân để tuyên truyền cho dân; lấy dân để lan tỏa phong trào trong dân; lấy sức dân, của dân để làm lợi cho dân”. Từ đó, khi phong trào lên mạnh thì thành quả mang lại cũng sẽ lâu dài và bền vững.

Nghị quyết 12-NQ/HU ra đời trong bối cảnh có nhiều cái khó, nên có thể xem như một nghị quyết “vượt khó”; đồng thời, với nhiều tiêu chí vượt trên chuẩn hiện nay, nên có thể xem như một nghị quyết “vượt trước”, nhằm giúp Triệu Sơn tiệm cận nhanh hơn với tiêu chuẩn đô thị.

Song, điều đáng nói hơn, những con đường - và chắc chắn sẽ không chỉ có những con đường được mở trên hành trình phát triển, được đắp đổi, kiến tạo bằng bê tông, máy móc, hay mồ hôi, công sức; mà còn bằng trách nhiệm, bằng tinh thần đoàn kết, đồng thuận, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, của cả cộng đồng và của mỗi người dân nơi đây. Để rồi, thành quả cuối cùng hướng tới là tạo dựng nên một Triệu Sơn với “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”!.

Nhóm Phóng viên

Tin liên quan:


 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]