(Baothanhhoa.vn) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Do đó, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Củng cố “hạt nhân”, xây dựng “nền tảng” vững chắc cho Đảng (Bài 2): Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Do đó, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Củng cố “hạt nhân”, xây dựng “nền tảng” vững chắc cho Đảng (Bài 2): Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụTừ khi được điều động về làm Bí thư Đảng ủy xã Đông Phú (Đông Sơn), đồng chí Mai Hương Sơn (người đầu tiên bên trái) thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt đời sống Nhân dân. Ảnh: P.V

Trao cơ hội để cán bộ rèn luyện, trưởng thành

Đại hội Đảng bộ TP Thanh Hóa lần thứ XXI đã xác định việc “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; xây dựng đội ngũ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới” là một trong hai khâu đột phá của thành phố giai đoạn 2020-2025. Để cụ thể hóa khâu đột phá của đại hội, Ban Thường vụ Thành ủy đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn việc tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy luôn quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng công tác tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ; thực hiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quy định; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở, nhất là cấp ủy viên, bí thư chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở.

Từ đầu năm 2021 đến tháng 8-2023, thành phố đã cử 4 cán bộ đi học lớp cao cấp lý luận chính trị; cử 166 đồng chí đi học lớp trung cấp lý luận chính trị... Cùng với việc quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ kế hoạch điều động, luân chuyển cán bộ, nhất là thực hiện bố trí cán bộ đa chiều từ thành phố đi phường, xã; phường, xã về thành phố; giữa các phường, xã với nhau; từ các ban Xây dựng Đảng Thành ủy, MTTQ và các đoàn thể thành phố sang các phòng, ban, đơn vị trực thuộc UBND thành phố và ngược lại. Từ năm 2021 đến tháng 8-2023, toàn thành phố đã điều động, luân chuyển được 199 lượt cán bộ, trong đó từ thành phố xuống phường, xã là 16 đồng chí; từ xã lên thành phố là 11 đồng chí; từ phòng, ban sang phòng, ban là 22 đồng chí... Đến nay, nhiều phường, xã sau khi có cán bộ điều động, luân chuyển, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đã có bước phát triển, nhiều cán bộ trưởng thành được bố trí, sắp xếp vào vị trí cao hơn.

Tại huyện Triệu Sơn, công tác điều động, luân chuyển cán bộ được Ban Thường vụ Huyện ủy quan tâm chú trọng, tạo bước đột phá. Hằng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng kế hoạch điều động, luân chuyển cán bộ theo tiêu chí “Chọn đúng người, giao đúng việc”. Do vậy, trong lựa chọn cán bộ điều động, luân chuyển, huyện chú trọng lựa chọn những người trẻ tuổi, trong nguồn quy hoạch, có triển vọng, có chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí luân chuyển. Các đợt điều động, luân chuyển cán bộ đều được thực hiện theo phương án cụ thể, đảm bảo yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Đặc biệt, huyện luôn nêu cao nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai công tác cán bộ; định kỳ rà soát, bổ sung quy hoạch, thông báo kết quả nhận xét, đánh giá quy hoạch cán bộ cho các đơn vị để có hướng đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện công tác điều động, luân chuyển. Hiện nay, toàn huyện có 33/34 xã, thị trấn cán bộ chủ chốt không phải người địa phương.

Tháng 9-2021, đồng chí Nguyễn Văn Mỳ là Chủ tịch UBND thị trấn Triệu Sơn, được điều động về làm Chủ tịch UBND xã Minh Sơn. Khi nhận nhiệm vụ mới, điều mà đồng chí trăn trở là làm sao đưa địa phương ngày càng phát triển, nâng cao thu nhập và đời sống Nhân dân được cải thiện. Bằng trách nhiệm và khả năng của mình, đồng chí đã cùng ban chấp hành đảng bộ xã ban hành nhiều nghị quyết để lãnh đạo toàn diện các mặt về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và XDNTM nâng cao. Đồng thời “xốc” lại tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức xã. Phân công, gắn trách nhiệm cho từng đồng chí ủy viên ủy ban bám cơ sở. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ trong thực hiện chương trình NTM nâng cao. Chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ những giải pháp cụ thể, thiết thực, đến nay toàn xã đã chuyển đổi được trên 7 ha đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, rau màu và mô hình cá - lúa; duy trì trên 10 ha diện tích ươm cây giống lâm nghiệp... Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 57,1 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,71%; chuẩn bị về đích xã NTM nâng cao vào cuối năm 2023...

Theo Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Triệu Sơn Hà Hữu Khang, cán bộ được điều động, luân chuyển đã nhanh chóng tiếp cận môi trường làm việc mới, phát huy năng lực và sáng tạo trong thực tiễn công tác, tích cực học tập, rèn luyện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giữ gìn phẩm chất đạo đức; xác định được chức trách, nhiệm vụ được giao, bám sát nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị, đề xuất cấp ủy, chính quyền, triển khai, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, được Nhân dân tín nhiệm cao.

Bồi dưỡng và lựa chọn cán bộ nhiệt huyết

Toàn tỉnh hiện có 78.642 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó: Cán bộ nữ 33.278 đồng chí, chiếm 42,4%; cán bộ trẻ 34.527 đồng chí, chiếm 44%; cán bộ là người dân tộc thiểu số 7.341 đồng chí, chiếm 9,4%; có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ 7.144 đồng chí, chiếm 9,1%; có trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân 3.250 đồng chí, chiếm 4,1%. Cán bộ lãnh đạo, quản lý có 7.898 đồng chí (diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý 596 đồng chí, diện Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện và tập thể lãnh đạo ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh quản lý 7.302 đồng chí)...

Xác định công tác cán bộ luôn là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu phải quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, sự đồng thuận trong tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo, trong cán bộ, đảng viên, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Cùng với đó, căn cứ các quy định, hướng dẫn của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ; quy chế bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; quy chế đánh giá, xếp loại cán bộ phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh và các quy định, hướng dẫn của Trung ương. Hệ thống các quy chế, quy định của các cấp ủy đã quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cho từng tổ chức, của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức trong công tác cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý được các cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, bảo đảm dân chủ, khách quan. Số lượng nguồn quy hoạch cấp ủy các cấp ít nhất 1,5 lần, thường vụ cấp ủy từ 1,5 - 2 lần; mỗi chức danh chủ chốt quy hoạch tối đa 4 người, mỗi người quy hoạch không quá 3 chức danh. Chất lượng nguồn quy hoạch được đảm bảo về tiêu chuẩn, tỷ lệ trẻ, nữ, dân tộc...; cán bộ dưới 45 tuổi lần đầu đưa vào quy hoạch (ở cấp tỉnh, huyện) đều phải có bằng đại học chính quy; trong thường trực cấp ủy các huyện miền núi đều có quy hoạch cán bộ người dân tộc Kinh; các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh có quy hoạch người dân tộc thiểu số... Đặc biệt, Tỉnh ủy đã chỉ đạo mở rộng phạm vi giới thiệu đối tượng lấy ý kiến phát hiện cán bộ để đưa vào quy hoạch theo hướng “động” và “mở”, tiến hành đồng bộ ở cả 3 cấp và lấy quy hoạch cấp dưới để xây dựng quy hoạch cấp trên; mở rộng nguồn cán bộ từ các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, phát huy dân chủ trong giới thiệu, phát hiện nguồn cán bộ quy hoạch, bảo đảm cơ cấu, tính kế thừa và phát triển.

Cùng với việc quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Thường vụ từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ kế hoạch điều động, luân chuyển cán bộ, nhất là thực hiện chủ trương bố trí các chức danh cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương. Trong công tác luân chuyển cán bộ đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, theo đúng quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy, có sự thống nhất giữa cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan tham mưu với người được luân chuyển. Tùy theo từng vị trí luân chuyển mà lựa chọn đúng người, đúng thời điểm; đồng thời, có quan điểm, phương pháp đánh giá, sử dụng cán bộ một cách khoa học, công tâm... Từ năm 2012 đến nay toàn tỉnh đã điều động, luân chuyển được 4.523 lượt cán bộ ở các cấp. Riêng luân chuyển cán bộ gắn với bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, từ năm 2012 đến nay, các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở đã luân chuyển 1.644 lượt cán bộ để rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm trong thực tiễn. Đến nay, số cán bộ luân chuyển gắn với bố trí cán bộ lãnh đạo không phải là người địa phương, toàn tỉnh có 27/27 huyện, thị xã, thành phố và 550/559 xã, phường, thị trấn thực hiện bố trí cán bộ chủ chốt ít nhất 1 chức danh không phải người địa phương. Đó là những con số sinh động, phản ánh bức tranh khá toàn diện về công tác luân chuyển cán bộ các cấp thời gian qua trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, số cán bộ được luân chuyển đều thể hiện được năng lực, tích lũy kinh nghiệm và trưởng thành hơn trong công tác, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị địa phương.

Theo đồng chí Phạm Mai Anh, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, ban tổ chức cấp ủy các cấp tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy thực hiện việc rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được bố trí, sắp xếp phù hợp với tiêu chuẩn, chức danh, vị trí việc làm; bước đầu đã phát huy được năng lực, trình độ, sở trường công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Công tác cán bộ tiếp tục có sự đổi mới, thực hiện đồng bộ, chặt chẽ ở tất cả các khâu, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện trong đánh giá bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, phân công, bố trí sắp xếp cán bộ..., đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp. Việc điều động, luân chuyển cán bộ tiếp tục được quan tâm thực hiện, đã chú ý toàn diện cán bộ từ dưới lên, từ trên xuống; từ cơ quan Đảng, đoàn thể sang chính quyền và ngược lại. Kết quả, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã đánh giá, xếp loại 82.289 lượt cán bộ, trong đó, có trên 75% hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Có thể khẳng định, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) và nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, công tác cán bộ được tỉnh Thanh Hóa triển khai ngày càng đi vào nền nếp và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đây cũng chính là tiền đề cho việc bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ đức, đủ tài, có uy tín trong Đảng và Nhân dân, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nhóm phóng viên

Bài 3: Tạo đột phá mạnh mẽ.

Tin liên quan:
  • Củng cố “hạt nhân”, xây dựng “nền tảng” vững chắc cho Đảng (Bài 2): Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ
    Củng cố “hạt nhân”, xây dựng “nền tảng” vững chắc cho Đảng (Bài 1): Chú trọng ...

    Sự trưởng thành và lớn mạnh của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó có nhân tố quan trọng là vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về việc củng cố tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) và xây dựng đội ngũ đảng viên phù hợp với thực tiễn ở địa phương trong từng giai đoạn cách mạng. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để tạo dựng, vun đắp “nền tảng” vững chắc cho Đảng.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]