(Baothanhhoa.vn) - Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong lộ trình phát triển, góp phần xây dựng chính quyền điện tử, trong những năm qua, cùng với cả nước, ngành y tế Thanh Hóa đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới các công nghệ số hiện đại, tạo sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế, từ quản trị, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Chuyển đổi số - bệ phóng cho ngành y tế

Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong lộ trình phát triển, góp phần xây dựng chính quyền điện tử, trong những năm qua, cùng với cả nước, ngành y tế Thanh Hóa đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới các công nghệ số hiện đại, tạo sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế, từ quản trị, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Chuyển đổi số - bệ phóng cho ngành y tếViệc áp dụng hệ thống PACS giúp các kỹ thuật viên, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cập nhật, truy cập đồng thời trên máy tính một cách dễ dàng, đưa ra kết luận nhanh, chính xác.

Xác định đẩy mạnh ứng dụng CNTT là tiền đề góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, thời gian qua Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm chú trọng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn để đáp ứng sự đổi mới, không ngừng nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, ứng dụng CNTT trong nhiều lĩnh vực hoạt động. Trong đó, từng bước triển khai và nâng cấp Hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện HIS, cơ bản đáp ứng các yêu cầu về quản lý bệnh viện, chia sẻ dữ liệu và thanh, quyết toán với cơ quan BHXH; hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in film; hệ thống xét nghiệm kết nối hai chiều LIS-HIS tại Khoa Hóa sinh, Huyết học và Truyền máu bảo đảm việc liên thông dữ liệu cận lâm sàng; thực hiện hóa đơn điện tử; hệ thống quản lý văn bản nội bộ được duy trì sử dụng giảm thiểu việc in ấn giấy tờ...

Trao đổi với thạc sĩ, bác sĩ Lê Hoàng Long, Phó trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa được biết, tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh, hệ thống PACS - lưu trữ hình ảnh trên môi trường mạng, không cần in film đã giảm bớt không gian lưu trữ, không còn tình trạng phải chờ in phim ra để đọc, gửi hồ sơ bệnh nhân đi giữa các khoa, phòng. Dữ liệu hình ảnh, thông tin liên quan đến bệnh nhân được kỹ thuật viên, bác sĩ, cập nhật, truy cập đồng thời trên máy tính một cách dễ dàng, tiết kiệm được thời gian cho bệnh nhân, bác sĩ, kỹ thuật viên, giảm thiểu bỏ sót các tổn thương, các sai sót - bởi hình ảnh phim của từng bệnh nhân có mã số từ phòng chụp kết nối với các bác sĩ điều trị, khi số liệu hình ảnh của bệnh nhân được lưu trữ, sẽ quản lý được quá trình điều trị của bệnh nhân sát sao hơn. Đối với những trường hợp cần hội chẩn từ xa sẽ kết nối với hệ thống PACS ở các bệnh viện lớn tuyến Trung ương, qua đó các chuyên gia sẽ căn cứ hình ảnh kết nối để đưa ra những phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, triển khai hệ thống PACS đã giảm thiểu lượng lớn rác thải nhựa ra môi trường, tiết kiệm chi phí xử lý rác thải và chi phí nhập film.

Tại Khoa Hóa sinh, với hệ thống có 4 làn băng chuyền vận chuyển linh hoạt, giúp loại bỏ tình trạng ùn tắc mẫu, cơ chế vận hành tự động hoàn toàn từ khâu trước - trong - sau xét nghiệm, hệ thống Power Express còn giúp loại bỏ các thao tác thủ công và các bước không cần thiết trong quy trình xét nghiệm. Tốc độ vận chuyển mẫu nhanh, công suất xử lý lớn, giúp bệnh nhân giảm thời gian chờ đợi và khắc phục tình trạng quá tải. Hệ thống Power Express cho phép kết nối trực tiếp với hệ thống vận chuyển mẫu chuyên biệt Tempus, bằng cách này mẫu sau khi vận chuyển lên phòng xét nghiệm sẽ ngay lập tức được tiến hành phân tích mà hoàn toàn không cần sự can thiệp của con người.

Tại Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa, với ưu thế là bệnh viện mới thành lập, được Trung ương, tỉnh, ngành đặc biệt quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng và phần mềm phục vụ chuyển đổi số, nhân lực cán bộ, viên chức, người lao động dưới 40 tuổi chiếm 60 - 70%, vì thế việc tiếp cận triển khai CNTT rất nhanh, nên việc chuyển đổi số, ứng dụng CNTT vào phát triển chuyên môn sâu chuyên ngành ung bướu đã mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh ung thư.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tú, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa cho biết: Nhờ chuyển đổi số, bệnh viện đã triển khai hệ thống phần mềm HIS, LIS, PACS, tuân thủ các tiêu chuẩn bảo đảm khả năng kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu, đồng thời bảo đảm khả năng kết nối liên thông với tất cả các trang thiết bị hiện có trong bệnh viện như: máy xét nghiệm, máy chẩn đoán hình ảnh, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, siêu âm, XQ số hóa, các màn hình tương tác, các thiết bị cầm tay cá nhân,... trên mạng LAN nội bộ nhằm nâng cao khả năng tự động hóa giúp bác sĩ, điều dưỡng có thể xem kết quả chụp chiếu, xét nghiệm và film chụp trên máy tính cá nhân. Mỗi người bệnh dùng 1 mã số định danh y tế (ID) riêng, các lần tái khám tiếp theo chỉ cần nhập mã này hoặc nhập tên người bệnh tìm kiếm trên hệ thống còn lưu trữ tất cả các lần khám, chữa bệnh trên hệ thống quản lý bệnh viện HIS. Tại tất cả các khoa/phòng trong bệnh viện đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt. Chữ ký số cũng đã bắt đầu được áp dụng, tiến tới loại bỏ hoàn toàn bệnh án giấy. Đăng ký khám bệnh, chữa bệnh phát số bằng hệ thống máy phát số khám bệnh, gọi tên người bệnh theo thứ tự trên hệ thống HIS khi người bệnh đi khám, tránh chen lấn, chồng chéo và tránh mất công bằng cho người bệnh. Triển khai hệ thống quản lý đơn thuốc điện tử theo phần mềm quản lý bệnh án điện tử, khám và cho thuốc trực tiếp trên hệ thống HIS.

Bệnh viện cũng đã triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa theo các yêu cầu và đăng ký khám, chữa bệnh trực tuyến tại website của bệnh viện, qua số điện thoại đường dây nóng của bệnh viện. Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa được thiết lập đầy đủ đến các bệnh viện tuyến Trung ương, đặc biệt mang lại hiệu quả rõ rệt trong thời gian qua do dịch bệnh COVID-19, người bệnh không cần phải chuyển tuyến Trung ương mà qua hệ thống Telehealth kết nối trực tiếp với các chuyên gia tuyến hội chẩn, đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Trong phòng, chống dịch, nền tảng này giúp tổ chức hội chẩn trực tuyến từ xa để nắm bắt và điều trị tốt nhất cho bệnh nhân COVID-19 và cả các bệnh khác. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa tham gia mạng lưới tư vấn, hội chẩn từ xa với các bệnh viện thu dung, điều trị COVID-19 theo phạm vi phụ trách bằng các phương tiện thông tin thuận lợi nhất (mạng VNPT, Zoom, Zalo, Viber, điện thoại...) để hướng dẫn phân loại tình trạng người bệnh, tư vấn cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị, chuyển viện phù hợp, kịp thời.

Bên cạnh đó, bệnh viện đã triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành, hệ thống thư điện tử trong cơ quan Nhà nước trực thuộc Sở Y tế, cụ thể là qua phần mềm ioffice, với 100% hoạt động quản lý văn bản điều hành, thư điện tử đã thực hiện trên môi trường mạng và được ký số, thực hiện kết nối liên thông với Sở Y tế và tất cả các đơn vị y tế khác trong tỉnh..., là tiền đề để bệnh viện xây dựng “bệnh viện thông minh”.

Ngoài Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều bệnh viện trong chiến lược phát triển bền vững của mình cũng đã đầu tư trang thiết bị hiện đại để ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và xem đây là bước đột phá. Các bệnh viện đã áp dụng triệt để việc chuyển đổi số trong kết nối trực tuyến để đào tạo nâng cao nghiệp vụ, chuyển giao kỹ thuật, theo kiểu cầm tay chỉ việc, đặc biệt là hội chẩn từ xa với các chuyên gia tuyến Trung ương để xử lý những ca bệnh khó, thay cho việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Với mục tiêu kết hợp chặt chế ứng dụng CNTT với nhiệm vụ cải cách hành chính; triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quản lý, điều hành tại Sở Y tế cùng quản lý tổng thể tại đơn vị khám, chữa bệnh và các đơn vị trong ngành, đến nay, ngành y tế đã y triển khai các phần mềm quản lý bệnh viện, các phần mềm chuyên ngành trong lĩnh vực y tế; đang triển khai các ứng dụng thông minh trong chẩn đoán hình ảnh (xây dựng hệ thống PACS) kết nối với hệ thống quản lý bệnh viện (phần mềm HIS); 100% các bệnh viện thực hiện việc kết xuất dữ liệu phục vụ công tác thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT: 100% văn bản đến và đi (trừ văn bản mật) được thực hiện trên môi trường mạng; tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt 100%, văn bản điện tử đã thay thế hoàn toàn văn bản giấy tại cơ quan Sở Y tế. 100% cán bộ, công chức tại cơ quan Sở Y tế sử dụng thư điện tử công vụ trong công việc. Sở Y tế duy trì sử dụng hộp thư điện tử công vụ của sở dễ tiếp nhận và gửi văn bản thông qua hệ thống thư điện tử của tỉnh. 100% đơn vị trực thuộc sở đều đã có hộp thư điện tử và triển khai thực hiện việc trao đổi thông tin qua môi trường mạng. Phần mềm quản lý bệnh viện đã được 100% các bệnh viện triển khai, phát huy hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phi trong việc quản lý bệnh viện, thống kê, báo cáo, theo dõi và chăm sóc người bệnh...

Công tác cải cách thủ tục hành chỉnh được đẩy mạnh đã giảm thời gian chờ khám bệnh và thanh toán BHYT tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người bệnh khi đi khám, chữa bệnh. Về thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt, đến nay đã có 65% các bệnh viện công lập triển khai đã mang lại nhiều lợi ích cho cơ sở khám, chữa bệnh cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. 95% bệnh viện công lập đã triển khai hóa đơn điện tử trên máy chủ đặt tại đơn vị và kết nối với hệ thống của đơn vị cung cấp dịch vụ. Chuyển đổi số không chỉ được chú trọng tại các bệnh viện mà còn được ngành tập trung triển khai toàn diện từ y tế dự phòng, quản lý dược cho tới các trạm y tế. Hướng đến sự hài lòng của người dân, ngoài việc cán bộ toàn ngành nâng cao năng lực chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ, cần có hệ thống y tế thông minh thông qua chuyển đổi số, đến nay, ngành y tế đã có mạng lưới quản lý đồng bộ, khoa học, hiệu lực, hiệu quả. Người dân đã được chăm sóc sức khỏe ngay từ ban đầu, hoạt động y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh ngày càng được nâng cao và năng lực, chất lượng thăm khám, điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh nâng lên rõ rệt.

Nỗ lực thực hiện chuyển đổi số của ngành y tế đã đạt được những hiệu quả nhất định trong thời gian qua. Tuy vậy, để đây là bệ phóng giúp ngành này hội nhập vẫn cần một chiến lược dài hơi. Tầm nhìn của chuyển đổi số trong ngành y tế tới năm 2030 là ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành, hình thành nền y tế thông minh với 3 nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám, chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

Để đạt được mục tiêu này thì các bệnh viện đóng vai trò rất quan trọng, ngành y tế muốn chuyển đổi số thì cần bắt đầu từ các bệnh viện. Các bệnh viện phải tiến hành chuyển đổi số đồng bộ và kết nối phần mềm với nhau và với Bộ Y tế, cơ quan BHYT. Đồng thời, cơ sở hạ tầng của các bệnh viện cũng phải tương đồng để kết nối các bệnh viện, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân trong khám, chữa bệnh. Khi thực hiện chuyển đổi số, trình độ của một số cán bộ chưa thể đáp ứng khi thay đổi từ bệnh án giấy sang thực hiện trên máy tính, nên cần đào tạo thêm hoặc có thể phải chuyển sang bộ phận khác, điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của họ.

TTND, TS Trịnh Hữu Hùng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế: Hướng đến mục tiêu bệnh viện không giấy tờ

Chuyển đổi số - bệ phóng cho ngành y tế

Trong những năm gần đây, ngành y tế đã quyết liệt triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số vào phục vụ công tác quản lý, điều hành, quản trị bệnh viện, giám sát dịch bệnh, quản lý sức khỏe cho người dân. Nỗ lực trong chuyển đổi số đã giúp ngành y tế tỉnh tiết kiệm thời gian, nhân lực, nâng cao hiệu quả, năng suất làm việc, rút ngắn thời gian khám, chữa bệnh, giảm các thủ tục hành chính, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thời gian tới, ngành y tế sẽ tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu bệnh viện không giấy tờ, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cũng như quản lý tốt hồ sơ sức khỏe người dân, giám sát dịch bệnh... Theo đó, ngày 14-10-2021, Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch số 4574/KH-SYT về Phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2022 ngành y tế Thanh Hóa, với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng, đặt trọng tâm vào chuyển đổi số trong toàn ngành y tế góp phần xây dựng hệ thống y tế địa phương hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời. Theo đó, phấn đấu 100% các văn bản, hồ sơ công việc được tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường mạng (trừ văn bản có hồ sơ mật theo quy định); 50% báo cáo định kỳ (trừ nội dung mật) của các cơ quan Nhà nước được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia: 100% đơn vị sử dụng hiệu quả các phần mềm phục vụ công việc: phần mềm quản lý cán bộ, phần mềm thống kê y tế, phần mềm kế toán; tỷ lệ hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số hồ sơ được tiếp nhận (gồm cả trực tuyến, trực tiếp và qua bưu chính công ích) đạt từ 95% trở lên; 100% các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực y tế, dân số sức khỏe do Trung ương và địa phương ban hành hàng năm được đưa lên trang thông tin điện tử Sở Y tế; 90% các cơ sở y tế triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; 100% các cơ sở y tế thực hiện việc cập nhật dữ liệu vào hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử; 50% dân số toàn tỉnh được lập hồ sơ sức khỏe điện tử; 100% các cơ sở y tế triển khai hệ thống truyền hình hội nghị trực tuyến phục vụ các hội nghị, cuộc họp giao ban, triển khai hội chẩn, kết nối với các bệnh viện trên toàn tỉnh; 30% các bệnh viện có bộ phận hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa; 100% các đơn vị trực thuộc triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT hỗ trợ công tác phòng, chống dịch (các nền tảng xét nghiệm, tiêm chủng vắc-xin COVID-19, quét mã QR code, cải đặt ứng dụng Bluezone, Smart Thanh Hóa...).

Tiến sĩ Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số

Chuyển đổi số - bệ phóng cho ngành y tế

Với mục tiêu nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh một cách toàn diện, phấn đấu trở thành bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế vào năm 2024, xây dựng bệnh viện đạt các tiêu chí bệnh viện hạng đặc biệt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu bệnh viện không giấy tờ, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cũng như quản lý tốt hồ sơ sức khỏe người dân.

Cùng với đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, bệnh viện đã ban hành nghị quyết riêng “Về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025” với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện phần mềm quản lý bệnh viện HIS, RIS- PACS. LIS và các module quản lý bệnh viện hướng đến đáp ứng yêu cầu triển khai bệnh án điện tử, xây dựng bệnh viện thông minh, bệnh viện không giấy tờ. Tăng cường triển khai các hoạt động y tế từ xa, giao ban qua Zoom, hội chẩn từ xa qua TeleHealth, Tele ICU với các bệnh viện tuyến trên. Duy trì thực hiện có hiệu quả các dự án Telemedicine với Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức. Hoàn thiện các nội dung phần mềm HIS để thực hiện kết nối liên thông chia sẻ dữ liệu khám, chữa bệnh BHYT với các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc...

Nhờ sự đầu tư mạnh mẽ về trang thiết bị hiện đại, hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, nhiều kỹ thuật khó trong khám, chữa bệnh đã được đội ngũ y, bác sĩ thực hiện thành công. Hiện nay, bệnh viện đã ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh như: quản lý hồ sơ bệnh án, quản lý viện phí, quản lý dược, hệ thống xét nghiệm, hệ thống PACS, ứng dụng trí tuệ nhân tạo... Đặc biệt, từ tháng 6-2021, người bệnh đi khám, chữa bệnh BHYT được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế cho thẻ BHYT giấy. Để tạo thuận lợi cho bệnh nhân, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đầu tư các máy đầu đọc để quét mã QR code. Việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID... Việc triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT giúp cho thông tin khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT được công khai, minh bạch, người tham gia BHYT được bảo đảm quyền lợi hợp pháp khi khám, chữa bệnh.

Tuy nhiên, hiện nay một số hạng mục công nghệ thông tin còn chưa đồng bộ; còn một bộ phận nhân lực lớn tuổi, tiếp cận công nghệ thông tin chậm ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình đồng bộ hóa tất cả bộ phận thực hiện chuyển đổi số. Bên cạnh đó, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế trong ngành còn gặp nhiều khó khăn; kinh phí dành cho ứng dụng công nghệ thông tin y tế còn hạn chế nên ảnh hưởng trực tiếp triển khai ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị... Để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật về công nghệ thông tin y tế, tạo cơ sở pháp lý để chuyển đổi số trong ngành, cần có hướng dẫn về điều kiện, thủ tục công nhận bệnh viện đạt tiêu chí bệnh án điện tử, bệnh viện thông minh...; tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng máy móc, trang thiết bị đồng bộ; tăng cường tuyên truyền đến người dân cùng tham gia quá trình chuyển đổi số; tăng cường kết nối giữa các đơn vị y tế.

Bác sĩ Lê Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Thanh Hóa: Tiếp tục hoàn thiện ứng dụng phần mềm quản lý duy nhất tại trạm y tế phường, xã

Chuyển đổi số - bệ phóng cho ngành y tế

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hầu hết các trạm y tế (TYT) đã có sự đầu tư về máy móc, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin và từng bước số hóa trong hoạt động, đã tạo điều kiện giúp các TYT chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Hiệu quả thấy rõ nhất của việc ứng dụng công nghệ vào khám, chữa bệnh trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tiêm chủng đã tạo điều kiện giúp người dân thuận lợi theo dõi thông tin tiêm chủng không cần phải mang theo sổ giấy vì hiện các thông tin đã được cập nhật trong sổ tiêm chủng điện tử trên hệ thống tiêm chủng quốc gia.

Đến nay, 100% các TYT trên địa bàn tỉnh đã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý y tế duy nhất tại phường, xã, nhờ đó đã tiết kiệm thời gian, tiết kiệm nhân lực, nâng cao rõ rệt trong công tác quản lý hành chính, chuyên môn y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở dù phải thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nâng cao rõ rệt công tác khám, chữa bệnh ban đầu cho Nhân dân.

Để nâng cao hiệu quả hơn nữa trong chuyển đổi số ngành y tế cần tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng số hóa, đặc biệt là đầu tư ngân sách cho mua sắm trang thiết bị, bảo dưỡng bảo trì hệ thống máy móc trang thiết bị; tiếp tục hoàn thiện ứng dụng phần mềm quản lý duy nhất tại TYT phường, xã; tập huấn nâng cao về chuyển đổi số cho cán bộ y tế; đầu tư về máy móc, trang thiết bị y tế, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]