(Baothanhhoa.vn) - Các phụ gia thực phẩm là các chất được bổ sung thêm vào thực phẩm để bảo quản hay cải thiện hương vị và bề ngoài của chúng. Tuy nhiên, việc sử dụng phụ gia thực phẩm sai cách, quá liều lượng hoặc sử dụng phải sản phẩm không rõ nguồn gốc sẽ tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Cẩn trọng khi lựa chọn sử dụng phụ gia thực phẩm

Các phụ gia thực phẩm là các chất được bổ sung thêm vào thực phẩm để bảo quản hay cải thiện hương vị và bề ngoài của chúng. Tuy nhiên, việc sử dụng phụ gia thực phẩm sai cách, quá liều lượng hoặc sử dụng phải sản phẩm không rõ nguồn gốc sẽ tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Cẩn trọng khi lựa chọn sử dụng phụ gia thực phẩmGian hàng bày bán phụ gia thực phẩm, nguyên liệu pha chế đồ uống tại chợ Vườn Hoa, TP Thanh Hóa (ảnh minh hoạ).

Mối nguy khó nhận biết

Trời bắt đầu se lạnh, những quán lẩu, quán nướng vỉa hè lại tấp nập người mua bán. Mùi vịt nướng, thịt ba chỉ, chân giò nướng thơm lừng cả góc phố, hấp dẫn từ người già đến trẻ nhỏ. Với giá cả phải chăng, những quán nướng đường phố như thế từ trước đến nay vẫn luôn là địa chỉ ăn uống của nhiều người. Có điều, để có được hương vị dậy mùi, màu bắt mắt đến như thế, không ít cửa hàng phải sử dụng đến các loại phụ gia thực phẩm để tăng độ ngon thu hút khách hàng. Các loại phụ gia ấy có thực sự bảo đảm an toàn với sức khỏe hay không là điều không ai dám chắc chắn. Bởi thị trường phụ gia thực phẩm hiện nay còn “vàng thau lẫn lộn”. Điều đáng nói, xu hướng bận rộn trong cuộc sống khiến nhu cầu ăn uống các loại thực phẩm chế biến sẵn ngày càng tăng cao. Điều này đã tạo cơ hội cho những loại đồ ăn, thức uống chứa phụ gia thực phẩm không bảo đảm chất lượng len lỏi vào thị trường.

Ở khu vực TP Thanh Hóa, muốn mua các loại hương liệu, phụ gia thực phẩm không hề khó. Theo ghi nhận của phóng viên, chỉ cần dạo quanh khu vực một số chợ lớn trên địa bàn là có thể tìm thấy các cửa hàng, đại lý bày bán các sản phẩm phụ gia thực phẩm. Từ các loại phụ gia phổ biến như gia vị lẩu, gói tẩm ướp đồ nướng... cho đến các loại phụ gia, hương liệu, phẩm màu để chế biến thức ăn, trà sữa, nước giải khát.

Tại một số gian hàng kinh doanh nguyên liệu, phụ gia thực phẩm ở chợ Vườn Hoa, các mặt hàng được bày bán rất đa dạng. Những chai siro hương liệu trái cây lớn nhỏ đến từ nhiều thương hiệu, xuất xứ nước ngoài được bày bán trên kệ hàng. Giá cả của các loại phụ gia, hương liệu này cũng rất khác nhau, đắt rẻ đều có cả, tùy theo nhu cầu của người mua hàng. Những loại hàng đắt tiền sẽ được chủ hàng cất ở phía trong kho, khi khách hỏi mua mới mang ra, còn những loại hương liệu rẻ thì bày nhan nhản trên kệ hàng mặc cho những tác động của nhiệt độ ngoài trời. Điều đáng nói, trong số đó có rất nhiều sản phẩm đều ghi bằng chữ nước ngoài, nhiều người mua hàng nhưng không hiểu được các thông tin ghi trên bao bì, nhãn mác của sản phẩm mà sử dụng theo thói quen, theo công thức có sẵn mà những người trong nghề truyền cho nhau.

Trên thực tế, thị trường phụ gia thực phẩm hiện nay chủ yếu là hàng nhập khẩu. Trong số sản phẩm nhập khẩu, chỉ số ít là hàng nhập khẩu chính ngạch, còn lại nhiều phụ gia thực phẩm trôi nổi, không hóa đơn chứng từ, không được kiểm định chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng. Môi trường, nhiệt độ bảo quản những sản phẩm này thực tế không bảo đảm các điều kiện. Đây là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn thực phẩm và những mối nguy khó nhận biết đối với người tiêu dùng.

Không nên lạm dụng

Theo thông tin trên Báo Sức khỏe và Đời sống, đầu tháng 5/2023 Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ (44 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng thiếu máu nặng do tan máu cấp tính. Người con trai thứ hai (12 tuổi) cũng nhập Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng tương tự. Khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết đã mua 100g bột màu thực phẩm màu đỏ tươi (gọi là bột mai quế lộ) ở chợ, sau đó đã trộn 50g bột với thịt lợn xay và gói nem rán. Bệnh nhân cùng hai con ăn nem vào bữa trưa trong 3 ngày. Ngay sau khi ăn vào trưa ngày thứ 2, bệnh nhân có biểu hiện chóng mặt, hoa mắt, cảm giác gai sốt, đau đầu. Mẹ và người con thứ 2 đã phải nhập viện cấp cứu.

Cẩn trọng khi lựa chọn sử dụng phụ gia thực phẩm

Cửa hàng lẩu, nướng trên địa bàn TP Thanh Hóa thu hút đông thực khách (ảnh minh họa).

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết bệnh nhân bị thiếu máu nặng, hemoglobin lúc thấp nhất là 51g/L (bình thường 120 - 170g/L). Các xét nghiệm khác cho thấy có tình trạng tan máu cấp tính rõ. Mẫu bột màu thực phẩm đã được Bệnh viện Bạch Mai xét nghiệm, phát hiện thấy có axit orange 7, được dùng làm chất màu công nghiệp và phụ gia thực phẩm. Khi sử dụng liều cao trên động vật, chất này có thể gây tan máu và methemoglobin. Trên y văn chưa thấy có thông tin gây ngộ độc trên người. Năm 2021, Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận một bệnh nhân ở Hà Nội bị tan máu cấp sau khi ăn thịt bò sốt vang nấu với bột màu đỏ mua ở chợ.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận 3 trường hợp có biểu hiện tan máu do ngộ độc thức ăn không rõ nguồn gốc, trong đó có 2 trường hợp ngộ độc sau ăn xôi màu tím. Gia đình lấy màu tím từ cây, cỏ không rõ nguồn gốc để nấu xôi. Sau một ngày ăn xôi tự nấu, cả 4 người trong gia đình có biểu hiện ngộ độc. Trong đó 2 trường hợp có biểu hiện nặng phải nhập viện điều trị; 2 người còn lại do ăn ít, triệu chứng nhẹ, được theo dõi tại nhà.

Có thể nói, trong ăn uống hàng ngày, phụ gia thực phẩm nói chung đóng vai trò khá quan trọng, giúp món ăn thêm bắt mắt, hấp dẫn, song nếu sử dụng bừa bãi, quá lạm dụng sẽ gây nguy hại cho sức khỏe người dùng.

Theo Luật An toàn thực phẩm, phụ gia thực phẩm là chất được chủ định đưa vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, có hoặc không có giá trị dinh dưỡng, nhằm giữ hoặc cải thiện đặc tính của thực phẩm. Căn cứ vào mục đích sử dụng, có một số nhóm phụ gia thực phẩm chính được sử dụng nhiều trong chế biến thực phẩm như: Phẩm màu, chất bảo quản, chất chống oxy hóa, chất tạo ngọt, chất ổn định, chất điều vị, chất nhũ hóa, chất làm dày, chất điều chỉnh độ chua, chất chống tạo bọt... Mỗi nhóm chất sẽ có đối tượng, công dụng, hàm lượng và cách bảo quản riêng được quy định bởi Bộ Y tế. Thông tư số 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm đã ban hành danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong thực phẩm với 400 chất được quy định rõ.

Tuy nhiên, thị trường phụ gia thực phẩm hiện nay còn nhiều phức tạp, khó quản lý, vì vậy người dân cần cẩn trọng khi lựa chọn các loại phụ gia để chế biến đồ ăn, thức uống hằng ngày. Các chuyên gia khuyến cáo, không nên sử dụng các loại phụ gia thực phẩm là các hóa chất nhân tạo không được kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng hay các loại cây, cỏ không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm. Không nên ăn những thức ăn có phẩm màu lòe loẹt, bắt mắt.

Bài và ảnh: Minh Hiền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]