(Baothanhhoa.vn) - Giáo dục địa phương (GDĐP) là một trong những môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thông qua các tiết học nhằm trang bị cho học sinh những nội dung cơ bản về văn hóa, lịch sử, truyền thống... của địa phương. Qua đó góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước và giúp học sinh vận dụng những điều đã học để giải quyết những vấn đề của thực tiễn.

Bồi dưỡng truyền thống văn hóa, lịch sử quê hương cho học sinh

Giáo dục địa phương (GDĐP) là một trong những môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thông qua các tiết học nhằm trang bị cho học sinh những nội dung cơ bản về văn hóa, lịch sử, truyền thống... của địa phương. Qua đó góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước và giúp học sinh vận dụng những điều đã học để giải quyết những vấn đề của thực tiễn.

Bồi dưỡng truyền thống văn hóa, lịch sử quê hương cho học sinhHọc sinh Trường Tiểu học & THCS Newton TH (TP Thanh Hóa) dâng hương tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân).

Trường Tiểu học và THCS Newton TH được đánh giá là một trong những trường tiêu biểu trên địa bàn TP Thanh Hóa thực hiện tốt việc giảng dạy GDĐP. Để việc dạy và học mang lại hiệu quả, nhà trường đã xây dựng kế hoạch giảng dạy lồng ghép GDĐP trong các môn học như: Hoạt động trải nghiệm, Khoa học, Lịch sử, Địa lý, Tự nhiên và Xã hội, Tiếng Việt, Đạo đức... đảm bảo tính thực tiễn, khoa học và phù hợp với các đặc điểm tâm lý, trình độ phát triển nhận thức, không gây quá tải cho học sinh. Năm học 2023-2024 nhà trường tổ chức giảng dạy môn GDĐP xoay quanh 8 chủ đề: Cảnh sắc quê hương; sản vật địa phương; món ăn đặc sản; nghề truyền thống; thiên nhiên, con người qua sáng tác dân gian; những con người làm rạng danh vùng đất quê hương; di tích lịch sử văn hóa, cách mạng.

Gần đây nhất (tháng 10/2023) nhà trường đã tổ chức dã ngoại trải nghiệm tích hợp liên môn GDĐP - Kỹ năng sống cho hơn 150 học sinh khối 3, 4 tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân). Tại đây, học sinh đã dâng hương tưởng nhớ các vị vua triều Hậu Lê, nghe hướng dẫn viên giới thiệu về khu di tích. Cùng với đó, học sinh đã tham gia trò chơi “Giải mật thư - truy tìm kho báu” để tìm hiểu thêm một số kiến thức về Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Thông qua các hoạt động nhằm giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và bồi đắp tình yêu quê hương Thanh Hóa trong mỗi học sinh.

Cô Bùi Thị Vĩnh, trợ lý Ban giám hiệu, quản lý các hoạt động giáo dục tập thể, trải nghiệm, dã ngoại Trường Tiểu học và THCS Newton TH cho biết: Trên cơ sở hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thanh Hóa, ngay từ đầu năm học nhà trường đã xây dựng kế hoạch GDĐP cụ thể. Theo đó, nhà trường đã kết hợp học tập trên lớp với hoạt động trải nghiệm, thực hành, tham quan thực tế tại các di tích lịch sử, làng nghề truyền thống... trên địa bàn tỉnh.

Để chuyển tải được những nội dung này, giáo viên nhà trường đã được tham gia các lớp tập huấn, đồng thời chủ động tìm hiểu kiến thức về lịch sử, con người, truyền thống quê hương Thanh Hóa. Chỉ khi giáo viên nắm vững kiến thức, hiểu biết lịch sử địa phương mới có thể lan tỏa tình yêu, niềm tự hào về quê hương mình đến học sinh qua mỗi bài giảng. Mặt khác, thông qua việc giảng dạy GDĐP đã giúp giáo viên tích lũy thêm kiến thức thực tế cũng như những nguồn học liệu như tranh, ảnh, video... về quê hương xứ Thanh để làm phong phú thêm tư liệu trong bài giảng. Nhờ vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy, đến nay môn học GDĐP được học sinh nhà trường rất yêu thích và tiếp thu kiến thức rất nhanh.

Tương tự, môn học GDĐP tại nhiều trường học trên địa bàn huyện Hoằng Hóa được vận dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của từng nhà trường, địa phương, đảm bảo mục tiêu, chất lượng giáo dục. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoằng Hóa Đoàn Đăng Khoa cho biết: Triển khai từ năm học 2021-2022, nội dung GDĐP được tổ chức theo hướng mở, nhằm gắn lý luận với thực tiễn, tạo hứng thú học tập cho học sinh.

Là địa phương giàu truyền thống cách mạng, với hơn 90 di tích lịch sử được xếp hạng và nhiều làng nghề truyền thống, đây là điều kiện thuận lợi để các nhà trường trên địa bàn huyện tổ chức dạy và học GDĐP một cách hiệu quả. Các trường đã chủ động tổ chức dạy học tích hợp liên môn, tăng cường trải nghiệm thực tế, giúp cho nội dung môn học GDĐP trở nên hấp dẫn, gần gũi với học sinh. Tuy nhiên, để triển khai có hiệu quả môn học này rất cần có sự cố gắng, vào cuộc tích cực của cả nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Đây là năm học thứ 3 tỉnh Thanh Hóa triển khai, thực hiện giảng dạy môn GDĐP. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn như thiếu giáo viên, tài liệu giảng dạy... song hầu hết các nhà trường đã nỗ lực khắc phục, vận dụng linh hoạt để xây dựng các chủ đề giảng dạy phù hợp, khoa học. Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay ở hầu hết các nhà trường, đặc biệt là ở các địa phương đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, do đó nguồn kinh phí để tổ chức GDĐP gắn với các hoạt động tham quan, trải nghiệm thực tế còn hạn chế. Nhằm đạt được kết quả cao trong công tác giáo dục, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của các nhà trường rất cần sự chung tay, vào cuộc tích cực của phụ huynh học sinh để môn học GDĐP được triển khai, thực hiện có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]