(Baothanhhoa.vn) - Gần như 100% các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã thành lập phòng, tổ hoặc bộ phận công tác xã hội (CTXH). Họ đóng vai trò không thể thiếu trong hoạt động của bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng bệnh viện và kết nối yêu thương, lan tỏa, thấm đẫm những câu chuyện tình người đẹp đẽ và ấm áp.

Bắc nhịp cầu kết nối yêu thương trong bệnh viện

Gần như 100% các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã thành lập phòng, tổ hoặc bộ phận công tác xã hội (CTXH). Họ đóng vai trò không thể thiếu trong hoạt động của bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng bệnh viện và kết nối yêu thương, lan tỏa, thấm đẫm những câu chuyện tình người đẹp đẽ và ấm áp.

Bắc nhịp cầu kết nối yêu thương trong bệnh việnPhòng CTXH Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa kết nối các nhà hảo tâm trao quà hỗ trợ bệnh nhân nghèo.

Bằng trái tim ấm áp và nhiệt huyết, những người làm CTXH tại các bệnh viện đa khoa tuyến đầu của tỉnh đang ngày ngày bắc nhịp cầu nhân ái đến với những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Những vất vả, mệt nhọc nhiều khi không đong đếm được nhưng họ luôn cảm thấy hạnh phúc và tự hào khi được “tiếp sức” cho những người bệnh nghèo vượt qua gian khó.

Nhiều năm nay, anh L.Đ.M., ở huyện Yên Định đã trở thành “người thân” của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. 3 lần/tuần, anh M. chạy thận nhân tạo nên phải ở lại “Xóm trọ 0 đồng” (được Phòng CTXH Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa kết nối với các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí thuê nhà). Bệnh tật khiến gia đình anh vốn đã nghèo lại càng thêm khốn khó. Đồng hành cùng anh trong hành trình chiến đấu với bệnh tật, Phòng CTXH Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã kêu gọi hỗ trợ chi phí điều trị, suất ăn, phòng trọ miễn phí...

Gặp chúng tôi khi vừa xong ca chạy thận, anh M., xúc động chia sẻ: Không chỉ hỗ trợ về vật chất, mỗi đợt tôi chạy thận, các y, bác sĩ và nhân viên phòng CTXH đều đến động viên, hỏi thăm sức khỏe, nếu không có sự yêu thương, hỗ trợ đó thì có lẽ tôi không đủ chi phí và nghị lực để vượt qua nỗi đau bệnh tật này.

Anh M., là một trong hàng ngàn bệnh nhân đã được Phòng CTXH Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần trong suốt quá trình điều trị tại bệnh viện nhiều năm qua. Hoạt động từ thiện nhân đạo, đồng hành, sẻ chia cùng người bệnh đã được bệnh viện manh nha từ rất sớm, khi lượng bệnh nhân nặng ngày một tăng cao, những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ nhiều, bệnh viện đã lập tổ CTXH trực thuộc phòng điều dưỡng, đến năm 2020 thành lập phòng CTXH, gồm 4 tổ, mỗi tổ thực hiện chức năng, nhiệm vụ riêng. Trong đó, tổ “Trợ giúp bệnh nhân” luôn đồng hành nâng cao chất lượng chăm sóc và dịch vụ hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tổ đã xây dựng quy trình hoạt động từ thiện, kết nối những trường hợp người bệnh gặp khó khăn với các cá nhân, tổ chức từ thiện..., qua đó đã đóng góp tích cực vào việc hỗ trợ người bệnh, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế trong giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề tâm lý liên quan đến bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh của bệnh viện.

Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ CKII Hoàng Hữu Trường, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Sau nhiều năm triển khai, hoạt động CTXH tại bệnh viện giờ đây đã trở nên chuyên nghiệp, bài bản. Các cán bộ, nhân viên được tuyển chọn, đào tạo chuyên nghiệp, nhiệt huyết trong kết nối với các khoa, phòng để kịp thời nắm bắt, xác minh thông tin bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn; kêu gọi nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm để có kinh phí hỗ trợ bệnh nhân. Nghe qua thì tưởng chừng đơn giản nhưng ít ai hiểu rằng, để gắn bó được với công việc này, ngoài kiến thức về ngành y, kỹ năng hoạt động CTXH thì “tâm phải đủ sáng, lòng đủ ấm” để gieo những mầm hy vọng, bắc nhịp cầu yêu thương tới bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ.

Phòng CTXH Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa mặc dù mới chỉ được thành lập và đi vào hoạt động trong một thời gian ngắn nhưng cũng đã đạt được những kết quả nhất định, trở thành một địa chỉ tin cậy, là cầu nối giữa các cấp ban, ngành, các nhà hảo tâm hướng về người bệnh nhằm chia sẻ phần nào những khó khăn, nỗi đau với những hoàn cảnh không may mắn. Ngoài việc huy động hỗ trợ của cán bộ, viên chức, người lao động, đội ngũ làm CTXH của bệnh viện còn thường xuyên kết nối, kêu gọi các đơn vị, nhà hảo tâm hỗ trợ chi phí sinh hoạt và điều trị cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều chương trình ý nghĩa được tổ chức thường niên như “Xuân ấm áp, tết yêu thương”, “Chuyến xe 0 đồng”; hoạt động phát cơm, cháo từ thiện cho bệnh nhân nội trú tại bệnh viện duy trì mỗi tuần một lần...

Chị Trần Linh Chi, Phụ trách Phòng CTXH, Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa, cho biết: CTXH là nghề của tình thương, mọi nhiệm vụ mà cán bộ CTXH thực hiện đều hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Với bệnh nhân ung bướu, mỗi bệnh nhân đến viện là một người yếu thế - họ mang trong mình nỗi đau bệnh tật và tinh thần. Nhiều bệnh nhân có những hoàn cảnh rất éo le. Vì thế, chúng tôi luôn cố gắng kết nối hỗ trợ bệnh nhân, chia sẻ, đồng cảm và cùng họ vượt qua trở ngại, chiến thắng bệnh tật.

Mỗi bệnh nhân đến viện là một hoàn cảnh, một số phận nhưng đều có chung nỗi đau bệnh tật dày vò, phần nhiều kiệt quệ về kinh tế và tinh thần. Thấu hiểu được điều đó, những người làm CTXH tại các cơ sở y tế đã nỗ lực hết sức để kết nối nguồn lực, hỗ trợ bệnh nhân nhiều nhất có thể. Dù không trực tiếp chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân nhưng những người làm CTXH tại bệnh viện lại là người đồng hành thân thiết, tin cậy nhất của những bệnh nhân nghèo. Công việc vất vả và không mang lại cho họ nhiều giá trị về vật chất nhưng có lẽ điều lớn nhất mà họ nhận được là sự an yên trong tâm hồn, sống biết sẻ chia. Bằng trái tim ấm nóng, họ vẫn miệt mài kết nối, bắc những “nhịp cầu” yêu thương đến với bệnh nhân nghèo...

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]