[E-Magazine] - Chốn thiêng nơi cửa biển

[E-Magazine] - Chốn thiêng nơi cửa biển

Cửa biển Lạch Trường, nơi dòng Lạch Trường đổ ra biển cả mênh mông, chứa đựng trầm tích văn hóa ngàn năm xứ sở. Chùa Bụt uy nghiêm nằm cạnh cửa biển tựa vị thần hộ mệnh của cư dân làng chài. Khi vào bến, mũi tàu cá nhấp nhô trên sóng nước như thành kính bái tạ đấng linh thiêng.

[E-Magazine] - Chốn thiêng nơi cửa biển

[E-Magazine] - Chốn thiêng nơi cửa biển

Những ngày đầu năm mới, tôi theo chân mẹ đi đò sang xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa thăm chùa Bụt. Tôi vẫn thường gọi Nhà thờ phật tại Công viên văn hóa du lịch tâm linh Hòn Bò – Lạch Trường như thế, bởi với tôi dù có là ngôi chùa nhỏ của trước kia hay trở thành một ngôi chùa lộng lẫy, trang ngiêm như bây giờ thì nơi đây vẫn là nơi những đứa con miền biển chúng tôi tìm về sau những chuyến ra khơi, vào lộng. Trên chiếc đò ngang nhìn xuống dòng Lạch Trường cuồn cuộn trôi, những ngọn sóng từ biển khơi trùng trùng, điệp điệp gối lên nhau tràn vào bờ đủ để cảm nhận được sự vận động không ngừng của vạn vật, chợt thấy mình chống chếnh, nhỏ bé giữa hiển cả mênh mông.

[E-Magazine] - Chốn thiêng nơi cửa biển

Men theo con đường mòn ôm lấy ngọn núi Linh Trường hùng vĩ giữa rừng thông dẫn đến chùa Bụt, chúng tôi hòa mình vào thiên nhiên xanh mát, ngắm nhìn dòng sông Lạch Trường uốn lượn quanh chân núi. Trở lại biển Hoằng Trường lần này, tôi thực sự ngỡ ngàng trước những đổi thay nơi đây. Bến cá đầy rác, con đường đất lầy lội của trước kia đã được trải nhựa phẳng lì, rộng thênh thang, điểm xuyến thêm hàng dừa xanh cao vút.

[E-Magazine] - Chốn thiêng nơi cửa biển

Bước qua cánh cổng tam quan vào chùa Bụt, bóng lão ngư già nghiên mình bái lạy Đức Phật bao dung, miệng lầm rầm khấn nguyện cầu mong sóng yên, biển lặng. Đôi mắt của lão ngư gần trọn đời gắn bó với biển chứa bao điều ước vọng. Nén hương trầm theo những cơn gió lạnh bay xa. Giữa biển cả bao la, những tưởng chỉ có nắng gió và bão giông khắc nghiệt, ấy vậy mà khi tiếng chuông chùa bất chợt vang lên lại khiến vạn vật yên bình đến lạ. Mọi lo âu vất vả dường như tan biến, cuộc sống trở lên tốt đẹp, an lành.

[E-Magazine] - Chốn thiêng nơi cửa biển

Cư dân ven biển huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa bao đời tiếp nối bám biển mưu sinh. Họ luôn cầu khấn cho trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang sau chuyến vươn khơi nhọc nhằn. Chùa Bụt được dựng lên, ngư dân quanh năm hương khói để vơi đi nỗi âu lo. Theo ông Lê Thanh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường, hàng trăm năm trước, chùa Bụt tọa lạc ở thôn Phúc Ngư (nay là thôn 1), hướng ra Biển Đông bốn mùa lộng gió. Tuy nhiên, trải qua những biến thiên của lịch sử, chùa Bụt không còn nữa. Đáp ứng nhu cầu tâm linh, người dân lập một gian thờ Phật ngay cạnh gian thờ Đức Thánh Cả - Tô Hiến Thành và gian thờ Bảo Anh phu nhân trên dãy Hòn Bò, họ gọi nôm na là chùa Bụt. Trong đó, Đức Thánh Cả - Tô Hiến Thành gắn liền với sự tích về một đại thần có tước vương làm việc trong phủ Liêu của triều Lý (dưới thời vua Lý Anh Tông, 1138 - 1175).

[E-Magazine] - Chốn thiêng nơi cửa biển

Chính sử có chép, ông sinh ra và lớn lên ở đất Thanh Hóa, nổi tiếng có tài trị nước, thẳng thắn, cương trực và biết dùng người. Không những là một võ quan giỏi, ông còn chú trọng cả văn hóa và sùng mộ nho học. Ông mất vào tháng 6 năm Kỷ Hợi (1179). Cảm phục tài đức của ông, nhân dân Thanh Hóa đã lập đền thờ ông ở nhiều nơi, nhưng tập trung nhất là ở vùng ven biển.

Không còn nhiều tài liệu ghi chép về Bảo Anh phu nhân nhưng theo các bậc cao niên trong làng kể lại, bà là công chúa đời nhà Lê. Sau khi lấy chồng, bà theo chồng đi đánh giặc. Đến vùng đất Hoằng Trường, bà không may bị bệnh và mất tại đây. Thương tiếc sự ra đi của người thân, vua cho dựng phủ thờ bà dưới chân núi Hoằng Trường. Chiến tranh xảy ra, phủ thờ phải tháo dỡ để xây dựng các công trình dân sinh. Năm 1990, người dân lập một gian nhỏ trong chùa Bụt thờ cúng bà và gọi là Mẫu Mẹ.

[E-Magazine] - Chốn thiêng nơi cửa biển

Chùa Bụt tọa lạc tại một vị trí rất đẹp trên một ghềnh đá vương ra biển. Tuy nhiên, cũng như rất nhiều di tích trên đất nước ta, trải qua thăng trầm của lịch sử, quy mô, kiến trúc ban đầu của chùa Bụt không được bảo tồn nguyên vẹn, có lúc đã bị phá hủy hoàn toàn. Nhằm lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa – lịch sử của quê hương, bằng tất cả lòng thành kính, nỗ lực, quyết tâm, người dân địa phương và con em xa quê đã chung sức đồng lòng đóng góp, cung tiến sức người, sức của, từng bước xây dựng lại chùa Bụt khang trang, bề thế.

[E-Magazine] - Chốn thiêng nơi cửa biển

Điểm độc đáo nhất của công viên văn hóa du lịch tâm linh Hòn Bò – Lạch Trường là nằm trên dãy núi Hòn Bò, dựa lưng vào núi, hướng mặt ra cửa biển, biểu tượng cho sự bền vững, phồn thịnh. Phủ Mẫu, Đền thờ Đức Thánh Cả - Tô Hiến Thành, Chùa Bụt… được xây dựng riêng biệt, bề thế và uy nghiêm. Khuôn viên công viên được thiết kế hài hòa với lầu chuông, lầu trống, hồ Hàn Tử xen kẽ bồn hoa, cây xanh, đài phun nước... Đặc biệt, công viên có một bức tượng Phật đặt ngay trên đỉnh Hòn Bò với độ cao 78m.

[E-Magazine] - Chốn thiêng nơi cửa biển

Ngoài địa điểm có giá trị tâm linh, Hoằng Trường còn được biết đến với những địa danh đã đi vào lịch sử, là những “địa chỉ đỏ” để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất trước giặc ngoại xâm.

Tượng đài Lão quân Hoằng Trường anh hùng được xây dựng để tưởng nhớ chiến công của các lão dân quân đã bắn rơi 2 chiếc may bay của giặc Mỹ, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Hay nhắc đến cửa biển Lạch Trường là sẽ nhớ tới khúc tráng ca chiến thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc trước đế quốc Mỹ xâm lược. Đài tưởng niệm trường tồn với tư cách là chứng nhân lịch sử kể mãi về một thời hào hùng bất tử của quân và dân Hoằng Hóa. 50 năm sau Chiến thắng Lạch Trường, hương hồn của 54 liệt sĩ quả cảm đã được tề tựu về “ngôi nhà mới” ngay dưới chân núi Linh Trường.

[E-Magazine] - Chốn thiêng nơi cửa biển

Cuối ngày, Công viên văn hóa du lịch tâm linh Hòn Bò – Lạch Trường bắt đầu thưa vắng khách. Khung cảnh tĩnh lặng, yên ả trả lại cho Hòn Bò – Lạch Trường vẻ đẹp nguyên sơ. Tôi đứng bên hiên chùa Bụt tận hưởng những làn gió mát lạnh, phóng tầm mắt ngắm đảo Nẹ xanh biếc sừng sững trấn giữ vùng biển, ôm trọn vào lòng cảm giác được hòa mình vào bốn bề lộng gió, tự tại, an yên. Chùa Bụt đẹp nhất khi bình minh và lúc hoàng hôn buông xuống.

[E-Magazine] - Chốn thiêng nơi cửa biển

Trở lại thời điểm cách đây hàng ngàn năm, vùng cửa biển Lạch Trường hay còn gọi là cửa Y Bích, Linh Trường của con sông có tên xưa là Ngu Giang. Xưa, sông Ngu Giang là sông lớn, đoạn cuối của dòng sông Mã hùng vĩ, đổ ra biển Đông. Nhưng vật đổi sao dời, chỉ mấy trăm năm nay, dòng sông Mã đổi dòng, cửa sông chính lại lùi xuống phía nam, mà ngày nay gọi là cửa Lạch Trào, mạn bãi biển Sầm Sơn. Lạch Trường chỉ còn ghi lại dấu ấn của mình trong lịch sử là một vùng cửa biển lớn, sầm uất, trung tâm kinh tế chính trị của Xứ Thanh. Bằng chứng là người ta đã tìm thấy nhiều mộ gạch của quý tộc được chôn nơi đây, trong đó có cây đèn đồng hình người quỳ độc đáo và quý giá. Với bảo vật Quốc gia là cây đèn đồng hình người quỳ, vùng cửa biển xưa của Thanh Hóa được chứng minh là một vùng ven biển cửa sông vang bóng một thời, là tuyến đường biển huyết mạch ra Bắc vào Nam, đồng thời cũng là cửa ngõ của dòng sông Mã, con sông làm nên văn minh Đông Sơn và hậu Đông Sơn.

[E-Magazine] - Chốn thiêng nơi cửa biển

Chẳng thế mà vào năm Bính Thân, niên hiệu Hồng Đức thứ bảy (1476), Vua Lê Thánh Tông khi đến đây đã cảm hứng và làm bài thơ Linh Trường Hải Khẩu và bài tự (theo Đại Việt Sử Ký toàn thư), có đoạn: Bên bờ biển toàn là dãy núi xanh cao vút, những ngọn núi dựng đứng ở cửa biển, hình dáng lại càng lạ hơn. Cái hang dưới chân núi, ăn sâu mãi vào trong, thăm thẳm khôn lường. Tương truyền đó là miệng một con Rồng. Bên ngoài miệng rồng lại có tảng đá, có hình thể rất lạ là mũi rồng. Dưới mũi rồng lại có tảng đá tròn là hạt châu. Đá lớn nhô ra, lõm vào là bộ râu rồng.

[E-Magazine] - Chốn thiêng nơi cửa biển

Ông Lê Thanh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường, chia sẻ: “Việc đầu tư xây dựng Công viên văn hóa du lịch tâm linh Lạch Trường là tạo một điểm đến tham quan du lịch, tâm linh, kết nối với Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến, các Khu di tích lịch sử tại xã Hoằng Trường, tạo thành chuỗi du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh, lịch sử của huyện.

Thời gian tới, Hoằng Trường sẽ huy động thêm các nguồn lực từ nhân dân địa phương, con em xa quê, khách thập phương đồng thời cũng mong muốn Nhà nước hỗ trợ thêm kinh phí đầu tư, khai thác thế mạnh vùng ven biển, nơi có bãi nuôi ngao tự nhiên, núi Linh Trường hung vĩ, cảng cá Lạch Trường... để đưa Hoằng Trường trở thành một điểm du lịch sinh thái, tâm linh hấp dẫn không chỉ của riêng huyện Hoằng Hóa mà của cả tỉnh Thanh Hóa, thu hút nhiều khách du lịch đến thăm quan, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển”.

[E-Magazine] - Chốn thiêng nơi cửa biển

Công viên văn hóa du lịch tâm linh Hòn Bò – Lạch Trường không chỉ có cảnh đẹp, nơi đây còn chứa đựng cả những giấc mơ nơi cửa biển. Bởi, từ “món quà” mà tạo hóa đã ban tặng là tiềm năng phát triển du lịch bền vững. Cùng với nét đẹp đời sống văn hóa của người dân miền biển, những cảnh sắc mê mẩn lòng người sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch cộng đồng giá trị, góp phần đưa nơi này ngày một phát triển.

[E-Magazine] - Chốn thiêng nơi cửa biển

Tăng Thúy - Phạm Nam

Xuất bản: 3:17:03:2021:16:20

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Nguyễn Trí - 21:20 14/05/21

 Trả lời

Chùa quá đẹp, tự hào là người con Hoằng Hoá.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM