(Baothanhhoa.vn) - Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 1-6-2022 về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường đã nêu rõ: “Văn hóa học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân". Trong những năm qua, công tác xây dựng văn hóa trường học đã và đang được cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành giáo dục Thanh Hóa và toàn xã hội quan tâm và đạt được những kết quả bước đầu tích cực.

Xây dựng văn hóa học đường

Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 1-6-2022 về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường đã nêu rõ: “Văn hóa học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân". Trong những năm qua, công tác xây dựng văn hóa trường học đã và đang được cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành giáo dục Thanh Hóa và toàn xã hội quan tâm và đạt được những kết quả bước đầu tích cực.

Xây dựng văn hóa học đường

Thầy trò Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quan Sơn trong giờ học.

Nói đến văn hóa học đường trước hết là nói đến cách xử sự, giao tiếp văn hóa, thân thiện giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với thầy cô; ý thức, thái độ trong giờ học; phong thái, trang phục của giáo viên, học sinh; hành vi, thái độ, cách ứng xử trong mọi tình huống diễn ra trong và ngoài nhà trường... Song thực chất, văn hóa học đường là khái niệm có nội dung phong phú, gồm: xây dựng cơ sở vật chất trường học khang trang, đạt chuẩn; xây dựng môi trường giáo dục trong nhà trường an toàn, lành mạnh; xây dựng văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử chuẩn mực.

Thầy Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Quan Sơn, cho biết: Nhà trường hiện có 237 học sinh các dân tộc Kinh, Mông, Thái, Mường, Tày, Cao Lan theo học nội trú tại trường. Xác định, không chỉ vừa dạy chữ, vừa rèn người, mà còn phải chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý học sinh, nên các thầy, cô giáo nhà trường phải ví như người cha, người mẹ thứ hai dạy dỗ, nuôi dưỡng các em. Do đó, nhà trường đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa học đường. Nhà trường đã xây dựng và ban hành bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường, quy định rõ nguyên tắc ứng xử chuẩn mực giữa học sinh với học sinh, thầy cô với thầy cô, thầy cô với học sinh... mỗi thầy cô phải là một tấm gương sáng để học sinh noi theo. Bên cạnh đó, nhà trường cũng luôn luôn giáo dục học sinh tôn trọng nét văn hóa riêng biệt của mỗi dân tộc thông qua việc tổ chức các trò chơi, hội chợ xuân, lễ hội mùa xuân... từ đó, giáo dục cho các em tình yêu, niềm tự hào về bản làng, quê hương mình. “Trường học là nơi giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng con người đáp ứng yêu cầu của xã hội, vì thế nhà trường trước hết phải là môi trường văn hóa thực sự, là tập hợp các giá trị niềm tin, tri thức, chuẩn mực”, thầy Nguyễn Thanh Bình khẳng định.

Văn hóa học đường là một phạm trù rộng lớn, do đó, đối với mỗi nhà trường sẽ có một cách thức thực hiện khác nhau. Đối với thầy trò Trường Tiểu học Quảng Lưu (Quảng Xương) thì xây dựng văn hóa học đường chính là việc tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học, các thiết chế văn hóa... Đồng thời, tập trung xây dựng chiến lược phát triển nhà trường thống nhất từ quan điểm đến hành động trong cấp ủy, lãnh đạo nhà trường đến từng cán bộ, giáo viên và học sinh. Phát huy vai trò nêu gương của người thầy, mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương tự học, đổi mới sáng tạo, đạo đức, lối sống, ý chí phấn đấu, khát vọng cống hiến...

Cô Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Lưu chia sẻ: Nhà trường luôn nhận thức việc xây dựng văn hóa trường học là nền tảng cho việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tuân thủ pháp luật... Do đó, song song với việc giảng dạy kiến thức thì những nội dung khác như giáo dục kỹ năng sống, giáo dục về văn hóa, lịch sử... được nhà trường lồng ghép trong các môn học đạo đức, sinh hoạt đoàn, đội, đặc biệt là chương trình giáo dục địa phương. Qua đó trang bị cho học sinh những hiểu biết về văn hóa, lịch sử nơi mình sinh ra và lớn lên, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, biết trân trọng và phát huy giá trị văn hóa truyền thống quê hương.

Ở một khía cạnh khác, xây dựng văn hóa trường học cũng chính là đẩy mạnh đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục theo hướng phát triển năng lực người học, tạo điều kiện để học sinh chuyển hóa vốn tri thức được học thành vốn văn hóa, kỹ năng sống, giá trị sống, đẩy mạnh tổ chức các phong trào thi đua xây dựng cơ quan văn hóa, xây dựng trường chuẩn quốc gia... từng bước đẩy mạnh xây dựng các nhà trường trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục của địa phương.

Những kết quả đạt được là không thể phủ nhận, song thực tế vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên, nhà giáo có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống, văn hóa, hành vi ứng xử... Tại một số địa phương, trường học, công tác xây dựng văn hóa học đường chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, thường xuyên; hoặc việc thực hiện còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu, chưa tạo thành thói quen, lề lối; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội và các tổ chức đoàn thể trong trường học thiếu chặt chẽ; nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa học đường ở một số nơi còn nhiều bất cập, thiếu hấp dẫn...

Do đó, toàn ngành giáo dục đang nỗ lực triển khai thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là những môn học mới về giáo dục thẩm mỹ, nghệ thuật nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; ban hành và thực hiện bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường gắn với thường xuyên đôn đốc kiểm tra việc thực hiện; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các nhà giáo, xây dựng “văn hóa người thầy” trong môi trường giáo dục. Qua đó, xây dựng môi trường văn hóa học đường trong sáng, an toàn, chuẩn mực nhằm làm gia tăng “sức đề kháng” văn hóa cho học sinh, giúp các em có đủ khả năng lựa chọn, đánh giá, thẩm thấu, nhận thức, phản biện các giá trị văn hóa, từ đó hình thành nên những nhân cách, phẩm chất, năng lực tốt đẹp, bền vững.

Nhận thức rõ yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng văn hóa học đường, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”. Chương trình với những chỉ tiêu cụ thể nhằm xây dựng thế hệ thanh niên, thiếu niên, nhi đồng có đạo đức trong sáng, lối sống văn hóa, tuân thủ pháp luật, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng cách mạng và có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội. Đồng thời, tiếp tục triển khai Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”, nhằm nâng cao thêm một bước văn hóa học đường, tập trung tăng cường công tác giáo dục chính trị đối với nhà giáo và học sinh; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp thực sự gương mẫu, góp phần xây dựng môi trường học đường thân thiện, lành mạnh và an toàn.

Bài và ảnh: Linh Hương


Bài và ảnh: Linh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]