(Baothanhhoa.vn) - Với nhiều di tích có giá trị lịch sử, văn hóa, Vĩnh Lộc có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh. Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh công tác quảng bá, tuyên truyền, đầu tư kết cấu hạ tầng, loại hình du lịch này đã có “tín hiệu” tích cực.

Vĩnh Lộc chú trọng phát triển du lịch tâm linh

Với nhiều di tích có giá trị lịch sử, văn hóa, Vĩnh Lộc có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh. Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh công tác quảng bá, tuyên truyền, đầu tư kết cấu hạ tầng, loại hình du lịch này đã có “tín hiệu” tích cực.

Vĩnh Lộc chú trọng phát triển du lịch tâm linhChùa Tường Vân, thị trấn Vĩnh Lộc luôn là điểm đến hấp dẫn du khách.

Chùa Tường Vân là một trong những địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn với du khách khi đến với huyện Vĩnh Lộc. Chùa được xây dựng từ thế kỷ XIV dưới thời nhà Trần, tọa lạc dưới chân núi Đún (Đốn Sơn), thuộc khu phố 3, thị trấn Vĩnh Lộc (Vĩnh Lộc). Chùa được xây dựng ở vị trí khá đặc biệt, tựa lưng vào núi, hướng mặt ra sông Mã, bố cục hài hòa với cảnh quan thiên nhiên thoáng đãng. Trải qua thời gian chùa nhiều lần được trùng tu, tôn tạo, nhưng vẫn giữ được nét cổ kính của kiến trúc ban đầu. Phật điện được trùng tu năm Bảo Đại thứ 14, kết cấu kiến trúc theo kiểu chữ đinh, bao gồm tiền điện 5 gian, thượng điện 2 gian. Nhà tiền điện có 13 pho tượng được tạc bằng gỗ, sơn son, thếp vàng. Tượng được bố trí thành 6 lớp theo trật tự từ ngoài vào trong, từ thấp lên cao. Hàng tượng dưới cùng chính giữa là tượng Thích ca sơ sinh, bao quanh có 9 rồng uốn khúc chạm đầu vào nhau, phun nước thơm tắm cho đức Phật. Phía sau lưng chừng núi Đốn Sơn là nhà mẫu. Với vị thế đẹp, kiến trúc hoa văn trang trí độc đáo, cùng với sự linh thiêng, chùa Tường Vân không chỉ là điểm thu hút nhiều khách du lịch, mà còn là một điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân xứ Thanh. Theo thống kê của ban quản lý chùa, từ đầu năm 2023 đến nay chùa đón hơn 6.500 lượt người đến tham quan, vãn cảnh, thắp hương cầu an, cầu phúc.

Cùng với chùa Tường Vân, nhiều di tích tín ngưỡng, lịch sử, văn hóa khác trên địa huyện thời gian gần đây cũng thu hút lượng lớn khách tới tham quan, chiêm bái như: chùa Du Anh (xã Ninh Khang); chùa Nhân Lộ, đền thờ Trần Khát Chân (thị trấn Vĩnh Lộc); chùa Báo Ân (xã Vĩnh Hùng); chùa Linh Ứng (xã Vĩnh An); chùa Hoa Long, đền thờ Trần Khát Chân (xã Vĩnh Thịnh). Nhiều du khách rất hài lòng với cách tổ chức, phục vụ tại các điểm di tích cũng như tình hình an ninh - trật tự tại các khu di tích.

Ông Phan Anh Chinh ở xã Văn Phong, huyện Nho Quan (Ninh Bình) là du khách tham quan chùa Tường Vân cho biết: “Cảnh quan của chùa rất đẹp, vệ sinh sạch sẽ, người phục vụ của chùa thân thiện, nhiệt tình; an ninh - trật tự được đảm bảo. Chùa còn có chỗ đỗ xe, giao thông đi lại thuận tiện. Các thành viên trong gia đình tôi ai cũng hài lòng với chuyến tham quan tại đây”.

Theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Lộc, tính đến ngày 25-3-2023, số lượng khách đến các khu di tích văn hóa tâm linh khoảng 65.000 lượt, tăng 23% so với quý I năm 2022. Những tín hiệu tích cực cho thấy, loại hình du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc đang có nhiều khởi sắc, ngày càng hấp dẫn du khách.

Huyện Vĩnh Lộc hiện có 251 di tích, trong đó được kiểm kê là 184 di tích; số di tích, danh thắng đã được xếp hạng là 68 (1 Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, 14 di tích quốc gia và 53 di tích cấp tỉnh). Đây là tài nguyên quan trọng để huyện Vĩnh Lộc phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh. Để biến tiềm năng thành hiện thực, huyện đã ban hành Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2022-2025, phấn đấu đến năm 2025 đón 600.000 - 800.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế 25.000 lượt. Đối với loại hình du lịch văn hóa tâm linh, huyện sẽ chú trọng xây dựng các tuor du lịch như: chùa Linh Ứng (Vĩnh An) - chùa Hoa Long, đền thờ Trần Khát Chân (Vĩnh Thịnh), khu di tích phủ Trịnh - nghè Vẹt, đền thờ - bia ký Trịnh Khả, khu tượng đá Đa Bút - nhà thờ, khu lăng mộ Tống Duy Tân - đền thờ Trần Khát Chân (thị trấn Vĩnh Lộc) - chùa Tường Vân - Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ - đền thờ nàng Bình Khương. Bên cạnh đó, huyện chú trọng tới việc tổ chức các hoạt động lễ hội giàu giá trị văn hóa truyền thống như: lễ hội chùa Du Anh, lễ hội đền thờ Trần Khát Chân, lễ hội rước nước chùa Báo Ân, lễ kỷ niệm ngày mất Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm... để thu hút khách du lịch. Huyện cũng sẽ gắn việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống với việc thực hiện các dự án đầu tư, tôn tạo các khu di tích, văn hóa tâm linh như: Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ; khu di tích phủ Trịnh - nghè Vẹt; đền thờ - bia ký Trịnh Khả, khu tượng đá Đa Bút...

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc Nguyễn Văn Tâm cho biết: Thời gian qua Vĩnh Lộc luôn quan tâm phát triển du lịch văn hóa tâm linh và bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, việc phát triển loại hình du lịch này chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng của địa phương. Thời gian tới huyện tiếp tục chú trọng công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, di sản để tận dụng lợi thế phát triển hoạt động du lịch văn hóa tâm linh; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các điểm, khu du lịch tâm linh; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa tâm linh gắn với phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực cho ngành du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương tham gia và hưởng lợi từ phát triển du lịch văn hóa tâm linh; xây dựng môi trường du lịch thân thiện, an toàn cho du khách... qua đó góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển.

Bài và ảnh: Xuân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]