(Baothanhhoa.vn) - Hiếm có đô thị tỉnh lỵ nào trên dải đất hình chữ S hội tụ được nhiều giá trị như TP Thanh Hóa. Bởi thiên tạo mà vùng đất này là cái nôi của loài người, cái nôi của nền văn minh sông Mã hình thành cùng với lịch sử dựng nước, giữ nước. Sự hòa quyện mang tính huyền thoại giữa cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ với truyền thống văn hóa, lịch sử đã tạo nên bản sắc riêng, nổi trội, trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng, nguồn lực trực tiếp quyết định sự phát triển nhanh và bền vững của TP Thanh Hóa.

TP Thanh Hóa: Vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử (Bài 2): Mạch nguồn sông Mã - Hàm Rồng

Hiếm có đô thị tỉnh lỵ nào trên dải đất hình chữ S hội tụ được nhiều giá trị như TP Thanh Hóa. Bởi thiên tạo mà vùng đất này là cái nôi của loài người, cái nôi của nền văn minh sông Mã hình thành cùng với lịch sử dựng nước, giữ nước. Sự hòa quyện mang tính huyền thoại giữa cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ với truyền thống văn hóa, lịch sử đã tạo nên bản sắc riêng, nổi trội, trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng, nguồn lực trực tiếp quyết định sự phát triển nhanh và bền vững của TP Thanh Hóa.

TP Thanh Hóa: Vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử (Bài 2): Mạch nguồn sông Mã - Hàm RồngCầu Hàm Rồng nối đôi bờ sông Mã - biểu tượng cho bản anh hùng ca của đất và người xứ Thanh. Ảnh: P.V

Sự “sắp đặt” của tự nhiên

Dòng sông Mã chảy qua địa phận thành phố đã tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, làng mạc trù phú với nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng. Phía Bắc thành phố có Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, một quần thể danh lam thắng cảnh - di tích lịch sử văn hóa gắn liền với chiến công hiển hách của quân và dân Thanh Hóa trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Minh chứng sinh động hơn cả là cầu Hàm Rồng - nối đôi bờ sông Mã, biểu tượng cho bản anh hùng ca bất tử của đất và người xứ Thanh. Nơi nhịp cầu tựa vào là núi Đông Sơn chạy dài khoảng 2 km từ làng Dương Xá, phường Thiệu Dương, men theo hữu ngạn sông Mã và kết thúc ở chân núi Hàm Rồng. Dãy núi có dáng hình đồ sộ, uốn lượn uyển chuyển như con rồng 9 khúc, đến khúc cuối thì phình to như một cái đầu rồng đang há miệng. Bởi lẽ đó, nên dân gian đặt tên là núi Hàm Rồng. Bao quanh dãy núi Hàm Rồng là những đồi thông xanh ngút ngàn, những thung lũng trù phú, thơ mộng. Trên núi có hai động là Long Quang và động Tiên Sơn. Trong động Long Quang còn lưu giữ những bài thơ chữ Hán từ thời Hậu Lê ca ngợi thắng cảnh núi Hàm Rồng sông Mã. Đối diện với núi Hàm Rồng, bên bờ Bắc sông Mã là núi Ngọc, nhìn từ xa, toàn cảnh khu danh thắng này được thiên nhiên tạo hình giống như con rồng đang vờn viên ngọc. Một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn mới cho Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng là hệ thống các địa chỉ văn hóa, danh lam thắng cảnh, như: Đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng, gắn liền với cảnh quan tự nhiên của núi Đọ, làng cổ Đông Sơn, Đồi Quyết Thắng, Đồi C4, núi Ngọc, động Tiên Sơn, hang Mắt Rồng, đền thờ Lê Uy - Trần Khát Chân, chùa Tăng Phúc. Hệ thống danh lam thắng cảnh của TP Thanh Hóa không hẳn là phong phú bậc nhất so với một số địa phương khác trên dải đất hình chữ S, nhưng luôn mang nét đặc sắc riêng biệt, bởi sự hòa quyện mang tính huyền thoại giữa tự nhiên với truyền thống lịch sử, văn hóa. Đây thực sự là tiềm năng, lợi thế to lớn để TP Thanh Hóa có thể khai thác phát triển đa dạng các loại hình du lịch khác nhau như du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch nghiên cứu lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí - thể thao - mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng.

Kiến tạo, bồi đắp của nhiều thế hệ

Tại hội thảo góp ý vào dự án nghiên cứu bảo tồn hồi sinh di sản, mô hình công viên khảo cổ và ý tưởng quy hoạch phân khu Hàm Rồng - núi Đọ, thuộc khu vực vành đai xanh phía Tây TP Thanh Hóa do Công ty CP Tập đoàn T&T tổ chức, nhà sử học Dương Trung Quốc từng nhận xét: “Khu vực Hàm Rồng - núi Đọ còn có nhiều di tích lịch sử trong thời kỳ kháng chiến, tiêu biểu là chiến thắng Hàm Rồng. Cho nên, phát triển kinh tế du lịch di sản không chỉ khai thác du lịch di sản văn hóa, khảo cổ, mà cả du lịch tâm linh và nhiều yếu tố văn hóa khác như đạo mẫu, đạo giáo cũng có ở đây”. Còn GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, lại có ý tưởng: “Cầu Hàm Rồng cũng như các di tích lịch sử cách mạng liên quan đến kháng chiến cần được khai thác. Khi đưa vào khai thác các di tích lịch sử như cầu Hàm Rồng, đồi Quyết Thắng, nhà máy điện cần có các hoạt động du lịch di sản để làm nổi bật lên các chiến công trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại. Ví dụ như các huyền thoại về cô gái vác cùng một lúc 2 hòm đạn dính vào nhau nặng gấp 2 lần trọng lượng cơ thể - nữ Anh hùng Ngô Thị Tuyển trong trận chiến Hàm Rồng. Hoạt động du lịch lịch sử văn hóa sẽ giúp người dân tìm hiểu du lịch thời kỳ chiến tranh chống Mỹ kết nối với di tích chiến thắng Điện Biên Phủ”.

TP Thanh Hóa: Vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử (Bài 2): Mạch nguồn sông Mã - Hàm RồngĐêm Hàm Rồng. Ảnh: tư liệu

Hiện nay, khu vực Hàm Rồng - núi Đọ vẫn đang được nghiên cứu và giá trị của di chỉ khảo cổ núi Đọ, quần thể Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng ngày càng được hiểu một cách sâu sắc, làm rõ thêm bề dày lịch sử, nét văn hóa độc đáo, riêng biệt. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành và TP Thanh Hóa sẽ có định hướng bảo tồn, phát huy và khai thác hiệu quả những giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên khu vực Hàm Rồng - núi Đọ phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương và tỉnh Thanh Hóa.

Hòa quyện với nền văn hóa cổ, vùng đất Hạc Thành còn có khoảng 232 di tích lịch sử văn hóa. Trong đó, có 94 di tích được xếp hạng, 24 di tích được công nhận cấp quốc gia, 70 di tích được công nhận cấp tỉnh. Đây là những di sản văn hóa đã ghi lại những chứng tích hào hùng của dân tộc với truyền thống hàng nghìn năm lập nước và giữ nước của các thế hệ cha ông. Đi cùng lịch sử, những di tích ấy mãi trường tồn, trở thành những điểm đến hấp dẫn bậc nhất trong lòng TP Thanh Hóa. Gắn liền với các di tích lịch sử văn hóa là những lễ hội truyền thống, nét văn hóa đặc trưng của mỗi vùng quê của vùng đất Hạc Thành xưa. Lễ hội ở TP Thanh Hóa rất phong phú và đa dạng, được hình thành, phát triển theo 3 loại hình là lễ hội tín ngưỡng, lễ hội văn hóa gắn với lịch sử và lễ hội dân gian gắn với truyền thống văn hóa của mỗi vùng đất. Theo thống kê, thành phố hiện có hơn 40 lễ hội truyền thống. Có nhiều lễ hội thu hút khách thập phương trong và ngoài tỉnh về dự, dâng hương và tham quan như lễ hội Thái miếu nhà Hậu Lê, lễ hội đền Tống Duy Tân, lễ hội đền Chu Văn Lương, lễ hội phủ Bà, lễ hội đền Ái Sơn, lễ hội đền thờ Dương Đình Nghệ, lễ hội đền Hạ, lễ hội Trần Hưng Đạo.

Với tính chất trung tâm, đầu cầu tiếp xúc và giao lưu văn hóa, TP Thanh Hóa được ví như vùng đất “hội thủy, hội nhân, hội tụ văn hóa” của các vùng miền xứ Thanh. Qua dặm dài của thời gian, những giá trị ấy đã tạo nên bản sắc, môi trường văn hóa truyền thống giàu nội lực cho thành phố trẻ. Từ mạch nguồn sông Mã, qua lao động sản xuất, cư dân vùng đất Hạc Thành đã sáng tác ra nhiều làn điệu dân ca làm lòng người mê đắm. Nếu đồng bằng Bắc bộ ấn tượng bởi những làn điệu dân ca mượt mà, đằm thắm như hát ví, cò lả, xẩm, ca trù, hát xoan, quan họ..., thì xứ Thanh nói chung và TP Thanh Hóa nói riêng nức tiếng với các làn điệu dân ca độc đáo như Hò sông Mã của các phường, xã dọc hai bên bờ sông Mã, hát bội, hát ghẹo, múa hát chèo chải hay trò hát múa “Tú Huần” ở xã Hoằng Quang. Đó còn là các trò chơi “Bịt mắt tung cù” ở phường Quảng Thắng, cờ người, bài điếm, tổ tôm, cờ thẻ ở phường Đông Vệ, ô ăn quan, kéo co, bịt mắt bắt dê, dung dăng dung dẻ, rồng rắn lên mây... Những di tích lịch sử, các trò chơi, trò diễn, làn điệu dân ca đặc sắc, tiêu biểu trên địa bàn không chỉ khẳng định tiến trình lịch sử, chứng tích hào hùng của quê hương trong hàng ngàn năm lịch sử mà còn là bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi làng quê ven đôi bờ sông Mã.

Không chỉ có tiềm năng về thiên nhiên, di sản về giá trị lịch sử, khảo cổ với văn hóa tiền sử núi Đọ, văn hóa Đông Sơn, sông Mã - Hàm Rồng còn mang lại cho TP Thanh Hóa một khu vực vành đai xanh, một vùng ngoại vi đặc sắc mà hiếm nơi nào có được. Bởi nơi đây là vùng đất hội tụ hài hòa của lịch sử, văn hóa, tâm linh và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ!.

Nhóm PV Chính trị - Xã hội

Bài 3: Biến tiềm năng thành nguồn lực phát triển bền vững.

Tin liên quan:
  • TP Thanh Hóa: Vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử (Bài 2): Mạch nguồn sông Mã - Hàm Rồng
    TP Thanh Hóa: Vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử (Bài 1): Núi Đọ - ...

    Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay là vùng đất hội tụ khí thiêng sông núi của xứ Thanh, nơi nền văn minh của người Việt cổ ra đời và phát triển trải qua hàng nghìn năm. Qua bao thăng trầm của lịch sử, quá trình bền bỉ lao động sáng tạo, truyền thống lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước đã lắng đọng, bồi đắp nên tinh hoa văn hóa của đất và người Hạc Thành.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]