(Baothanhhoa.vn) - “Mường Phấm dẫm chân xuống đất là gặp đá/ Con gái làm nên bà quý phi võng giá vua yêu/ Đàn ông triều vua nào cũng được phong hầu, phong tướng” là những câu thơ ca ngợi con người Mường Phấm xưa (nay là xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Thủy) vẫn được bà con lưu truyền.

Về đất Mường Phấm xưa

“Mường Phấm dẫm chân xuống đất là gặp đá/ Con gái làm nên bà quý phi võng giá vua yêu/ Đàn ông triều vua nào cũng được phong hầu, phong tướng” là những câu thơ ca ngợi con người Mường Phấm xưa (nay là xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Thủy) vẫn được bà con lưu truyền.

Về đất Mường Phấm xưaNên thơ phong cảnh ở mó Thón, thôn Bẹt (Cẩm Thủy).

Cẩm Thạch ngày nay, Mường Phấm, sách Thạch Lẫm xưa kia là một vùng đất thuần Mường. Theo “Dư địa chí Thanh Hóa” và “Lịch sử Đảng bộ huyện Cẩm Thủy”, đây là nơi gặp gỡ giữa 2 nền văn hóa bản địa tiêu biểu: văn hóa Hòa Bình và văn hóa Đông Sơn. Người Mường chủ yếu cư trú ở các vùng ven thung lũng, những dải đồi thấp ven núi, vì vậy, cư dân Mường sống bằng nghề nông nghiệp với công việc trồng lúa và kết hợp làm nương rẫy. Các bản làng được tập trung ở chân núi, những ngôi nhà sàn đều hướng nhìn ra cánh đồng hay dòng suối. Văn hóa Mường mang đậm nét bản địa, thu gọn lại trong các mường và lưu truyền qua từng nếp ăn, nếp nghĩ trong cuộc sống hàng ngày. Nét văn hóa Mường vì thế hết sức giản dị, mộc mạc và độc đáo.

Theo dòng lịch sử, số lượng làng ở vùng đất này thường xuyên thay đổi. Ông Phạm Phúc Viễn, một người am hiểu lịch sử văn hóa của địa phương cho biết: Trước kia, ở đây có 12 làng, đến thời Pháp thuộc chỉ còn 10 làng, dân cư sống thưa thớt, mỗi làng có khi chỉ từ 7 đến 30 hộ dân chung sống theo dòng họ, dòng tộc. Các làng lớn, có dân cư sống tập trung và lâu đời như làng Chiềng Đông, làng Bẹt cũng chỉ khoảng 20 - 30 hộ. Vì thế các sinh hoạt của đồng bào dân tộc Mường rất gần gũi với nhau.

Ông Viễn còn cho biết thêm: Trước đây, làng nào cũng có một đội hát. Niềm vui được mùa cũng là dịp để người Mường trình diễn các hoạt động nghệ thuật độc đáo của mình. Trong đó có hát dân ca Mường, hát xường, hát ru; có các trò diễn như múa Pồn Pôông, sắc bùa, trống ràm, trống dọ, ngoài ra còn có mo mường, tục làm vía, cúng cơm mới và cơm tết. Đặc biệt để mừng năm mới, các làng thi nhau tổ chức hát múa. Bắt đầu từ chiều mùng 6 tết âm lịch hàng năm, các tiết mục hát bội kết hợp với thi vật cổ truyền... giúp không khí vui vẻ và tăng tình đoàn kết giữa bà con Nhân dân. Không khí ấy, đồng bào dân tộc Mường chúng tôi vẫn còn lưu giữ đến ngày nay. Tiếc là xưa kia có câu “Mường Phẩm chết không bỏ nghề dệt lụa”, ấy thế mà nay chúng tôi không còn giữ được nghề này.

Từ nơi dòng sông Mã chảy qua, đất Mường Phấm xưa có rất nhiều điều kiện để sản xuất nông nghiệp, bà con không phải lo nguồn nước tưới tiêu. Hằng năm phù sa bồi đắp thuận lợi cho trồng trọt ven sông. Bên cạnh đó, việc lưu thông hàng hóa lâm thổ sản bằng đường thủy cũng dễ dàng. Ngoài ra, hệ thống suối đầu nguồn ở làng Trảy, làng Bẹt, nguồn nước từ công trình thủy lợi Duồng Cốc đến cầu Hón Trơn ra sông Mã, mảnh đất này không bao giờ phải lo hạn hán.

Đi cùng với thuận lợi là những bất lợi, dòng Mã giang khi thì bình yên êm ả, khi lại gào thét, ầm ào gây lụt lội, tác động nhiều đến hoạt động sản xuất của một số thôn trong xã.

Ở Cẩm Thạch, do quá trình cấu tạo địa chất, trải dài rộng khắp toàn xã là núi đá vôi với nhiều chủng loại gỗ quý, thuộc Thung Phổ - nơi ghi dấu chiến công của ông cha ta trong thời kỳ kháng chiến chống quân xâm lược Minh ở thế kỷ thứ XV.

Bên cạnh đó, nhờ thực hiện chủ trương của Nhà nước về “phủ xanh đất trống đồi trọc”, đến năm 2014 đã có hơn 90% diện tích lâm nghiệp của xã đã có rừng với các loại cây chủ yếu là keo, luồng, tre... Đồi núi nhiều nên việc sản xuất nông nghiệp ở xã cũng có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Từ tháng 5 đến tháng 9, nước ở trên đồi dồn xuống ào ào đến mức không thể khống chế được. Đất được bón phân cũng bị rửa trôi, chỉ còn lớp đá ong nổi ra trơ khấc. Cuộc sống bà con bấp bênh, không đủ ăn.

Từ năm 1963 đến nay, mảnh đất này đã tụ hội cả cư dân người Kinh từ huyện Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Yên Định đến định cư sinh sống. Quá trình cộng sinh ấy giúp đồng bào phát triển kinh tế hơn nhưng cũng dần dần hòa tan những nét văn hóa truyền thống. Cả xã hiện nay chỉ còn 3 ngôi nhà sàn, thay vào đó rất nhiều ngôi nhà ngói mọc lên.

Theo thời gian, cùng sự thay đổi của khí hậu, sự nỗ lực cải tạo đất đai của con người, tổng sản lượng lương thực từ cây lúa và các loại cây khác khá cao, bình quân lương thực đầu người theo đó tăng lên. Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào cây lúa thì chắc chắn là vẫn nghèo, vẫn khó khăn.

Nhờ có kế hoạch phát triển hợp lý, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực nên đời sống của Nhân dân ngày càng được nâng cao. Bình quân thu nhập của người dân là 45 triệu đồng/năm.

Giờ đây, nhắc đến xã Cẩm Thạch (Cẩm Thủy) là người ta nhắc đến “Thạch Lẫm từ đường bia chí”, tên một tấm bia đá của dòng họ Phạm ở làng Vàn khắc chữ Hán còn lưu giữ ở nhà ông Phạm Phúc Thuận. Tấm bia đã được Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng dịch ra chữ Quốc ngữ với nội dung tả cảnh thiên nhiên, đất nước, con người Mường Phấm (mường Thạch Lẫm).

Đầu năm lên rừng, người dân khắp nơi sau khi thăm suối cá Cẩm Lương sẽ vào Cẩm Thạch để tham dự lễ hội chùa Rồng vào ngày rằm tháng Giêng, ông Bùi Văn Ngân, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết.

Về đất Mường Phấm xưaVà những con đường sạch đẹp.

Tương truyền, vào thời kỳ đầu của cuộc khởi nghĩa, trước thế giặc mạnh vây hãm, buộc Lê Lợi phải cho quân lính rút về miền tây sông Lỗi Giang (tức sông Mã ngày nay), chọn Thung Phổ làm căn cứ. Trận đánh tại Thung Phổ có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với cuộc khởi nghĩa lúc bấy giờ và để lại bài học của ông cha về việc lợi dụng địa hình và thế núi hiểm trở để củng cố lực lượng và đặt binh mai phục, chờ đợi thời cơ để tiêu diệt kẻ thù. Ngày nay, những địa danh như: hang Lò Rèn là nơi rèn đúc vũ khí; hang Muối là kho lương thực và hang Trâu là kho thực phẩm không chỉ ghi dấu ấn lịch sử khởi nghĩa Lam Sơn mà cùng với trời mây sông nước của dòng Mã giang khiến phong cảnh sơn thủy thêm hữu tình.

Đón chúng tôi vào thăm mó Thón, anh Phạm Văn Thuyên, trưởng thôn Bẹt hào hứng giới thiệu: Nắng nóng cả tháng nay, thôn Bẹt ngày nào cũng có rất đông bà con ở các xã lân cận đến. Nước từ mó chảy ra hồ vừa trong vừa sạch. Đàn ông thì tắm mát, còn phụ nữ thì có cơ hội chụp ảnh ngay bên cạnh mó.

Là thôn nằm sâu nhất so với trung tâm xã, năm 2019, thôn Bẹt mới ra khỏi danh sách thôn đặc biệt khó khăn hoàn thành Chương trình 135. Thôn hiện có 224 hộ dân (917 nhân khẩu), với hơn 90% là đồng bào dân tộc Mường. Trước đây, người dân trong thôn sử dụng nguồn nước ở mó Thón trong sinh hoạt hằng ngày. Còn nay khi có nước hợp vệ sinh, dân không phải kéo nhau gánh nước từ mó về nhà, mà chỉ đến đây để vui chơi vào những buổi chiều hè. Chị Phạm Thị Hạnh nói với chúng tôi: Nhà tôi ở thôn Trảy, rất gần đây. Ngày hè, bọn nhỏ thích tắm là tôi lại đèo các cháu ra đây. Nước ở mó mát và sạch, hồ mó Thón không quá sâu, đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ.

Cùng với chùa Rồng, thung lũng hoa, thì mó Thón là địa điểm không thể bỏ qua khi khách đến xã Cẩm Thạch. Nằm ngay sát xã Cẩm Lương nổi tiếng với suối cá thần, Cẩm Thạch có điều kiện để phát triển loại hình nhà hàng, nhà nghỉ. Hiện tại trên địa bàn xã có hơn 20 hộ kinh doanh lĩnh vực này. “Chơi ở Cẩm Lương, ăn ở Cẩm Thạch” chẳng là 2 xã cách nhau một cây cầu, nên khách du lịch dễ dàng di chuyển. Theo lộ trình, trong tương lai không xa 2 xã Cẩm Lương và Cẩm Thạch sẽ sáp nhập. Đây sẽ là cơ hội lớn để họ vừa nâng cao đời sống vừa giữ gìn được những giá trị văn hóa Mường truyền thống của mình, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thạch khẳng định.

HUYỀN CHI



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]