(Baothanhhoa.vn) - Dịp đầu xuân du khách tìm đến các khu, điểm du lịch để tham quan, trải nghiệm khá đông. Để tạo sức hấp dẫn và đáp ứng nhu cầu của du khách, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã tích cực xây dựng và phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch mới đa dạng, độc đáo; đồng thời, chú trọng đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ.

Gia tăng trải nghiệm cho du khách dịp đầu xuân

Dịp đầu xuân du khách tìm đến các khu, điểm du lịch để tham quan, trải nghiệm khá đông. Để tạo sức hấp dẫn và đáp ứng nhu cầu của du khách, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã tích cực xây dựng và phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch mới đa dạng, độc đáo; đồng thời, chú trọng đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ.

Gia tăng trải nghiệm cho du khách dịp đầu xuânKhu du lịch sinh thái Linh Kỳ Mộc (TP Thanh Hóa) thu hút trẻ em đến tham quan dịp đầu xuân.

Những ngày đầu xuân, mỗi ngày Khu du lịch sinh thái Linh Kỳ Mộc (TP Thanh Hóa) đón trên 1.000 lượt du khách đến tham quan. Để gia tăng trải nghiệm cho du khách, ban quản lý khu du lịch đã xây dựng và đưa vào khai thác nhiều sản phẩm du lịch độc đáo. Nhất là việc tổ chức không gian văn hóa “Chợ quê”, vừa mang đậm nét văn hóa truyền thống, vừa mang hơi thở hiện đại. Tại đây, ban tổ chức đã bố trí 20 gian hàng, với rất nhiều sản phẩm nông nghiệp truyền thống, sản phẩm thủ công đạt chuẩn OCOP và còn có khu ẩm thực của 3 miền Bắc - Trung - Nam. Ngoài ra, các trò chơi, nét đẹp văn hóa dân gian như nặn tò he, cho chữ thư pháp, các hoạt động văn hóa, cùng nhiều chương trình đặc sắc như ảo thuật, múa rối nước truyền thống cũng được tổ chức để phục vụ khách du lịch.

Bà Bùi Minh Anh ở TP Thanh Hóa cho biết, đầu xuân đến Khu du lịch sinh thái Linh Kỳ Mộc, ngoài việc được tham quan, trải nghiệm và hòa mình vào thiên nhiên xanh mát, còn được tham gia nhiều hoạt động đặc sắc hấp dẫn như các trò chơi dân gian nhảy sạp, đốt lửa trại, giao lưu văn hóa, văn nghệ, xem múa rối nước, đi chợ đêm với các sản phẩm được bày bán đa dạng...

Với phương châm “biến di sản thành tài sản” các nét đẹp văn hóa về tín ngưỡng, phong tục tập quán, hay các lễ hội... của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh cũng chính là “thỏi nam châm” hút khách đến với địa phương. Đi dọc xứ Thanh từ miền biển đến miền núi, đâu đâu cũng thấy người dân háo hức, rộn ràng tổ chức các lễ hội xuân. Nhiều lễ hội được tổ chức ngày càng có quy mô lớn, thu hút được đông đảo Nhân dân và du khách tham gia. Lễ hội Nàng Han ở xã Vạn Xuân (Thường Xuân) có từ rất lâu đời, đã được các thế hệ người dân gìn giữ, trao truyền cho đến hôm nay. Hằng năm, lễ hội được tổ chức vào dịp đầu năm và kéo dài trong suốt cả mùa xuân. Trong lễ hội nhiều hoạt động văn hóa - thể thao sôi nổi được tổ chức nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách tham gia. Việc duy trì và tổ chức lễ hội Nàng Han không chỉ góp phần thắt chặt tinh thần đoàn kết cộng đồng, mà còn giữ gìn, bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thúc đẩy hoạt động du lịch trên địa bàn.

Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Xuân Lê Hữu Giáp cho biết: Dịp đầu xuân lượng du khách tìm đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện khá đông. Để tạo sức hấp dẫn du khách, huyện đã chú trọng làm mới các sản phẩm du lịch, kết hợp các loại hình du lịch tâm linh với du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm; khôi phục lễ hội truyền thống; đa dạng sản phẩm ẩm thực đặc trưng, các sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công truyền thống của địa phương. Từ đó, góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu du khách.

Ngoài ra, huyện cũng đang tích cực xây dựng các điểm check-in tại bản Mạ (thị trấn Thường Xuân), bản Vịn (xã Bát Mọt); xây dựng logo du lịch Thường Xuân; phát triển các loại hình phương tiện phục vụ du khách tham quan (xe trâu, xe điện...); duy trì công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp tại các khu, điểm du lịch. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương có thế mạnh về du lịch trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp lữ hành.

Thực tế cho thấy, Thanh Hóa với lợi thế có nhiều di tích lịch sử - văn hóa và các lễ hội dân gian truyền thống nên dịp đầu năm du lịch văn hóa di sản, tín ngưỡng luôn được các địa phương trong tỉnh chú trọng và phát triển. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, hầu hết các địa phương, các khu, điểm du lịch đã chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch; bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về kinh doanh du lịch; tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng dịch vụ tại các cơ sở kinh doanh, các khu, điểm du lịch, khu vui chơi giải trí.

Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đón 13,8 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt trên 32.300 tỷ đồng. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, một trong những giải pháp trọng tâm được các địa phương, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh lựa chọn làm “bàn đạp” thu hút khách đó là gia tăng trải nghiệm cho du khách khi đến các khu, điểm du lịch thông qua việc tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch. Đồng thời, đưa ra nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn dựa trên cơ sở tiềm năng, lợi thế thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, kết nối với các khu, điểm du lịch ở cả trong và ngoài tỉnh để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]