(Baothanhhoa.vn) - Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Khoa học và Công nghệ tiếp thu các góp ý tại hội nghị, hoàn thiện lại báo cáo, gửi về UBND tỉnh vào ngày 27-6-2023.

UBND tỉnh nghe báo cáo một số nội dung về nông nghiệp, nông thôn, khoa học và công nghệ

Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Khoa học và Công nghệ tiếp thu các góp ý tại hội nghị, hoàn thiện lại báo cáo, gửi về UBND tỉnh vào ngày 27-6-2023.

UBND tỉnh nghe báo cáo một số nội dung về nông nghiệp, nông thôn, khoa học và công nghệ

Toàn cảnh hội nghị.

Chiều 20-6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang chủ trì hội nghị nghe báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 622-QĐ/TU, ngày 23-7-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình); Kế hoạch hành động số 27-KH/TU, ngày 13-8-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Khâu đột phá về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ (KH&CN); chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch số 27).

Dự thảo báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trình bày tại hội nghị nêu rõ: Trong 3 năm (2021-2023), tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn ước đạt khoảng 92.466 tỷ đồng, chiếm 53,2% kế hoạch Chương trình; tổng huy động nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng NTM đạt 21.916,905 tỷ đồng, chiếm 23,7% tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn được sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích, phát huy hiệu quả đầu tư.

UBND tỉnh nghe báo cáo một số nội dung về nông nghiệp, nông thôn, khoa học và công nghệ

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày dự thảo báo cáo Chương trình Phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Chương trình Phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021-2023 ước đạt 3,41%, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và ổn định an ninh, chính trị của tỉnh… Đến nay, toàn tỉnh đã có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 359 xã, 700 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 80 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Ước đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 14 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 366 xã đạt chuẩn NTM, đạt 78,71%; trong đó 89 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 24,3% số xã đạt chuẩn NTM, 18 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt 4,9%.

UBND tỉnh nghe báo cáo một số nội dung về nông nghiệp, nông thôn, khoa học và công nghệ

Đại diện Sở KH&CN trình bày dự thảo báo cáo sơ kết thực hiện Kế hoạch số 27-KH/TU.

Dự thảo báo cáo sơ kết thực hiện Kế hoạch số 27-KH/TU do Sở KH&CN trình bày nêu rõ: Trong 3 năm (2021-2023) tổng chi Ngân sách Trung ương phân bổ nguồn vốn hỗ trợ sự nghiệp KH&CN là 168.731 triệu đồng (năm 2021: 53.716 triệu đồng; năm 2022: 57.800 triệu đồng; năm 2023: 57.215 triệu đồng). Tổng chi Ngân sách địa phương là 368.353 triệu đồng. Tiềm lực KH&CN đã được tăng cường cả về tổ chức, nhân lực, cơ sở vật chất. Ngành KH&CN đã đẩy mạnh việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan đề xuất đặt hàng, tổ chức chủ trì nhiệm vụ KH&CN hoặc tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng để ứng dụng kết quả nghiên cứu.

Toàn tỉnh hiện có 31 doanh nghiệp KH&CN, đứng thứ 3 cả nước; bước đầu hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn của Thanh Hóa… Tính đến 30-4-2023, nhiều mục tiêu vượt kế hoạch đề ra trong giai đoạn 2021-2025 gồm: Tỷ lệ trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ tự động hóa, bán tự động và cơ giới hóa đối với trang trại lợn, gà (88% so với chỉ tiêu ≥ 55%); tỷ lệ số hội nghị, hội thảo, tập huấn chuyên môn được thực hiện trên môi trường mạng (54% so với chỉ tiêu ≥ 70 %); số lượng sản phẩm đông dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe được nghiên cứu, sản xuất (30 sản phẩm so với chỉ tiêu đề ra là 2 sản phẩm); tỷ lệ hoạt động kiểm tra của các cơ quan nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin quản lý (100% so với chỉ tiêu ≥ 50 %); số lượng doanh nghiệp sản xuất phần mềm, nội dung số thành lập mới (20 doanh nghiệp thành lập mới so với mục tiêu ≥ 10 doanh nghiệp); số lượng sản phẩm địa phương là đối tượng của Chương trình OCOP-TH được xây dựng tiêu chuẩn và bảo hộ sở hữu trí tuệ mới (90 sản phẩm so với chỉ tiêu ≥ 50 sản phẩm)…

UBND tỉnh nghe báo cáo một số nội dung về nông nghiệp, nông thôn, khoa học và công nghệ

Các đại biểu thảo luận tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, tập trung đánh giá, làm rõ những khó khăn, hạn chế còn tồn tại và đề ra phương hướng phấn đấu hoàn thành Chương trình và Kế hoạch số 27; trong đó các ý kiến tập trung làm rõ các nội dung: Định hướng phát triển, nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; có cơ chế phát triển trang trại, gia trại; nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP; nên có đánh giá sâu hơn về các sản phẩm OCOP; các nhiệm vụ, đề tài KH&CN.

UBND tỉnh nghe báo cáo một số nội dung về nông nghiệp, nông thôn, khoa học và công nghệ

Đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại hội nghị.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang nhấn mạnh: Dự thảo báo cáo cơ bản đã đánh giá được kết quả đạt được theo từng lĩnh vực, vùng miền, nêu những việc cần làm trong thời gian tới, tuy nhiên, một số nội dung còn mang tính chung chung. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại hội nghị, Sở NN&PTNT hoàn thiện lại nội dung báo cáo. Trong đó, cần có so sánh thêm với tương quan cả nước. Về kết cấu hạ tầng nông nghiệp, chỉ rõ những khu vực còn khó khăn, tồn tại để có định hướng đầu tư. Làm rõ những điểm sáng về về tích tụ đất đai, kết quả phòng, chống thiên tai, phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; sản phẩm OCOP, nhất là các sản phẩm đặc trưng đã được xuất khẩu… Qua đó, nêu bật lên được những kết quả của nửa nhiệm kỳ, đồng thời chỉ ra cụ thể những tồn tại để có hướng khắc phục.

Về Kế hoạch số 27, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang chỉ rõ những tồn tại như: Báo cáo chưa được dày dặn, phần hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân còn chung chung, chưa nêu được các địa chỉ cụ thể. Để hoàn thiện nội dung báo cáo Kế hoạch hành động số 27, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cần cập nhật vào báo cáo các văn bản, chương trình mới của HĐND, UBND tỉnh. Phần kết quả đạt được so với chỉ tiêu cần nêu cụ thể. Bố trí kinh phí để thực hiện nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Khâu đột phá. Cơ sở hạ tầng cho việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, cũng như trụ sở làm việc của Sở KH&CN cần được đầu tư, nâng cấp. Việc đầu tư cho khâu đột phá không nên chỉ dựa vào Nhà nước mà phải huy động nguồn lực xã hội. Khi xây dựng các nhiệm vụ cần bám vào các chương trình trọng tâm và khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2021-2025 để xây dựng và hoàn thiện lại báo cáo.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đề nghị Sở NN&PTNT và Sở KH&CN tiếp thu các ý kiến bổ sung tại hội nghị, hoàn thiện lại báo cáo và gửi về UBND tỉnh vào ngày 27-6-2023.

Trần Hằng


Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]