(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) cùng các trường học trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm triển khai hiệu quả công tác tư vấn, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh THPT. Qua đó, giúp học sinh nhận biết khả năng của mình, chọn đúng nghề, phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động của xã hội.

Tư vấn hướng nghiệp: Mở cánh cửa tương lai cho học sinh THPT

Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) cùng các trường học trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm triển khai hiệu quả công tác tư vấn, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh THPT. Qua đó, giúp học sinh nhận biết khả năng của mình, chọn đúng nghề, phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động của xã hội.

Tư vấn hướng nghiệp: Mở cánh cửa tương lai cho học sinh THPT

Một tiết học hoạt động trải nghiệm của học sinh lớp 10 Trường THPT Lương Đắc Bằng (Hoằng Hóa) được lồng ghép chương trình hướng nghiệp.

Ghi nhận tại Trường THPT Lương Đắc Bằng (Hoằng Hóa) - đơn vị được đánh giá nằm trong top đầu về công tác tư vấn, hướng nghiệp (TVHN) cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh. Để công tác này đi vào chiều sâu, nhà trường đã triển khai thực hiện khá bài bản, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế. Thầy giáo Nguyễn Tuấn Quế, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: TVHN cho học sinh được nhà trường thực hiện ngay từ khối lớp 10 để các em sớm có định hướng và đầu tư những môn học theo các ngành đã chọn. Cùng với đó, nhà trường hướng dẫn các giáo viên chủ nhiệm lồng ghép các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh vào các tiết sinh hoạt lớp. Đặc biệt, đối với học sinh khối 12, nhà trường tổ chức cho các em học sinh tham gia hội nghị xúc tiến việc làm (chương trình của Sở Lao động - Thương binh và xã hội); phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trường nghề trong và ngoài tỉnh tổ chức chương trình giao lưu trực tiếp, chia sẻ, nói chuyện về ngành nghề triển vọng, nhằm giúp các em có được cái nhìn đầy đủ về nghề nghiệp cũng như ngành học mà mình lựa chọn. Ngoài ra, đầu mỗi năm học, nhà trường thực hiện khảo sát đối với học sinh các khối lớp và trên cơ sở kết quả học tập của học sinh, trường sẽ tư vấn để các em hiểu rõ và lựa chọn những ngành, nghề phù hợp. Từ đó, nhà trường sẽ phân luồng học sinh để xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp với năng lực của các em. Hàng năm, có khoảng 80% số học sinh khối 12 của nhà trường trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân, số còn lại sau khi tốt nghiệp THPT lựa chọn học cao đẳng nghề, các cơ sở giáo dục khác và lao động phổ thông.

Còn tại Trường THPT Bắc Sơn (Ngọc Lặc) công tác tư vấn cũng đạt những kết quả đáng ghi nhận. Giai đoạn 2017-2021, tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THPT chọn học nghề có xu hướng tăng, nếu như năm 2017 đạt 15%, thì đến năm 2021 đã tăng lên 30%... Ghi nhận thực tế cho thấy, ngoài 2 đơn vị nêu trên, thì còn có rất nhiều trường THPT cũng luôn quan tâm và triển khai hiệu quả công tác TVHN và định hướng phân luồng học sinh, điển hình như các trường: THPT Chuyên Lam Sơn, THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), THPT Hậu Lộc 3, THPT Quảng Xương 2... Điều này cho thấy sự thay đổi trong quan niệm của phụ huynh và học sinh về lựa chọn hướng đi tương lai, phù hợp với thực tế, tránh tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.

Theo Sở GD&ĐT, nhìn chung các trường THPT và THCS đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chương trình hướng nghiệp, phân luồng học sinh, góp phần thực hiện mục tiêu trong đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong đời sống hiện nay, nhiều bạn trẻ vẫn luôn trăn trở về việc xác định mục tiêu học tập và định hướng nghề nghiệp sau này. Học sinh cũng như các bậc phụ huynh đều mong muốn các em sau khi ra trường sẽ có được công việc phù hợp, ổn định. Thời điểm cuối học kỳ 1 năm học cuối cấp được xem là thời điểm gấp rút để các em dần định hướng rõ ràng và đưa ra quyết định chọn trường, chọn nghề cho mình. Quyết định học gì, làm gì phù hợp với bản thân, nhu cầu lao động đối với các em không phải chuyện dễ dàng. Bởi thực tế, có những em đã bỏ học giữa chừng do không thấy phù hợp hoặc kết quả học tập kém bởi đã lựa chọn một trường đại học, cao đẳng theo định hướng của gia đình thay vì nguyện vọng, năng lực của bản thân. Cũng không ít trường hợp khác vẫn cố gắng cầm cự, học theo kiểu đối phó, nhưng không có sự hứng thú, chuyên tâm nên chất lượng học tập không đảm bảo, sau khi đi làm không tìm được đam mê và đạt hiệu quả công việc. Ngược lại, cũng không ít trường hợp khi đã có bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng, nhưng sau đó lại làm công việc trái với ngành nghề được đào tạo, thậm chí quay lại học nghề để tăng cơ hội tìm kiếm việc làm thì xem như bỏ phí toàn bộ kinh phí, thời gian, sức lực học tập...

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh, mỗi trường THPT cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm và thực hiện thường xuyên, liên tục đồng bộ các giải pháp giúp học sinh và phụ huynh nhận thức đúng đắn trong việc học văn hóa, học nghề phù hợp, tránh lãng phí về kinh tế cho gia đình và xã hội. Đồng thời, tăng cường liên kết với các trường đại học, cao đẳng, trung tâm nghề, trường trung cấp và các doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu cơ cấu, tốc độ phát triển ngành nghề để học sinh hiểu và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực bản thân cũng như yêu cầu xã hội. Để học sinh vững bước và có lựa chọn phù hợp trước “ngã rẽ” tương lai, các em học sinh THPT cần nhiều hơn sự quan tâm của nhà trường trong việc định hướng nghề nghiệp. Bởi vậy, các bậc phụ huynh cũng cần đồng hành cùng con, chủ động tìm kiếm thông tin để phân tích, định hướng cho con em mình lựa chọn ngành, nghề phù hợp để lập thân, lập nghiệp, tránh lãng phí về kinh tế cho gia đình và xã hội.

Bài và ảnh: Thùy Linh


Bài và ảnh: Thùy Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]