(Baothanhhoa.vn) - Do có vị trí chiến lược địa - quân sự, lại là “kho người, kho của” của chiến khu cách mạng, Thanh Hóa đã góp phần quan trọng vào thắng lợi trong kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng.

Từ hậu phương chiến dịch đến phất cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Điện Biên Phủ

Do có vị trí chiến lược địa - quân sự, lại là “kho người, kho của” của chiến khu cách mạng, Thanh Hóa đã góp phần quan trọng vào thắng lợi trong kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng.

Từ hậu phương chiến dịch đến phất cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Điện Biên PhủHình ảnh chiếc xe đạp thồ của dân công tham gia tải lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền về tay Nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến ở Việt Nam; kết thúc hơn 80 năm Nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Tuy nhiên, những ngày độc lập mà Nhân dân hưởng không được bao lâu thì thực dân Pháp dã tâm tái xâm lược nước ta một lần nữa. Đứng trước tình cảnh đó, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”, nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, cả nước nhất tề nổi dậy thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, từng bước giành được những thắng lợi quan trọng như chiến dịch Việt Bắc (1947), chiến dịch biên giới Thu - Đông (1950).

Bước vào giai đoạn 1953-1954, trước nguy cơ kế hoạch Nava bị phá sản, thực dân Pháp gấp rút điều động lực lượng nhảy dù, chiếm Điện Biên Phủ, tăng cường lực lượng, xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương - “một pháo đài không thể công phá” với mưu đồ thu hút và nghiền nát bộ đội chủ lực của ta.

Đứng trước tình hình đó, trong thư gửi đồng chí Võ Nguyên Giáp tháng 12/1953, Bác Hồ viết: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy toàn dân, toàn quân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”(1). Trung ương Đảng quyết định thành lập Bộ Chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy mặt trận, với mục đích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Ngay sau đó, Nhân dân ta ở vùng tự do, vùng Tây Bắc mới giải phóng, vùng sau lưng địch ở đồng bằng Bắc Bộ đã dồn sức người, sức của cho chiến dịch.

Trải qua “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn”, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đây là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử; chiến thắng của đường lối chiến tranh Nhân dân, của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và của ý chí quyết chiến, quyết thắng.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung và chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, với sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Thanh Hóa đã đoàn kết, thực hiện cao nhất nhiệm vụ xây dựng hậu phương, vừa phục vụ chiến đấu và tham gia chiến đấu, bảo vệ hậu phương. Thanh Hóa vừa là nơi đứng chân các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo quan trọng của Trung ương và của Liên khu IV, Liên khu III, vừa là nơi tản cư của Nhân dân nhiều địa phương khu III và khu IV; đồng thời là nơi xây dựng tiềm lực cho kháng chiến, nơi chi viện sức người sức của, động viên tinh thần cho các mặt trận, các chiến dịch.

Tổng kết 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc vai trò căn cứ hậu phương kháng chiến; đã huy động cao nhất, nhiều nhất sức người, sức của đảm bảo hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Với những đóng góp to lớn ấy, trong lần thứ hai về thăm Thanh Hóa (ngày 13/6/1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: “Trong kháng chiến, đồng bào tỉnh ta, các tầng lớp Nhân dân đều tỏ ra đoàn kết tham gia kháng chiến. Tôi chỉ nói vài điểm. Ví dụ: dân công đã ra sức rất nhiều trong một chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa góp 12 vạn dân công tải lương thực cho bộ đội. Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó. Trong kháng chiến, ngoài việc ủng hộ kháng chiến, Thanh Hóa có những vùng du kích rất oanh liệt như Phú Lệ, Hải Thanh... chứng tỏ đồng bào ta lương giáo cực kỳ đoàn kết, vì thế ta đã thắng lợi. Cũng cần phải nhắc trong kháng chiến, tất cả mọi người bằng cách này hay cách khác đều tham gia kháng chiến. Các cụ phụ lão đôn đốc khuyến khích con cháu tham gia kháng chiến. Thanh niên tham gia bộ đội, có các đồng chí anh hùng như đồng chí Lò Văn Bường, Trần Đức, Tô Vĩnh Diện, Lê Công Khai. Đó là những người con rất ưu tú, chẳng những làm vẻ vang cho tỉnh nhà mà còn làm vẻ vang cho cả nước ta”.

Từ chiến dịch Điện Biên Phủ đến nay đã tròn 70 năm, Thanh Hóa - hậu phương trực tiếp chi viện cho chiến trường đã góp phần vào “nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi” trong kháng chiến, đến quá trình xây dựng trong hòa bình, phát triển, đổi mới và hội nhập. Thanh Hóa vẫn giữ vững vị trí tỉnh lớn, đông dân, nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển, tiếp tục đóng góp từng bước và thiết thực vào thành tựu phát triển chung của đất nước. Nhìn lại vai trò của hậu phương Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) cách đây 70 năm có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Một là, phải có nhận thức đúng vai trò, vị trí chiến lược của Thanh Hóa trong xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là vai trò căn cứ địa, hậu phương để có chủ trương đúng về xây dựng kinh tế, quốc phòng, kết hợp kinh tế với quốc phòng.

Hai là, xây dựng, bảo vệ hậu phương, chi viện tiền tuyến là phải toàn diện cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa - xã hội. Phải thực hiện liên kết vùng trong xây dựng, bảo vệ hậu phương và chi viện cho tiền tuyến.

Thứ ba, xây dựng hậu phương phải đi đôi với bảo vệ hậu phương. Phải kết hợp huy động sức dân với chăm lo bồi dưỡng sức dân; tổ chức vận động Nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh đồng thời đáp ứng yêu cầu của cách mạng cả nước.

Tùng Anh - Thu Hà

(1) “Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến dịch Điện Biên Phủ”. Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]