(Baothanhhoa.vn) - Với hệ thống giao thông kết nối thuận lợi và nhiều điều kiện tương đồng trong phát triển sản phẩm du lịch, tỉnh Thanh Hóa đã và đang hướng tới đẩy mạnh kết nối với các tỉnh Tây Bắc. Hướng đi này không chỉ nhằm trao đổi, thu hút nguồn khách giữa các địa phương, mà qua đó còn mở ra cơ hội để tỉnh Thanh Hóa có thêm những cách làm mới về phát triển du lịch cộng đồng.

Thúc đẩy kết nối du lịch Thanh Hóa với các tỉnh Tây Bắc

Với hệ thống giao thông kết nối thuận lợi và nhiều điều kiện tương đồng trong phát triển sản phẩm du lịch, tỉnh Thanh Hóa đã và đang hướng tới đẩy mạnh kết nối với các tỉnh Tây Bắc. Hướng đi này không chỉ nhằm trao đổi, thu hút nguồn khách giữa các địa phương, mà qua đó còn mở ra cơ hội để tỉnh Thanh Hóa có thêm những cách làm mới về phát triển du lịch cộng đồng.

Thúc đẩy kết nối du lịch Thanh Hóa với các tỉnh Tây BắcĐoàn famtrip tỉnh Thanh Hóa tổ chức khảo sát dịch vụ, kết nối với doanh nghiệp du lịch tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu (tháng 9/2023).

Vùng Tây Bắc mở rộng gồm 8 tỉnh: Hà Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La và Yên Bái, sở hữu tiềm năng du lịch lớn với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng. Nhắc đến vùng cao Tây Bắc, hẳn du khách sẽ nghĩ ngay tới đó là những thửa ruộng bậc thang tràn ngập sắc vàng, những khúc đèo hùng vĩ quanh co, uốn lượn... Và, đặc biệt hơn cả là cuộc sống đa sắc màu của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Là cửa ngõ của vùng Tây Bắc, Hòa Bình nổi tiếng với những cánh rừng xanh bạt ngàn, hệ thống các hang động, thác nước và bãi đá được thiên nhiên kiến tạo vô cùng độc đáo. Trong đó, một số điểm đến được đông đảo du khách thị trường Thanh Hóa yêu thích như: bản Lác (huyện Mai Châu), Khu du lịch suối khoáng Kim Bôi (huyện Kim Bôi)... Ở chiều ngược lại, trong số các tỉnh vùng Tây Bắc, nguồn khách nối tour từ Hòa Bình đến Thanh Hóa trong những năm gần đây khá lớn, đặc biệt là các tour kết nối đến Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước). Lợi thế lớn nhất khiến cho hành trình Hòa Bình - Thanh Hóa trở nên sôi động là nhờ hệ thống giao thông kết nối thuận tiện, phía Bắc và Đông Bắc của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông giáp với các huyện Mai Châu, Tân Lạc và Lạc Sơn (Hòa Bình). Mặt khác, Pù Luông là điểm đến du lịch cộng đồng mới, với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, nhờ đó hút được nguồn khách lớn từ Hòa Bình, đặc biệt là khách quốc tế.

Chỉ cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 230 km, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu là thị trường trọng điểm của khách Thanh Hóa khi đến với tỉnh Sơn La. Trong đó, các điểm đến nổi tiếng như đồi chè trái tim, thung lũng mận Nà Ka, thác Dải Yếm, động Sơn Mộc Hương... và các mùa hoa trong năm được các đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khai thác “triệt để”. Tháng 9/2023, đoàn doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đến khảo sát một số điểm đến mới, đánh giá chất lượng dịch vụ và thúc đẩy hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ tại Mộc Châu. Qua đó, các bên đã đi đến ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, đồng thời thống nhất đưa ra chính sách riêng cho doanh nghiệp lữ hành khi tham gia khai thác tuyến du lịch Thanh Hóa - Mộc Châu và ngược lại.

Theo đánh giá của một số doanh nghiệp lữ hành, trong những năm gần đây các hoạt động hợp tác, trao đổi khách giữa Thanh Hóa và các tỉnh vùng Tây Bắc đã có những bước tiến mới. Tuy nhiên, lượng khách từ các tỉnh vùng Tây Bắc đến với Thanh Hóa vẫn còn ở mức hạn chế. Chi hội trưởng Chi hội Lữ hành (Hiệp hội Du lịch tỉnh) Vũ Văn Bình cho biết: “Hàng năm, lượng khách khai thác từ Thanh Hóa đi các tỉnh vùng Tây Bắc là rất lớn, hầu hết các đơn vị lữ hành của tỉnh đều xây dựng tour đến đây suốt bốn mùa trong năm. Một phần do sức hấp dẫn của các điểm đến, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường khách Thanh Hóa, mặt khác các doanh nghiệp tại Mộc Châu có sự liên kết chặt chẽ để đưa ra chính sách tốt nhằm thu hút doanh nghiệp lữ hành”.

Cũng theo ông Bình, lợi thế lớn nhất của du lịch Thanh Hóa cho đến nay vẫn là du lịch biển, theo đó cần tận dụng lợi thế khác biệt này để xây dựng các chương trình hấp dẫn, thu hút được nguồn khách từ các tỉnh Tây Bắc. Ngoài ra, việc liên kết chặt chẽ với các tỉnh vùng Tây Bắc sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút nguồn khách quốc tế đến Thanh Hóa, và xa hơn là góp phần đưa du lịch nội địa phát triển sôi động trong thời gian tới.

Thực hiện Chương trình Đối ngoại, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Thanh Hóa năm 2023, trong tháng 11 UBND tỉnh sẽ tổ chức đoàn công tác khảo sát mô hình khai thác phát triển du lịch và trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý, phát triển du lịch của một số tỉnh vùng Tây Bắc. Qua đó, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh Thanh Hóa; xây dựng tour du lịch để đưa khách du lịch từ khu vực Tây Bắc về Thanh Hóa. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị quản lý, nhà đầu tư và doanh nghiệp của tỉnh gặp gỡ, đối thoại, đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong việc xây dựng sản phẩm và quảng bá, xúc tiến du lịch với các tỉnh khu vực Tây Bắc.

Theo kế hoạch, cùng với các hoạt động khảo sát các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử và du lịch cộng đồng tại 2 tỉnh Sơn La và Hòa Bình, UBND tỉnh sẽ tổ chức hội nghị liên kết phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh Tây Bắc. Bên lề hội nghị sẽ tổ chức không gian trưng bày ấn phẩm, đặc sản, sản phẩm OCOP Thanh Hóa; trình diễn các tiết mục văn nghệ dân gian truyền thống và các món ăn, ẩm thực của Thanh Hóa. Các hoạt động này hứa hẹn mang đến những trải nghiệm, góc nhìn mới về du lịch xứ Thanh đến với các tỉnh vùng Tây Bắc.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]