(Baothanhhoa.vn) - Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX và 10 năm thực hiện Luật HTX năm 2012, kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là HTX đã có bước phát triển vượt bậc, thể hiện vai trò quan trọng, là động lực để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, khu vực KTTT vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, do đó các sở, ngành, đơn vị cùng vào cuộc đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho khu vực KTTT, HTX phát triển bền vững.

Thúc đẩy HTX phát triển hiệu quả, bền vững (Bài 1): Tạo thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển

Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX và 10 năm thực hiện Luật HTX năm 2012, kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là HTX đã có bước phát triển vượt bậc, thể hiện vai trò quan trọng, là động lực để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, khu vực KTTT vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, do đó các sở, ngành, đơn vị cùng vào cuộc đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho khu vực KTTT, HTX phát triển bền vững.

Thúc đẩy HTX phát triển hiệu quả, bền vững (Bài 1): Tạo thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triểnDiện tích sản xuất dưa chuột theo hợp đồng liên kết tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Lộc (Hâu Lộc). Ảnh: Lê Hòa

Cơ chế, chính sách dẫn đường

Nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh đã triển khai thực hiện hàng loạt các chính sách hỗ trợ KTTT phát triển như: hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hỗ trợ về đất đai, về tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX; hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ thành lập mới HTX, Liên hiệp HTX... Thông qua những chính sách mang tính dẫn đường ấy góp phần giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân hiểu rõ hơn về bản chất của KTTT, HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cho thành viên, người lao động trong HTX hiểu rõ nguyên tắc hoạt động của HTX, từ đó tích cực tham gia, xây dựng HTX phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên.

Trên những cánh đồng mẫu lớn của xã Phú Lộc (Hậu Lộc) người dân đã quen với sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa. Mỗi sản phẩm đều chú trọng đến chất lượng bảo đảm tiêu chuẩn của hợp đồng liên kết với doanh nghiệp. Bà Lường Thị Nhoan ở thôn Thuần Nhất cho biết: Hơn chục năm qua, HTX Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Phú Lộc đã đầu tư hệ thống hạ tầng thủy lợi đồng bộ, hiện đại, bảo đảm tưới tiêu nước cho hơn 400 ha đất sản xuất nông nghiệp của địa phương. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho người dân kỹ năng sản xuất nông nghiệp theo hình thức liên kết, chăm sóc cây trồng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó, người dân địa phương có cơ hội nâng cao trình độ sản xuất và có thu nhập cao hơn từ sản phẩm nông nghiệp.

Được biết, HTX DVNN Phú Lộc là đơn vị được thành lập từ năm 1972, với sự linh hoạt, quyết liệt thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTTT, HTX đã đạt được những thành quả tích cực. Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, cung cấp dịch vụ, vật tư nông nghiệp đầu vào và bao tiêu sản phẩm, HTX DVNN Phú Lộc còn thu hút được 955 thành viên, chiếm gần 100% số hộ dân tại địa phương. Đặc biệt, năm 2016, sau khi đổi mới HTX theo Luật 2012, HTX đã có những bước tiến vượt bậc trong sản xuất, kinh doanh, trở thành trung gian để tổ chức liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho người dân. Đến nay, mỗi năm HTX bao tiêu khoảng 200 ha sản xuất, với 5.000 đến 6.000 tấn nông sản cho người dân, doanh thu bình quân đạt khoảng 27 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động, với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, hình thành tư duy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao trong Nhân dân.

Nhìn tổng thể qua hơn 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tình hình phát triển KTTT của tỉnh có bước phát triển mạnh về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động. Không chỉ hoạt động khu biệt trong một lĩnh vực, từ những cơ chế, chính sách, hàng trăm HTX trên địa bàn tỉnh đã được trao thêm cơ hội để mở rộng sản xuất, kinh doanh, đa dạng khâu dịch vụ.

Tiêu biểu như: Toàn tỉnh có 456 HTX nông nghiệp được giao đất, cho thuê đất, quy hoạch vị trí đất để xây dựng trụ sở, 19 HTX được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xây nhà kho, cửa hàng kinh doanh và trưng bày sản phẩm, 46 HTX phi nông nghiệp được thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây trụ sở, văn phòng, cửa hàng kinh doanh; hàng nghìn lượt HTX, tổ hợp tác được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, hàng chục HTX được hỗ trợ ứng dụng khoa học - kỹ thuật và hàng trăm lượt HTX được tiếp cận với các cơ chế, chính sách riêng hỗ trợ các HTX nông nghiệp... Từ đó doanh thu của các HTX không ngừng tăng lên, bảo đảm thu nhập cho các hộ thành viên và người lao động.

Đến sự đổi thay căn bản

Từ việc tiếp cận được với các cơ chế, chính sách hỗ trợ, hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.314 HTX, 3 liên hiệp HTX; trong đó có 827 tổ hợp tác thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 487 HTX phi nông nghiệp, với tổng số 251.540 thành viên tham gia.

Thúc đẩy HTX phát triển hiệu quả, bền vững (Bài 1): Tạo thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triểnNgoài dịch vụ môi trường, HTX Môi trường Tân Sơn còn chế tạo thùng đựng rác, bảo dưỡng, sửa chữa xe chở rác. Ảnh: Lê Hòa

HTX Vệ sinh môi trường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) được thành lập năm 2006, hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh công ích đô thị. Sau 17 năm phát triển, HTX nhiều năm liền được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, trở thành lá cờ đầu trong nhóm HTX phi nông nghiệp của tỉnh. Phó Giám đốc HTX Hoàng Ngọc Quy cho biết: Khi mới thành lập, HTX chỉ có 32 thành viên, vốn điều lệ 800 triệu đồng, hoạt động bó hẹp trên địa bàn TP Thanh Hóa. Sau khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012, HTX được tiếp cận các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh, có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, HTX đã liên kết với một số doanh nghiệp mở rộng địa bàn làm dịch vụ tại các huyện: Đông Sơn, Quảng Xương, Triệu Sơn. Ngoài ra, còn đa dạng hóa thêm một số dịch vụ khác như chế tạo thùng đựng rác, bảo dưỡng, sửa chữa xe chở rác...

Hiện vốn điều lệ của HTX Dịch vụ vệ sinh môi trường Tân Sơn đã đạt 6,5 tỷ đồng, số lao động đã tăng lên 220 người doanh thu đạt hơn 70 tỷ đồng/năm. Dự ước, năm 2023, doanh thu của HTX đạt khoảng 73 tỷ đồng.

Năm 1997, HTX Dịch vụ nông, lâm nghiệp Bình Sơn (Triệu Sơn) được thành lập đơn thuần để quản lý, vận hành các khâu dịch vụ trong sản xuất nông, lâm nghiệp của địa phương. Sau nhiều năm hoạt động theo kiểu cầm chừng, không có lợi nhuận, năm 2016 HTX đã kiện toàn bộ máy và chuyển đổi hình thức vận hành theo Luật HTX 2012. Theo đó, HTX đa dạng hoạt động dịch vụ, không chỉ cung cấp các dịch vụ tưới tiêu, bảo vệ hoa màu, chế biến nông - lâm sản, cung cấp dịch vụ kỹ thuật, vật tư, giống, mà còn tổ chức bao tiêu sản phẩm ở lĩnh vực nông nghiệp cho các thành viên. Từ sau khi đổi mới hoạt động, HTX phát triển mạnh trên thị trường, doanh thu bình quân đạt 5,85 tỷ đồng/năm, thu hút được 120 thành viên là các hộ gia đình sản xuất trực tiếp; tạo việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, HTX có 4 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và đẩy nhanh quá trình XDNTM ở địa phương.

Thực tế cho thấy, thông qua các cơ chế, chính sách, nhiều HTX có nguồn kinh phí đối ứng để đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng đáng kể, như: HTX Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Xuân Minh (Thọ Xuân) đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà sơ chế sản phẩm nông nghiệp, mua sắm một số máy cấy, máy gặt đập liên hợp, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất; HTX DVNN Cẩm Thạch (Cẩm Thủy) đầu tư 782 triệu đồng mua 2 máy cuộn rơm sau thu hoạch...

Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lê Hồng Hải - người có “thâm niên” đồng hành cùng phong trào KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh, cho biết: "Liên minh HTX luôn đồng hành với các HTX, không trao “con cá” mà chúng tôi luôn cân đối các nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án để trao “cần câu”, giúp các HTX có thêm trợ lực để phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ nguồn hỗ trợ bởi các cơ chế, chính sách, các nguồn vốn vay ưu đãi, hàng trăm lượt HTX trên địa bàn tỉnh đã đầu tư phát triển sản xuất hiệu quả, nâng doanh thu bình quân của HTX đạt 7.376 triệu đồng; lợi nhuận bình quân đạt 270 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân lao động thường xuyên trong HTX đạt 50,5 triệu đồng/năm. Đồng thời, từ những trợ lực phù hợp, nhiều HTX đã hạn chế được khó khăn, vươn lên phát triển hiệu quả, giảm thiểu HTX yếu kém.

Nhóm Phóng viên

Bài 2: Nhiều tồn tại trong hoạt động của khu vực kinh tế tập thể.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]