(Baothanhhoa.vn) - Để sản xuất vụ đông đạt kết quả cao, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tích cực hướng dẫn nông dân sản xuất đa dạng hóa cây trồng, nhằm tránh tình trạng dư thừa các sản phẩm nông nghiệp, gây khó khăn trong tiêu thụ và thiệt hại cho người sản xuất.

Đa dạng hóa cây trồng vụ đông

Để sản xuất vụ đông đạt kết quả cao, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tích cực hướng dẫn nông dân sản xuất đa dạng hóa cây trồng, nhằm tránh tình trạng dư thừa các sản phẩm nông nghiệp, gây khó khăn trong tiêu thụ và thiệt hại cho người sản xuất.

Đa dạng hóa cây trồng vụ đôngTrên cùng đồng đất, nông dân xã Xuân Minh (Thọ Xuân) trồng nhiều loại cây màu vụ đông.

Vụ đông năm 2023-2024, huyện Thọ Xuân phấn đấu gieo trồng 5.200 ha cây trồng các loại đạt giá trị sản xuất hơn 434,6 tỷ đồng trở lên. Để đạt được kết quả đó, ngành nông nghiệp huyện và các xã, thị trấn đã chủ động rà soát lại kết quả thực hiện vụ đông năm trước, quỹ đất có khả năng sản xuất, tình hình thực tế về điều kiện sản xuất, lao động, thị trường... để xây dựng kế hoạch về diện tích và cơ cấu các cây trồng chủ lực. Ngành nông nghiệp huyện cũng xác định cây ngô, đậu tương, khoai tây, khoai lang, rau đậu các loại là nhóm cây trồng chủ lực trong vụ đông. Đến ngày 15/10, huyện Thọ Xuân đã gieo trồng được 3.200 ha/5.200 ha cây trồng vụ đông các loại, đạt 61,5% diện tích toàn vụ. Theo Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thọ Xuân Lê Thị Dung, để nâng cao giá trị cây trồng vụ đông, đơn vị đã khuyến cáo quy mô sản xuất từng loại cây trồng cho từng địa phương trong huyện. Khuyến khích người dân sản xuất đa dạng hóa các nhóm cây khác nhau trong vụ đông và bố trí rải vụ phù hợp để đảm bảo nguồn cung, hạn chế tình trạng dư thừa trong thời gian chính vụ. Đối với nhóm cây ưa ấm, nông dân gieo trồng vụ đông sớm, thời vụ gieo trồng kết thúc trước 10/10; đối với nhóm cây ưa lạnh người dân gieo trồng sau 10/10, cây khoai tây tập trung trồng từ 20/10 đến 15/11/2023. Hiện nay, nông dân các địa phương trong huyện đang tích cực chăm sóc cây trồng vụ đông bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lớn cuối tháng 9 vừa qua và tập trung giải phóng đất trồng khoai tây theo liên kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp.

Đến hết ngày 12/10, nông dân trong tỉnh đã gieo trồng được 22.984,2 ha/47.000 ha cây vụ đông, đạt 48,9% kế hoạch. Trong đó, cây ngô 8.455 ha; lạc 730,8 ha; khoai lang 667 ha; rau màu các loại và cây trồng khác 13.131,4 ha... Nhóm cây trồng chủ lực trong vụ đông chủ yếu là ngô, đậu tương, khoai tây, khoai lang, rau đậu các loại. Trong đó, cây ngô, cây rau được xem như cây chủ lực trong cả vụ đông. Tuy nhiên, từ ngày 25 đến 28/9 vừa qua do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đã gây mưa lớn trên địa bàn tỉnh khiến hơn 2.700 ha cây trồng vụ đông bị ảnh hưởng với mức độ từ 30% trở lên đến thiệt hại hoàn toàn. Ngành nông nghiệp cùng các địa phương đã kịp thời kiểm tra và cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn cho nông dân các biện pháp kỹ thuật, chăm sóc cây trồng vụ đông, khôi phục sản xuất sau mưa lũ.

Theo Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa Vũ Quang Trung: "Vụ đông được xác định là vụ sản xuất quan trọng đối với tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp cho năm tiếp theo. Vì vậy, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã tổ chức cho người dân sản xuất đa dạng hóa các nhóm cây khác nhau trong vụ đông, đặc biệt chú ý trồng rải vụ đối với cây rau nhằm giảm hiện tượng lúc thừa, lúc thiếu. Các địa phương quan tâm mở rộng diện tích các đối tượng có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định, ưu tiên các sản phẩm tiêu thụ, chế biến nội địa, như: khoai tây chế biến, dưa chuột, bí xanh, bí ngô, hành tỏi, các loại hoa... Đồng thời, khuyến khích người dân gắn sản xuất với chứng nhận an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao giá trị cây trồng. Hiện nông dân các địa phương trong tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm tập trung giải phóng đất và chuẩn bị các điều kiện để sản xuất khoai tây trong khung thời vụ tốt nhất để hạn chế nứt củ khi gặp mưa vào cuối vụ. Chi cục cũng đang tổ chức điều tra, theo dõi sự phát sinh, phát triển của các đối tượng sinh vật gây hại chính trên các loại cây trồng vụ đông để có biện pháp phòng trừ khi đang ở diện hẹp. Cùng với đó, hướng dẫn người dân lựa chọn và sử dụng các loại phân bón chuyên dùng, phân hữu cơ, sinh học vừa tiết kiệm phân bón, giảm chi phí sản xuất, hạn chế rủi ro...

Bài và ảnh: Lê Hợi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]