(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, lĩnh vực thu hút đầu tư của các huyện miền Tây xứ Thanh có bước khởi sắc rõ nét.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thu hút đầu tư ở miền núi nhiều khởi sắc

Những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, lĩnh vực thu hút đầu tư của các huyện miền Tây xứ Thanh có bước khởi sắc rõ nét.

Thu hút đầu tư ở miền núi nhiều khởi sắc

Công nhân Nhà máy may Việt Pan Pacific (Ngọc Lặc) trong ca làm việc. Ảnh: X.A

Xác định, thu hút đầu tư là một trong những yếu tố quyết định để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, huyện Cẩm Thủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Từ năm 2015 đến nay, huyện thành lập mới được 213 doanh nghiệp, thu hút được nhiều dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 2.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án với mức đầu tư lớn, như: Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại khu vực suối cá Cẩm Lương; Nhà máy chế biến đá ốp lát và đá nhân tạo Vũ Gia; Nhà máy sản xuất sợi dệt kết hợp phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh tại xã Cẩm Tú; Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Cẩm Thủy. Ngoài ra, cụm công nghiệp Cẩm Tú có diện tích hơn 20 ha đã lấp đầy với 6 doanh nghiệp đi vào sản xuất thu hút hàng nghìn lao động địa phương; cụm công nghiệp Cẩm Châu cũng đã thu hút được nhà đầu tư hạ tầng hoàn thiện mặt bằng hơn 23 ha để kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư.

Ông Phạm Viết Hoài, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy, cho biết: Để thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, trong những năm qua, huyện Cẩm Thủy đặc biệt chú trọng làm tốt công tác quy hoạch, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, huyện tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, vận dụng các chính sách hỗ trợ của tỉnh để kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp.

Cũng như Cẩm Thủy, huyện Ngọc Lặc cũng đã và đang tích cực đẩy mạnh thu hút đầu tư và đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Trong giai đoạn 2016 – 2020, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc có 65 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 6.382 tỷ đồng. Một số dự án có vốn đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp đã hoàn thành và đi vào hoạt động, như: Nhà máy may Việt Pan Pacific; Nhà máy may Cẩm Hoàng; Nhà máy phân bón hữu cơ Phúc Thịnh; Siêu thị Ngọc Lặc; Cụm trang trại liên kết chăn nuôi gà phục vụ chế biến, xuất khẩu theo chuỗi công nghệ cao tại hai xã Minh Tiến và Lam Sơn; trang trại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp khép kín công nghệ cao Phúc Thịnh; trang trại chăn nuôi lợn tại xã Minh Tiến; trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao Đồng Thịnh... góp phần giải quyết việc làm cho người lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện. Những tháng đầu năm 2021, lĩnh vực thu hút của huyện cũng có nhiều khởi sắc. Huyện Ngọc Lặc đã ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư với các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Đài Loan... với các dự án: Dự án Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện - Thanh Hóa I; Khu nghỉ dưỡng suối khoáng Ngọc Khê tại thị trấn Ngọc Lặc; hạ tầng Cụm công nghiệp Minh Tiến; Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Delta E&C Electrolux; Dự án Nhà máy giầy HWAYIN; Dự án Nhà máy sản xuất cầu trục và kết cấu thép Hồng Nam - Thanh Hóa; Nhà máy điện năng lượng mặt trời...

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Huy Toàn, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc, cho biết: Huyện Ngọc Lặc không ngừng nâng cao chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền, lấy cải cách hành chính là khâu đột phá, tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng bộ máy hành chính, cơ chế thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nắm chắc tình hình để kịp thời hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát huy tối đa năng lực sản xuất và đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Kêu gọi, khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Hiện nay, các huyện miền núi đã thành lập được 21 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 643,7 ha, đã thu hút được 351 dự án đầu tư trực tiếp với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 47.000 tỷ đồng. Trong đó, có những dự án trọng điểm của tỉnh, điển hình là: Dự án Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En (Như Thanh).

Bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực thu hút đầu tư ở các huyện miền núi vẫn còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp hiện vẫn rất thấp như: Cụm công nghiệp Vân Du, huyện Thạch Thành đạt tỷ lệ 16,62%; cụm công nghiệp Khe Hạ, huyện Thường Xuân đạt tỷ lệ 5%; cụm công nghiệp Điền Trung, huyện Bá Thước đạt tỷ lệ 11%... Ngoài ra, một số cụm công nghiệp mới được quy hoạch về mặt diện tích, nhưng chưa có doanh nghiệp thuê đất đầu tư sản xuất, kinh doanh, điển hình như cụm công nghiệp Lý Ải, huyện Lang Chánh. Nguyên nhân khiến các cụm công nghiệp ở khu vực miền núi chưa đủ sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư là do địa bàn xa xôi, làm phát sinh chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và thành phẩm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt các tuyến đường giao thông kết nối liên vùng sản xuất hàng hóa tại trung tâm các xã, thôn, bản chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, nguồn lao động của các huyện miền núi còn nhiều hạn chế, tỷ lệ lao động phổ thông cao, thiếu lao động có chuyên môn và nghiệp vụ giỏi, đặc biệt thiếu tính kỷ luật trong lao động. Ngoài ra, chính sách ưu đãi đầu tư chưa có sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp đầu tư ở khu vực miền núi.

Để việc thu hút đầu tư ở các huyện miền núi khởi sắc, các huyện cần tiếp tục đầu tư hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo nghề để mở rộng quy mô đào tạo nghề, khuyến khích các doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo nâng cao tay nghề, tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của các địa phương; cần có những cuộc đối thoại giữa lãnh đạo huyện với doanh nghiệp, trên cơ sở đó nắm bắt những vướng mắc, kịp thời xử lý để doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh; Nhà nước cần có các chính sách đặc thù và cụ thể cho việc phát triển cơ sở hạ tầng để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Ngoài ra, cần có những nhà đầu tư có tâm huyết, dám nghĩ, dám làm để “khai phá” vùng đất khó nhưng giàu tiềm năng, thế mạnh.

Xuân Anh


Xuân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]