(Baothanhhoa.vn) - Có đường bờ biển dài nhất tỉnh với 42 km, 15 xã, phường sát biển nên thị xã Nghi Sơn luôn chịu ảnh hưởng lớn mỗi khi bão đổ bộ. Thống kê từ UBND thị xã, trong năm 2022 địa phương chịu ảnh hưởng của 7 cơn bão và 1 đợt áp thấp nhiệt đới, gây tổng thiệt hại hơn 20 tỷ đồng.

Thị xã Nghi Sơn: Còn nhiều nỗi lo trước bão lũ

Có đường bờ biển dài nhất tỉnh với 42 km, 15 xã, phường sát biển nên thị xã Nghi Sơn luôn chịu ảnh hưởng lớn mỗi khi bão đổ bộ. Thống kê từ UBND thị xã, trong năm 2022 địa phương chịu ảnh hưởng của 7 cơn bão và 1 đợt áp thấp nhiệt đới, gây tổng thiệt hại hơn 20 tỷ đồng.

Thị xã Nghi Sơn: Còn nhiều nỗi lo trước bão lũMột buổi diễn tập hộ đê tại xã Anh Sơn.

Trên địa bàn thị xã cũng có hơn 40 km đê cấp III do địa phương quản lý, nhưng có nhiều đoạn không an toàn, xuống cấp. Trên thực tế, mùa mưa bão những năm gần đây có một số đoạn đê sông Yên, sông Thị Long đã bị tràn gây ngập lụt nghiêm trọng, nguy cơ xảy ra sự cố đê, thậm chí vỡ đê luôn thường trực. Gần nhất là mùa mưa lũ năm 2022, toàn thị xã có hơn 74 ha lúa bị ngập và mất trắng, gần 600 gia cầm bị cuốn trôi. Trong những đợt mưa lũ lớn năm 2022, hệ thống bơm tiêu năng lực yếu khiến nước tràn bờ làm thất thu gần 95 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 87 ha nuôi tôm, còn lại là cá nước ngọt; 61 nhà bị ngập, làm đảo lộn cuộc sống người dân.

Mùa mưa bão năm 2023 đang bước vào thời gian cao điểm, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Theo rà soát mới đây của thị xã, địa phương đang có tới 1.770 hộ dân sinh sống cách mép nước biển 200m. Nếu tính khoảng cách cách mép nước từ 200 đến 500m, toàn thị xã đang có 5.021 hộ với 12.823 nhân khẩu. Nếu có bão lớn, chắc chắn phải tổ chức di dời tạm thời số dân cư không hề nhỏ này đến nơi an toàn.

Phía sâu trong đất liền, thị xã đang có 3,7 km đê sông Yên và 8,2 km đê sông Thị Long bị xuống cấp nghiêm trọng. Đây là những đoạn đê yếu, nhỏ, thấp, nhiều năm không được đầu tư nên luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các sự cố. Những năm gần đây, đê hữu sông Thị Long đoạn từ K8+780 đến K9+900 thuộc xã Anh Sơn cũng được Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đưa vào trọng điểm đê điều và là một trong những vị trí đê xung yếu năm 2023 cần theo dõi đặc biệt. Chính đoạn đê này từng bị tràn gây lũ lụt trên diện rộng vào mùa mưa lũ năm 2017 gây thiệt hại nặng nề về tài sản. Hiện mặt cắt đoạn đê chỉ rộng từ 3,5 đến 3,8m, không ai dám khẳng định sự bảo đảm an toàn khi cường độ nước lũ lớn đổ về trong những tháng tới.

Để bảo đảm an toàn cho người và tài sản trên địa bàn cũng như hạn chế đến mức thấp nhất sự cố với các đoạn đê yếu, thị xã đang có nhiều giải pháp triển khai. Với các điểm đê xung yếu, UBND thị xã chỉ đạo các xã trên địa bàn xây dựng phương án phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Từ những tháng đầu năm, thị xã cũng kiện toàn lại Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Theo đó, với hàng nghìn hộ dân sinh sống sát bờ biển, thị xã đã lên các phương án di dân, từng địa phương đã có kế hoạch đưa người trú ngụ tạm tại các trường học, trụ sở, nhà tầng kiên cố. Đồng thời, giao Phòng Kinh tế và Phòng Tài chính - Kế hoạch của thị xã lập kế hoạch dự trữ lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu cần thiết cho phương án di dân.

Với 1.950 tàu thuyền khai thác hải sản và hàng trăm bè mảng, ngoài các giải pháp chung của tỉnh, thị xã cũng giao các phường bãi ngang như Tân Dân, Hải Hòa, Hải Lĩnh... xây dựng các phương án kiểm soát bè mảng ven biển khi có bão lớn. Phòng Kinh tế thị xã cũng đưa vào kiểm soát qua định vị vệ tinh các phương tiện lớn chuyên khai thác xa bờ để nắm bắt và phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai kêu gọi khi có thiên tai nguy hiểm.

Bài và ảnh: Linh Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]