(Baothanhhoa.vn) - Với vị trí chiến lược về giao thương cùng kết nối hạ tầng nội, ngoại vùng thuận lợi, Cảng Nghi Sơn đã được quy hoạch phát triển thành cảng 1A, cảng container chuyên dụng ngang tầm khu vực. Cùng với công tác quy hoạch và hiện đại hóa hệ thống cảng theo quy hoạch, để đưa Cảng Nghi Sơn sớm hoạt động hiệu quả, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách mang tính chất kích cầu. Đồng thời triển khai nhiều chính sách ưu đãi thu hút hãng tàu, kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh xuất - nhập khẩu hàng hóa qua hệ thống Cảng nước sâu Nghi Sơn.

Kích cầu xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn (Bài 1): Lợi thế, tiềm năng đặc biệt

Với vị trí chiến lược về giao thương cùng kết nối hạ tầng nội, ngoại vùng thuận lợi, Cảng Nghi Sơn đã được quy hoạch phát triển thành cảng 1A, cảng container chuyên dụng ngang tầm khu vực. Cùng với công tác quy hoạch và hiện đại hóa hệ thống cảng theo quy hoạch, để đưa Cảng Nghi Sơn sớm hoạt động hiệu quả, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách mang tính chất kích cầu. Đồng thời triển khai nhiều chính sách ưu đãi thu hút hãng tàu, kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh xuất - nhập khẩu hàng hóa qua hệ thống Cảng nước sâu Nghi Sơn.

Kích cầu xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn (Bài 1): Lợi thế, tiềm năng đặc biệtHệ thống Cảng biển Nghi Sơn được quy hoạch gồm có 51 bến và khu bến, trong đó có 10 bến container, 21 bến tổng hợp. Ảnh: Lê Đồng

Hệ thống Cảng biển Nghi Sơn hội tụ đầy đủ những thuận lợi để phát triển thành trung tâm cảng logistics hàng đầu Việt Nam và khu vực. Nơi đây đã và đang mang lại nguồn thuế xuất - nhập khẩu lớn cho ngân sách tỉnh Thanh Hóa. Hiện đại hóa Cảng Nghi Sơn là mục tiêu lớn và xuyên suốt mà tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan cần quan tâm triển khai.

Một ngày cuối tháng 7, khu vực Cảng Nghi Sơn trở nên nhộn nhịp hơn. Cán bộ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn cho biết, theo lịch trình, những ngày tới sẽ có chuyến tàu container quốc tế của hãng tàu lớn nhất nước Pháp là CMA - CGM cập cảng bốc xếp hàng hóa. Trên các tuyến đường dẫn vào cảng nườm nượp xe tải lớn nhỏ chở hàng về làm thủ tục nhập các bến.

Nhộn nhịp nhất là Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn của Tập đoàn VAS làm chủ đầu tư, bởi đây chính là vị trí được hãng tàu container quốc tế lớn thứ 3 thế giới nói trên chọn làm điểm neo đậu để bốc xếp hàng hóa. Trên sân cảng, hàng trăm container hàng hóa được xếp ngăn nắp theo từng nhóm hàng chờ ngày rời bến theo kế hoạch. Phía cầu tàu, 3 tàu hàng quốc tế có chiều dài hàng trăm mét mới vận chuyển hàng hóa về Nghi Sơn cũng đang neo đậu chờ bốc hàng hóa xuống. Hệ thống cẩu hiện đại ngay bên cầu tàu hoạt động nhịp nhàng, bảo đảm nhiệm vụ bốc xếp cả hàng rời và hàng container xuất và nhập bến.

Phía xa, tại Cảng tổng hợp quốc tế Đại Dương, Cảng Dịch vụ dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa cũng đều có các tàu vận tải quốc tế đến từ nhiều nước trên thế giới bốc xếp hàng hóa. Nhìn chung, các cảng, bến cảng nằm trong hệ thống cảng biển Nghi Sơn đang ngày càng được các chủ đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hiện đại hóa đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hóa thông quan.

Thống kê từ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Nghi Sơn, hiện nay có hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thực hiện thủ tục xuất - nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn. Các chính sách thu hút doanh nghiệp xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn, nhất là Nghị quyết số 248/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Thanh Hóa về hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa bằng container, đã thu hút thêm được nhiều doanh nghiệp đến với hệ thống Cảng biển Nghi Sơn. Ngoài hãng tàu CMA-CGM đã thực hiện đều đặn trở lại tuyến vận tải với tần suất 1 chuyến/tuần sau thời gian gián đoạn, đầu năm 2023 hãng tàu VIMC cũng mở thử tuyến container quốc tế đến Cảng Nghi Sơn. Hiện các đơn vị khai thác cảng cũng thu hút thành công một số doanhh nghiệp tỉnh Nghệ An xuất khẩu hàng hóa qua đây.

Có được sự nhộn nhịp từ hệ thống Cảng biển Nghi Sơn là do nhiều yếu tố, nhưng lợi thế lớn nhất là vị trí địa lý. Nằm ngay phía Nam của dãy núi Biện Sơn vươn mình ra biển, hệ thống Cảng biển Nghi Sơn có lợi thế đặc biệt, đó là vừa kín gió, lặng sóng, lại ít bị bồi lắng như các cảng biển khác tại Việt Nam. Nơi đây cũng là vùng nước sâu - lợi thế số một để phát triển mà không nhiều cảng biển khác có được. Theo thiết kế, Cảng Nghi Sơn có thể đón tàu có tải trọng từ 70.000 đến 100.000 DWT.

Nằm ngay trong lòng Khu Kinh tế Nghi Sơn đang phát triển sôi động với hàng trăm doanh nghiệp có nhu cầu xuất - nhập khẩu hàng hóa thường xuyên cũng là lợi thế cạnh tranh lớn của Cảng Nghi Sơn. Đường tỉnh 513 - tuyến giao thông huyết mạch chạy giữa Khu Kinh tế Nghi Sơn dẫn đến tận cảng, trở thành thuận lợi không nhỏ cho vận chuyển hàng hóa ra vào các cảng biển ở đây. Cùng với một số tuyến đường bộ giao với đường tỉnh 513, hiện Cảng Nghi Sơn đã kết nối thuận lợi với toàn bộ khu vực miền núi phía Tây của tỉnh, các tỉnh Tây Bắc và nước bạn Lào. Tuyến đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân cũng kết nối trực tiếp về Khu Kinh tế Nghi Sơn. Cảng biển Nghi Sơn cũng chỉ cách ga đường sắt Khoa Trường và Quốc lộ 1A chừng 10 phút ô tô nên rất thuận lợi trong việc trung chuyển hàng hóa. Đó là chưa kể, tuyến đường bộ ven biển và tuyến cao tốc Bắc - Nam đã và sẽ được thi công chạy qua khu kinh tế động lực ven biển này, thêm tính kết nối toàn bộ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ. Về vị trí, hệ thống Cảng biển Nghi Sơn nằm giáp 2 tỉnh có dân số lớn là Nghệ An và Thanh Hóa với nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa thường xuyên, có thể thu hút trực tiếp hàng hóa thông quan qua đây. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp của các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã chọn Cảng Nghi Sơn làm nơi xuất khẩu hàng hóa thay vì phải đi Cảng Hải Phòng với quãng đường vận chuyển xa hơn rất nhiều.

Kích cầu xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn (Bài 1): Lợi thế, tiềm năng đặc biệtXe tải chở hàng hóa để thông quan qua Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn.

Theo điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Nghi Sơn, thì hệ thống Cảng biển Nghi Sơn gồm có 51 bến và khu bến, trong đó có 10 bến container, 21 bến tổng hợp, còn lại là các bến và khu bến chuyên dụng. Đến tháng 7-2023 đã có 21 bến đi vào hoạt động. Hiện Cảng Nghi Sơn có năng lực lưu chuyển hàng hóa với công suất dự kiến khoảng 75 triệu tấn/năm. Tại đây, các khu vực phát triển kho xăng dầu, khu dịch vụ cảng, khu vực logistics... cũng đã được quy hoạch chi tiết và đang trong tiến trình đầu tư đồng bộ.

Tại quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Nghi Sơn và định hướng phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng biển Nghi Sơn là cảng loại I và được quy hoạch tiềm năng thành cảng đặc biệt, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, là đầu mối giao thương hàng hóa, kết nối vùng Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan, vùng phụ cận Thanh Hóa với các tuyến hàng hải quốc gia và quốc tế.

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg, cũng nêu rõ: Xây dựng trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu Kinh tế Nghi Sơn. Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu đưa logistics của tỉnh Thanh Hóa phát triển thành ngành dịch vụ có trình độ khá của khu vực Trung, Bắc bộ và của cả nước. Thu hút đầu tư xây dựng trung tâm logistics cấp vùng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, từng bước hoàn thiện hạ tầng sau cảng và giao thông kết nối Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh. Đến năm 2030 mở rộng và cơ bản hình thành trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, trong đó tập trung hoàn thiện các khu phát triển logistics gắn với cảng biển, ga đường sắt thuộc Khu Kinh tế Nghi Sơn, hoàn thiện giao thông kết nối... Đồng thời, hoàn thiện dịch vụ bốc xếp hàng hóa, bao gồm cả hoạt động bốc xếp container; dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa, bao gồm cả hoạt động kinh doanh kho bãi container và kho xử lý nguyên liệu, thiết bị.

Trên cơ sở các quy hoạch cũng như sự quan tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật cảng từ Trung ương và tỉnh Thanh Hóa, các chủ đầu tư khai thác cảng ở Nghi Sơn cũng chủ động hiện đại hóa để tăng hiệu quả hoạt động của các bến. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cảng quốc tế Nghi Sơn Cao Minh Xuân cho biết: Công ty được quy hoạch 9 bến, nay đã đầu tư hoàn thiện 6 bến với diện tích cảng là 33 ha, trong đó kho bãi chiếm 2/3 diện tích. Để tăng năng lực bốc xếp hàng rời, công ty đã đầu tư 11 cần cẩu chân đế cẩu bờ, các xe nâng hàng, xe cuốc... Với bốc xếp hàng container, đơn vị cũng đã đầu tư cài đặt phần mềm 3 hệ thống trục container tự động (ngoài tàu), trong bãi và 4 xe nâng, bảo đảm giải phóng công suất tàu nhanh trong 24 giờ. Về lâu dài, căn cứ nhu cầu thị trường, công ty sẽ đầu tư tiếp các hạng mục khác.

“Hiện nay Bộ Giao thông - Vận tải đang thi công luồng chính Nam Nghi Sơn, nâng độ sâu, bề rộng luồng gấp gần 2 lần, có thể đón một lúc 2 luồng tàu. Để đón đầu việc này, chúng tôi đã tiến hành nạo vét khu trước bến để đón tàu 70.000 tấn, dự kiến hoàn thành trong năm 2024”, ông Cao Minh Xuân cho biết thêm.

Cảng biển Nghi Sơn đang phát triển năng động với nhiều tiềm năng của một cảng quốc tế. Tuy nhiên, những kết quả đạt được đến nay vẫn chưa tương xứng. Nhiều tồn tại trong các khâu dịch vụ, số hãng tàu quốc tế đến còn ít, thời gian, giá cước, tần suất thực hiện dịch vụ liên quan... đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải khắc phục.

Bài và ảnh: Lê Đồng

Bài 2: Những thành quả bước đầu.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]