(Baothanhhoa.vn) - Vào ngày này cách đây 66 năm (23-9-1954), theo chỉ định của Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam Nguyễn Chí Thanh, Đoàn công tác Thể dục Thể thao Quân đội (Thể Công) được thành lập.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hoài niệm màu đỏ

Vào ngày này cách đây 66 năm (23-9-1954), theo chỉ định của Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam Nguyễn Chí Thanh, Đoàn công tác Thể dục Thể thao Quân đội (Thể Công) được thành lập.

Hoài niệm màu đỏHình ảnh đầy hoài niệm về Thể Công.

Thể Công là tên viết tắt của cụm từ “Thể dục thể thao công tác đội”. Hạt nhân đầu tiên của đội gồm 23 cán bộ, chiến sĩ của Trường Sĩ quan Lục quân I được chia làm ba đội: Bóng đá 11 cầu thủ, bóng rổ 5 người và bóng chuyền 6 người.

Kể từ đó, đội bóng đá Thể Công trở thành một phần lịch sử, một tượng đài của bóng đá nước nhà.

Với những người thuộc thế hệ 9x, 10x, cái tên Thể Công có thể không để lại nhiều cảm xúc, nhưng với những thế hệ 8x trở về trước, cái tên Thể Công đơn giản là một huyền thoại.

Lục tìm lại những trang viết, những dòng tư liệu về Thể Công, tình cờ gặp đoạn giới thiệu về FC Viettel - “hậu duệ” của Thể Công trên trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, có mấy dòng: Tên đầy đủ: Câu lạc bộ bóng đá Viettel; Biệt danh: Thể Công. Dù biết, đây là trang kiến thức bách khoa toàn thư tự do, song người đọc không khỏi có chút bâng khuâng, chạnh lòng.

Cái tên từng là mệnh lệnh từ trái tim của mỗi cầu thủ, là “đoàn hùng binh” của quân đội, là “tín ngưỡng” của biết bao thế hệ người hâm mộ, là niềm tự hào của bóng đá nước nhà, trở thành biệt danh - một biệt danh... của chính mình.

Đó là đội bóng đá chỉ sau 1 năm thành lập, trưởng thành nhanh chóng trong bom đạn, đã vô địch Giải bóng đá Hòa Bình - giải bóng đá đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức tại Hà Nội năm 1955. Là đội bóng thống trị bóng đá miền Bắc suốt những năm 1960 trở về sau và có tới 8/11 cầu thủ trong đội tuyển quốc gia.

Là đội bóng đại diện cho quốc gia thi đấu giao hữu với đội tuyển Cuba trên sân Hàng Đẫy năm 1970 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hàng vạn khán giả. Sau khi chứng kiến Thể Công ngoan cường ngược dòng giành thắng lợi 3-2, buổi tối, đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đến thăm đội kể lại, trên đường về nhà, người dân đổ xuống đường ăn mừng khiến ôtô của Đại tướng không đi được. Họ nói với Đại tướng: “Quân đội ta anh hùng quá đại tướng ạ!”.

Là đội bóng đã ngoan cường giành chiến thắng 8/11 trận trong chuyến du đấu tại Trung Quốc năm 1974, trong đó có trận thắng để đời trước đội Bát Nhất của Quân đội Nhân dân Trung Quốc - đội bóng mạnh nhất Trung Quốc thời điểm đó. Chiến công này, trở thành bản anh hùng ca oanh liệt bậc nhất trong lịch sử Thể Công.

Đội bóng mà mỗi lần thi đấu trên sân Hàng Đẫy, người dân Hà Nội để có được tấm vé vào xem, sẵn sàng đổi cả vỏ xe đạp, đồng hồ... vậy mà có lúc vẫn không tìm được vé.

Đội bóng của những cái tên đã trở thành huyền thoại của bóng đá Việt Nam, là Nguyễn Thế Anh (Ba Đẻn), Nguyễn Cao Cường, Quản Trọng Hùng, Vương Tiến Dũng, Nguyễn Trọng Giáp, Vũ Mạnh Hải, Nguyễn Hồng Sơn, Trương Việt Hoàng, Nguyễn Đức Thắng, Triệu Quang Hà, Đặng Phương Nam...

Đội bóng của những hình ảnh mang tính biểu tượng cho tinh thần, ý chí, khát vọng và vẻ đẹp của “những người lính đá bóng”: Pha ăn mừng theo phong cách nhà binh của Nguyễn Hồng Sơn tại Tiger Cup 1998 - sau này được Bùi Tiến Dũng tái hiện.

Ai đã trót yêu “đội quân màu đỏ”, sẽ thấy những ký ức tốt đẹp cứ thế lớp lớp dội về trong những ngày này, từ những trận “siêu kinh điển” với Công an Hà Nội, những lần đăng quang ngôi vô địch, hình ảnh con bò nhẩn nha gặm cỏ trên sân Hàng Đẫy...

Bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp, những cái tên đã trở thành một phần tâm hồn của khán giả, từ Cảng Sài gòn, Công an TP Hồ Chí Minh, Công an Hà Nội... đều lần lượt bị “xóa sổ”.

Ngày 22-9-2009 (trước ngày kỷ niệm 55 năm thành lập Đoàn thể thao Thể Công) Bộ Quốc phòng đã quyết định xóa tên Thể Công - một “cuộc chia ly màu đỏ”, để lại không ít day dứt và tiếc nuối.

Những cái tên đội bóng mang thương hiệu doanh nghiệp trở nên xa lạ với khán giả.

Có câu chuyện rằng: Một doanh nhân và một vị giáo sư cùng ủng hộ tiền cho quê hương để xây đường, phục dựng lại đình làng. Vị doanh nhân vào ngày khánh thành con đường, đã cho dựng một tấm biển bằng đá hoành tráng, khắc tên mình vào đó. Vài năm sau thì mưa nắng gột rửa, rêu phong bám đá và chẳng mấy ai nhìn đến tảng đá khắc chữ cầu kỳ ấy nữa. Vị giáo sư giấu danh tính mình, thì người dân hàm ơn tìm hiểu, khi biết được danh tính thì một truyền mười, mười truyền trăm... âm thầm ngưỡng mộ, tri ân.

Ngày 23-9-2011, nhân kỷ niệm lần thứ 57 ngày thành lập, hàng trăm cán bộ, cầu thủ, cổ động viên mọi thế hệ từng là người của Thể Công đã quyết định khởi động “chiến dịch” thu thập 1 triệu chữ ký ủng hộ trên cả nước để kiến nghị Bộ Quốc phòng về việc thành lập lại đội bóng Thể Công

Năm 2014, khi nhiều thông tin bên lề khẳng định Viettel sẽ từ bỏ bóng đá, cầu thủ trẻ Nguyễn Đức Hoàng Minh có pha ăn mừng gây ấn tượng rất mạnh: Lột áo thi đấu để nêu thông điệp “I Love Thể Công” - Tôi yêu Thể Công ở trận đấu cuối vòng loại U17 quốc gia.

Thế đấy, “Binh chủng đặc biệt” của Quân đội Nhân dân Việt Nam - theo cách dùng từ của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, vẫn sống mãnh liệt trong lòng khán giả nước nhà và lớp lớp thế hệ cầu thủ sau này.

Thế nên với nhưng người hoài cổ, cái tên Viettel FC vẫn còn có phần “xa mặt, cách lòng”.

Nguyên Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]