(Baothanhhoa.vn) - Thế giới của những người mù nhỏ xíu như cái chum, chỉ những gì sờ được, nghe được, ngửi được mới tồn tại. Nhưng họ đã và đang chứng minh bản thân có thể sinh hoạt, làm việc, giải trí gần tương tự người sáng mắt. Tuy vậy, trước khi có thể sống tự lập và hòa nhập với xã hội, đa số họ phải làm quen với những kỹ năng “sống còn”..., và cô giáo Lê Thị Ánh Dương, giáo viên Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề cho người mù tỉnh, là một người như thế.

Thế giới của người mẹ mù

Thế giới của những người mù nhỏ xíu như cái chum, chỉ những gì sờ được, nghe được, ngửi được mới tồn tại. Nhưng họ đã và đang chứng minh bản thân có thể sinh hoạt, làm việc, giải trí gần tương tự người sáng mắt. Tuy vậy, trước khi có thể sống tự lập và hòa nhập với xã hội, đa số họ phải làm quen với những kỹ năng “sống còn”..., và cô giáo Lê Thị Ánh Dương, giáo viên Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề cho người mù tỉnh, là một người như thế.

Thế giới của người mẹ mù

Từ tría sang phải: Nhan sắc năm 21 tuổi của cô giáo Lê Thị Ánh Dương trước khi sự việc đau lòng xảy ra. Chuyện tình của cô Lê Thị Ánh Dương và chồng - anh Nguyễn Đình Cường khiến nhiều người ngưỡng mộ. Tuy đôi mắt không nhìn thấy, cô Dương vẫn có thể sinh hoạt “bình thường” trong ngôi nhà của mình... từ nấu ăn, dọn dẹp đến chăm sóc con cái.

Tai họa ập đến

Sáng một ngày cuối tuần, cô Dương dò gậy nấu bữa cơm đơn giản cho gia đình dưới sự giám sát của mẹ ruột. Quờ tay đặt cái nồi lên bếp và từ từ cho dầu ăn (chắt sẵn trong bát) vào nồi, cô lùi lại một chút, sờ soạng kiểm tra cái nồi ngay ngắn chưa, đắn đo một lúc rồi mới bật lửa, xào tỏi, bỏ rau vào và đậy vung. Trong vài phút chờ rau chín, cô Dương chăm chú đong từng muỗng gia vị đổ chung vào bát, hòa ít nước rồi cho vào nồi nêm nếm. Món rau muống xào tỏi đã xong!. Lần tay lấy chiếc đĩa trên kệ để đổ rau, cô Dương nói: “Người mù sợ nhất là dao và lửa. Nhưng đó là những thứ cơ bản của cuộc sống, tập dần thì cũng quen. Bây giờ tôi có thể phụ mẹ, chồng làm việc nhà và nấu mấy món cơ bản cho gia đình”.

Thế giới của Lê Thị Ánh Dương dừng lại ở năm 21 tuổi, khi đang là giáo viên tiếng Anh của một trường học ở huyện Quảng Xương. Đó là một buổi tối mùa hè năm 2001, lúc về gần đến nhà sau một buổi đi dạy thêm, có cái gì đó lành lạnh tạt mạnh vào người cô. Một cảm giác cháy da, cháy thịt ập đến. Cô la lên thất thanh và ngất xỉu. Cô bị bỏng axit nặng. Toàn thân nham nhở những vết bỏng xé sâu và mắt không còn nhìn thấy ánh sáng. “Bạn tưởng tượng chiếc túi nilon bị hơ lửa, sun vào như thế nào thì cơ thể tôi lúc ấy như thế. Mỗi một giây axít lại ngấm sâu vào da thịt tôi. Axít chảy xuống cổ, ngực. Tôi cảm nhận rõ nó đốt cháy quần áo của mình ra sao. Tôi không thể làm gì ngoài việc kêu gào liên tục đến khản giọng", cô Dương rùng mình nhớ lại.

Sau khi nhận được thông báo từ phía công an, kẻ gây án không ai khác lại chính là người yêu cũ của cô và em trai gã, cô rất sốc. Sự thật ấy khiến tinh thần của cô sa sút nghiêm trọng. Những tháng ngày sau đó cô phải sống trong tuyệt vọng và tủi hận. Cô Dương nghẹn ngào: “Lúc đó, tôi mất hết hy vọng. 21 tuổi, tôi có công việc mà mình mơ ước và rất nhiều dự định cho tương lai. Nhưng rồi cuộc đời tôi quay về con số 0, thậm chí còn dưới 0. Những ca phẫu thuật liên tiếp khiến tôi không thể chịu nổi. Tôi đã nhiều lần van xin mẹ hãy để tôi được chết. Tuy nhiên một lần nhắm mắt nhưng chưa ngủ tôi nghe tiếng bố tôi nghẹn ngào “Xin cứu con tôi”. Lòng tôi quặn thắt..., từ đó tôi không dám nghĩ đến cái chết nữa”.

Trải qua 16 lần phẫu thuật, bác sĩ giữ được mạng sống cho cô nhưng không thể giữ được đôi mắt. Lần cuối cùng cô thấy mẹ, con mắt mẹ hơi nhỏ, khuôn mặt trái xoan. Bố có nhiều nếp nhăn trên trán. Cô gắn hình ảnh tưởng tượng của bố mẹ mình với người già hồi xưa mình biết và tưởng tượng thêm. Tất cả những gì ngoài sải tay người mù là ngoài vòng kiểm soát. Họ không thể nào biết được chỉ một bước chân thôi, mình có lọt xuống hố hay không. Rất nhiều người mù vì thế chỉ quanh quẩn trong nhà, không dám bước ra đường, cuộc đời chỉ dừng lại một chỗ.

Biết chắc một điều, không chết thì phải sống, cô Dương bước vào bóng tối - thế giới mới của mình với phương châm “từ từ rồi nó sẽ qua, cuộc đời là như vậy”. Những cục bầm, sẹo do vấp phải bàn ghế, đồ đạc; chiếc môi sưng vù do va phải cánh cửa... là dấu tích cho một cuộc sống không yên bình của người mù. “Có những nỗi đau không thể diễn tả bằng lời, nhưng mà khóc một mình rồi thôi, chôn vùi hết”, cô Dương nói.

Trời không phụ lòng người, ngoài nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ của gia đình và ban lãnh đạo Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa, cô giáo Lê Thị Ánh Dương hiện là người khiếm thị duy nhất ở Thanh Hóa được đặc cách vào biên chế của ngành giáo dục. Cô cũng là giáo viên dạy môn tiếng Anh bằng chữ nổi duy nhất ở tỉnh. Cô Dương chia sẻ: “Tôi đã sống sót sau nỗi đau đớn, sau những hoảng loạn, sau nước mắt và tiếng la hét, sau cả những lần chỉ mong được chết. Tôi trở thành một người khác, lạc quan hơn. Giờ đây tôi tin chắc một điều bi kịch của hơn 20 năm về trước không thể nào hủy hoại cuộc đời mình”.

Chăm con bằng sờ, nắm, ngửi...

Không chỉ là tấm gương sáng về nghị lực, tổ ấm hạnh phúc của gia đình cô Dương cũng khiến không ít người ngưỡng mộ. Chồng cô - anh Nguyễn Đình Cường là một người sáng mắt. Anh đến khi cô đang trải qua những ngày tháng đớn đau nhất của cuộc đời. “Chẳng hiểu thế nào sau đó anh lại đem lòng yêu thương một người tàn tật, mang khuôn mặt xấu xí do axit tàn phá như tôi. Anh ít hơn tôi một tuổi. Tâm hồn của anh rất rộng lượng và vị tha”, cô Dương xúc động nói về chồng.

Vượt qua rào cản, định kiến của gia đình và xã hội, tháng 8-2005, hai vợ chồng đăng ký kết hôn và sống cuộc sống “một túp lều tranh, hai trái tim vàng”. Hằng ngày, ngoài giờ làm thuê, anh Cường tranh thủ chở vợ tới Hội Người mù dạy chữ nổi cho trẻ. Năm 2008, tình yêu của đôi vợ chồng trẻ đơm hoa kết trái khi đón con gái đầu lòng. Còn nhớ, lúc y tá bế đứa con đỏ hỏn đến đặt vào tay, cô Dương ngập ngừng sờ nắn. Đôi bàn tay khựng lại trước sinh linh bé nhỏ đang cựa quậy. Hai vợ chồng đặt tên con là Nguyễn Lê Bảo Ngọc. Bé lớn lên khỏe mạnh, dễ thương và kháu khỉnh như một minh chứng cho tình yêu của họ.

Từ khi có con, cuộc sống của người mẹ mù thay đổi hoàn toàn. Dù có mẹ đẻ hỗ trợ, cô Dương vẫn bận rộn với việc bỉm sữa, ăn uống, tắm rửa cho con... tay chân không ngừng nghỉ. Thời gian đầu pha sữa, cô thường làm đổ hoặc vón cục, đôi lần bị bỏng nước sôi... Sau vài lần trầy trật, cô Dương tìm được cách khắc phục. Cô lấy nắp bình sữa múc đầy nước đổ vào bình. Thông qua chồng và mẹ, cô biết được mỗi nắp nước là bao nhiêu mi li lít và mấy nắp sẽ đầy bình sữa. Từ đó, cô kết hợp số lượng muỗng sữa tương ứng. Khi cho con uống sữa, cô một tay cầm bình, một tay vừa ôm vừa xác định vị trí miệng bé để đút sữa vào. Khi con tập bò, tập đi trong nhà, cô quờ chân bước rón rén vì sợ giẫm phải con. Đến tuổi con tập đi, cô Dương đeo vào chân bé cái dây trang sức gắn lục lạc để biết bé đang ở đâu. Mỗi lần kiểm tra con tiểu tiện hay không, bên cạnh ngửi mùi, cô Dương còn sờ bên trong cái tã con mặc. Cô cười bẽn lẽn: “Lỡ sờ trúng phân của bé cũng đâu có sao, con mình mà!”.

Với người khiếm thị, lúc con ốm đau, việc đo nhiệt độ (sốt) và chia thuốc cho bé uống cũng khá khó khăn. Theo cô Dương, sau khi mua thuốc, cô thường nhờ mẹ và chồng chỉ dẫn cẩn thận. Với thuốc ho dạng siro, cô rửa tay thật sạch rồi rờ những ngấn cộm trong lòng cốc để canh liều lượng. Khi được hỏi có sợ con bị lạc, bị bắt cóc không, cô Dương khẳng định: “Người mù canh con kỹ lắm, thậm chí kỹ hơn người sáng mắt. Trên tivi thi thoảng vẫn có tin tức về người sáng cho con uống nhầm thuốc. Con của người mù không có chuyện đó đâu”.

Mong muốn lớn nhất trong đời của cô giáo Dương là được một lần nhìn mặt con, xem mắt nó một mí hay hai mí, hàng mi dày hay mỏng, da sáng hay ngăm. Bảo Ngọc giờ đã 14 tuổi, mỗi ngày cô đều sờ nắn chân tay con để thấy con lớn lên mỗi ngày. Cô Dương xúc động kể lần cô đưa con đi học thêm chuẩn bị vào lớp 1. Lúc đó, sợ con mặc cảm, cô định lánh mặt: “Lỡ bạn con gặp mẹ, tụi nó trêu Bảo Ngọc có mẹ tàn tật thì tội nghiệp cho con”. Cô gái nhỏ dứt khoát: “Ai nói kệ người ta, con không quan tâm. Miễn sao mẹ đi với con là được rồi!”.

Bây giờ, Bảo Ngọc là đôi mắt dẫn đường của mẹ. Mẹ muốn đi đâu, Bảo Ngọc đều háo hức song hành... “Tôi chắc sắp được nhờ rồi”, cô Dương nói, miệng cười tươi, hướng ánh mắt vô định vào nơi có tiếng con gái đang nô đùa cùng các bạn hàng xóm. Cô Dương bảo, chỉ mong có sức khỏe, hai vợ chồng làm ăn cùng nuôi con khôn lớn. “Được thế chẳng có hạnh phúc nào sánh bằng”, người phụ nữ nghị lực nói.

Cô giáo Lê Thị Ánh Dương đã thực sự hồi sinh từ vẻ bề ngoài đến cảm xúc trong tâm hồn, những rạn vỡ và đau đớn đã được cô chôn chặt trong lòng. Dù cho những tổn thương phải chịu đựng, dù cho những đau đớn cô phải gánh chịu, dù cho những mất mát mà cô phải đón nhận... cô Dương của ngày hôm nay đã chứng tỏ được bản lĩnh của mình, luôn vươn lên, cố gắng hết mình ắt sẽ được đền đáp xứng đáng.

Bài và ảnh: Tăng Thúy


Bài và ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]