(Baothanhhoa.vn) - Là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, diện tích sản xuất lúa hằng năm đạt hơn 250.000 ha. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiệu quả kinh tế cây lúa thấp hơn so với những cây trồng khác, bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt lao động, biến đổi khí hậu, nhu cầu của thị trường... đòi hỏi người sản xuất cần thay đổi tư duy để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.

Thay đổi tư duy trong sản xuất lúa

Là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, diện tích sản xuất lúa hằng năm đạt hơn 250.000 ha. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiệu quả kinh tế cây lúa thấp hơn so với những cây trồng khác, bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt lao động, biến đổi khí hậu, nhu cầu của thị trường... đòi hỏi người sản xuất cần thay đổi tư duy để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.

Thay đổi tư duy trong sản xuất lúaNgười dân xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa) chăm sóc lúa.

Tại cánh đồng sản xuất lúa xã Thiệu Phúc (Thiệu Hóa), HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Phúc đã trồng khảo nghiệm thành công lúa giống chất lượng cao J02, Q5 và hiện đưa vào sản xuất diện rộng. Trước mỗi vụ sản xuất, HTX đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP; cùng với đó, cung cấp lúa giống và dịch vụ nông nghiệp, tăng cường kiểm tra đồng ruộng để dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh mới phát sinh để khuyến cáo bà con nông dân xử lý kịp thời. Hiện nay, hầu hết các hộ sản xuất đều đã thực hiện nghiêm túc kỹ thuật canh tác tiên tiến, cơ giới hóa đồng bộ, tạo thói quen ghi chép các công đoạn bón phân, phun thuốc, thu hoạch... nhất là ứng dụng công nghệ máy bay không người lái vào công đoạn phun thuốc bảo vệ thực vật để tiết kiệm chi phí lao động, bảo vệ sức khỏe người dân.

Ông Đỗ Tiến Lực, người dân xã Thiệu Phúc, cho biết: Hiện nay, thị trường đòi hỏi sản phẩm lúa gạo không chỉ ngon mà cần chất lượng hơn, bảo đảm an toàn sức khỏe. Do đó, chúng tôi lựa chọn giống J02 để sản xuất đại trà, phương thức sản xuất cũng thay đổi để đáp ứng nhu cầu thị trường. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo nguyên tắc “4 đúng”, hiệu quả kinh tế cao gấp 1,3 lần so với canh tác truyền thống.

Hiện nay, tỷ lệ sử dụng các giống lúa đạt năng suất, chất lượng cao trên địa bàn tỉnh chiếm tới 90%. Các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, có năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng thích ứng và chống chịu đã được người dân đưa vào gieo trồng, như: Thái Xuyên 111, VT 404, Phúc Thái 168, Q5, Lam Sơn 8, TBJ03, ĐD 2, Lộc Trời 183, CNC11, BQ, Bắc Thịnh, TBR225, Thiên Ưu 8, Nếp Thơm 86...

Từ việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa để nâng cao chất lượng sản phẩm, người dân cũng đã chú trọng xây dựng các mô hình liên kết, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Tại huyện Hoằng Hóa, toàn huyện đã xây dựng được vùng lúa thâm canh tại 27 xã, với tổng diện tích 3.250 ha/vụ; trong đó, mỗi vụ có gần 200 ha lúa được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp. Theo đó, người dân đã chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất, chỉ 1 đến 2 giống lúa để gieo trồng trên một cánh đồng, được doanh nghiệp kiểm soát kỹ thuật canh tác theo yêu cầu, sản phẩm được doanh nghiệp cam kết thu mua đúng với hợp đồng ký kết.

Từ việc thay đổi tư duy trong sản xuất lúa của người dân, có thể thấy năng suất bình quân đã tăng khoảng 59 tạ/ha, hình thành và phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa, tập trung, thâm canh năng suất, chất lượng hơn 158.000 ha/năm. Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành và phát triển được nhiều mô hình liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi đạt hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình sản xuất, chế biến lúa gạo của Công ty CP Thương mại Sao Khuê với các hộ dân ở các huyện: Đông Sơn, Triệu Sơn, Nông Cống...; mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa Công ty CP Bắc Trung Bộ với các hộ dân tại các xã Quảng Văn, Quảng Hòa, Quảng Hợp (Quảng Xương)... Cùng với việc đầu tư sản xuất, trên địa bàn tỉnh cũng chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo, như: gạo nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang, gạo Tiên Sơn, gạo sạch Hương Quê... được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, được thị trường ưa chuộng.

Có thể nói, từ các chính sách hỗ trợ cùng giải pháp đồng bộ của tỉnh, các địa phương đã mang lại những thay đổi tích cực trong tư duy sản xuất lúa gạo của người dân. Không chỉ bảo đảm an ninh lương thực mà còn từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hướng tới mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ an toàn, bền vững và hiệu quả, qua đó nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

Bài và ảnh: Lê Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]